Nữ “thủ lĩnh” Thi hành án dân sự nơi biên giới miền Tây của Tổ quốc.

24/07/2013
Chị là Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Minh Hóa, một huyện miền núi rẻo cao của tỉnh Quảng Bình. Là một người luôn tâm huyết với nghề thi hành án dân sự, nói đến chị mọi người đều nghĩ đến công tác thi hành án dân sự phải lấy giáo dục, thuyết phục làm đầu đúng như cái tên của chị Phạm Thị Thuyết.

Kiên trì thuyết phục để “đồng bào miềng ưng cái bụng”

Chị Phạm Thị Thuyết là một trong những người có thâm niên công tác lâu nhất trong ngành Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình. Trước chị là cán bộ trong ngành Tòa án tỉnh Quảng Bình, từ tháng 7/1993 sau công tác Thi hành án dân sự được chuyển giao cho Chính ohur quản lý chị được điều động đến nhận công tác tại Đội Thi hành án dân sự huyện Tuyên Hóa, rồi đến huyện Minh Hóa là những huyện miền núi rẻo cao của tỉnh Quảng Bình. Toàn huyện Minh Hóa có 15 xã và 1 thị trấn với diện tích tự nhiên là 1.410 km2, có đường biên giới giáp với nước bạn Lào gần 90 km, dân số trên 49 nghìn người, bao gồm người Kinh và các dân tộc ít người khác như Bru, Vân Kiều, Rục…. Lên với huyện vùng cao Minh Hóa chúng ta có dịp đi qua những địa danh nổi tiếng oanh liệt trong thời kỳ kháng chiến chống mỹ như đèo Đá đẽo, Ngầm bãi Dinh, đồn Biên phòng Cha Lo anh hùng…

Với những đặc thù của huyện miền núi rẻo cao, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí và mức sống của đại đa số nhân dân trong huyện vẫn còn thấp, người dân trong huyện mà đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số trình độ am hiểu pháp luật rất hạn chế, cứ “hồn nhiên” vi phạm pháp luật mà không biết. Do vậy, trong công tác thi hành án dân sự chị Thuyết lấy công tác giáo dục, thuyết phục làm đầu, tăng cường đi cơ sở về các bản làng để tuyên truyền pháp luật, giải thích cho đồng bào mình nghe những điều hay lẽ phải từ đó tự giác chấp hành. Bên cạnh đó, chị Thuyết còn tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự, đặc biệt tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong nhân dân như Già làng, Trưởng bản, những người đứng đầu các dòng họ… để động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự giác chấp hành.

Trong công tác giáo dục, thuyết phục, chị Thuyết còn biết khơi dậy những niềm tự hào của đồng bào dân tộc. Chị thường nói với bà con: “Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Bình một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ để làm cách mạng thành công, có những dân tộc như dân tộc Vân Kiều lấy họ Bác làm họ cho cả dân tộc mình. Ngày nay, hòa bình lập lại đồng bào Kinh cũng như đồng bào các dân tộc khác phải sống và làm việc theo pháp luật, đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc”. Với phong cách giản dị, phương pháp thuyết phục dễ đi vào lòng người, cho nên trong công tác thi hành án dân sự chị Thuyết đã cảm hóa được rất nhiều đối tượng phải thi hành án tự nguyện chấp hành mà không cần phải dùng đến biện pháp cưỡng chế cứng rắn. Nhiều bà con đồng bào dân tộc thổ lộ:“nghe cán bộ Thuyết giảng giải miềng rất ưng cái bụng.”

Điểm sáng thi hành án dân sự nơi biên giới miền Tây Tổ quốc

Với phương châm trong công tác thi hành án dân sự lấy giáo dục làm đầu, quả đúng như vậy, “lạt mềm buộc chặt”, phương châm ấy đã thấm vào từng anh em cán bộ công chức trong đơn vị, từ đó đem lại hiệu quả công tác cao. Kết quả công tác thi hành án dân sự huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình trong mấy năm gần đây khi chị Thuyết đảm nhiệm chức vụ Chi Cục trưởng luôn vượt chỉ tiêu trên giao. Năm 2012, tỷ lệ thi hành án đạt 93% về việc, 97% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành, giảm án tồn đọng chuyễn sang kỳ sau 33% (đã vượt so với chỉ tiêu trên giao 3% về việc, 19% về tiền và vượt 26 % giảm án tồn chuyễn sang kỳ sau). Bước sang năm 2013, trên cơ sở chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho ngành Thi hành án dân sự là 88% về việc và 77% về tiền trên tổng số án có điều kiện, chị và toàn thể anh em trong đơn vị đang phấn đấu về đích sớm các chỉ tiêu.

Hiện nay, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Minh Hóa có 10 biên chế trong đó hơn một nửa là người dưới miền xuôi lên công tác do huyện miền núi nguồn lực con người tại chỗ rất thiếu. Mặc dù phải xa nhà, xa người thân, môi trường công tác ở huyện miền núi biên giới có rất nhiều khó khăn, nhưng toàn thể cán bộ, công chức Chi cục Thi hành án dân sự huyện Minh Hóa luôn an tâm công tác, anh em trong đơn vị luôn cảm thấy ấm lòng, xem đơn vị là nhà, miền biên giới là quê hương.

Những ngày này, lên huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa, vào thung lũng thị trấn Quy Đạt, giữa mênh mông bạt ngàn núi đá, lèn cao, mặc cho gió Lào - thứ “đặc sản” của biên giới miền tây Quảng Bình thổi ràn rạt những ngày hè, chị Thuyết vẫn đang cùng các anh chị em Chi cục Thi hành án dân sự Minh Hóa tăng cường về cơ sở để tổ chức Thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao, thiết thực lập thành tích chào mừng ngày truyền thống Thi hành án dân sự Việt Nam (19/7/1946 – 19/7/2013)

Trần Phương Nam


Các tin khác