Nhiều kết quả ứng dụng công nghệ thông tin đã đạt được trong thi hành án dân sự

11/07/2017
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự được Nhà nước bảo đảm theo quy định tại Điều 24 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Hệ thống Thi hành án dân sự hiện nay được tổ chức theo Ngành dọc từ Trung ương đến địa phương cấp huyện (ở Trung ương có Tổng cục Thi hành án dân sự với 8 đơn vị trực thuộc), ở cấp tỉnh có 63 Cục Thi hành án dân sự, cấp huyện có 710 Chi cục Thi hành án dân sự. Tổng số công chức, viên chức, người lao động toàn Hệ thống Thi hành án dân sự hiện nay gần 12 nghìn người. Trong bối cảnh lượng án phải thi hành không ngừng tăng cao nhưng biên chế không tăng, thời gian qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự.


1. Nhiều kết quả ứng dụng công nghệ thông tin đã đạt được trong thi hành án dân sự
1.1. Chủ trương, đường lối, định hướng, kế hoạch:
Nhiều chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước là cơ sở để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự, như: Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng  dụng công nghệ thông tin trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã xác định “Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI khẳng định hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu, cần ưu tiên đầu tư, để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết nêu rõ quan điểm của Trung ương Đảng, coi việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam “về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày15/4/2015 của Chính phủ ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Điều 24 Luật Thi hành án dân sự quy định “Nhà nước bảo đảm biên chế, kinh phí, trụ sở làm việc, công cụ hỗ trợ thi hành án, ứng dụng công nghệ thông tin và phương tiện, trang thiết bị cần thiết khác cho cơ quan thi hành án dân sự”.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án về ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Thi hành án dân sự, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ cụ thể, có lộ trình, giải pháp cho cả giai đoạn (từ 2015 đến 2020) và đối với từng năm cụ thể (như: Quyết định số 3416/QĐ-BTP ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 1700/QĐ-BTP ngày 24/9/2015 ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 1701/QĐ-BTP ngày 24/9/2015 ban hành Kế hoạch giai đoạn 2015-2016 triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 332/QĐ-BTP ngày 14/02/2015 ban hành “Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự”; Quyết định 152/QĐ-BTP ngày 01/02/2016 phê duyệt Đề án cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; Quyết định số 1396/QĐ-TCTHADS ngày 30/12/2016 về phê duyệt kế hoạch triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự năm 2017), đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai từ Tổng cục đến các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự.
1.2. Về hạ tầng kỹ thuật:
  1. Ở Trung ương: Hiện nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án sự được trang bị mỗi người 01 máy tính kết nối mạng nội bộ (LAN) và mạng internet, các phòng làm việc được trang bị một số thiết bị khác phục vụ công tác như máy in, máy fax, máy scan, máy photocopy, điện thoại... Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại Tổng cục Thi hành án sự chưa thực hiện đầu tư mua sắm, quản lý riêng mà phụ thuộc chủ yếu vào Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Tư pháp (Hệ thống máy chủ, đường truyền, lưu trữ, an ninh, an toàn thông tin…).
  2. Tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương: Cán bộ, công chức đều được trang bị tương đối đầy đủ các trang thiết bị tin học phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, đạt yêu cầu 01 máy tính/01người; 100% các Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự đã thiết lập hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối mạng Internet.
Hàng năm, Tổng cục Thi hành án sự đều chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục, các Cục Thi hành án dân sự rà soát, trang cấp máy tính và thiết bị tin học cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
1.3. Về nhân lực:
Hiện tại ở Tổng cục có Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin là đơn vị trực thuộc tham mưu trong công tác nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin của toàn Hệ thống Thi hành án sự. Trung tâm có 03 đồng chí có trình độ cử nhân công nghệ thông tin.
Ở các cơ quan thi hành án dân sự hiện nay được phân bổ 01 biên chế chuyên trách công nghệ thông tin/Cục Thi hành án dân sự (hầu hết các Cục Thi hành án dân sự đã tuyển đủ số biên chế này, một số đơn vị giao kiêm nhiệm phụ trách), các Chi cục Thi hành án dân sự chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.
Hàng năm, Tổng cục phối hợp với các đơn vị liên quan (Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Công nghệ thông tin, Học viện Tư pháp) xây dựng Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong Hệ thống Thi hành án dân sự.
1.4. Một số ứng dụng nội bộ đã xây dựng triển khai:
- Đã xây dựng và triển khai thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh “Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự”. Ngày 02/6/2017, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 791/QĐ-BTP về việc triển khai Phần mềm này trong toàn Hệ thống Thi hành án dân sự.
- Phần mềm Quản lý văn bản đi/đến tại Tổng cục và các Cục Thi hành án dân sự.
- Phần mềm Quản lý cán bộ và chức danh tư pháp tại Tổng cục và các Cục Thi hành án dân sự;
- Phần mềm Kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự và Kế toán Hành chính sự nghiệp thi hành án dân sự.
- Phần mềm Lưu trữ dùng chung cho hệ thống tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự (đang sử dụng tại Tổng cục và một số Cục Thi hành án dân sự).
- Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ (khoảng 10.000 tài khoản), dung lượng cao nhất lên đến 5GB.
- Đầu tư mua sắm, lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống giao ban trực tuyến với 64 điểm cầu (tại Tổng cục và 63 Cục Thi hành án dân sự) phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành nhanh chóng, tiết kiệm.
- Đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống tổng đài nhắn tin SMS.
- Triển khai cấp chữ ký số cho Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục, các Cục và một số Trưởng phòng chuyên môn của Cục Thi hành án dân sự.
- Trình phê duyệt Đề án cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; hiện đã triển khai khảo sát, xây dựng báo cáo đề xuất giải pháp và đang triển khai các nội dung theo Kế hoạch. Trong thời gian qua đã tổ chức thu thập, phân loại, lưu trữ các cơ sở dữ liệu điện tử về thi hành án dân sự (dữ liệu kết quả thi hành án dân sự, tổ chức cán bộ, văn bản quản lý điều hành, văn bản pháp luật về thi hành án dân sự…).
1.5. Ứng dụng phục vụ người dân doanh nghiệp:
- Nâng cấp, phát triển Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự thành Cổng Thông tin điện tử Thi hành án dân sự của Tổng cục Thi hành án dân sự. Xây dựng, triển khai Trang Thông tin điện tử cho 63 Cục Thi hành án dân sự địa phương.
- Đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2 trên Cổng/Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự[1]. Hiện đã triển khai hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự trên Cổng/Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự đối với 03 nội dung là hỗ trợ yêu cầu thi hành án dân sự; hỗ trợ yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án dân sự; hỗ trợ thủ tục khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.
- Thực hiện đăng tải công khai danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Cổng/Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự theo quy định.
2. Một số khó khăn, hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự cũng còn gặp một số khó khăn, hạn chế, cụ thể:
2.1. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong toàn Hệ thống Thi hành án dân sự chưa được thực hiện đồng bộ, đường truyền internet tại một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương chưa thật sự đảm bảo, tốc độ đường truyền chậm, không ổn định; công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin ở các cơ quan thi hành án dân sự địa phương chưa được chú trọng.
2.2. Công tác xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử vẫn còn tình trạng cắt khúc, chưa tạo lập được cơ sở dữ liệu tập trung, nhất là tích hợp cơ sở dữ liệu của từng địa phương thành cơ sở dữ liệu chung thống nhất của cả Hệ thống Thi hành án dân sự.
2.3. Việc xây dựng triển khai một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin mặc dù đã được thực hiện nhưng còn chậm so với yêu cầu.
2.4. Kỹ năng sử dụng máy tính, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số cán bộ, công chức thi hành án dân sự còn hạn chế, nhất là tại các Chi cục Thi hành án dân sự.
2.5. Chưa có nhiều chính sách khuyến khích, đãi ngộ nên chưa thu hút được nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn cao vào công tác tại Hệ thống Thi hành án dân sự.
Có thể thấy rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự thời gian qua bước đầu đã có những chuyển biến nhất định, đạt được một số kết quả trên nhiều mặt (hạ tầng, phần mềm, cơ sở dữ liệu, nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng…). Tuy nhiên, so với yêu cầu công tác thi hành án dân sự hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, trong thời gian tới cần quan tâm đẩy mạnh thực hiện, tăng cường các nguồn lực, tích cực phối hợp với các đơn vị có thế mạnh về công nghệ thông tin hỗ trợ, hợp tác phát triển.
3. Mục tiêu, giải pháp và khuyến nghị về ứng dụng công nghệ thông tin trước yêu cầu rút ngắn thời gian thi hành án
3.1. Mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự giai đoạn 2017-2020 và các năm tiếp theo
3.1.1. Mục tiêu chung
- Hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin truyền thông đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình nghiệp vụ gắn với công tác cải cách hành chính; chú trọng hạ tầng hệ thống mạng đồng bộ, nâng cấp băng thông đường truyền đáp ứng việc sử dụng khai thác các phần mềm, chương trình ứng dụng. Tiến tới từng bước chủ động trong quản lý hạ tầng, thiết bị an ninh, bảo mật thông tin…
- Tăng cường nguồn lực công nghệ thông tin (nhân lực, tài chính) đảm bảo triển khai vận hành hệ thống và sử dụng hiệu quả các ứng dụng.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng các phần mềm nội bộ phục vụ công tác quản lý, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử, gắn liền với quá trình cải cách hành chính.
- Tiếp tục đẩy mạnh, triển khai cung cấp các thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, hệ thống giao ban trực tuyến.
3.1.2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2017-2020 và các năm tiếp theo
- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp phát triển hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin; rà soát, trang cấp máy tính thiết bị tin học cho cán bộ, công chức của các cơ quan thi hành án dân sự; nâng cấp hệ thống đường truyền mạng tại các cơ quan thi hành án dân sự đảm bảo kết nối và sử dụng các hệ thống ứng dụng; tiến tới triển khai hệ thống đồng bộ, đường truyền riêng.
- Xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu: Triển khai Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự trên toàn quốc; hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng phần mềm Quản lý cán bộ và chức danh tư pháp; xây dựng phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; phần mềm về giải quyết khiếu nại tố cáo; cung cấp thông tin lý lịch tư pháp điện tử từ Cục Thi hành án dân sự sang Sở Tư pháp; nghiên cứu và tổ chức xây dựng Đề án về hệ thống thông tin trong lĩnh vực thi hành án dân sự…
- Tăng cường sử dụng hệ thống Hội nghị giao ban trực tuyến; đánh giá, đề xuất đầu tư mua sắm thiết bị Hội nghị giao ban trực tuyến đến cấp Chi cục. Tăng cường sử dụng văn bản điện tử thay thế cho các văn bản giấy trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; khai thác, sử dụng triệt để hộp thư điện tử công vụ; sử dụng hiệu quả mạng Internet để khai thác thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn.
- Tổ chức quản lý, vận hành tốt Cổng Thông tin điện tử và các Trang Thông tin điện tử Thi hành án dân sự. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, tiến tới cấp độ 4; hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự đối với người dân doanh nghiệp, tiếp nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
- Ưu tiên, bố trí kinh phí đầu tư phát triển công nghệ thông tin. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan thi hành án dân sự về ứng dụng công nghệ thông tin. Bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho đội ngũ làm công tác công nghệ thông tin của các cơ quan thi hành án dân sự.
b) Trong năm 2017
Triển khai ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) về hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Tập đoàn Viễn thông quân đội trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin thời gian tới, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mỗi bên, ngày 08/6/2017 vừa qua Tổng cục Thi hành án dân sự và Viettel Telecom tổ chức buổi làm việc nhằm đánh giá tổng quan về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Thi hành án dân sự, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin của Hệ thống Thi hành án dân sự, tăng cường phối hợp hợp tác giữa hai đơn vị trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin một cách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trên tinh thần chia sẻ, phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ phối hợp với Viettel Telecom nghiên cứu xây dựng Kế hoạch tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Thi hành án dân sự, báo cáo Lãnh đạo Bộ phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tổng cục Thi hành án dân sự đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong năm 2017, cụ thể như sau:
- Triển khai và đưa vào sử dụng trong toàn Hệ thống Thi hành án dân sự  Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự, đưa vào khai thác sử dụng phần mềm Quản lý cán bộ và chức danh tư pháp.
- Xây dựng phần mềm hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự.
- Nâng cấp, quản lý, vận hành hiệu quả Cổng/Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự.
- Chuẩn bị khảo sát, rà soát đánh giá hệ thống đường truyền mạng của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, trên cơ sở đó có hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự về hạ tầng, đường truyền tối thiểu đảm bảo đáp ứng sử dụng, khai thác các ứng dụng, chương trình phần mềm.
