Sign In

Số định danh cá nhân “loại“ giấy tờ tùy thân không cần thiết

14/07/2015

Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều qua cho ý kiến vào Dự án Luật Hộ tịch. Một trong những nội dung “nóng”, nhận được nhiều ý kiến của UBTVQH  chính là việc xây dựng Số định danh cá nhân (SĐDCN) để bảo đảm hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch cũng như cắt giảm thủ tục hành chính và giấy tờ công dân trong đăng ký hộ tịch

Sẽ dần lược bỏ nhiều loại giấy tờ trùng lắp

Hiện nay, mỗi công dân có thể sở hữu đến khoảng 20 loại giấy tờ (như Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Hộ khẩu, Thẻ bảo hiểm y tế, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu phổ thông, Hộ chiếu công vụ, Hộ chiếu ngoại giao, Sổ bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ, quyết định của cơ quan hành chính nhà nước…), mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau.

Các giấy tờ đều có chung đặc điểm là chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch của cá nhân (họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch…). Tuy nhiên, trên một số loại giấy tờ của cùng một người thông tin của cá nhân cũng không trùng nhau, gây khó khăn trong việc sử dụng...   

Do đó, để khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên, trong điều kiện phát triển của công nghệ kỹ thuật số hóa, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc quy định SĐDCN là hết sức cần thiết. SĐDCN chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích: Về bản chất, SĐDCN được coi như “chìa khóa” để tra cứu thông tin cá nhân, phân biệt người này với người khác. SĐDCN (cùng với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử) sẽ cho phép cá nhân lựa chọn phương thức tối ưu trong yêu cầu đăng ký hộ tịch, kể cả gửi hồ sơ thông qua trực tuyến khi điều kiện cho phép. Cụ thể, cá nhân chỉ cần thông báo Số định danh của mình, không cần xuất trình giấy tờ gì. Như vậy, đã đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách tối đa, bảo đảm thuận lợi cao nhất cho người dân trong đăng ký hộ tịch. “Đương nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, khi chưa có Số định danh, thì cá nhân cần xuất trình giấy tờ nhân thân”, Bộ trưởng Cường chia sẻ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng tán thành quy định việc cấp SĐDCN trong Dự án Luật. Theo ông Lý, đây là điểm mới, có ý nghĩa đột phá quan trọng về nhiều mặt, tạo tiền đề cho công tác đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội của Nhà nước như một số quốc gia đang thực hiện và đạt hiệu quả cao; đồng thời, khi quy định này được áp dụng ở nước ta sẽ dần lược bỏ nhiều loại giấy tờ trùng lắp, không cần thiết.

Hoàn thành cấp SĐDCN vào năm 2020

Tuy nhiên, để thực hiện quy định này, ông Lý cho rằng cần tính đến lộ trình, sự đầu tư của Nhà nước để bảo đảm có hiệu quả, tránh lãng phí; cũng như cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, cơ quan, tổ chức hữu quan để khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền quản lý dân cư hiện nay.

Bên cạnh đó, theo Dự án Luật, SĐDCN được cấp một lần duy nhất cho cá nhân khi đăng ký khai sinh kể từ ngày Luật này có hiệu lực; còn việc cấp SĐDCN cho người đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật này có hiệu lực thì giao Chính phủ quy định.

Theo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thì bắt đầu từ ngày 1/1/2016 sẽ cấp số định danh cho công dân và đến hết năm 2020 thì mỗi công dân đều có SĐDCN. Vì vậy, theo ông Lý, cần quy định cụ thể ngay trong Luật việc cấp số định danh cho công dân kể cả những công dân được sinh ra trước ngày Luật này có hiệu lực; đồng thời Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể để sớm hoàn thành việc cấp số định danh công dân, mà không kéo quá dài như dự kiến.

Đánh giá cao những cải cách “tiến bộ, cách mạng” mà SĐDCN có thể đem lại nhưng Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, dự luật cần phải làm rõ sẽ giảm bao nhiêu loại giấy tờ cho công dân khi mà có tới “20 loại giấy tờ mà người dân đang phải mang vác trong cuộc đời mình”. Hay như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng rất kỳ vọng với SĐDCN vì nó sẽ thay thế nhiều giấy tờ mà công dân phải mang theo. Song ông Hiện cho rằng, chưa có sự phân biệt giữa SĐDCN với các giấy tờ khác như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hộ khẩu...

Trước những băn khoăn của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, nếu Dự án Luật được Quốc hội thông qua, cho phép có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 thì cùng với Đề án tổng thể, đến năm 2020 sẽ cấp SĐDCN cho toàn bộ công dân Việt Nam. Khi đó, các giấy tờ, đặc biệt là giấy tờ tùy thân, sẽ được giảm tải. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật không mở rộng khái niệm hộ tịch sang các lĩnh vực khác tuy rằng có liên quan đến hộ tịch (như nơi cư trú) do có sự khác nhau về đối tượng, mục tiêu quản lý.

Hoàng Thư

Các tin đã đưa ngày: