Sign In

Đà Nẵng đề ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi hành án tín dụng ngân hàng năm 2019

28/07/2019

Đà Nẵng đề ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi hành án tín dụng ngân hàng năm 2019
        Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch tổ chức thi hành án tín dụng ngân hàng và đưa ra những giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi hành án tín dụng ngân hàng năm 2019, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Ngày 26/7/2019 Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết Kế hoạch và giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi hành án tín dụng ngân hàng năm 2019.
        Thực hiện Kế hoạch số 621/KH-TCTHADS ngày 26/02/2018 của Tổng Cục Thi hành án dân sự chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã triển khai thực hiện, ngay từ đầu năm yêu cầu các Chấp hành viên xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành đối với từng vụ, việc và thường xuyên theo dõi, đôn đốc chỉ đạo Chấp hành viên trên địa bàn tổ chức thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2019 các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức thi hành xong 58 việc , thu được hơn 177 tỷ đồng.
 

 
       Quá trình tổ chức thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng tại địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua có những thuận lợi: Công tác phối hợp và thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thi hành án và Ngân hàng đã đạt kết quả tích cực. Từ Cục Thi hành án dân sự thành phố đến Chi cục thi hành án dân sự các quận, huyện đã nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm tổ chức thi hành án đối với các vụ việc liên quan đến ngân hàng và các tổ chức tín dụng; tích cực, chủ động, quyết liệt hơn trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án; về phía ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án dân sự, với các đơn vị liên quan trong thi hành án và giải quyết tháo gỡ các vướng mắc trong việc thi hành án; một số ngân hàng thương mại ưu tiên thu tiền nợ gốc trước tạo điều kiện cho người phải thi hành án trả dần phần lãi, có trường hợp ngân hàng miễn, giảm lãi cho người phải thi hành án, tạo điều kiện để thi hành xong vụ, việc... nên kết quả thi hành án ngày một nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước hết xuất phát từ tính phức tạp và đặc thù đối với công tác thi hành án dân sự nói chung và đối với loại vụ việc liên quan đến ngân hàng và tổ chức tín dụng nói riêng: hầu hết tài sản thế chấp là bất động sản và giá trị phải thi hành lớn, nhiều trường hợp cơ quan thi hành án kê biên, thẩm định, bán đấu giá không có người mua, phải hạ giá nhiều lần; ý thức chấp hành pháp luật của người thi hành án chưa cao, người phải thi hành án luôn có thái độ chống đối, gây khó khăn cho người mua nhà, dẫn đến cản trở, chống đối trong quá trình tổ chức cưỡng chế, đặc biệt là đối với nhà ở duy nhất, ảnh hưởng đến an sinh xã hội tại địa phương; nhiều trường hợp giá trị tài sản thế chấp nhỏ so với giá trị phải thi hành, do vậy không giải quyết dứt điểm được vụ, việc; đặc biệt có những vụ, việc thi hành án tín dụng ngân hàng liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành và chính sách của chính quyền địa phương, quy định của Nhà nước, dẫn tới việc các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thực hiện được ( thi hành phần trách nhiệm dân sự trong vụ đại án Phạm Công Danh).
        Tại Hội nghị đồng chí Lê Văn Sáu, Phó Cục trưởng, Tổ trưởng tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng đã đánh giá thực trạng thi hành án tín dụng ngân hàng thời gian qua trên địa bàn thành phố và rà soát những khó khăn, vướng mắc, thảo luận đề ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ, cương quyết xử lý dứt điểm tài sản thế chấp, làm hết trách nhiệm của Chấp hành viên và động viên Ngân hàng nhận tài sản trong trường hợp bán đấu giá không thành theo quy định của pháp luật. Những vụ việc còn vướng mắc, phức tạp kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Cục, Tổng cục THADS hoặc báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự địa phương có hướng tháo gỡ kịp thời.
          Kết luận tại Hội nghị đồng chí Trần Phước Thu, Cục trưởng nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình Chấp hành viên tổ chức thi hành án, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, các vụ án có giá trị lớn. Cương quyết xử lý nghiêm nếu có trường hợp Chấp hành viên có hành vi nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian thi hành án, không xử lý tài sản theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa để nâng cao tỷ lệ kết quả thi hành án cho tổ chức tín dụng, ngân hàng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, do vậy mỗi Chấp hành viên phải bám sát kế hoạch chi tiết từng vụ việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ thi hành, tổ chức xác minh, kê biên, bán đấu giá tài sản.Trường hợp tài sản không bán được, đề nghị ngân hàng và tổ chức tín dụng  nhận tài sản để đảm bảo thi hành án, nhằm góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2019 và đảm bảo kết quả chính xác, bền vững./.
                                                                                                                            Mai Phương
                                                                                                         Văn phòng Cục THADS TP Đà Nẵng

Các tin đã đưa ngày: