Sign In

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

08/09/2015

Dự thảo Bộ luật hình sự (BLHS) sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ và nhân dân. Nghiên cứu các nội dung của dự thảo này, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến sau đây:
- Trách nhiệm hình sự của pháp nhân - nhiều vấn đề chưa được làm rõ
           Trước hết, chúng tôi đồng tình cao với việc quy định trách nhiệm hình sự  (TNHS) của pháp nhân trong BLHS nhằm phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn các vi phạm pháp luật của các pháp nhân đang diễn ra nghiêm trọng hiện nay. Đặc biệt là cần phải xử lý nghiêm về hình sự đối với các hành vi như: Trốn thuể, buôn lậu, trốn đóng BHXH, gây ô nhiễm môi trường .v.v.
          Tuy nhiên, chúng tôi thấy, mặc dù dự thảo BLHS đã dành một chương để quy định về TNHS của pháp nhân, nhưng vẫn chưa đầy đủ, thấu đáo. Còn nhiều vấn đề liên quan đến TNHS của pháp nhân chưa được quy định rõ ràng trong dự thảo như: Thời hiệu truy cứu TNHS của pháp nhân; Những trường hợp loại trừ TNHS của pháp nhân; Vấn đề miễn TNHS đối với pháp nhân. v.v. Đây là những vấn đề quan trọng cần được quy định một cách rõ ràng trong dự thảo.
- Luật sư củng phải thực hiện trách nhiệm công dân
           Tại khoản 3 điều 19 của dự thảo về TNHS đối với các trường hợp không tố giác tội phạm, dự thảo quy định: Người bào chữa không phải chịu TNHS trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện. Chúng tôi thấy quy định này là chưa phù hợp. Mặc dù quy định nói trên xuất phát từ đặc thù của nghề Luật sư là phải luôn bảo vệ thân chủ. Song dù có bảo vệ thân chủ đến đâu thì củng phải tuân thủ pháp luật và trên cơ sở pháp luật. Trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm của mọi công dân, trong đó có Luật sư. Các luật sư là những người cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ công lý, hơn ai hết họ phải là những người gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật. Do đó TNHS đối với các trường hợp không tố giác tội phạm không thể loại trừ đối với Luật sư.
 - Cần bổ sung trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự
           Dự thảo BLHS(sửa đổi) quy định các trường hợp loại trừ TNHS tại chương IV bao gồm: Sự kiện bất ngờ; Tình trạng không có năng lực TNHS; Phòng vệ chính đáng; Tình thế cấp thiết; Gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu khoa học kỷ thuật; Thi hành mệnh lệnh cấp trên. Theo chúng tôi. cần bổ sung thêm một trường hợp nữa cũng được loại trừ TNHS, đó là trường hợp giúp người bị bệnh nan y, “thập tử nhất sinh” tự sát. Vì trên thực tế có rất nhiều người bị bệnh nan y, nhất là những người bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, họ thường phải chịu đựng những cơn đau đớn vật vả kinh khủng. Nguyện vọng của những người này là muốn được chết sớm để thoát khỏi những cơn đau đớn hành hạ. Việc giúp những người bị rơi vào tình trạng này được toại nguyện là một hành động nhân đạo và cần thiết, nên cũng cần loại trừ TNHS đối với trường hợp này. Tuy nhiên pháp luật phải quy định hết sức chặt chẽ để quy định này không bị lợi dụng vào các mục đích khác.
 - Không nên bỏ hình phạt tử hình đối với người 75 tuổi.
             Khoản 2 điều 39 dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Chúng tôi thấy quy định mốc tuổi bỏ hình phạt tử hình như vậy là chưa hợp lý. Vì trên thực tế rất nhiều người 75 tuổi, thậm chí trên 80 tuổi vẫn còn rất khỏe mạnh. Họ có thể phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người, hiếp dâm trẻ em, trùm buôn lậu ma túy. v.v. Cho nên quy định như dự thảo sẽ không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì vậy chúng tôi đề nghị nâng mức tuổi của người không bị áp dụng hình phạt tử hình từ 75 tuổi lên 80 tuổi hoặc 85 tuổi.
 - Không thể coi việc sử dụng rượu là tình tiết giảm nhẹ
          Tại điểm k khoản 1 điều 51dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung tình tiết giảm nhẹ đối với người bị lừa gạt sử dụng rượu dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức là một tình tiết giảm nhẹ. Quy định này là chưa phù hợp bởi 2 lý do:
           Thứ nhất, hiện nay đa số các trường hợp trước khi phạm tội đều có sử dụng rượu để lấy “can đảm”. Khi ra trước các cơ quan tiến hành tố tụng, bị can, bị cáo thường đổ lỗi cho việc đã sử dụng rượu nên mới không kiềm chế được hành vi. Nay BLHS quy định việc bị lừa gạt sử dụng rượu là một tình tiết giảm nhẹ thì liệu có vô tình “tiếp tay” cho người phạm tội?
Thứ hai, trên thực tế các trường hợp sử dụng rượu do bị lừa gạt là hết sức “hy hữu”. Do đó nếu BLHS coi trường hợp này là một tình tiết giảm nhẹ thì quy định này rất dễ bị lợi dụng để bao che, biện bạch cho hành vi phạm tội. Vì vậy chúng tôi đề nghị không quy định việc bị lừa gạt sử dụng rượu là một tình tiết giảm nhẹ trong BLHS.
 - Không nên quy định hình phạt tiền đối với tội trộm cắp tài sản.
          Tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 172 dự thảo BLHS (sửa đổi). Nghiên cứu điều luật này, chúng tôi thấy có 3 vấn đề cần phải xem xét lại.
          Thứ nhất, điều luật quy định đối với những trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn truy cứu TNHS là không cần thiết. Vì đối với tội trộm cắp tài sản thì hậu quả chủ yếu là gây thiệt hại về tài sản. Mà các thiệt hại về tài sản thì đã được quy ra giá trị và đã được quy định xử phạt cụ thể trong các khung hình phạt của tội này. Còn đối với các trường hợp ngoài việc chiếm đoạt tài sản, kẻ phạm tội còn có hành vi tấn công người bị hại thì sẽ bị coi là hành hung để tẩu thoát và đã được coi là một tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 2 điều 172 của dự thảo.
           Thứ hai, điều luật quy định đối với những trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng tài sản bị trộm cắp “có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” thì vẫn truy cứu TNHS cũng chưa phù hợp. Vì trên thực tế rất khó để xác định như thế nào là tài sản “có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”. Ví dụ trộm một cái bằng khen, một kỷ niệm chương thì có thuộc trường hợp này hay không?. Hơn nữa xét về mặt chủ quan của tội phạm thì phần lớn các trường hợp trộm cắp tài sản, kẻ phạm tội không xác định được đó là “tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”.
          Thứ ba, chúng tôi cho rằng không nên quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với tội trộm cắp tài sản. Vì phần lớn những người phạm tội trộm cắp tài sản đều là những người thiếu thốn về vật chất. Do đó nếu Tòa án cứ tuyên hình phạt tiền đối với họ thì hình phạt đó không có tính khả thi vì họ không có điều kiện để thi hành án.
-  Nên đổi tên gọi đối với tội “không tôn trọng Tòa án”
         Tội “không tôn trọng Tòa án” là một tội mới được quy định tại điều 404 dự thảo BLHS (sửa đổi). Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy tên gọi của tội danh này chưa phù hợp với mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm.
Về mặt khách quan, tên gọi tội “không tôn trọng Tòa án” làm người ta hình dung đây là tội thực hiện bằng không hành động. Tuy nhiên theo quy định tại điều 404 thì mặt khách quan của tội này lại chủ yếu thực hiện bằng hành động như: Thóa mạ xúc phạm người tiến hành tố tụng, đập phá tài sản tại phòng xét xử .v.v. Mặt khác các hành vi trong mặt khách quan của tội này không chỉ nhằm vào Tòa án mà còn nhằm vào những người khác như: Kiểm sát viên, Luật sư, bị cáo, người bị hại, nhân chứng, người tham dự phiên tòa .v.v.
Về mặt chủ quan, động cơ, mục đích của người phạm tội này có thể không nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của Tòa án mà phần lớn là do họ bức xúc đối với bị cáo, người bị hại và người thân của những người này. Do đó chúng tôi đề nghị đổi tên gọi của tội “không tôn trọng Tòa án” thành tội ‘gây rối trật tự tại phiên tòa”, vì tên gọi này phù hợp với mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm này.
          Trên đây là một số ý kiến góp ý của chúng tôi về dự thảo BLHS (sửa đổi). Chúng tôi tin tưởng rằng với sự tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của nhân dân, BLHS khi được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.
                                                                                   Nguyễn Cường (Cục trưởng Cục THADS Hà Tĩnh)

 

Các tin đã đưa ngày: