Sign In

Chân lý và lẽ công bằng trong công tác Thi hành án dân sự.

10/11/2017

              Nghề thi hành án dân sự  được nhà nước giao tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, rất cần sự hợp tác, ủng hộ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, của các bên đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Là một Chấp hành viên tôi đã và đang thi hành rất nhiều vụ việc. Trong số những vụ việc đang thi hành có một trường hợp làm cho tôi băn khoăn và day dứt mãi, cố gắng tìm mọi cách để thi hành toàn bộ nghĩa vụ theo bản án hoặc chí ít một phần cũng được nhưng… đành vô vọng. Xin nêu ra một trường hợp cụ thể:
            Tại Bản án số 19/2017/HSST ngày 13/6/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử bị cáo Nguyễn Đình Khanh, sinh năm: 1976, nơi ĐKHKTT: Số 28, Nguyễn An Ninh, phường 6, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; Vợ, con: Chưa có; Nghề nghiệp: Thợ hồ; Con ông: Nguyễn Cường; Con bà: Lý Thị Chanh. Người bị hại: Phan Văn Trung, sinh năm: 1985 (đã chết); Đại diện hợp pháp của người bị hại: Phan Văn Thả (bố của bị hại), ủy quyền cho vợ của bị hại: Huỳnh Công Thúy Vy, trú tại: Số 301 Tân Hiệp, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
        Bản án tuyên: Nguyễn Đình Khanh phạm tội “Giết người”, án phạt 16 năm tù. Ngoài ra, Nguyễn Đình Khanh tiếp tục  bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền 50.500.000đồng và cấp dưỡng nuôi hai con bị hại mỗi tháng 2.000.000đồng/02 cháu (mỗi cháu 1.000.000đồng/tháng), tiền cấp dưỡng thi hành từng tháng, thời gian cấp dưỡng tính từ tháng 12/2016 cho đến khi hai con anh Trung đủ 18 tuổi (một đứa sinh tháng 9/2012 và một đứa con chưa nhìn thấy mặt cha sinh tháng 4/2017)…
          Gia đình người bị hại đã làm đơn yêu cầu thi hành án đối với số tiền bồi thường và tiền cấp dưỡng nêu trên, cơ quan thi hành án đã thụ lý, ra quyết định thi hành án và phân công cho tôi tổ chức thi hành. Trở lại vấn đề trên, tại sao tôi phải vô vọng chưa biết phải làm cách nào để thi hành số tiền trên cho gia đình người bị hại?
          Tôi đã trực tiếp tìm đến địa chỉ số 28 Nguyễn An Ninh, phường 6, thành phố Đà Lạt (địa chỉ của Nguyễn Đình Khanh theo bản án). Tại đây, trước mắt tôi là một căn biệt thự to vật vã, kín cổng cao tường, chó sủa inh ỏi. Bước vào nhà, tôi may mắn gặp được bố của Khanh (ông Nguyễn Cường) đón tiếp, sau một hồi hỏi han về chuyện gia đình, chúng tôi bước vào nội dung của buổi làm việc.
           Ông Nguyễn Cường cho biết, con ông đã được chuyển từ Trại tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng đến thụ hình tại Trại giam Đại Bình –Tổng cục VIII – Bộ Công an (đóng tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Hiện nay, vợ chồng ông đã già yếu, không có khả năng lao động tạo thu nhập, ông đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, vợ chồng ông không có khả năng để thi hành án thay cho Nguyễn Đình Khanh được. Chúng tôi đã hết lời động viên, thuyết phục, phân tích cho gia đình biết những quyền lợi, nghĩa vụ phải thi hành án của Nguyễn Đình Khanh nhưng gia đình không đồng ý thi hành án thay cho con. Mặc dù biết gia đình ông kinh tế rất khá, nhà và đất “to đùng” tại địa phương chúng tôi không biết làm gì hơn để thu tiền theo quyết định thi hành án nêu trên, chỉ biết lập biên bản xác minh điều kiện thi hành án của Nguyễn Đình Khanh tại gia đình và tại địa phương.
           Chính quyền địa phương cho biết, Nguyễn Đình Khanh là con của ông Nguyễn Cường, bà Lý Thị Chanh, có hộ khẩu thường trú tại số 28 Nguyễn An Ninh, phường 6, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Từ nhỏ lớn lên Khanh ở chung với gia đình bố mẹ, làm nghề thợ hồ, chưa có vợ con. Khanh không có công sức đóng góp gì vào khối tài sản chung của gia đình bố mẹ. Căn nhà và lô đất tại địa chỉ trên là của bố mẹ Khanh (đang đứng tên ông Nguyễn Cường, bà Lý Thị Chanh), Khanh không có bất kỳ tài sản và nguồn thu nhập nào tại gia đình và tại địa phương. Nguyễn Đình Khanh chưa có điều kiện thi hành án.
           Từ những phân tích ở trên cho thấy, hiện nay pháp luật của nước ta nói chung, pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng có nhiều bất cập. Chính vì nguyên tắc “ai làm nấy chịu” vô hình chung đã gây khó cho công tác thi hành án, không đem lại công bằng cho người bị hại (ở đây là người được thi hành án). Vì người gây án đang chấp hành trong trại giam để trả giá cho những hành động tàn bạo của mình thì làm gì có thu nhập, tài sản riêng để bồi thường, bù đắp lại những mất mát, đớn đau cho gia đình bị hại. Trong khi đó, gia đình bố mẹ của anh ta lại có một khối tài sản khổng lồ dư sức để nộp những khoản tiền bồi thường ít ỏi đó…
            Sau nhiều lần đến nhà, chúng tôi kết hợp với chính quyền địa phương gặp ông Cường, bà Chanh và các anh chị em ruột của Nguyễn Đình Khanh ra sức động viên, thuyết phục, dùng hết những lời lẻ chân thành nhất để tác động gia đình tự nguyện thi hành án. Cho mãi đến nay, bà Chanh đã tự nguyện nộp thay cho con số tiền 30.000.000đồng (trong 02 lần nộp), số tiền bồi thường và tiền cấp dưỡng nuôi con còn lại không biết đến bao giờ cơ quan thi hành án mới thi hành dứt điểm được đây?
           Giá như pháp luật có quy định nghiêm minh hơn, trong trường hợp này, trong khối tài sản chung của gia đình phải có một phần của Nguyễn Đình Khanh, không thể nào là hoàn toàn của bố mẹ. Nếu được như vậy, cơ quan thi hành án dân sự sẽ dễ dàng hơn trong việc tổ chức thi hành án và có thể áp dụng những biện pháp bảo đảm hoặc biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật nếu họ không tự nguyện thi hành án. Đằng này, pháp luật quy định “ai làm nấy chịu”, tài sản đứng tên của bố mẹ thì không được “đụng” vào./.


Theo Phòng NV&TCTHADS

Các tin đã đưa ngày: