Diễn đàn trao đổi về THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Danh sách chủ đề
Chi tiết chủ đề

Bàn về việc tính lãi chậm thi hành án theo hợp đồng tín dụng

Một trong những nguyên nhân mà được nêu tại Tờ trình số 180/TTr-CP ngày 07/5/2017 Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để trình Quốc hội đã chỉ ra rằng thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua Tòa án không hiệu quả (thời gian giải quyết khoảng 400 ngày, nhưng thực tế là khoảng 2 năm; chi phí chiếm khoảng: 29% giá trị đòi nợ; chỉ số chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18)[1]; hiệu quả của công tác thi hành án dân sự liên quan đến thu hồi nợ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế.
Về nguyên nhân mà hiệu quả thi hành án cho các tổ chức tín dụng đạt thấp thì có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, có một vấn đề trong thi hành án cho các tổ chức tín dụng khác với việc thi hành án khác ở chỗ việc tính lãi theo các hợp đồng tín dụng là hết sức phức tạp. Bên cạnh đó, Chấp hành viên là người được đào tạo chuyên sâu về luật nên có những hạn chế trong việc tính toán các khoản lãi phát sinh dẫn đến có nhiều lúng túng và có những quan điểm khác nhau về việc tính lãi cho người được thi hành án là các tổ chức tín dụng. Để làm rõ những vấn đề khó khăn phức tạp trong quá trình tính lãi khi thi hành án cho các tổ chức tín dụng, xin được trình bày một vụ việc cụ thể như sau:
Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự  số 69/2011/QĐST.KDTM ngày 22/6/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh B thì ông T và bà N phải thi hành khoản trả cho Ngân hàng E, cụ thể:
- Về tiền 2.127.456.510đ  (lãi tính đến ngày 14/6/2011) và tiền lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng số 1803-LAV-200900627 ngày 05/8/2009, hợp đồng tín dụng số 1803-LAV-200900628 ngày 05/8/2009, hợp đồng tín dụng số 1803-LAV-200900789 ngày 06/10/2009.
- Về vàng 388,33 chỉ (lãi tính đến ngày 14/6/2011) và tiền lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng số: 1803-LAV-201000130 ngày 10/02/2010 cho đến khi Ngân hàng thu hồi hết nợ (giá trị vàng được quy đổi thành tiền tại thời điểm thanh toán).
...Đến thời hạn thanh toán nợ theo cam kết mà ông T và bà N không thanh toán thì phải tiếp tục trả vốn và lãi[2] theo các hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán hết số tiền nợ. Giá trị vàng được quy đổi thành tiền tại thời điểm thanh toán.
Trên cơ sở đơn yêu cầu của Ngân hàng E, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã ra quyết định thi hành án và tiến hành kê biên tài sản thế chấp của ông T và bà N cho Ngân hàng E gồm: Quyền sử dụng đất có diện tích 2.287m² đất, thửa đất số 156, tờ bản đồ số 26 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số C 439784 ngày 29/11/1994 cho bà N và tài sản gắn liền trên đất là nhà, công trình phụ, vật kiến trúc khác. Ngày 02/8/2013 tài sản đã được bán đấu giá thành cho Ngân hàng E với giá 5.453.000.000đ. Đến ngày 14/8/2013, Ngân hàng E đã nộp đủ tiền mua tài sản và trong khi chờ giao được tài sản cơ quan THA đã gửi tiết kiệm số tiền trên[3].
Ngày 08/10/2013, Ngân hàng E có Công văn số 628/2013/E  xác định nợ gốc, nợ lãi tính đến ngày 03/10/2013, yêu cầu ông T và bà N phải thi hành số tiền 5.544.550.935đ, bao gồm nợ gốc  3.187.500.000đ và nợ lãi 2.357.050.935đ (nợ lãi phát sinh từ 15/6/2011 đến 03/10/2013, gồm: nợ lãi trong hạn 1.030.625.000đ, nợ lãi quá hạn 173.202.333đ, nợ  lãi phạt do chậm trả tiền lãi 683.137.324đ).
Ngày 27/12/2016, cơ quan thi hành án đã tạm chi trả cho Ngân hàng Eximbank 4.000.000.000đ; trong đó: tiền gốc, tiền lãi theo quyết định của Tòa án là 2.127.4456.510đ; 388,33 chỉ vàng quy đổi thành 1.417.404.500đ (3.650.000đ/1chỉ vàng SJC) và tiền lãi phát sinh sau khi có Quyết định của Tòa án là 455.138.990đ . Đến tháng 5/2017 người mua trúng đấu giá chưa nhận được tài sản và người được thi hành án chưa được thanh toán đủ số tiền được thi hành án theo quyết định của Tòa án vì có 02 quan điểm khác nhau về thời điểm thanh toán tiền lãi cho Ngân hàng E[4]
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Ngân hàng E chỉ được nhận số tiền gốc và tiền lãi tính đến ngày 03/10/2013[5], Bởi vì các lý do sau:
Một là, tại Công văn số 628/2013/E ngày 08/10/2013, Ngân hàng E đã tính lãi phạt trái quy định để buộc đương sự phải thi hành từ ngày 03/10/2013 với số tiền rất lớn là 683.137.324đ. Vì ngày 14/12/2016, Tòa án nhân dân tỉnh B có Công văn số 694/CV-TA giải thích tiền lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng như sau: “Như vậy, theo Quyết định nêu trên, ông T và bà N phải trả lãi theo hợp đồng tín dụng đến khi trả xong, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên không có phần lãi phạt và tại thời điểm đó không có quy định nào cho phép tính lãi phạt. Do vậy, đối với số nợ gốc quá hạn chưa thi hành án, cơ quan thi hành án căn cứ vào các hợp đồng tín dụng ông T, bà N đã ký đối với khoản vay để thi hành”. Sau khi Ngân hàng E tính lại tiền lãi phát sinh từ ngày 15/6/2011 đến ngày 03/10/2013 xác định tổng số tiền gốc, lãi ông T, bà N phải trả là 4.743.716.343đ, khấu trừ với số tiền bán đấu giá thành là 5.453.000.00đ thì số tiền còn thừa phải trả lại cho ông T, bà N là 709.283.657đ.
Hai là, do Ngân hàng E tính sai khoản lãi, không đồng ý chi trả tiền còn thừa cho ông T, bà N nên đương sự chưa tự nguyện giao tài sản bán đấu giá thành, có hành vi chống đối quyết liệt nên có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng không thể khắc phục được nếu tổ chức cưỡng chế giao tài sản mà không giải quyết số tiền còn thừa đúng luật pháp.
Ba là, trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đã phải kê biên cưỡng chế tài sản của người phải thi hành án, cho nên đã có sự chuyển hóa trong quyết định của Tòa án và Ngân hàng là người có trách nhiệm tính toán lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng. Do đó, Ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong việc tính toán sai khoản lãi và không được đổ trách nhiệm cho cơ quan thi hành án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Ngân hàng E được tính lãi (bao gồm cả lãi và lãi quá hạn) cho đến thời điểm nhận được tiền thi hành án [6]theo đúng Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự  số 69/2011/QĐST.KDTM ngày 22/6/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh B, bởi vì:
Một là, tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự  số 69/2011/QĐST.KDTM ngày 22/6/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh B đã ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự là: Đến thời hạn thanh toán nợ theo cam kết mà ông T và bà N không thanh toán thì phải tiếp tục trả vốn và lãi theo các hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán hết số tiền nợ. Giá trị vàng được quy đổi thành tiền tại thời điểm thanh toán.
Hai là, theo hợp đồng tín dụng được ký kết giữa ông T, bà N với Ngân hàng E thì tiền lãi bao gồm: lãi, lãi quá hạn và lãi phạt. Mặt khác, đến ngày 14/12/2016 Tòa án mới có văn bản giải thích là không có phần lãi phạt và khẳng định là số nợ gốc quá hạn chưa thi hành án, cơ quan thi hành án căn cứ vào các hợp đồng tín dụng ông T, bà N đã ký đối với khoản vay để thi hành. Như vậy, không có căn cứ để cho rằng Ngân hàng E cố tình tính sai khoản lãi.
Do có quan điểm khác nhau trong việc tính lãi dẫn đến người được thi hành án, người phải thi hành án đều khiếu nại cả ngân hàng E và ông T, bà N đều khiếu nại, cơ quan thi hành án dân sự không giải quyết dứt điểm nên gần 4 năm sau khi tài sản bán đấu giá thành nhưng không giao được cho người mua trúng đấu giá (là ngân hàng E), không chi được tiền cho ngân hàng và kết thúc được việc thi hành án.
Quan điểm của tác giả là đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi vì ngoài những lập luận mà quan điểm thứ hai đưa ra thì tác giả cho rằng:
Thứ nhất, tại khoản 2 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên là “Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định”. Bên cạnh đó theo quy định tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự thì sau khi thu được tiền bán tài sản Chấp hành viên phải lập “bảng phân phối tiền bán tài sản để thi hành án” theo mẫu C24-THA. Như  vậy, việc tính toán các khoản tiền mà người phải thi hành án phải thi hành (bao gồm các khoản phải thi hành đã được tuyên cụ thể trong Bản án, Quyết định của Tòa án và lãi chậm thi hành án) là thuộc trách nhiệm của Chấp hành viên. Do đó, Chấp hành viên phải căn cứ vào quyết định của Tòa án, nội dung của hợp đồng tín dụng để tính toán các khoản tiền mà ông Tâm và bà Nga phải thi hành. Trường hợp không đủ điều kiện để tính toán thì Chấp hành viên có thể yêu cầu tổ chức tín dụng tự tính hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ việc tính toán. Trong trường hợp này, nếu cho rằng Ngân hàng E tính không chính xác thì Chấp hành viên phải có trách nhiệm tính toán (hoặc đề nghị hỗ trợ ) để xác định số tiền thi hành án trên cơ sở đó thông báo cho các đương sự biết trước khi thực hiện việc thu, chi tiền thi hành án. Trường hợp, khi cơ quan thi hành án dân sự thông báo số tiền thi hành án nếu có khiếu nại của người phải thi hành án, người được thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thụ lý và giải quyết theo quy định tại Chương VI Luật Thi hành án dân sự.
Thứ hai, theo khoản 5 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án trong thời hạn 10 ngày, kể tử ngày thu được tiền. Tuy nhiên, để tránh tình trạng khi người mua trúng đấu giá nộp đủ tiền mua tài sản các cơ quan thi hành án thực hiện ngay việc chi trả tiền cho người được thi hành án mà không tiến hành giao tài sản cho người mua trúng đấu giá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua trúng đấu giá đã được pháp luật bảo vệ[7] và việc phải bồi thường trong trường hợp không giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá dẫn đến việc hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Ngày 27/5/2013, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Công văn số 1209/TCTHADS-NV1 hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự trong thời gian chờ giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thực hiện gửi tiết kiệm số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản. Nội dung này đã được thu hút vào khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, theo đó cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể tử ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Như vậy, có thể khẳng định việc thanh toán tiền cho người được thi hành án chỉ được hiện sau khi cơ quan thi hành án giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, thanh toán các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án, án phí và chi phí cho người phải thi hành án thuê nhà (nếu có) theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự.
Thứ ba, các quy định pháp luật về thi hành án hiện hành chưa có quy định nào cho phép cơ quan thi hành án dân sự được quyền không tổ chức thi hành án theo đúng Quyết định của Tòa án khi người được thi hành án có lỗi trong quá trình tổ chức thi hành án thì. Do đó, trường hợp có căn cứ xác định người được thi hành án có lỗi dẫn đến việc cơ quan thi hành án không thể tổ chức thi hành án được thì cơ quan thi hành án thỏa thuận hoặc khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
Thứ tư, liên quan đến việc cơ quan thi hành án dân sự chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá làm ảnh hưởng nghiêm trong quyền lợi hợp pháp của người mua trúng đấu giá. Hiện nay, đã có trường hợp Tòa án tuyên cơ quan thi hành án dân sự phải bồi thường thiệt hại cho người mua trúng đấu giá số tiền rất lớn. Mặt khác, việc chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá gây mất lòng tin với các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án và đồng thời cũng tác động tiêu cực đến quá trình tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự.
Do vậy, không có căn cứ pháp lý cho rằng nếu Ngân hàng E tính lãi sai thì cơ quan thi hành án dân sự không thực hiện việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá và không thực hiện việc thanh toán khoản tiền lãi (từ ngày 3/10/2013 đến thời điểm người được thi hành án nhận tiền).
Trên đây, là hai quan điểm khác nhau về cách tính lãi chậm thi hành án trong việc thi hành án cho tổ chức tín dụng. Do giữa hai quan điểm này có sự chênh lệch rất lớn về số tiền mà người được thi hành án được nhận do đó nêu ra vụ việc để bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến có thêm cơ sở tổ chức thi hành quyết định trên của Tòa án theo đúng quy định pháp luật và tránh khiếu nại kéo dài.
                                                                                                              Thu Trang
 
[1] Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 (Doing Business 2017) của Ngân hàng Thế giới.
[2] Theo các Hợp đồng tín dụng mà ông T , bà N đã ký với Ngân hàng E thì ngoài khoản nợ gốc và nợ lãi, nếu ông T, bà N vi phạm trong thanh toán thì phải chịu thêm lãi quá hạn và lãi phạt.
[3] Đến ngày 05/6/2017 thì phát sinh được 938.530.489đ.
[4] Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến việc người được thi hành án được nhận lãi đến thời điểm nào.
[5]Lãi trong hạn, lãi quá hạn (tạm tính) phát sinh từ ngày 15/6/2011 đến 03/10/2013 (tính theo 03 Hợp đồng tín dụng) là 1.198.855.333đ.

[6] Lãi trong hạn, lãi quá hạn (tạm tính) phát sinh từ ngày 03/10/2013 đến ngày 20/12/2016 (tính theo các Hợp đồng tín dụng) là 1. 300.240.489 đ.

[7] Theo quy định tại Điều 133 Bộ Luật dân sự năm 2015 (Điều 258 Bộ luật dân sự năm 2005) và Điều 4 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.
 
Số bình luận đóng góp: 0