- Về nội dung nghiên cứu, đề xuất đầu tư mua sắm, triển khai Hội nghị giao ban trực tuyến cấp Chi cục Thi hành án dân sự: Hiện nay, hội nghị giao ban trực tuyến đã được đầu tư sử dụng đến cấp Cục. Trong thời gian tới, thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục sẽ nghiên cứu triển khai đầu tư mua sắm, cài đặt hệ thống Hội nghị trực tuyến đến toàn bộ 710 Chi cục Thi hành án dân sự. Trong đó, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng và có hướng dẫn các địa phương đảm bảo cấu hình, băng thông, đường truyền phù hợp, cần thiết nâng cấp hạ tầng đường truyền đến các Chi cục đảm bảo kết nối. Đối với việc đầu tư thiết bị tại các điểm cầu Chi cục, Tổng cục đã rà soát và dự kiến phân loại các đơn vị cấp Chi cục Thi hành án dân sự cần đầu tư theo các mức phòng trực tuyến phù hợp. Trên cơ sở các phương án dự kiến, Tổng cục sẽ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, các đơn vị liên quan lập cấu hình kỹ thuật từng phòng cụ thể để đầu tư hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm và đảm bảo đầu tư được tối đa tới tất cả các Chi cục Thi hành án dân sự.Thời gian dự kiến đầu tư: Khoảng cuối năm 2017 (tháng 11, 12).
3.2. Một số giải pháp
3.2.1. Giải pháp tổ chức, triển khai
- Phát huy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia trực tiếp, vai trò của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự.
- Tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thi hành án dân sự về vai trò và tiện ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin.
- Kết hợp, gắn công tác ứng dụng công nghệ thông tin cùng với công tác cải cách hành chính và tiếp tục xây dựng, đưa vào ứng dụng nền hành chính điện tử.
- Tiếp tục chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ trong các lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước do Bộ quản lý. Ban hành các quy định về cung cấp, trao đổi, thu thập thông tin trong cơ quan Bộ; thu thập, cập nhật, chuẩn hóa thông tin, khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý cán bộ và chức danh tư pháp.
- Lựa chọn, áp dụng các hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định tại Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
- Bổ sung cán bộ ứng dụng công nghệ thông tin tại Tổng cục và bố trí đủ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại các Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của Hệ thống Thi hành án dân sự.
- Tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu và điển hình tiên tiến trong ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin. Đưa chỉ tiêu ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin vào chỉ tiêu thi đua, khen thưởng của các đơn vị.
3.2.2. Giải pháp về tài chính
- Huy động các nguồn vốn khác nhau ở trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng công nghệ, ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm về ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Thi hành án dân sự, các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cá nhân và tổ chức; tích cực tìm kiếm nguồn vốn ODA và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các dự án lớn, triển khai trên diện rộng.
- Đầu tư đồng bộ cho phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và đào tạo sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, phí điều hòa thi hành án dân sự được để lại theo quy định.
- Lập kế hoạch hàng năm để trình cấp có thẩm quyền bố trí đủ kinh phí cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Thi hành án dân sự.
3.2.3. Giải pháp môi trường chính sách
- Cập nhật, kịp thời phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin của Nhà nước và của Bộ Tư pháp; xây dựng hành lang pháp lý để gắn việc cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin.
- Hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Thi hành án dân sự: Thực hiện chuẩn hoá quy trình nghiệp vụ; ban hành các văn bản, quy chế về việc xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác và sử dụng các phần mềm chuyên ngành, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; ban hành các quy định và tiêu chuẩn cụ thể về việc sử dụng công nghệ thông tin đối với cán bộ, công chức, viên chức;
- Xây dựng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin về làm việc tại Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.
3.2.4. Kinh phí thực hiện
Kinh phí của các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Thi hành án dân sự là kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và lấy một phần từ phí thi hành án dân sự được để lại theo quy định. Hàng năm, Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với các đơn vị có liên quan dự toán kinh phí cụ thể cho từng nhiệm vụ.
Thu Trang
 
[1] Thủ tục giải quyết khiếu nại về bồi thường nhà nước lần đầu, lần hai trong hoạt động THADS (cấp trung ương); Giải quyết tố cáo về THADS (cấp Trung ương); Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; Thủ tục Bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch Thẩm tra viên thi hành án; Thủ tục Miễn nhiệm CHV…