Sign In

Một vài suy nghĩ trong công tác cán bộ của hệ thống Thi hành án dân sự

12/07/2018

          Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển cho thấy, hệ thống Thi hành án dân sự luôn được Đảng, nhà nước quan tâm, nhất là công tác cán bộ. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp v.v.. đã ban hành và từng bước hoàn thiện các qui định của pháp luật về thi hành án dân sự, chú trọng đến công tác cán bộ, các chính sách cán bộ, bảo đảm chế độ, chính sách, tạo điều kiện cho công chức, người lao động an tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đây cũng là một trong những công tác được lãnh đạo Tổng cục THADS chú trọng: “Công tác cán bộ phải đặt lên hàng đầu”, “Cần đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ, xây dựng lực lượng tinh nhuệ, có năng lực đảm bảo các yêu cầu trong tình hình hiện nay”. Tuy nhiên, sự quan tâm trong công tác cán bộ thời gian qua đối với hệ thống Thi hành án vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiều bất cập bộc lộ, chưa tạo động lực thực sự để động viên, khuyến khích người làm công tác thi hành án dân sự.
 
 Một vụ cưỡng chế THADS đương sự chống đối lực lượng cưỡng chế
          Chế độ, chính sách chưa đồng bộ
          Một trong những chế độ đã trực tiếp ảnh hưởng và “phân tầng” thu nhập giữa các bộ phận công chức đó là, chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp thâm niên nghề do qui định không đồng bộ. Cụ thể, trong cùng một cơ quan THADS lại có đối tượng được hưởng, đối tượng không được hưởng mặc dù năng lực, trình độ bằng nhau, thậm chính còn tốt hơn, nên trong công việc chưa thật sự khuyến khích, cá biệt có sự so bì, đùn đẩy, làm việc không hết mình. Lương đã thấp, lại không được hưởng phụ cấp, tâm lý công chức ở các ngạch này, như kế toán, văn thư, thủ kho, thủ quỹ, công nghệ thông tin không thật sự mặn mà với vị trí công việc của mình, tìm cách chuyển công tác đến cơ quan khác hoặc bằng mọi cách xin học thêm văn bằng 2, chuyên ngành luật để xin được chuyển sang các ngạch được hưởng các chê độ phụ cấp (thư ký, thẩm tra viên). Điều này, đã làm ảnh hưởng rất lớn tâm lý công chức; không ổn định về cơ cấu và tính bền vững giữa các ngạch công chức trong cơ quan THADS; đồng thời, không xây dựng được đội ngũ cán bộ có chuyên môn giỏi nói chung, ở các ngạch nói trên nói riêng. Mặt khác, hiện nay chưa qui định chế độ bảo hiểm nghề nghiệp, một số công chức có tâm lý chỉ muốn làm thư ký hoặc thẩm tra viên, không muốn đảm nhiệm chức danh Chấp hành viên, do công tác THADS rất phức tạp, dễ sai phạm và rủi ro, phát sinh trách nhiệm bồi thường.   
          Điều kiện thi nâng ngạch công chức chưa phù hợp
          Theo qui định của pháp luật về cán bộ, công chức, Thông tư số 05/2017/TT-BNV, ngày 15.8. 2017 của Bộ Nội vụ thì công chức được dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính thì thời gian giữ ngạch chuyên viên và tương đương là 9 năm, trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên chỉ đủ 12 tháng; nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp thì thời gian giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương là 6 năm, trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên chính chỉ đủ 12 tháng. Tuy nhiên, theo qui định của Luật THADS, Thông tư số 03/2017/TT-BTP, ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tư pháp thì để được tham gia dự thi nâng ngạch lên chấp hành viên trung cấp, chấp hành viên cao cấp thì thời gian giữ ngạch CHV sơ cấp (thi lên CHV trung cấp), CHV trung cấp (thi lên CHV cao cấp) là phải đủ 5 năm (60 tháng). Qui định như trên là rất bất hợp lý, vì hiện tại trong hệ thống cơ quan THADS, lực lượng cán bộ còn rất mỏng, nhất là công chức giữ chức vụ lãnh đạo. Hiện nay, hệ thống THADS đang thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, thực hiện công tác luân chuyển, điều động công chức từ các ngạch khác để bổ sung CHV hoặc từ Tổng cục THADS, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện sang đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cơ quan THADS. Việc yêu cầu công chức mới được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm từ các ngạch công chức khác, cơ quan khác (có trường hợp đã giữ ngạch tương đương với ngạch CHV hơn 10 năm) giữ chức vụ lãnh đạo phải có thời gian giữ ngạch CHV đủ 5 năm để được tham gia thi nâng ngạch là không những không phù hợp với các qui định của Luật cán bộ, công chức mà còn không đảm bảo chế độ, chính sách, quyền lợi; không khuyến khích công chức ở các ngạch khác, ngành khác về công tác trong điều kiện cơ quan THADS còn rất thiếu lực lượng. Do đó, để phù hợp với qui định chung về điều kiện về thời gian giữ ngạch tham gia thi nâng ngạch CHV cơ quan THADS, cần phải qui định thời gian giữ các ngạch tương tương với ngạch CHV, trong đó thời gian giữ ngạch CHV là đủ 12 tháng như Thông tư số 05/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ.  
          Công tác luân chuyển cán bộ còn nhiều bất cập
          Luân chuyển cán bộ cơ quan THADS là một chủ trương lớn trong công tác cán bộ của ngành, nhằm từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đào tạo, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo kế cận, góp phần sắp xếp cán bộ một cách hợp lý hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó, tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương khép kín trong thực hiện nhiệm vụ do cán bộ giữ một chức vụ khá lâu hoặc bố trí chưa phù hợp với năng lực, sở trường công tác. Tuy nhiên, chế độ chính sách luân chuyển, như: hỗ trợ khó khăn ban đầu hoặc hỗ trợ thường xuyên, tiền ăn, ở… cho cán bộ luân chuyển chưa được Bộ Tư pháp qui định, nhằm động viên sự an tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ mới được giao. Trong khi đó, các ngành khác của địa phương, được tỉnh cho hưởng đầy đủ các chế độ như: Hỗ trợ khó khăn một lần, trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ tiền thuê nhà... nên chưa giải quyết được những khó khăn nhất định. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm qui định chế độ luân chuyển, nhằm đảm bảo chế độ, động viên sự an tâm công tác đối với cán bộ luân chuyển.
          Từ lý luận và thực tiễn, chúng ta nhận thức rằng, cán bộ và công tác cán bộ có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng (công việc), là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, công việc thành công hay thất bại đều từ cán bộ. Với vai trò cực kỳ quan trong đó, mới đây Trung ương đã tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ, trong đó tiếp tục chú trọng đối với chính sách cán bộ nhằm xây dựng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu mới. Điều này, rất có ý nghĩa đối với công tác cán bộ nói chung, trong đó hệ thống Thi hành án dân sự cần phải quan hơn nữa chế độ chính sách để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện hiện nay. Để thực hiện tốt chính sách cán bộ, thu hút, động viên, khuyến khích công chức, người lao động công tác, yêu ngành, yêu nghề, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ THADS, thiết nghĩ Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS sớm quan tâm, đồng thời đảm bảo các chế độ chính sách cho công chức, viên chức, người lao động cơ quan THADS.                                        
                                                                                                  Hoàng Việt

Các tin đã đưa ngày: