Sign In

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp

23/02/2017

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Để thực hiện lời dạy ấy của Người, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng tới công tác tổ chức cán bộ, coi đây là khâu quan trọng trong việc xây dựng cơ cấu bộ máy, cơ chế vận hành của các tổ chức đảng, đoàn thể và chính quyền các cấp.
 
            Những năm gần đây để tiếp tục kiện toàn và phát triển đội ngũ công chức người lao động trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự, ngày 14/3/2014 Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/BCSĐ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2014 – 2016. Đồng thời để cụ thể hóa Nghị quyết, Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 2657/QĐ-BTP ngày 03/10/2014 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCSĐ triển khai đến các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
            Qua gần 03 năm thực hiện Nghị quyết, công tác tổ chức cán bộ nói chung và công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, công tác biệt phái của các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nề nếp; các nhiệm vụ, giải pháp đã cơ bản hoàn thành theo tiến độ của kế hoạch đề ra. Cơ cấu tổ chức cán bộ và các chức danh tư pháp được củng cố kiện toàn về số lượng, cũng như chất lượng; biên chế công chức được phân bổ cho các cơ quan thi hành án dân sự phù hợp hơn và cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm đúng mức. Cụ thể: đến nay, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp có 05 Phòng chuyên môn và 12 Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thị, thành, với tổng biên chế 170/177 biên chế được giao và 29 hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ. Trong đó, có 42 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (01 Cục trưởng, 01 Phó Cục trưởng, 04 Trưởng phòng chuyên môn và tương đương, 06 Phó Trưởng phòng và tương đương, 12 Chi cục trưởng và 18 Phó Chi cục trưởng) và 128 công chức chuyên môn. Về trình độ, có 04 công chức có trình độ Thạc sỹ, 156 công chức có trình độ Đại học, Cao đẳng và 10 công chức có trình độ Trung cấp.
              Đặc biệt hơn, Nghị quyết và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, thực hiện thể chế và Đề án quan trọng, sản phẩm là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự ra đời tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiện quả công tác thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013.
            Song bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị quyết công tác tổ chức cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Quá trình thực hiện Nghi quyết, Trung ương chưa tăng cường được định mức phân bổ kinh phí đào tạo cho cơ sở, chưa thực hiện được một số chế độ, chính sách thiết thực nhất đối với công chức làm công tác thi hành án dân sự như: Nhà công vụ, định mức hỗ trợ kinh phí cho cán bộ công chức được luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác chưa được như định hướng của Nghị quyết; việc triển khai Nghị quyết và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Cục và các Chi cục chưa phong phú; việc cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết trong công tác cán bộ của một số đơn vị còn chậm; đề án vị trí việc làm của các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp chưa được phê duyệt có phần khó khăn trong việc bố trí và sử dụng công chức; công tác tuyển dụng tuy có đổi mới nhưng quy trình nhiều khâu, nhiều bước, thời gian để tuyển dụng lại quá dài dẫn đến ít người tham gia thi tuyển, nhất là thí sinh có trình độ chuyên môn cao, học lực giỏi; công tác quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý có độ tuổi bình quân còn cao, còn khép kín chưa phát hiện nguồn nhân sự từ đơn vị khác ngoài ngành….
            Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, vướng mắc đó là do: lãnh đạo và công chức một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo đơn vị đôi lúc chưa thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện giúp đỡ, uốn nắn những mặt còn yếu để công chức được điều động, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác khắc phục những mặt hạn chế; tại các đơn vị thành phố, thị xã thì các Chấp hành viên có tâm lý e ngại không muốn chuyển đến công tác ở một số huyện vùng xa; việc quản lý của Chi cục trưởng, Trưởng phòng chuyên môn đối với công chức thuộc quyền đôi lúc chưa chặt chẽ dẫn đến công chức có sai phạm trong nghiệp vụ; công tác đánh giá công chức ở một số đơn vị còn lúng túng, việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong nhận xét đối với công chức lãnh đạo ở một số đơn vị còn chậm….
Để công tác cán bộ trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự nói chung và công tác cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp nói riêng trong thời gian tới được ổn định và kiện toàn hơn chúng ta cần tậm trung thục hiện và đề xuất thực hiện một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, Tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của các cơ quan ở Trung ương, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác thi hành án dân sự, mà đặc biệt là công tác cán bộ;
Hai là, Đổi mới hơn nữa công tác tuyển dụng công chức vào làm việc tại các cơ quan thi hành án dân sự đảm bảo đúng quy định và đạt chất lượng. Tuyển dụng phải trên cơ sở thiếu vị trí nào tuyển dụng vị trí đó, tránh tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng. Rút ngắn thời gian các quy trình, có chính sách đãi ngộ để thu hút được người có tài, trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại các cơ quan thi hành án dân sự;
Ba là, Khảo sát, theo dõi, đánh giá chặt chẽ đội ngũ công chức, phân loại số có năng lực, có triển vọng để có kế hoạch bồi dưỡng, bố trí lâu dài; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, đặc biệt là công chức trong quy hoạch để tạo nguồn bổ sung cho các đơn vị còn yếu;
Bốn là, Việc sử dụng đội ngũ công chức chuyên môn cần đảm bảo tính ổn định, phát huy kinh nghiệm, thâm niên nghề nghiệp. Việc bố trí sử dụng công chức đúng người, đúng việc, đúng sở trường; thực hiện trẻ hoá đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính liên tục và phát triển; Thông qua công tác quản lý đánh giá công chức để nắm chắc năng lực từng công chức, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch cán bộ, quản lý và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, ngoại ngữ, tin học ….;
Năm là, Xây dựng lực lượng Chấp hành viên và công chức khác trong toàn ngành có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn trong công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của một công chức chuyên nghiệp, có lòng yêu nghề và luôn tận tâm, tận lực đối với nghề nghiệp;
Sáu là, Cải thiện tốt hơn môi trường làm việc, có những chính sách cụ thể cho công chức khi được tuyển dụng, luân chuyển, điều động nhằm nâng cao chất lượng công chức của các cơ quan thi hành án dân sự; đồng thời gắn với việc khen thưởng, kỷ luật nhằm nâng cao hiệu quả trong giải quyết công việc.
Bảy là, Tăng cường hơn nữa việc kiểm tra và tự kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc trong công tác thi hành án dân sự và công tác tổ chức cán bộ nhằm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự. Xử lý nghiêm những công chức và người lao động có vi phạm tránh nể nang, bao che; Đồng thời, siết chặt kỷ cương, kỷ luật; làm tốt công tác giáo dục tư tưởng công chức Thi hành án dân sự tại Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thị, thành./.
 

Các tin đã đưa ngày: