Sign In

Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính

15/08/2018

        Ngày 10/8/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính.
        Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và sự phối hợp của các cơ quan liên quan nên hoạt động thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; kết quả thi hành án về việc, về tiền ngày càng cao; tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự từng bước được kiện toàn, trình độ, năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ công chức thi hành án dân sự tiếp tục được nâng lên, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan thi hành án dân sự được nâng cao...
      Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính còn những tồn tại, hạn chế: Số lượng việc và tiền chưa thi hành được phải chuyển kỳ sau còn lớn; một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; công tác phối hợp của một số cấp ngành, nhất là cấp cơ sở đối với công tác thi hành án dân sự có lúc, có việc chưa chặt chẽ. Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa cao, nhiều vụ việc người phải thi hành án cố tình trốn tránh, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án...
        Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh, ngày 10/8/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối cới công tác thi hành án dân sự, hành chính. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
        1. Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; lãnh đạo, chỉ đạo xử lý xong các vụ việc có điều kiện thi hành; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp trốn tránh, cố ý không chấp hành án.
          2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự
        Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự:
        Chỉ đạo Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao trong công tác thi hành án dân sự.
        - Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp mình; trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
      - Chỉ đạo thực hiện tốt việc thẩm định giá, đấu giá tài sản kê biên; công khai, minh bạch thông tin về hoạt động đấu giá tài sản kê biên tại các cơ quan thi hành án dân sự, ngăn ngừa hiện tượng trục lợi. Chú trọng thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
          3. Tăng cường công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
         Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh lãnh đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết thi hành án, kiểm sát thi hành án và nâng cao chất lượng công tác xét xử; tăng cường trách nhiệm phối hợp liên ngành để giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp, có khó khăn vướng mắc.
         4. Chú trọng kiểm tra, giám sát công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
         Các cấp ủy tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
         Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và tổ chức đảng các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát đối với hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, nhất là đối với các vụ việc phải cưỡng chế thi hành án, những vụ việc phải thi hành án có giá trị tiền, tài sản lớn, dư luận xã hội quan tâm.
        5. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị này ở cơ quan, đơn vị mình; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật và chấp hành pháp luật đối với công dân trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
       Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự các cấp chủ động phân loại án và tổ chức thi hành hiệu quả, khắc phục tình trạng quyết định thi hành án dân sự chậm và giảm số lượng việc và tiền chưa được thi hành chuyển kỳ sau; hoàn thành chỉ tiêu giao hàng năm.
       Các huyện ủy, thành ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính tại địa phương, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm; định kỳ 6 tháng (hoặc khi cần thiết) nghe cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp báo cáo kết quả hoạt động công tác thi hành án dân sự.
Kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, đồng thời xử lý nghiêm minh những trường hợp không làm hết trách nhiệm, cản trở, chống đối, không chấp hành án.
     Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị, hàng năm báo cáo kết quả Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
     Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ./.
                                                                                                                                          Văn phòng Cục THADS

Các tin đã đưa ngày: