Sign In

CỤC THADS TỈNH CÀ MAU TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THI ĐUA NƯỚC RÚT

09/07/2018

       Để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch công tác Thi hành án dân sự năm 2018, triển khai nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2018, Ngày 06/7/2018 Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị sơ kết công tác THADS 9 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch thi đua nước rút năm 2018. Hội nghị do đồng chí Huỳnh Văn Hiệu - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Cà Mau chủ trì, dự Hội nghị có các Phó Cục trưởng, Trưởng, Phó trưởng các phòng chuyên môn thuộc Cục và Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS các huyện, thành phố Cà Mau, Chấp hành viên, Thẩm tra viên tại Cục THADS.
       Các cơ quan THADS tỉnh Cà Mau xác định việc thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án được giao trong năm 2018 là hết sức khó khăn, nên ngay từ đầu năm Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các Chi cục THADS trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là các đơn vị có số thụ lý án nhiều, án có giá trị lớn, án liên quan đến ngân hàng…Trong 9 tháng đầu năm 2018, công tác chỉ đạo điều hành, hoạt động của lãnh đạo Cục tiếp tục bám sát cơ sở, thường xuyên chỉ đạo, hoạt động ở địa bàn; đã tổ chức họp giao ban hàng quý để đánh giá tình hình hoạt động, kết quả thực hiện nhiêm vụ, trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo. Qua đó, giúp các đơn vị có định hướng cụ thể, xác định nhiệm vụ từng thời điểm để áp dụng các giải pháp phù hợp, đồng thời giúp các đơn vị tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong qua trình hoạt động.

       Theo báo cáo kết quả thi hành án dân sự 9 tháng đầu năm 2018 của Cục THADS tỉnh Cà Mau cho thấy toàn tỉnh đã thụ lý 17.667 việc, tăng 1.512 việc (9,36%) so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, số cũ chuyển sang là 7.741 việc; số thụ lý mới là 9.926 việc tăng 635 việc (6,83%) so với năm 2017. Qua phân loại có 12.986 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 74,26% trên tổng số phải thi hành), tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2017; 4.501 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 25,74% trên tổng số phải thi hành), ủy thác 180 việc. Đã giải quyết xong 7.857 việc/ 12.986 việc có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 60,5%; số việc phải giải quyết chuyển kỳ sau là 9.630 việc, tăng 18,84% so với số việc năm 2017 chuyển sang.
       Về tiền, tổng số thụ lý hơn 1.341,7 tỉ đồng, tăng hơn 40,42% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, số cũ chuyển sang 781 tỉ đồng; số thụ lý mới là hơn 560,7 tỉ đồng, tăng hơn 89,77% so với cùng kỳ năm 2017. Qua phân loại có 537,5 tỉ đồng có điều kiện giải quyết (chiếm 42,11% trong tổng số phải thi hành), 738,8 tỉ đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm 57,89%), ủy thác 65,5 tỉ đồng. Đã giải quyết xong hơn 109,4 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 20,35%; số tiền còn phải giải quyết chuyển kỳ sau là 1.166,8 tỉ đồng, tăng 51,38% so với số việc năm 2017 chuyển sang.

        Báo cáo nhận xét đánh giá kết quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Cà Mau 9 tháng đầu năm tuy có chuyển biến tích cực, đã giải quyết xong 7.757 việc đạt 60,2%/ 70% chỉ tiêu được giao. Một số Chi cục THADS về việc đạt khá cao như Phú Tân (71,5%), U Minh (69,9%), Cái Nước (69,8%), Thới Bình (68,6%), về giá trị Chi cục Ngọc Hiển (40,9%), U Minh (41,3%), Cái Nước (36,9%). Bên cạnh kết quả đạt được về việc thì kết quả thi hành án xong về giá trị đạt còn thấp, mới đạt 20,35%./32% chỉ tiêu được giao. Tỉ lệ giải quyết về tiền đạt thấp là do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân khách quan chi phối rất lớn đó là: giá trị thụ lý về tiền tăng rất cao (trên 40,42% so cùng kỳ 2017), các khoản phải thi hành liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số phải thi hành (trên 59,84%), một số án có giá trị lớn, án liên quan đến ngân hàng mới thụ lý, trong khi đó nhiều tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay các tổ chức tín dụng thẩm định khi cho vay không chính xác, chênh lệch quá xa với giá trị thực của tài sản, thế chấp chồng chéo, tài sản là dây chuyền sản xuất, nhà xưởng, máy móc đã lạc hậu công nghệ, tài sản thế chấp để đảm bảo các khoản vay của ngân hàng đưa ra bán đấu giá, mặc dù đã giảm giá rất nhiều lần nhưng vẫn chưa có người mua, một phần do quy trình, thủ tục xử lý tài sản (nhất là thủ tục xử lý bất động sản) quá rườm rà, thiếu tính thực tiễn một phần do người có tiền, có nhu cầu nhưng tâm lý họ rất ngại mua tài sản liên quan đến thi hành án, vì thủ tục phức tạp, tài sản có thể bị tranh chấp, củng có thể chưa sử dụng được ngay do bị tái chiếm sau khi nhận, một số người phải thi hành án thiếu ý thức chấp hành pháp luật, luôn tìm mọi cách trì hoãn, trốn tránh, cản trở việc thi hành án thậm chí còn lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo nhiều nơi để kéo dài. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo đơn vị trong quản lý, điều hành còn thiếu tính khoa học, chưa quyết liệt, sâu sát; trong phân công nhiệm vụ thiếu tính kế hoạch, chưa phát huy hết trách nhiệm trong quản lý, điều hành, một số Chấp hành viên thiếu tính chủ động, chưa có nhiều giải pháp phù hợp, tổ chức thi hành vụ việc thiếu tính đeo bám.
 
       Các đại biểu dự Hội nghị đã có nhiều ý kiến trao đổi thảo luận liên quan đến công tác thi hành án, trong đó tập trung thảo luận, đánh giá cụ thể những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là từ phía chủ quan dẫn đến kết quả thi hành về giá trị trên địa bàn còn thấp, phân tích làm rõ nguyên nhân đã ảnh hưởng, chi phối đến kết quả thi hành án. Qua đó đã đề xuất, đưa ra các giải pháp cụ thể thiết thực, phù hợp cho từng đơn vị, từng vụ việc cụ thể và các Chi cục đã bày tỏ quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung chỉ đạo, thực hiện đặc biệt là chỉ tiêu về giá trị, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2018.

       Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Huỳnh Văn Hiệu - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Cà Mau, ghi nhận những kết quả đã đạt được, sự nổ lực, cố gắng của các đồng chí Lãnh đạo, Chấp hành viên và công chức của các cơ quan THADS trong tỉnh thời gian qua. Đồng chí Cục trưởng đánh giá tình hình thực hiên chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh là hết sức khó khăn, đặc biệt là chỉ tiêu về tiền; đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại thông qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số phòng chuyên môn thuộc Cục và Chi cục, sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, trong việc xác định nhiệm vụ có tính trọng tâm, trọng điểm có tính chất chi phối đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ; ý thức, trách nhiệm của một số công chức có chức danh tư pháp đôi lúc còn chủ quan, chưa tích cực nghiên cứu, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật về THADS dẫn đến việc vận dụng, áp dụng trong thực tiễn còn lúng túng, sai sót, chưa xây dựng kế hoạch cụ thể trong quá trình hoạt động, thực hiện một số vụ việc thiếu tính đeo bám. Đồng chí nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm 2018 không còn nhiều, do vậy các cơ quan THADS trong tỉnh Cà Mau cần nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường công tác cơ sở, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Cục phụ trách địa bàn, chỉ đạo tập trung có trọng tâm, trọng điểm trong việc tổ chức thi hành án, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu xong trên 70% về việc và trên 32% về tiền trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành, phấn đấu giảm án có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2018 so với số năm 2017 chuyển sang. 

       Đồng chí Cục trưởng yêu cầu lãnh đạo các Chi cục, phòng Nghiệp vụ rà soát toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của năm 2018, có giải pháp thiết thực phù hợp để tổ chức giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành theo đúng quy trình đối với các vụ án có giá trị lớn, phức tạp, các khoản nợ của tổ chức tín dụng, các vụ án liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước, những vụ việc có tính chất chi phối đến việc hoàn thành chỉ tiêu được giao, cần tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn còn yếu, trọng điểm, xác định số việc, số tiền cần phải hoàn thành trong 03 tháng cuối năm, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch xác định thứ tự ưu tiên, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành để tổ chức thực hiện đối với từng vụ việc; lãnh đạo tăng cường công tác chỉ đạo, hoạt động địa bàn, thực hiện điều phối, hỗ trợ giữa các Chấp hành viên trong giải quyết án; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo THADS để thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, phân loại án, báo cáo, đối chiếu trong nội bộ; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; tổ chức thực hiện có hiệu quả đợt thi đua nước rút đảm bảo kết quả cao các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu năm 2018 hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tổng cục trưởng Tổng cục THADS.


Theo Cục THADS

Các tin đã đưa ngày: