Sign In

Thu phí thi hành án dân sự như thế nào cho đúng

29/11/2016

Việc thu phí thi hành án dân sự đã được thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật thi hành án dân sự (LTHADS), sửa đổi bổ sung năm 2014 và Điều 46 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của LTHADS; nhưng hướng dẫn chi tiết về việc thu, nộp phí thi hành án dân sự chưa có Thông tư thay thế Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp thực tiễn đã thấy có những điểm bất cập, thiếu sót;  vì vậy Chấp hành viên và cơ quan thi hành án gặp khó khăn đối với một số trường hợp về việc xác định có phải thu phí thi hành án dân sự không, mức thu bao nhiêu để không trái với quy định của Luật và Nghị định.
Ví dụ:
Theo Bản án, quyết định của Tòa án án và quyết định thi hành án: Người phải thi hành án phải trả người được thi hành án 100.000.000đ (một trăm triệu đồng)
Chấp hành viên đã thông báo quyết định thi hành án cho các đương sự; thuyết phục vận động người phải thi hành án tự nguyện thi hành án;
Hết thời hạn tự nguyện thi hành án người phải thi hành án không tự nguyện thi hành;
Xác minh điều kiện thi hành án: Người phải thi hành án không có tiền tài sản để thi hành án; có tài sản duy nhất là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở là tài sản chung vợ chồng của người phải thi hành án và là chỗ ở của gia đình có sáu người;
Chấp hành viên đã giải thích pháp luật về thi hành án dân sự cho người phải thi hành án và người nhà của họ; thuyết phục vận động người phải thi hành án tự nguyện thi hành án;
Sau đó Chấp hành viên nhận được đơn của người được thi hành án thông báo người phải thi hành án đã trả cho người được thi hành án 70.000.000đ và không yêu cầu thi hành án số tiền 30.000.000đ, đề nghị cơ quan thi hành án đình chỉ thi hành án theo quy định của pháp luật.
Nhận xét vụ việc:
Việc các đương sự thỏa thuận thi hành án phù hợp với quy định tại khoản , Điều 6 LTHADS.
“Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án được công nhận”.
Biểu mẫu quyết định thi hành án ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 có nội dung: “Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định này”
Khoản 1, Điều 9 LTHADS quy định: “Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án”
Vì vậy việc người phải thi hành án không nộp tiền thi hành án cho Chấp hành viên để thực hiện thu, chi trả cho người được thi hành án mà trả trực tiếp cho người được thi hành án là không trái với quy định của pháp luật;
Khoản 1, Điều 46 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của LTHADS quy định: “Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án khi được nhận tiền, tài sản …”. Khoản 2 quy định: “Trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án và chứng kiến các đương sự thỏa thuận tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì phải chịu 1/3 mức phí thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này”
Theo nội dung ví dụ trên: Người phải thi hành án đã nhận được thông báo quyết định thi hành án hợp lệ; hết thời hạn tự nguyện thi hành án không tự nguyện thi hành; có tài sản để thi hành án; Chấp hành viên chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, chưa thu được tiền của người phải thi hành án; người được thi hành án đã nhận được tiền thi hành án; Chấp hành viên không chứng kiến việc giao nhận tiền giữa người phải thi hành án và người được thi hành án.
Với nội dung vụ việc nêu trên và quy định của pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành thì có thu phí thi hành án dân sự của người được thi hành án không? Nếu thu thì mức phí phải thu là bao nhiêu?
Có ý kiến cho rằng: Cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên đã thực hiện việc tổ chức thi hành án; việc người phải thi hành án tự nguyện trả tiền cho người được thi hành án là do Chấp hành viên đã làm tốt công tác giải thích pháp luật về thi hành án dân sự và thuyết phục vận động tự nguyện thi hành án; người được thi hành án đã được nhận tiền thi hành án vì vậy phải thu 1/3 mức phí thí thi hành án theo quy định tại khoản 1, Điều 46 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015.
Có ý kiến cho rằng: Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án dân sự vì Chấp hành viên không chứng kiến việc người phải thi hành án, người được thi hành giao nhận tiền.
Ý kiến nghị:
Thực tế công tác thi hành án dân sự có nhiều việc thi hành án diễn ra như trên, đúng với quy định của pháp luật và cũng là mong muốn của Chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành án vì vậy đề nghị Thông tư thay thế Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn để việc thu phí thi hành án dân sự được thực hiên theo đúng quy định của pháp luật.
Rất mong các bạn đồng nghiệp cùng trao đổi làm sáng tỏ vấn đề, góp phần vào việc góp ý xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.
 Trịnh Cao Sơn

Các tin đã đưa ngày: