Sign In

HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÁN BỘ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 73 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

17/07/2019

HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÁN BỘ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 73 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống thi hành án dân sự, Tổ biên tập Trang Thông tin điện tử Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên xin giới thiệu bài viết Hệ thống tổ chức cán bộ thi hành án dân sự 73 năm xây dựng và trưởng thành của đồng chí Trần Phương Hồng – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên:
Ngành Tư pháp ra đời từ những ngày đầu thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với vai trò trọng yếu bảo vệ pháp luật và thực thi công lý. Cùng với quá trình xây dựng và phát triển Ngành Tư pháp, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự từng bước được hình thành theo Sắc lệnh số 130/SL ngày 19/7/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án, bảo đảm cho quyền tư pháp của Nhà nước được thực hiện trọn vẹn, công lý trở thành hiện thực và trật tự pháp luật được khôi phục. Từ đó, hệ thống tổ chức cán bộ thi hành án dân sự được hình thành trong lòng Tư pháp Việt Nam và trải qua chặng đường 73 năm, đã không ngừng được kiện toàn, phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức.
1. Hệ thống tổ chức cán bộ thi hành án dân sự 73 năm xây dựng và trưởng thành (1946 - 2019)
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, để khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác xét xử và thi hành án dân sự, ngày 24/01/1946 - năm tháng sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán. Tiếp đó, ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Có thể nói, đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.
Từ năm 1950 đến năm 1960, công tác thi hành án dân sự có một sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động, với việc ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng”. Năm 1960, công tác thi hành án tiếp tục có thêm bước phát triển mới, đó là trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, Điều 24 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 đã quy định: “Tại các Tòa án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự”. Ngày 14/11/1974, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định thành lập Phòng chỉ đạo thi hành án. Trong thời kỳ này, Phòng chỉ đạo thi hành án là một Phòng hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm tình hình, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án của Chấp hành viên tại Tòa án nhân dân các cấp; xây dựng các văn bản chỉ đạo chung về thi hành án.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Hiến pháp năm 1980 lần đầu tiên đã ghi nhận thành nguyên tắc hiến định về giá trị thi hành của các bản án, quyết định: Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm túc chấp hành (Điều 137). Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng giúp các cơ quan Thi hành án dân sự có những chuyển biến quan trọng trong lịch sử phát triển của mình trong giai đoạn 1981 -1989. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức, trong đó có công tác thi hành án dân sự.
Ngày 28/8/1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự đầu tiên được ban hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, Quy chế Chấp hành viên đã được ban hành kèm theo Nghị định số 68/HĐBT ngày 06/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng.    
Cùng với sự đổi mới của cơ chế thi hành án, đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án cũng không ngừng được củng cố và tăng cường. Từ chỗ Thẩm phán vừa làm nhiệm vụ xét xử, vừa tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi hành án, thì đến thời điểm này, đội ngũ cán bộ thi hành án đã được chuyên môn hóa, có chức danh, tiêu chuẩn riêng và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc thực hiện các phán quyết của Tòa án.
Thực hiện tinh thần Hiến pháp năm 1992, theo đó quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất, nhưng có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan thực hiện nhiệm vụ, Quốc hội Khóa IX ban hành Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, các cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên.
Những cơ sở pháp lý quan trọng này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cải cách về công tác thi hành án dân sự từ đó đến nay. Đây là giai đoạn công tác thi hành án dân sự được chuyển giao hoàn toàn từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Giai đoạn này đã chứng kiến sự phát triển của các cơ quan Thi hành án dân sự cả về thể chế, tổ chức bộ máy và đội ngũ Chấp hành viên, công chức Thi hành án dân sự.
a) Về hoàn thiện tổ chức, bộ máy hệ thống Thi hành án dân sự
- Giai đoạn 1993 - 2003: Trên cơ sở Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã lãnh đạo việc củng cố, kiện toàn tổ chức các cơ quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự. Theo đó, các cơ quan thực hiện chức năng quản lý thi hành án dân sự gồm có Cục Quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Các cơ quan thi hành án dân sự được thành lập gồm có Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp và các Phòng Thi hành án cấp quân khu và tương đương. Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp chịu sự quản lý về kinh phí, cơ sở vật chất phương tiện hoạt động của Bộ Tư pháp; chịu sự quản lý về nhà nước của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp chịu sự quản lý về kinh phí, cơ sở vật chất phương tiện hoạt động của Bộ Tư pháp; chịu sự quản lý về nhà nước của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
- Giai đoạn 2004 - 2008: Trên cơ sở Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005, qua đó, hệ thống Thi hành án dân sự đã có những thay đổi căn bản về tên gọi và vị thế. Năm 2008, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ nâng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp lên Cục loại 1. Nhờ đó, công tác tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự của Cục Thi hành án dân sự ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng được nâng lên rõ rệt.
Đối với cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, từ chỗ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp, trở thành hệ thống cơ quan tương đối độc lập. Thi hành án dân sự cấp tỉnh là cơ quan chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổ chức, cán bộ, công chức, kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về mặt nhà nước theo quy định của pháp luật. Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Thi hành án dân sự cấp tỉnh về kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện về mặt nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Giai đoạn từ 2009 - 2019: Mặc dù tổ chức của hệ thống Thi hành án dân sự giai đoạn 2004 - 2008 đã từng bước được củng cố kiện toàn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao và được xác định là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế, yếu kém của công tác thi hành án dân sự. Xuất phát từ tình hình đó, ngay sau khi Quốc hội ban hành Luật Thi hành án dân sự, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tham mưu trình Chính phủ kiện toàn tổ chức, bộ máy hệ thống Thi hành án dân sự. Với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 (sau này là Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ), hệ thống Thi hành án dân sự được xác định rõ hơn theo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, với một vị thế mới, tương xứng nhiệm vụ chính trị được giao. Cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp được nâng thành Tổng cục Thi hành án dân sự nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng quản lý và tổ chức hoạt động thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự và yêu cầu quản lý chuyên ngành đối với một lĩnh vực lớn, phức tạp, có tính chuyên sâu.
Thực hiện Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, ngày 06/11/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 2999/QĐ-BTP công bố việc thành lập Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp với 07 Vụ và đơn vị tương đương; Quyết định thành lập 63 Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và 693 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện (sau đó có thêm 17 Chi cục Thi hành án dân sự được thành lập mới, nâng tổng số Chi cục Thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước tính đến hết năm 2018 là 710). Các Cục Thi hành án dân sự đã được củng cố kiện toàn cơ cấu bên trong với số lượng từ 04 đến 06 Phòng (tuỳ theo quy mô tổ chức, hoạt động của từng địa phương).
b) Đội ngũ công chức hệ thống thi hành án dân sự ngày càng được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao
Giai đoạn 1993 - 2003: Đây là giai đoạn tập trung vào công tác kiện toàn, củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, một mặt Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp địa phương làm tốt công tác tuyển dụng cán bộ, khuyến khích những người có năng lực về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vào công tác tại các cơ quan Thi hành án; tổ chức rà soát những người có đủ điều kiện để xem xét bổ nhiệm Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng. Nhờ có nhiều biện pháp hữu hiệu, nên chỉ sau hai năm (đến năm 1995), toàn ngành đã có 2.922 cán bộ trên tổng số 4000 biên chế được phân bổ (trong đó có 1.480 Chấp hành viên, Chấp hành viên trưởng) và đến hết năm 2002, các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn quốc có 4.357 cán bộ trên tổng số 5.183 biên chế (trong đó có: 1.920 Chấp hành viên với 306 Chấp hành viên cấp tỉnh, 1.614 Chấp viên cấp huyện và 2.437 cán bộ nghiệp vụ). Trong số 4.357 cán bộ, công chức thì có 2.929 người có trình độ đại học; 582 người có trình độ cao đẳng; 102 người có trình độ cử nhân chính trị; 410 người có trình độ trung cấp chính trị... Hầu hết các chấp hành viên đã qua các khoá đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, quản lý nhà nước.
Giai đoạn 2004 - 2008: Đây là giai đoạn vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên vừa tiếp tục hoàn thiện cơ cấu ngạch công chức các cơ quan thi hành án dân sự. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp như củng cố tổ chức cán bộ, tăng cường công tác tuyển dụng công chức; công tác đào tạo, bồi dưỡng; rà soát, chuyển đổi ngạch chấp hành viên theo nhiệm kỳ. Qua rà soát, những chấp hành viên không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ luật đã không được bổ nhiệm lại Chấp hành viên. Đến năm 2008, cả nước có 8.308 biên chế, trong đó có 2.801 Chấp hành viên (gồm 387 Chấp hành viên cấp tỉnh và 2.414 Chấp hành viên cấp huyện); 64 Cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh và 676 Cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện. Đa số Chấp hành viên (khoảng trên 90%) đã đáp ứng về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ (có trình độ đại học Luật), đặc biệt số Chấp hành viên mới theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 đạt 100% có trình độ cử nhân luật và phần lớn đều đã qua lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên. Cũng trong giai đoạn này, Ban cán sự Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu trình Chính phủ quy định bổ sung ngạch Thẩm tra viên ở các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện và thi hành án trong quân đội nhằm thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nội bộ ngành.
+ Giai đoạn 2009 - 2019: Đây là giai đoạn có nhiều đổi mới quan trọng trong công tác cán bộ, nhất là cơ cấu các chức danh tư pháp thuộc hệ thống Thi hành án dân sự. Chấp hành viên từ hai ngạch được quy định thành ba ngạch (chấp hành sơ cấp, trung cấp và cao cấp) qua đó tạo thuận lợi cho việc quản lý, tổ chức công việc và thực hiện công tác luân chuyên, điều động giữa chấp hành viên công tác ở Cục và Chi cục Thi hành án dân sự. Ngoài ra, để giúp việc hiệu quả cho chấp hành viên thì chức danh thư ký thi hành án dân sự cũng được bổ sung mới ở giai đoạn này. Đến nay, hệ thống thi hành án dân sự gồm có: Tổng cục Thi hành án dân sự, 63 Cục Thi hành án dân sự và 710 Chi cục Thi hành án dân sự; đã thực hiện được 9.289/9.488 biên chế được giao, trong đó có có 4.112 Chấp hành viên, 729 Thẩm tra viên, 1.791 Thư ký thi hành án. Đội ngũ cán bộ công chức lãnh đạo từ Tổng cục, Cục đến các Chi cục Thi hành án dân sự đã được kiện toàn trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp với Ban Thường vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Chất lượng đội ngũ công chức thi hành án dân sự ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 100% Chấp hành viên có bằng Cử nhân Luật, 100% số cán bộ tham gia thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên theo quy định mới của Luật Thi hành án dân sự đều phải có trình độ Cử nhân luật và phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Chấp hành viên. Kỷ cương, kỷ luật trong ngành ngày càng được giữ vững và tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với cán bộ thi hành án dân sự có sai phạm được thực hiện thường xuyên.

 
2. Nhìn lại lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển trong 73 năm qua, có thể thấy, hệ thống tổ chức cán bộ thi hành án dân sự đã từng bước được xây dựng, củng cố, phát triển và lớn mạnh không ngừng, những thay đổi về tổ chức, những thành tựu đã đạt được và cả những hạn chế đã để lại những bài học quý giá cho hiện tại và tương lai của các cơ quan Thi hành án dân sự. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, song các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự rất đỗi vinh dự và tự hào về những chặng đường mà mình đã đi qua. Ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự vẫn đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Kết quả thi hành án về việc và về tiền nhìn chung đều vượt chỉ tiêu đề ra, tăng dần qua từng giai đoạn. Số việc còn phải thi hành chuyển kỳ sau giảm đáng kể; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đã được kiểm soát và đi vào hoạt động nề nếp, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; công tác xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự với chế định Thừa phát lại đã bước đầu đi vào cuộc sống, phát huy trong thực tế, giảm tải cho cơ quan Thi hành án dân sự; hoạt động thi hành án dân sự ngày càng có vai trò quan trong trong đời sống kinh tế - xã hội (hàng năm Quốc hội đều có Nghị quyết về công tác thi hành án), đã bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đảm bảo được môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để ghi nhận bề dày truyền thống, sự lớn mạnh, trưởng thành của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự, ngày 05/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QĐ-TTg công nhận ngày 19/7 hàng năm là Ngày truyền thống Thi hành án dân sự. Quyết định công nhận Ngày truyền thống Thi hành án dân sự của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các cơ quan Thi hành án dân sự và mỗi công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác thi hành án dân sự nói riêng và Ngành Tư pháp nước nhà nói chung, đó chính là nguồn động viên vô giá đối với mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự. Đáp lại sự quan tâm đó, đội ngũ người làm công tác thi hành án dân sự cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi để cùng nhau xây dựng hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp trong lúc này là vấn đề  đời  làm người”./.
 
ThS. Trần Phương Hồng
Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên


Theo Văn phòng

Các tin đã đưa ngày: