Sign In

Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự

14/07/2015

Ngày 29/11, tại TP.Nha Trang, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo toàn quốc về góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự. Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Tâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Luật Thi hành án dân sự được ban hành 14/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Sau khi Luật được ban hành, Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành hơn 30 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật. Qua hơn 4 năm thực hiện, Luật Thi hành án dân sự đã góp phần từng bước nâng cao vị thế của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tổ chức thi hành án, đảm bảo kết quả đạt được năm sau cao hơn năm trước, bảo vệ tốt hơn quyền của người được thi hành án. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần phải khắc phục như số lượng việc phải thi hành án chuyển sang năm sau còn cao, số việc chưa có điều kiện thi hành án vẫn còn cao so với tổng số vụ việc phải thi hành; đơn thư khiếu nại, tố cáo phải giải quyết còn nhiều, nhất là khiếu nại, tố cáo vượt cấp; tình trạng Chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án dân sự còn biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu đương sự; một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự quan tâm, chú trọng công tác thi hành án dân sự …Từ thực tiễn đó, Quốc hội đã đưa việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2014.

Tại Hội thảo, đã có 5 báo cáo tham luận và 12 ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi về những vấn đề lớn của Luật Thi hành án dân sự cần được sửa đổi, bổ sung; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự ở một số địa phương; về tổ chức Thừa phát lại trong hệ thống Thi hành án dân sự Việt Nam; những khó khăn, vướng mắc trong việc kê biên, đất đai và nhà ở phục vụ thi hành án dân sự; vấn đề cần xác định rõ thi hành án dân sự nằm ở khâu nào trong quá trình tố tụng, là cơ quan Tư pháp hay là cơ quan hành chính; vấn đề bất cập trong thống kê số liệu thi hành án dân sự có độ vênh so với số liệu của Tòa án và Viện Kiểm sát; cần quy định rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc giải thích bản án, quyết định theo đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự; vấn đề cải cách thủ tục hành chính để giải quyết khó khăn trong quá trình thi hành án; vai trò của Luật sư tham gia vào quá trình thi hành án dân sự, về việc xác minh điều kiện thi hành án, quyền của đương sự trong thi hành án; vấn đề liên quan đến phí, lệ phí; xã hội hóa công tác thi hành án dân sự ....

 

 

 

Cũng tại Hội thảo, bà Lê Thị Kim Dung – Vụ trưởng Vụ giải quyết Khiếu nại, tố cáo - Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp là khách mời của Ban Tổ chức, đã có giải thích, trao đổi về một số vấn đề còn có cách hiểu chưa đúng với quy định của pháp luật như vai trò của Luật sư trong quá trình thi hành án dân sự, vấn đề quyền được trợ giúp pháp lý của đương sự, quy định về án phí và lệ phí Tòa án với phí thi hành án dân sự …

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Tâm tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu và nhận xét: Hội thảo đã thống nhất cao việc cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Tuy nhiên, việc xây dựng Dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung phải dựa trên cơ sở Hiếp pháp 1992 sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và kết quả tổng kết Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp; đồng thời, kết hợp học hỏi kinh nghiệm quốc tế với việc tổng kết 5 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự cũng như 20 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án sang Bộ Tư pháp quản lý. Việc đánh giá phải dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, khách quan, vô tư.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Tâm, đây là Hội thảo lần đầu, khởi động của quá trình lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, do vậy, việc nghiên cứu kỹ, tham gia sâu vào quá trình lấy ý kiến góp ý xây dựng ngay từ giai đoạn đầu của quá trình xây dựng Dự án Luật có ý nghĩa to lớn.

Được biết, Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP).

Các tin đã đưa ngày: