Sign In

MỘT SỐ HẠN CHẾ TRONG XÁC MINH ĐIỀU KIỆN THI HÀNH ÁN

03/09/2015

Xác minh điều kiện thi hành án là một trong những tác nghiệp thường xuyên của Chấp hành viên trong quá trình giải quyết hồ sơ thi hành án dân sự. Việc xác minh điều kiện thi hành án được quy định rõ ràng và cụ thể tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự  ( Được sửa đổi,  bổ sung năm 2014 ) với hơn 955 chữ quy định một điều luật về xác minh điều kiện thi hành án. Điều đó chứng tỏ xác minh điều kiện thi hành án có vị trí rất quan trọng trong tổ chức thi hành án. Hiện nay, mặc dù các Chấp hành viên, Thư ký thi hành án dân sự đã được đào tạo, rèn luyện bài bản, kỹ năng nghiệp vụ được nâng cao rất nhiều, song trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác xác minh điều kiện thi hành án, ảnh hưởng tới chất lượng phân loại án và việc áp dụng các biện pháp tổ chức thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Một số lỗi cơ bản thường gặp trong xác minh điều kiện thi hành án dân sự như sau:
1. Về thời hạn xác minh
Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự  (Được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định  “ Trong thời hạn 10 ngày,  kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh…”.  
Tuy nhiên, thực tế số hồ sơ thi hành án vi phạm về thời hạn xác minh của các cơ quan thi hành án dân sự vẫn thường xảy ra và tình trạng chậm xác minh điều kiện thi hành án lâu nay vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Qua quá trình kiểm tra, giám sát của cơ quan cấp trên, của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp…phát hiện lỗi hồ sơ chậm xác minh vài tháng, một năm có thể  bị cấp trên phê bình, nhắc nhở, Viện kiểm sát kiến nghị rút kinh nghiệm. Cá biệt có một số hồ sơ chậm xác minh kéo dài, đây là cả một vấn đề đáng suy nghĩ đối với Chấp hành viên và lãnh đạo các đơn vị. Khoảng cách thời hạn xác minh cách nhau quá xa trong khi Khoản 2 Điều 44  quy định ít nhất 06 tháng một lần hoặc ít nhất 01 năm một lần phải tiến hành xác minh tùy theo đối tượng cụ thể…Đối với hồ sơ thi hành án theo đơn yêu cầu, thời gian xác minh điều kiện thi hành án trở nên đặc biệt quan trọng bởi tính cấp thiết và sự phức tạp của từng vụ việc. Nếu việc chậm xác minh điều kiện thi hành án dẫn đến đương sự kịp thời tẩu tán tài sản, người được thi hành án có thể làm đơn khiếu nại, tố cáo hành vi chậm xác minh của Chấp hành viên gây thiệt hại cho người được thi hành án. Ngược lại, nếu xác minh kịp thời chấp hành viên có thể áp dụng ngay  biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án. VD: xác minh tài khoản tại Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát hiện đương sự có tiền trong tài khoản, Chấp hành viên có thể phong tỏa ngay tài khoản và thực hiện khấu trừ…
2. Nội dung biên bản xác minh
Tại  Khoản 4 Điều 44 nêu rõ trách nhiệm của Chấp hành viên khi thực hiện xác minh điều kiện thi hành án, tuy nhiên nhiều Chấp hành viên chưa chú trọng về nội dung xác minh theo đúng quy định, nội dung biên bản xác minh thường sơ sài, thiếu thông tin cụ thể về tài sản, thu nhập, điều kiện kinh tế khác. Đặc biệt đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, giao dịch đảm bảo, khi được cung cấp thông tin không phải là tài sản của người phải thi hành án, các Chấp hành viên không tiến hành xác minh tại các cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó. Đối với những trường hợp không rõ địa chỉ, biên bản xác minh thường ghi đương sự đã bỏ địa chỉ, tài sản không có gì liên quan địa chỉ nêu trên, hoặc đương sự đang chấp hành hình phạt tù giam, không có tài sản tại gia đình và địa phương…nội dung biên bản không diễn tả hết thông tin cần xác minh của người phải thi hành án. Nhiều vụ việc, trước ngày 01/7/2015 không thực hiện ra Quyết định trả đơn yêu cầu được vì lý do biên bản xác minh chưa đảm bảo nội dung yêu cầu. Tình trạng hồ sơ thi hành án chủ động, biên bản xác minh quá sơ sài chỉ có 2-3 dòng, trong khi yêu cầu của một biên bản xác minh phải thể hiện được: Công việc, nghề nghiệp, thu nhập, tài sản và mối quan hệ với người thân, thái độ chấp hành pháp luật….của người phải thi hành án; đối với hồ sơ theo đơn, bản càng diễn tả chi tiết, cụ thể, rõ ràng càng tốt giúp cho Chấp hành viên giải quyết bản án được thuận lợi hơn.
          Một trong những tồn tại của công tác xác minh điều kiện thi hành án đó là nội dung biên bản xác minh không phản ánh đúng thực tế (chủ yếu  trong  hồ sơ hoãn, đình chỉ) do chính quyền địa phương không nắm chắc thông tin của đương sự nên việc cung cấp, xác nhận không chính xác; do Chấp hành viên chủ quan, không tổ chức xác minh tại gia đình đương sự hoặc cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin…cá biệt có một số trường hợp nội dung xác minh trái ngược hoàn toàn với thực tế VD: đương sự có điều kiện thi hành án nhưng biên bản xác minh vẫn thể hiện đương sự có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, đang ở nhà thuê, cuộc sống dựa vào người thân... ; đương sự  đã chết nhưng biên bản xác minh vẫn có nội dung hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có tài sản, nghề nghiệp lao động tự do; hồ sơ đình chỉ do đương sự đã chết, không có tài sản để lại song khi Điều tra viên của Công an đến xác minh phần dân sự Chấp hành viên mới biết đương sự vẫn còn sống. Tuy những trường hợp nêu trên không nhiều song đối với trường hợp đương sự bỏ đi không rõ địa chỉ, đang chấp hành phạt tù, đương sự chết rất cần có sự tham gia của công an cấp xã và các thông tin khác để nội dung biên bản xác minh đảm bảo sự tin cậy, trung thực.
          3. Trong biên bản xác minh vẫn còn hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa ngày tháng năm do chấp hành viên chậm xác minh, khi được kiểm tra thì sửa chữa cho phù hợp về thời hạn quy định. Trường hợp hồ sơ chuyển qua nhiều Chấp hành viên giải quyết, trách nhiệm thuộc về Chấp hành viên đang quản lý hồ sơ do khi bàn giao hồ sơ không bàn giao nội dung hồ sơ. Bên cạnh đó, có nhiều biên bản thiết lập cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm; thành phần trong biên bản xác minh chưa đúng, có trường hợp còn ký thay; nhiều biên bản lập tại Ủy ban nhân dân cấp xã, không xác minh trực tiếp tại địa chỉ, nơi cư trú.
          Xác minh điều kiện thi hành án là thủ tục không thể thiếu trong hoạt động thi hành án dân sự, kết quả xác minh là căn cứ để Chấp hành viên tiến hành các thủ tục tiếp theo như hoãn, đình chỉ, áp dụng các biện pháp đảm bảo và cưỡng chế thi hành án … Vì vậy, khi thiết lập biên bản xác minh đòi hỏi Chấp hành viên phải tuân thủ đúng các quy định chung về xác minh, mỗi biên bản phải đảm bảo đúng về thể thức, đầy đủ về nội dung, thành phần tham gia và đặc biệt là phải phản ánh đúng sự thật khách quan…lúc đó biên bản xác minh điều kiện thi hành án mới trở trành căn cứ để các Chấp hành viên phân loại hồ sơ hoặc áp dụng các biện pháp tiếp theo.


Theo Trần Đại Sỹ - P. CCT Chi cục THADS Kiến Thuỵ

Các tin đã đưa ngày: