Sign In

Về việc chấm điểm thi đua, xếp hạng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan thi hành án dân sự

08/05/2019

Việc chấm điểm, xếp hạng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan thi hành án dân sự cơ bản dựa vào kết quả thi hành xong về việc và về tiền trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành án.
       Trên cơ sở xem xét kết quả tự chấm điểm của các Chi cục Thi hành án dân sự (THADS), kết quả rà soát, thẩm định của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Cục THADS, Cục trưởng Cục THADS xem xét, quyết định việc xếp hạng của các Chi cục THADS. Trên cơ sở xem xét kết quả tự chấm điểm của các Cục THADS, kết quả rà soát, thẩm định của của cơ quan quản lý trực tiếp, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành Tư pháp dự kiến xếp hạng, báo cáo xin ý kiến của tập thể Lãnh đạo Bộ Tư pháp trình Bộ trưởng xem xét, quyết định xếp hạng đối với các Cục THADS (để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương Bộ Tư Pháp quy định 4 mức xếp hạng A, B, C, D).
       Trong những năm vừa qua, việc chấm điểm, xếp hạng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua tại các cơ quan thi hành án, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự. Kết quả chỉ tiêu, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự hàng năm được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, việc phân loại án hiện nay căn cứ vào quy định tại Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) tại Điều 44a thuộc việc không có điều kiện thi hành án và một số căn cứ quy định tại Điều 48 hoãn thi hành án và Điều 49 tạm đình chỉ thi hành án thuộc việc có điều kiện thi hành án là không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan THADS địa phương. Bởi vì:
       Điều 44a xác định việc chưa có điều kiện thi hành án như sau:
       a) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án;
       b) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác;
       c) Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.
       Điều 48 quy định Hoãn thi hành án:
       - Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp:Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này…
       - Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị….
       Điều 49 quy định Tạm đình chỉ thi hành án:
       - Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…
       - Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án…
Xét về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự là tổ chức thi hành Bản án, Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó người có thẩm quyền kháng cáo kháng nghị có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án hoặc có yêu cầu, quyết định tạm đình chỉ thi hành án thì cơ quan thi hành án phải nghiêm túc thực hiện không được tổ chức thi hành án nữa.
       Trên thực tế vụ việc người có thẩm quyền kháng cáo kháng nghị có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án hoặc có yêu cầu, có quyết định tạm đình chỉ thi hành án thường là những vụ án kinh doanh thương mại, dân sự phức tạp, có giá trị lớn đã làm ảnh hưởng rất lớn đến số tiền có điều kiện thi hành án; ảnh hưởng lớn đến việc chấm điểm, xếp hạng và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của một số cơ quan thi hành án. Dẫn đến việc đánh giá mức độ đạt chỉ tiêu và hoàn thành nhiệm vụ có nơi không đúng thực tế, không công bằng với sự cố gắng phấn đấu của cả tập thể cơ quan.
       Ví dụ: Chi cục THADS quận HA đã thi hành xong 53 tỷ/ 611 tỷ có số tiền có điều kiện thi hành án = 8,67% (so với chỉ tiêu giao 33% về tiền Chi cục không hoàn thành chỉ tiêu về tiền). Trong đó có 1 việc Tòa án đã có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án với số tiền phải thi hành là 474 tỷ. Nếu quy định vụ việc trên không có điều kiện thi hành án thì số tiền có điều kiện thi hành án của Chi cục là 53 tỷ/137 tỷ = 38,68% trên tổng số tiền có điều kiện thi hành án (so với chỉ tiêu giao trên thì Chi cục hoàn hành chỉ tiêu về tiền).
Như vậy, kết quả trên hoàn toàn không phụ thuộc về khả năng, trách nhiệm hay lỗi của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự mà là lý do khách quan, bất khả kháng.
       Xuất phát từ thực tế trên, cần có sự sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan tại Điều 44a Luật THADS về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án bổ sung:
       - Cơ quan thi hành án dân sự nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;
       - Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;
       - Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này;
       - Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định.
       Trong khi việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến tỷ lệ thi đua của các cơ quan thi hành án dân sự chưa được ban hành, đề nghị Hội đồng Thi đua-khen thưởng xem xét, quyết định việc xếp hạng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự cần xem xét chỉ tiêu thi hành án về tiền đối với những đơn vị có vụ việc lớn mà người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có văn bản yêu cầu ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án để đánh giá, nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ tập thể đó. Như thế việc thi đua khen thưởng sẽ đảm bảo thực chất và công bằng hơn.


Theo Nguyễn Văn Lai- Chi cục trưởng CC THADS Q. Hải An

Các tin đã đưa ngày: