Sign In

CƯỠNG CHẾ GIAO TÀI SẢN & KINH NGHIỆM

30/05/2019

Ngày 24/5/2019 Chi cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Bảo tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá thành công và an toàn tuyệt đối.
        Nội dung vụ việc: Vợ chồng anh Đỗ Văn Phụ, chị Đỗ Thị Hoàn ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo là người phải thi hành 06 bản án, quyết định của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Bảo với số tiền 542.585.000đ.
        Sau khi án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu, Chi cục ra quyết định thi hành án theo quy định. Hết thời gian tự nguyện thi hành án, vợ chồng anh Phụ, chị Hoàn vẫn không thi hành. Do đó, chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, cho thấy vợ chồng anh Phụ, chị Hoàn có tài sản duy nhất là ngôi nhà hai tầng xây trên diện tích đất 120 m2 thửa số 75, tờ bản đồ số 12 ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số M 038176 do UBND huyện Vĩnh Bảo cấp ngày 27/12/2002 mang tên chủ sử dụng ông Đỗ Văn Phụ nhưng đã thế chấp Ngân hàng vay 200 trăm triệu đồng. Qua làm việc, trao đổi thì Ngân hàng đã nhất trí phối hợp và có văn bản để Chi cục kê biên, xử lý tài sản theo quy định.
         Sau nhiều lần vận động, thuyết phục thi hành án tự nguyện giao tài sản để kê biên xử lý không thành, ngày 12/01/2018 Chi cục ra Quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản. Qua thẩm định giá, bán đấu giá đến lần thứ 2 thì đến ngày 05/11/2018 ông Phạm Văn Giới ở thôn Hu Trì, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng mua được tài sản với giá 757 triệu đồng (ông Giới đã nộp đủ tiền) nhưng vợ chồng anh Phụ, chị Hoàn không tự nguyện di chuyển đồ dùng và người ra khỏi để bàn giao nhà đất cho ông Giới, nên ngày 06/12/2018 Chi cục ra Quyết định cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá và ngày 24/5/2019 tổ chức cưỡng chế giao tài sản theo quy định
         Qua việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá rút ra một số kinh nghiệm từ thực tiễn.
Kinh nghiệm:
         Đó là Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành cần nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ việc để đề ra những phương hướng giải quyết đạt hiệu quả nhất và thực hiện tốt một số nội dung sau:
        - Thực hiện đầy đủ việc thông báo, tống đạt các quyết định, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án cho đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
        - Xác minh điều kiện thi hành án một cách chi tiết, chính xác tài sản của người phải thi hành án trước khi cưỡng chế. Điều tra nắm bắt được nhân thân của người phải thi hành án, người thân và dư luận của quần chúng nhân dân về việc cưỡng chế thi hành án.
        - Dự thảo, xây dựng kế hoạch cưỡng chế đầy đủ, chi tiết, quy định trách nhiệm của các cơ quan, từng thành viên tham gia cưỡng chế.
        - Dự kiến chính xác các tình huống có thể xảy ra trong quá trình cưỡng chế để có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời dự kiến và chuẩn bị đầy đủ lực lượng bảo vệ để bảo vệ cho cuộc cưỡng chế an toàn, thành công.
        - Chuẩn bị đầy đủ những điều kiện phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế (đặc biệt đối với việc cưỡng chế giao nhà đương sự không tự chuyển hoặc nhận tài sản).
        - Trong quá trình diễn biến cuộc cưỡng chế cần dự đoán và xử lý nhanh, kịp thời, chính xác những tình huống phát sinh có thể xảy ra.
        - Tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa công tác thi hành án nói chung, cưỡng chế thi hành án nói riêng để người dân hiểu và đồng tình ủng hộ việc cưỡng chế thi hành án.
        - Chủ động phối hợp tốt, nhịp nhàng với chính quyền, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội vận động, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc cưỡng chế để tạo sự đồng thuận trước, trong và sau khi cưỡng chế.
        Trên đây là một số kinh nghiệm từ thực tiễn việc tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Bảo, xin nêu ra để đồng nghiệp tham khảo, tham gia góp ý./.


Theo Trần Minh Đức-Chi cục THADS huyện Vĩnh Bảo

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: