Sign In

Tổng cục Thi hành án dân sự khảo sát “Đánh giá thực tiễn thi hành Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, tổ chức bộ máy và ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự” tại tỉnh Đồng Tháp

02/08/2019

Tổng cục Thi hành án dân sự khảo sát “Đánh giá thực tiễn thi hành Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, tổ chức bộ máy và ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự” tại tỉnh Đồng Tháp
Theo Kế hoạch số 2028/KH-TCTHADS ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc Khảo sát và Hội thảo về tính khả thi của các quy định trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; khó khăn, vướng mắc trong tổ chức bộ máy Hệ thống THADS; tình hình sử dụng các phần mềm trong thi hành án dân sự, ngày 01/8/2019, Tổng cục THADS đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức các hoạt động khảo sát trực tiếp tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
 
Đoàn khảo sát do Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Lê Thị Kim Dung làm Trưởng đoàn và đại diện các đơn vị Vụ Nghiệp vụ 1, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Tổng cục và Trung tâm Thống kê, quản lý dữ liệu & Ứng dụng công nghệ thông tin tham gia thành viên. Về phía Dự án JICA, có chuyên gia Nagahashi Masanori - Thẩm phán Tòa án Nhật Bản. Tại Đồng Tháp, có tập thể lãnh đạo Cục, Trưởng, Phó các phòng chuyên môn, một số Chi cục trưởng Chi cục THADS cấp huyện, Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp và đại diện các ngành Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Tài nguyên và Môi trường hai cấp tỉnh, huyện và đại diện một số Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.  
Mở đầu buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo Cục THADS, Chi cục THADS huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã báo cáo với Đoàn khảo sát thực tiễn thi hành Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ và ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS tại địa phương; phản ánh cụ thể những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật THADS trên địa bàn tỉnh; kiến nghị, đề xuất nhiều phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; quan điểm của địa phương về việc sáp nhập các phòng chuyên môn thuộc Cục, các Chi cục để tinh gọn tổ chức bộ máy, cân đối lại biên chế Hệ thống THADS, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục khi thực hiện chủ trương sáp nhập; thực trạng cơ sở hạ tầng và tình hình ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương.
Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã nghe các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí Lãnh đạo Cục, các phòng chuyên môn thuộc Cục, lãnh đạo Chi cục, Chấp hành viên, cũng như của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Tài nguyên và Môi trường, Công an, các Ngân hàng… xoay quanh các nội dung khảo sát như: Những khó khăn, bất cập trong việc xử lý tài sản chung của người phải thi hành án với người khác theo Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (khó khăn trong việc xác định phần sở hữu, việc xác định số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu, sử dụng, nhất là đối với việc xác định, phân chia quyền sử dụng đất trước khi có Luật Đất đai năm 2013; việc xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập của pháp luật THADS mâu thuẫn với thời điểm xác lập quyền sở hữu trong quá trình xác minh, thẩm định khi cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hang…); vướng mắc về trình tự, thủ tục khi Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án theo Khoản 2 Điều 75 Luật THADS…
Đồng thời, các đại biểu đã có một số ý kiến đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung pháp luật THADS, cụ thể: Kiến nghị sửa đổi pháp luật THADS phải hướng đến mục đích phục vụ lợi ích của người dân; xem xét việc phân chia tài sản chung nên để ngành Tòa án giải quyết, chứ không để Chấp hành viên phân chia; các ngành Trung ương nghiên cứu, hướng dẫn cho địa phương thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp theo Khoản 2 Điều 75 Luật THADS; xem xét lại quy định về từ chối yêu cầu thi hành án của người dân, nếu cơ quan THADS từ chối như vậy có đảm bảo được quyền lợi của người dân hay chưa, có đảm bảo cho hiệu lực thi hành của bản án của Tòa án không? Đánh giá, cân nhắc việc sáp nhập Chi cục THADS cấp huyện theo hướng có lợi cho người dân; điều chỉnh biên chế cho các tỉnh, thành phố theo hướng có xem xét đến số lượng vụ việc phải thi hành,…  
Song song đó, các ngành Tòa án, Viện kiểm sát, Công an chia sẻ thêm kinh nghiệm của ngành trong việc sáp nhập các phòng, các đội nghiệp vụ, những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện chủ trương sáp nhập…
Qua các ý kiến của đại biểu dự khảo sát, chuyên gia Nagahashi Masanori nhận định buổi khảo sát diễn ra nghiêm túc, chất lượng, đồng thời chia sẽ một số kinh nghiệm trong công tác xét xử, giải quyết án của Tòa án và công tác thi hành án của Nhật Bản, trong đó chuyên gia cũng chia sẽ một số khó khăn nhất định trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp về đất đai... để Việt Nam nghiêu cứu, vận dụng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật THADS.
Kết thúc khảo sát, Trưởng Đoàn khảo sát Lê Thị Kim Dung đã đánh giá cao các ý kiến trao đổi tại buổi khảo sát, giải đáp các vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn công tác được các đại biểu phản ánh, đồng thời ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất của địa phương, trên cơ sở đó Đoàn khảo sát sẽ nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật THADS trong thời gian tới./.
 
Văn phòng Cục THADS 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: