Sign In

MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

09/10/2015

      Hoạt động thi hành án dân sự, cũng như các hoạt động của cơ quan có thẩm quyền khác được dặt dưới sự giám sát của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhằm phòng ngừa, hạn chế và đấu tranh với những vi phạm pháp luật, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự tác động đến người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để vận động, thuyết phục họ tự nguyện thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo nội dung Quyết định, Bản án của Tòa án hoặc cưỡng chế buộc họ thực hiện, do trực tiếp tác động đến quyền, lợi ích về tài sản các bên đương sự thường phản ứng gay gắt, quyết liệt phát sinh các khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, trong đó có không ít những việc phức tạp, kéo dài.
      Luật thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về khiếu nại, tố cáo và kháng nghị về thi hành án dân sự tại Chương VI (từ điều 140 đến điều 161), cơ bản giữ nguyên theo Luật thi hành án dân sự năm 2008 và chỉ bổ sung khoản 5 vào điều 146. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm, đồng thời phải hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo làm cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước.
      Trên cơ cở định hướng các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ phát triển theo hướng tích cực, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức thực thi công vụ, pháp luật quy định công dân, tổ chức, cơ quan có quyền khiếu nại, tố cáo đồng thời pháp luật cũng quy định các biện pháp xử lý đối với các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của cơ quan tổ chức, công dân. Như vậy, khiếu nại, tố cáo là phương thức quan trọng giúp cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích được pháp luật ghi nhận, đồng thời là kênh thông tin phát huy quyền giám sát, tạo cơ chế giám sát một cách hiệu quả của công dân và của toàn xã hội đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước, thể hiện một xã hội dân chủ, ưu việt trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân.
      Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể hoá quyền khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân và quyền tố cáo của công dân. Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tương đối cụ thể về trình tự, thủ tục và giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự; quy định rõ hơn về tố cáo và trách nhiệm giải quyết tố cáo, do vậy có thể xác định khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự:
      - Khiếu nại về thi hành án dân sự là việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
      - Tố cáo về thi hành án dân sự là việc công dân báo cho người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
      Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị:
      - Cần tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, tố cáo và người có quyền lợi ích liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo đồng thời giải thích thuyết phục hiểu các quyền, nghĩa vụ của mình.
      - Ngoài việc thực hiện đúng trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức thi hành án dân sự để áp dụng giải quyết.
      - Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức. Mặt khác đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
      - Cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần thường xuyên học tập nâng cao trình độ, nắm vững nghiệp vụ thi hành án, các kỹ năng giải quyết khiếu nại tố cáo, để giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả. Ngoài ra đối với cán bộ, Chấp hành viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường nghiên cứu, nắm vững quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự và các quy định pháp luật có liên quan để áp dụng đúng đắn, xử lý đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót về nghiệp vụ thi hành án có thể dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
      Trên đây là một số trao đổi về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, rất mong nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp.


Theo Trần Minh Đức – Chi cục THADS Vĩnh Bảo

Các tin đã đưa ngày: