Báo cáo Thống kê 6 tháng năm 2017

13/04/2017


TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

TỈNH BÌNH THUẬN

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 231/BC-CTHADS

                          Bình Thuận, ngày 11 tháng 04 năm 2017

 
BÁO CÁO
Kết quả công tác thi hành dân sự 6 tháng đầu năm 2017 và 
phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối  năm 2017
 
 
 

  6 tháng đầu năm 2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận đã bám sát chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp, Kế hoạch công tác trọng tâm của ngành Thi hành án dân sự và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương; tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án với quyết tâm cao. Mặc dù trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ án kinh doanh thương mại có giá trị tài sản phải thi hành rất lớn, rất nhiều vụ việc không có kiều kiện thi hành hoặc bán đấu giá tài sản không có người mua, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của toàn thể công chức và người lao động thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế ở địa phương, kết quả như sau:
I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017
1. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành
Trên cơ sở Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự năm 2017; Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự giao chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017 và Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 03/01/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về phê duyệt nhiệm vụ chủ yếu năm 2017, Cục Thi hành án dân sự xây dựng Kế hoạch công tác năm 2017, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cho ý kiến và trình Tổng cục Thi hành án dân sự phê duyệt. Cục THADS chỉ đạo, đôn đốc các Phòng chuyên môn của Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự xây dựng Kế hoạch công tác năm và phê duyệt triển khai thực hiện, đồng thời ban hành Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các Chấp hành viên Cục và các Chi cục thi hành án dân sự.
Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được giao năm 2017, Cục Thi hành án dân sự ban hành Kế hoạch và Quyết định thành lập Tổ đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án dân sự nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành án tại các Chi cục Thi hành án dân sự, nhất là những vụ việc trọng điểm, phức tạp, những vụ việc liên quan đến Tín dụng, Ngân hàng.
 
2. Kết quả thi hành án dân sự (từ ngày 01/10/2016 đến ngày 31/3/2017)
2.1. Kết quả thi hành án về việc
 Tổng số việc đã thụ lý 12.214 việc, (trong đó: số cũ chuyển sang 6.490 việc; số thụ lý mới 5.724 việc);
- Số việc đã ủy thác: 78 việc;
- Số việc phải thi hành: 12.136 việc (tăng 1.157 việc tương đương 10,53% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó:
+ Số việc có điều kiện thi hành: 9.599 việc (chiếm 79,09% so với số việc phải thi hành);
+ Số việc chưa có điều kiện thi hành: 2.537 việc (chiếm 20,91% so với số việc phải thi hành);
- Đã thi hành xong: 4.601 việc (đạt tỷ lệ 47,93%/ tổng số có điều kiện thi hành, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2016; so với chỉ tiêu được giao còn thiếu 23,07%);
- Số việc chuyển kỳ sau là 7.535 việc (tăng 7,45% so với cùng kỳ năm 2016).
2.2. Kết quả thi hành án về tiền
 Tổng số tiền đã thụ lý 1.314.658.699.000 đồng, (trong đó: số cũ chuyển sang 958.049.813.000 đồng; số thụ lý mới 356.608.886.000 đồng);
- Số tiền đã ủy thác: 7.661.653.000 đồng;
- Số tiền phải thi hành: 1.306.997.046.000 đồng (tăng 163.372.987.000 đồng tương đương 14,28% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó:
+ Số tiền có điều kiện thi hành: 905.365.568.000 đồng (chiếm 69,27% so với số tiền phải thi hành);
+ Số tiền chưa có điều kiện thi hành: 401.631.478.000 đồng (chiếm 30,73% so với số tiền phải thi hành);
- Đã thi hành xong: 98.605.248.000 đồng (đạt tỷ lệ 10,89%/ tổng số tiền có điều kiện thi hành, tăng 4,92% so với cùng kỳ năm 2016; so với chỉ tiêu được giao còn thiếu 21,11%);
- Số tiền chuyển kỳ sau là 1.208.391.798.000 đồng (tăng 12,11% so với cùng kỳ năm 2016).
2.3. Về kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án
Các cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 47 trường hợp (giảm 60 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016), do có 07 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án, nên số việc phải tổ chức cưỡng chế là 40 trường hợp (giảm 35 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016), trong đó, có 31 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành.
2.4. Về thi hành án đối với các khoản thu cho Ngân sách Nhà nước
 Số việc phải giải quyết loại này là 6.521 việc, tương ứng với số tiền là 33.350.780.000 đồng (chiếm 67,93% về việc và 3,68 % về tiền so với tổng số việc và tiền có điều kiện giải quyết). Kết quả: trong số việc loại này, đã giải quyết được 3.070 việc, đạt tỷ lệ 60,64%, giảm 100 việc so với cùng kỳ năm 2016, thu được số tiền là 6.324.429.000 đồng, đạt tỷ lệ 29,05 %, tăng 958.599.000 đồng so với cùng kỳ.
2.5 Về tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng
 Số việc phải giải quyết loại này là 337 việc, tương ứng với số tiền là 664.907.912.000 đồng (chiếm 3,51% về việc và 73,44 % về tiền so với tổng số việc và tiền có điều kiện giải quyết). Kết quả: trong số việc loại này, đã giải quyết được 27 việc, đạt tỷ lệ 8,01 %  tăng 14 việc so với cùng kỳ năm 2016, thu được số tiền là 8.479.753.000 đồng đạt tỷ lệ 11,58 % giảm 3.750.895.000 đồng so với cùng kỳ.
2.6. Công tác hướng dẫn, xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ
 Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp nhận 04 văn bản xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ. Đã xử lý 01 văn bản, đạt tỷ lệ 25%; 03 văn bản do có vướng mắc về thủ tục pháp lý, thời gian tới sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành để thống nhất quan điểm. Trong quá trình tổ chức thi hành án và thực hiện các thủ tục về thi hành án dân sự, một số Chi cục có vướng mắc về nghiệp vụ đều được trao đổi hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản. Tiếp tục, nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ nhất là đối với những vụ án lớn, phức tạp, kéo dài, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thi hành án dân sự.
3. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Công tác tiếp công dân được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận đã tiếp 20 lượt công dân (Cục: 06 lượt, Chi cục: 14 lượt). Tiếp nhận và thụ lý 32 đơn thuộc thẩm quyền tăng 05 đơn so với cùng kỳ  (có 25 đơn khiếu nại và 07 đơn tố cáo), trong đó: Cục Thi hành án dân sự là 05 đơn khiếu nại, 01 đơn tố cáo; các Chi cục Thi hành án dân sự 20 đơn khiếu nại, 06 đơn tố cáo. Kết quả giải quyết được 27/32 đơn, đạt tỷ lệ 84,43%.
- Cục Thi hành án: đã giải quyết xong 02 đơn khiếu nại, 01 đơn tố cáo, còn tồn 03 đơn khiếu nại chuyển kỳ sau tiếp tục giải quyết.
- Các Chi cục Thi hành án: đã giải quyết xong 18 đơn khiếu nại, 06 đơn tố cáo, còn tồn 02 đơn khiếu nại chuyển kỳ sau giải quyết.
4. Công tác tổ chức, cán bộ
4.1. Về tổ chức bộ máy
Tổng biên chế được giao cho Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự là 135; hiện có 133 (trong đó có 15 Chấp hành viên trung cấp, 44 chấp hành viên sơ cấp, 04 Thẩm tra viên, 30 Thư ký và 40 công chức khác).
- Cục Thi hành án dân sự được giao 26 biên chế, hiện có 27 biên chế, gồm: 09 chấp hành viên trung cấp, 08 chấp hành viên sơ cấp, 04 thư ký thi hành án và 06 công chức khác. Lãnh đạo Cục có đủ 04 đồng chí; lãnh đạo phòng 07 đồng chí: 02 Trưởng phòng, 02 Phó Trưởng phòng Phụ trách và 03 Phó Trưởng phòng; chưa bố trí được Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án, Phòng Tổ chức cán bộ.
- Các Chi cục Thi hành án dân sự: có 10 Chi cục Thi hành án dân sự, tổng số biên chế được giao là 109 biên chế, hiện có 106 biên chế. Trong đó có 06 chấp hành viên Trung cấp, 36 Chấp hành viên sơ cấp, 04 thẩm tra viên, 26 Thư ký và 34 công chức khác. Có 09 Chi cục trưởng, 01 Phó Cục trưởng phụ trách La Gi; 18 Phó Chi cục trưởng (Chi cục THADS huyện Tuy phong, Phú Quý mỗi đơn vị có 01 Phó Chi cục trưởng, các Chi cục còn lại mỗi đơn vị có 02 Phó Chi cục trưởng).
4.2. Về công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ
 - Công tác quy hoạch: Cục Thi hành án dân sự đã xây dựng Kế hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch giai đoạn 2017 - 2021 và thực hiện công tác quy hoạch chức danh lãnh đạo giai đoạn 2021 - 2026 (dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2017).
 - Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức Thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong 06 tháng đầu năm 2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã cử 06 công chức tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ chấp hành viên trung cấp tại TP.Hồ Chí Minh; 02 công chức tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ thư ký thi hành án tại Hà Nội, 03 công chức tham gia thi lớp Cao học Luật tại thành phố Hồ Chí Minh, 01 lãnh đạo Cục tham gia lớp Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng đối tượng 2 tại TP HCM; 01 công chức tham gia Lớp Trung cấp LLCT hệ tại chức; 02 công chức tham gia Lớp Cao cấp LLCT hệ tại chức.
- Công tác điều động, bổ nhiệm: đã bổ nhiệm 01 Chi cục trưởng, 02 Phó Chi cục trưởng.
- Kỷ luật: 01 công chức bị kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo”.
5. Công tác quản lý kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động thi hành án dân sự.
- Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự đều có trụ sở làm việc hiện (10/11 trụ sở), nhưng hầu hết đều chật hẹp, lạc hậu; riêng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Tân được UBND huyện cho mượn trụ sở để làm việc. Cục Thi hành án dân sự và 07/10 Chi cục có kho vật chứng (trong đó: Chi cục THADS thành phố Phan Thiết, Lagi, Tuy Phong, Bắc Bình có kho vật chứng; Chi cục THADS huyện Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam có kho tạm; riêng các Chi cục THADS huyện Phú Quý, Hàm Tân thì tận dụng phòng làm việc để chứa tang vật).
- Công tác tài chính, kế toán, quản lý tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động thi hành án dân sự được thực hiện đúng quy định và hướng dẫn của cấp trên.
- Về quản lý tang vật, tài vật, sử dụng và quyết toán kinh phí: Tiền, tang vật trong các vụ án được quản lý chặt chẽ, xử lý kịp thời đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, hư hỏng. Kinh phí hoạt động được sử dụng tiết kiệm. Đã kiểm tra phê duyệt quyết toán kinh phí năm 2016 đối với Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và chuẩn bị cho công tác thẩm tra duyệt quyết toán của Tổng cục THADS.
6. Công tác phối hợp trong công tác thi hành án dân sự
- Cơ quan Thi hành án dân sự phối hợp chặc chẽ với các trại giam trong địa bàn để thu tiền của các phạm nhân. Tiến hành sơ kết quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nha nước – Chi nhánh Bình Thuận với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận.
- Phối hợp chặc chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an; thực hiện rà soát án tuyên không rõ, có sai sót; chủ động tổ chức họp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân để khắc phục những sai sót, kịp thời đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thi hành; công tác phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể địa phương tiếp tục được duy trì, thực hiện có hiệu quả, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tổ chức cưỡng chế, tuyên truyền thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành, góp phần hạn chế việc cưỡng chế, không để xảy ra tình hình điểm nóng, gây mất ổn định trật tự xã hội tại địa phương.
7. Công tác kiểm tra:
Ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác thi hành án dân sự năm 2017, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, các vụ án trọng điểm, phức tạp, kéo dài, án tồn đọng trên 5 năm, các vụ việc thi hành án liên quan đến Tín dụng, Ngân hàng; việc thụ lý, phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác tài chính, kế toán; báo cáo thống kê THADS có số liệu chênh lệch. Đã kiểm tra Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh và phúc tra Kết luận kiểm tra năm 2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Phan Thiết.
8. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:
Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, về cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận; các phương tiện thông tin đại chúng (các cơ quan báo chí địa phương,...), thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các hình thức tuyên truyền phù hợp khác (niêm yết tại trụ sở cơ quan thi hành án, tại khu dân cư, phát hành tờ rơi,...).
9. Một số mặt công tác khác
9.1. Sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác THADS và hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS
 Triển khai thực hiện Thông báo số 146-TB/VPTU ngày 09/12/2016 của Thường trực Tỉnh ủy về ý kiến kết luận và chỉ đạo tại buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị Quyết số 93/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về công tác thi hành án dân sự tham mưu củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo thi hành án dân sự và triển khai chỉ đạo các Chi cục THADS tham mưu giúp UBND cấp huyện kiện toàn Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự.
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự 2 cấp đã thực hiện duy trì việc sinh hoạt và tập trung chỉ đạo việc thi hành các vụ việc thi hành án có tính chất phực tạp, vướng mắt.
9.2 Công tác thống kê, quản lý dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin
Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự; tăng cường sử dụng văn bản điện tử thay thế cho các văn bản giấy trong quản lý chỉ đạo, điều hành; từng bước chuyển sang làm việc dựa trên văn bản điện tử và môi trường mạng; khai thác triệt để các ứng dụng của phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hộp thư điện tử, các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; cập nhật thông tin thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án, nhất là các trang thông tin về văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, hướng dẫn nghiệp vụ, hỏi đáp pháp luật....; tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trong quá trình cung cấp, cập nhật và  khai thác, sử dụng thông tin trong môi trường mạng.
9.3 Tình hình thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; phòng, chống tham nhũng, lãng phí
- Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ; ban hành Quy chế làm việc, Quy chế thực hiện dân chủ, Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế sử dụng tài sản công; công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh về quy trình, thủ tục giải quyết công việc gắn với cải cách thủ tục hành chính; công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công; công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, chuyển ngạch, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, kê khai tài sản thu nhập của công chức và người lao động; công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, công khai tài chính.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong THADS, chú trọng triển khai Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Bộ Tư pháp.
10. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
a) Tồn tại, hạn chế
- Mặc dù Cục THADS tỉnh có nhiều biện pháp tác động, giúp cho các Chi cục trưởng có trách nhiệm nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, một số lãnh đạo Chi cục chưa quan tâm đúng mực đến công tác giải quyết án, thiếu kiểm tra đôn đốc. Nhiều Chấp hành viên ý thức trách nhiệm chưa cao, thao tác nghiệp vụ hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi hành án chung của toàn ngành, việc kiện toàn đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng với tình hình.
- Nhà làm việc và kho tang vật của các Chi cục đã được đầu tư xây dựng, không còn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hiện nay, quá chật hẹp, chưa đáp ứng tình hình mới. Riêng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Tân chưa có trụ sở làm việc và kho vật chứng; các Chi cục THADS huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Phú Quý chưa có kho vật chứng.
b) Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
*. Về nguyên nhân chủ quan:
- Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo của một số đơn vị chưa sâu sát; chưa chủ động kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ; chưa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; biện pháp quản lý, điều hành chưa hiệu quả; năng lực, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm, tính gương mẫu của một số lãnh đạo quản lý đơn vị chưa cao, chưa phát huy hết trách nhiệm người đứng đầu, chưa đề ra được các giải pháp để nâng cao kết quả thi hành án.
- Một số Chấp hành viên ý thức trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ chưa cao, ngại khó, ngại va chạm khi phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án.
*. Về nguyên nhân khách quan:
- Với địa bàn rộng, người ít; việc nhiều, giá trị tài sản thấp, người phải thi hành án không có điều kiện thi hành, thu nhập phụ thuộc vào mùa vụ là chính, không có tài sản, sống phụ thuộc vào gia đình, đang phải chấp hành hình phạt tù, một số vụ việc chưa đủ điều kiện xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật; việc xử lý tài sản để thi hành án chủ yếu là bất động sản, như nhà ở, quyền sử dụng đất, công trình dự án... giảm giá nhiều lần vẫn không có người mua.
- Một số vụ án có giá trị thi hành lớn (chủ yếu do thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác ủy thác về), tài sản đảm bảo thi hành án là những dự án du lịch thi công dở dang và chủ đầu tư đã ngừng thi công từ nhiều năm; có trường hợp là dự án thủy điện. Việc kê biên xử lý đối với tài sản này gặp rất nhiều khó khăn về mặt pháp lý và tài sản thế chấp không tương xứng với nghĩa vụ thi hành án, dẫn đến tồn đọng lớn số tiền phải thi hành.
- Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án không nghiêm; nhiều trường hợp người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản; nhiều vụ việc đương sự khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, vượt cấp gây khó khăn cho việc thi hành án.
* Đánh giá chung:
Cục Thi hành án đã bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác năm 2017; công tác tiếp công dân được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt kết quả tương đối, tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự không gay gắt, phức tạp, kéo dài, bức xúc. Kết quả thi hành án tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng so với chỉ tiêu được giao vẫn còn thấp, về việc đạt 47,93%/71%, tăng 5,9%; về tiền đạt 10,89%/32%, tăng 4,92% so với cùng kỳ năm 2016; nguyên nhân là do số việc thụ lý nhiều, giá trị thấp, phức tạp; tài sản kê biên bán đấu giá không có người mua và nguyên nhân chính là do một số đơn vị thiếu sự tập trung, dồn sức để giải quyết án, một số lãnh đạo Chi cục thiếu sự kiểm tra, chỉ đạo cụ thể vụ việc, năng lực điều hành còn hạn chế; một số Chấp hành viên chưa tích cực trong tổ chức thi hành án.
II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017
          - Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, thực hiện tốt Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án và Kế hoạch số 3609/KH-UBND ngày 04/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về triển khai thực hiện Nghị Quyết số 93/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về công tác thi hành án dân sự; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành án, phấn đấu đạt chỉ tiêu do Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp giao; bảo đảm giải quyết đúng thời hạn, đúng pháp luật đối với các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra và công tác tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót; thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành từ cấp tỉnh cho đến địa phương và Quy chế phối hợp liên ngành.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, trong đó chú trọng những địa bàn, đơn vị còn nhiều hạn chế.
          - Chú trọng, phát huy đoàn kết nội bộ, xây dựng tinh thần góp ý xây dựng đơn vị thẳng thắn, trách nhiệm, trước hết cán bộ lãnh đạo, đảng viên phải gương mẫu thực hiện.
2. Giải pháp chủ yếu:
- Thường xuyên thực hiện việc đôn đốc, hướng dẫn thực hiện thi hành án, định kỳ kiểm tra tiến độ thi hành án, trực tiếp nghe báo cáo án, điều chuyển án giữa các Chấp hành viên tại Cục thi hành án và chỉ đạo các Chi cục thi hành án dân sự trong tỉnh triển khai thực hiện; xây dựng tiêu chí rút án từ các Chi cục Thi hành án dân sự trong tỉnh lên Cục Thi hành án để tổ chức thi hành.
- Phân công Lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa bàn có lượng án phải thi hành nhiều, có nhiều án lớn, phức tạp, những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém; phân công Chấp hành viên trung cấp tại Cục thi hành án kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc địa bàn phân công quản lý.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu; thường xuyên nắm bắt thông tin về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là tại cơ sở để kịp thời có biện pháp chỉ đạo giải quyết.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra; chú trọng kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự theo chỉ tiêu được giao và thực hiện các trình tự, thủ tục về thi hành án dân sự; tăng cường công tác tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành từ cấp tỉnh cho đến địa phương; triển khai các Quy chế phối hợp liên ngành tại địa phương, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.
- Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại các cơ quan THADS trên địa bàn gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW4 Khóa XII và Chỉ thị số 05_CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trong toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức và người lao động trong các cơ quan thi hành án, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý tại Cục Thi hành án, các Chi cục Thi hành án dân sự, đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên. Xử lý nghiêm những trường hợp công chức và người lao động thi hành án vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến tham nhũng, đạo đức lối sống, vi phạm quyền công dân; kiên quyết thay thế công chức lãnh đạo quản lý nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu.
Trên đây là báo cáo công tác thi hành án dân sự 6 tháng năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác trong thời gian tới của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận./.
 
Nơi nhận:                                                                                         KT. CỤC TRƯỞNG
- Tổng Cục THADS - BTP (để b/c);                                                  PHÓ CỤC TRƯỞNG
- Cục công tác phía nam BTP (để b/c);                                                             
- Ban chỉ đạo THADS tỉnh (đ/b);
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);                                                                           
- UBND tỉnh (để b/c);                                                                                        (đã ký)
- Thường trực HĐND tỉnh (để b/c);
- Ban Nội chính tỉnh Ủy (để b/c);                                                                                   
- Lãnh đạo Cục ( đ/b);
- Các đơn vị trực thuộc(t/h);                                                                          Trần Nam                
- Lưu VT, VP.