Chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của Hệ thống Thi hành án dân sự

19/08/2017
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 05/5/2017 đến 10/5/2017. Sau 06 ngày làm việc, Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, ngày 03/6/2017 đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành 03 Nghị quyết chuyên đề về kinh tế được thông qua tại Hội nghị lần này đều là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội XII đề ra về phát triển kinh tế - xã hội, đó là Nghị quyết số 10-NQ/TW “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 11-NQ/TW “về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Nghị quyết số 12-NQ/TW “về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 và Chương trình hành động số 13-CTr/ĐUK ngày 10/7/2017 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương “thực hiện Nghị quyết lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”, ngày 18/8/2017 Đảng ủy Bộ Tư pháp đã tổ chức “Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII” đến các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cơ sở, Chi bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và một số thành phần khác thuộc Bộ Tư pháp. Đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã đến dự và phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết. Các đại biểu tham dự Hội nghị xác định nhiều nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 liên quan trực tiếp đến công tác của Ngành Tư pháp nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng.
Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thiện thể chế đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò xây dựng và thực hiện thể chế kinh tế của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hoàn thiện thể chế về sở hữu phải thể chế hoá đầy đủ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm công khai, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công để quyền tài sản được giao dịch thông suốt; bảo đảm hiệu lực thực thi và bảo vệ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản. Hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này. Công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước. Tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Hoàn thiện pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Nhà nước giao quyền khai thác tài nguyên cho các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Hoàn thiện pháp luật về đầu tư vốn nhà nước, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản công; phân biệt rõ tài sản đưa vào kinh doanh và tài sản để thực hiện chính sách xã hội. Đầu tư vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả. Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự theo hướng thống nhất, đồng bộ. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự với các quy trình, thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch. Hoàn thiện các quy định về đăng ký và giao dịch tài sản; phát triển hệ thống đăng ký minh bạch, liên thông, dễ tiếp cận, nhất là bất động sản.
Phát biểu quán triệt dự thảo Chương trình hành động của Đảng ủy Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII, đồng chí Phan Chí Hiếu, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý đến những nhiệm vụ, giải pháp đối với từng lĩnh vực, từng đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, trong đó có việc hoàn thiện pháp luật, nhất là các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp tới kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung hoàn thành nhiệm vụ trong xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch Tư pháp; nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Chứng thực để đảm bảo sự an toàn các giao dịch qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường; Luật Đăng ký tài sản, mà trước hết là đăng ký bất động sản; sửa đổi các Luật hiện hành ví dụ Luật Luật sư, Luật Thi hành án dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Hộ tịch.v.v. cho phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5.

Về tổ chức thi hành pháp luật, trước mắt tập trung thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật đã được ban hành, nhất là Bộ luật Dân sự trong đó có 02 chế định được nhắc tới trong Nghị quyết số 11 đó là vấn đề sở hữu và về hợp đồng. Về cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường thì đặc biệt là thi hành án dân sự, nếu thi hành án tốt thì bảo vệ triệt để quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường, nhiều doanh nghiệp rất ngại tranh chấp nhưng nếu có tranh chấp rồi thì đưa nhau đến Tòa án, nếu có bản án mà không thi hành được thì không thể bảo vệ được và không thể hoàn thiện được thể chế kinh tế thị trường nếu công tác thi hành án dân sự không hiệu quả. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Đảng ủy Bộ Tư pháp được đưa ra thảo luận là phối hợp với Ban cán sự Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên đẩy mạnh cải cách tư pháp, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của Hệ thống Thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Lê Anh