Sign In

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA THÔNG TƯ SỐ 18/2018/TT-BTP

01/03/2019

      Ngày 28/12/2018, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 18/2018/TT-BTP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/3/2017 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức THADS. Một số nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung là:
      1. Sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm đối với chức vụ lãnh đạo, quản lý.
      Thứ nhất, Thông tư quy định cụ thể quy trình bổ nhiệm đối với nhân sự là nguồn tại chỗ và quy trình bổ nhiệm đối với nhân sự là nguồn từ cơ quan khác, trong đó đối với nhân sự là nguồn từ cơ quan khác có sự phân biệt giữa nguồn nhân sự do đơn vị đề xuất và nguồn nhân sự do cơ quan có thẩm quyền dự kiến tiếp nhận, bổ nhiệm.
      Thứ hai, về quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ, theo Thông tư số 02/2017/TT-BTP thì quy trình bổ nhiệm được thực hiện thông qua 06 Hội nghị: Hội nghị Lãnh đạo Cục (lần 1); Hội nghị toàn thể công chức, người lao động để lấy phiếu thăm dò; Hội nghị lãnh đạo Cục (lần 2), Hội nghị toàn thể công chức, người lao động của đơn vị để lấy ý kiến và phiếu tín nhiệm; Hội nghị cán bộ chủ chốt; Hội nghị lãnh đạo Cục (lần 3). Theo Thông tư số 18/2018/TT-BTP thì quy định bổ nhiệm các chức danh được thực hiện thông qua 5 hội nghị gồm: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 1); Hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng; Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 2); Tổ chức lấy ý kiến toàn thể công chức, người lao động ở đơn vị; Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 3).
      Thứ ba, Trước khi xin ý kiến hiệp y của cơ quan có thẩm quyền, Cục trưởng có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm.
      2. Sửa đổi, bổ sung điều kiện bổ nhiệm lại
      Thứ nhất, sửa đổi về điều kiện để bổ nhiệm lại: Theo quy định tại khoản 6 Điều 43 Thông tư số 02/2017/TT-BTP, một trong các điều kiện để bổ nhiệm lại là “Chưa đảm nhiệm đủ thời gian hai nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang được xem xét bổ nhiệm lại; trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định”. Quy định này được áp dụng chung cho tất cả các công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, không phân biệt cấp trưởng hay cấp phó. Tuy nhiên, Thông tư số 18/2018/TT-BTP chỉ quy định “Công chức đã giữ chức vụ cấp trưởng 02 nhiệm kỳ liên tiếp thì chuyển đổi vị trí đến đơn vị khác. Trưởng hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định”. Như vậy, Theo Thông tư số 18 thì chỉ thực hiện chuyển đổi vị trí đối với cấp trưởng đã giữ chức vụ 02 nhiệm kỳ tại 01 đơn vị. Quy định này đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà nhiều đơn vị từ Trung ương đến địa phương đang gặp phải đối với việc bổ nhiệm lại cấp phó đã giữ chức vụ 02 nhiệm kỳ.
      Thứ hai, sửa đổi thẩm quyền chủ trì Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm lại. Nếu như theo Thông tư số 02/2017/TT-BTP thì thẩm quyền thực hiện quy trình bổ nhiệm lại đối với lãnh đạo cấp phòng và lãnh đạo cấp Chi cục đều do Cục trưởng chủ thì thì Thông tư số 18/2018/TT-BTP quy định thẩm quyền thực hiện quy trình bổ nhiệm lại đối với Trưởng phòng và tương đương, Chi cục trưởng là do Cục trưởng thực hiện; còn đối với Phó Trưởng phòng và tương đương, Phó Chi cục trưởng là do Trưởng phòng, Chi cục trưởng chủ trì (có mời đại diện Lãnh đạo phòng Tổ chức cán bộ tham dự).
      3. Bỏ tiêu chuẩn “có năng lực nổi trội và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch chức danh Cục THADS hoặc trong quy hoạch chức danh Chi cục trưởng Chi cục THADS của đơn vị có số lượng việc lớn trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó” đối với tiêu chuẩn của chức danh Chánh Văn phòng.


Theo Phan Thị Phượng

Các tin đã đưa ngày: