Sign In

MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH DÂN SỰ NĂM 2018

09/11/2018

MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH DÂN SỰ NĂM 2018
      Ngay từ đầu năm, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện đã chủ động xây dựng xây dựng kế hoạch công tác của ngành, của đơn vị, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện. Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các đơn vị đã tích cực tập trung vào công tác tổ chức thi hành án, xác minh, phân loại án đúng quy định, những vụ việc có điều kiện cơ bản đã được quan tâm giải quyết.
      Những kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự năm 2018:
      - Về việc, đến hết tháng 9/2017, số cũ chuyển sang là 5.733việc; từ 01/10/2017 đến 30/9/2018, thụ lý mới 8.947 việc, giảm 477 việc (5%) so với năm 2017. Như vậy, tổng số thụ lý là 14.680 việc, tăng 215 việc (1,5%) so với năm 2017. Kết quả xác minh, phân loại thì có: 10.940 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 75,11%), tăng 41 việc (0,4%) so với năm 2017 và 3.626 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 24,89%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 8.303 việc, đạt tỷ lệ 75,90% (so với chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án giao, vượt 5,9%).
      Số việc chuyển kỳ sau 6.263 việc, trong đó số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 2.637 việc, so với số việc có điều kiện năm 2017 (2.327 việc) tăng 310 việc (tăng 13%)
      - Về tiền, đến hết tháng 9/2017, số cũ chuyển sang là 817.428.095 ngàn đồng; từ 01/10/2017 đến 30/9/2018, thụ lý mới 321.330.431 ngàn đồng, giảm 128.035.580 ngàn đồng (28,5%) so với năm 2017. Như vậy, tổng số tiền thụ lý là 1.138 tỷ 758 triệu 527 nghìn đồng, tăng 11.183.107 ngàn đồng (1%) so với năm 2017. Kết quả xác minh, phân loại: 517.591.436 ngàn đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 46,82%), giảm 104.558.215 ngàn đồng (16,8%) so với năm 2017 và 587.962.831 ngàn đồng chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 53,18%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 186.061.351 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 35,94% (so với chỉ tiêu Tổng cục Thi hành án giao, vượt 5,94%).
      Số tiền chuyển kỳ sau 919.492.917 ngàn đồng, trong đó số tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 331.530.086 ngàn đồng, so với số tiền có điều kiện năm 2017 (344.590.752 ngàn đồng) giảm 13.060.666 ngàn đồng (-3,79%).
      - Về thi hành án đối với các khoản thu cho Ngân sách Nhà nước: số việc phải giải quyết loại này là 10.306 việc, tương ứng với số tiền là 63.737.130 ngàn đồng (chiếm 70,75% về việc và 5,75% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Kết quả: trong số việc loại này, đã giải quyết được 6.744 việc thu được số tiền là 20.693.039 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 84,3% về việc và 55,4% về tiền
      So với năm 2017, số phải giải quyết tăng 465 việc, số tiền tăng 9.402.996 ngàn đồng, kết quả giải quyết tăng 581 việc và tăng 43.087.683 ngàn đồng, tỷ lệ tăng 3,3% về việc và giảm 7,6% về tiền.
      - Về tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng: số việc phải giải quyết loại này là 422 việc, tương ứng với số tiền là 500.657.707 ngàn  đồng (chiếm 3% về việc và 45% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Kết quả: trong số việc loại này, đã giải quyết được 61 việc thu được số tiền là 75.753.319 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 14,45% về việc và 15,13% về tiền
      So với năm 2017, số phải giải quyết tăng 34 việc, số tiền giảm 3.319.628 ngàn đồng, kết quả giải quyết tăng 9 việc và tăng 5.500.440 ngàn đồng, tỷ lệ giảm 0,93% về việc và giảm 5,2% về tiền.
      - Về kết quả xét miễn, giảm thi hành án: các cơ quan Thi hành án dân sự đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp rà soát, lập hồ sơ và đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét miễn, giảm đối với 13 việc, tương ứng với số tiền 63.011.000 đồng. Kết quả: đã thực hiện miễn, giảm được 5 việc với số tiền 47.411.000 đồng.
      Số hồ sơ đề nghị xét miễn giảm bằng năm 2017, số tiền tăng 9.031.000 ngàn đồng, kết quả xét miễn giảm bằng năm 2017 về số việc, số tiền tăng 9.031.000 ngàn đồng.
      - Về kết quả tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân tại các Trại giam thuộc Bộ Công an: Trong 12 tháng năm 2018, tổng số việc, tiền phải thi hành của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam là 2.016 việc, tương ứng với 57 tỷ 925 triệu 751 ngàn đồng. Kết quả: Thi hành xong 921 việc, thu được số tiền là 7 tỷ 289 triệu 767 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 45,68% về việc và 12,58% về tiền (So với năm 2017, giảm 27 việc  và 19 tỷ 303 triệu 537 ngàn đồng; giảm 5,46% tỷ lệ về việc và giảm 52,38% tỷ lệ về tiền).
      - Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Công tác này đã được thủ trưởng các đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật, nhờ đó không để xảy ra điểm nóng, khiếu nại đông người. Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo năm 2018 giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (khiếu nại giảm 20 đơn, tố cáo giảm 29 đơn). Hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết triệt để, công dân không khiếu nại, tố cáo tiếp. Trong năm 2018, các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh đã tiếp 92 lượt công dân, tiếp nhận và giải quyết 45/46 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đạt tỷ lệ 97%.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm việc tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai
      Những tồn tại, hạn chế:
      Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc nhất định ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. 
      Việc tổ chức thi hành án đối với các bản án giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy số việc loại này chỉ chiếm tỉ lệ chỉ khoảng 3% nhưng số tiền lại chiếm đến 45% tổng số tiền phải thi hành án. Nhiều trường hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng thẩm định không chặt chẽ, định giá quá cao tài sản bảo đảm dẫn đến khi kê biên bán đấu giá, mặc dù đã giảm giá tài sản nhiều lần nhưng vẫn không bán được; Một số vụ việc có số tiền phải thi hành rất lớn, đương sự chỉ có tài sản duy nhất là nhà đất có giá trị nhỏ so với số tiền phải thi hành; có vụ việc số tiền phải thi hành lớn, cơ quan thi hành án đã kê biên tài sản (nhà, quyền sử dụng đất), song chưa bán được tài sản (mặc dù đã giảm giá nhiều lần – cá biệt có việc giảm giá đến 22 lần), nên không giải quyết được vụ việc.
      Một số vụ việc phải dừng việc thi hành án để chờ Tòa án xử lý việc phân chia tài sản chung, tài sản thừa kế hoặc hoãn thi hành án để Tòa án giải quyết một vụ án hình sự khác; Số việc phải thi hành án cho ngân sách nhà nước như các khoản án phí, tiền phạt, tịch thu sung quỹ nhà nước chiếm số lượng lớn, nhiều người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập, đang chấp hành án phạt tù hoặc khi mãn hạn tù không về địa phương nên không thể đôn đốc thi hành án, bên cạnh đó, quy định của pháp luật về điều kiện được xét miễn, giảm thi hành án vẫn còn khó thực hiện; lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án, một số ít chấp hành viên năng lực hạn chế nên hiệu quả công tác chưa cao.
      Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới:
      Thứ nhất, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm, đề ra các giải pháp cụ thể để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, không để hồ sơ có điều kiện kéo dài thời hạn giải quyết.
      Thứ hai, tăng cường chỉ đạo Chi cục, Chấp hành viên tập trung nguồn lực, nhân lực xử lý các vụ việc thi hành án có tài sản, có giá trị lớn;
      Thứ ba, nâng cao hơn nữa nhận thức, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng quản lý, điều hành lãnh đạo Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện. Đổi mới công tác quản lý theo hướng rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành công việc.
      Thứ tư, rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tồn động phức tạp, kéo dài. Tăng cường tổ chức đối thoại, tiếp công dân, giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, không để khiếu nại, tố cáo vượt cấp; làm tốt công tác kiểm tra, phúc tra các kết luận đã ban hành; chú trọng công tác tự kiểm tra, để kịp thời phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục sai phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ, không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm theo chỉ đạo của Lãnh đạo
      Thứ năm, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có vi phạm trong thực hiện các quy định về thi hành án, chạy theo thành tích, thiếu khách quan, trung thực trong việc xác minh, phân loại án, trong thống kê, báo cáo về thi hành án; cố tình trì hoãn, kéo dài việc thi hành án.
      Thứ sáu, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức THA, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, cải tiến lề lối làm việc;
      Thứ bảy, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự và Nghị quyết số 31/NQ-BCS của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thi hành án dân sự, thi hành án hành chính giai đoạn 2018-2021.
 


Theo Phan Đình Hưng

Các tin đã đưa ngày: