Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại tỉnh Hà Nam

19/05/2018
Thực hiện chương trình, kế hoạch công tác năm 2018, sáng ngày 18/5/2018, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã làm việc, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại tỉnh Hà Nam. Tham gia Đoàn công tác với Thứ trưởng có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; đồng chí Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin; đồng chí Nguyễn Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự; đồng chí Trịnh Minh Hiền, Ban Thư ký, Văn phòng Bộ Tư pháp. Đồng chí Bùi Quang Cẩm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam và đại diện lãnh đạo cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Sở Tư pháp, Ban Nội chính Tỉnh ủy; Lãnh đạo Cục, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam tham dự buổi làm việc tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam.

Theo chương trình công tác, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã làm việc với Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, sau đó đã làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam.
Báo cáo công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính 7 tháng đầu năm 2018, đồng chí Bùi Đức Thái, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam nêu rõ biên chế toàn tỉnh hiện có 79. Cơ cấu lãnh đạo Cục có Cục trưởng, 02 Phó Cục trường; lãnh đạo Phòng chuyên môn thuộc Cục gồm 04 Phòng với 04 Trưởng phòng, 04 Phó Trưởng phòng. Lãnh đạo Chi cục gồm 06 Chi cục với 06 Chi cục trưởng, 11 Phó Chi cục trưởng. Cơ cấu ngạch công chức có 38 Chấp hành viên, 07 Thấm tra viên, 19 Thư ký thi hành án, 07 Kế toán và 08 công chức khác. Đội ngũ công chức các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam có trình độ chuyên môn tương đối đồng đều, trong đó 03 công chức có trình độ Thạc sỹ Luật, 71 công chức có trình độ đại học; 05 công chức có trình độ trung cấp và tương tương; trình độ cao cấp lý luận chính trị 15 đồng chí; trung cấp chính trị 11; quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính 12, chương trình chuyên viên 25. Đội ngũ công chức lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh được kiện toàn có đầy đủ cấp trưởng và không quá 02 cấp phó đảm bảo phù hợp về số lượng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, trình độ theo quy định. Nhìn chung, công tác cán bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam ổn định, nội bộ đoàn kết, cán bộ công chức yên tâm công tác, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với công chức, người lao động; kỷ luật, kỷ cương hành chính được giữ vững, không có công chức, người lao động có hành vi, biểu hiện vi phạm pháp luật, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Kết quả thi hành án dân sự toàn tỉnh 07 tháng đầu năm 2018 về việc thụ lý 2.385 việc, tăng 255 việc (tăng 11,97% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó số cũ chuyển sang là 1.004 việc, số thụ lý mới là 1.381 việc, tăng 220 việc (tăng 18,95% so với cùng kỳ năm 2017). Tổng số phải thi hành là 2.365 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 1.661 việc, tăng 334 việc (tăng 25,17% so với cùng kỳ năm 2017);  chiếm 70,23% trong tổng số phải thi hành (tăng 7,16% so với cùng kỳ năm 2017); số chưa có điều kiện thi hành là 704 việc, chiếm 29,77% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 1.188 việc, tăng 212 việc (tăng 21,72% so với cùng kỳ năm 2017); đạt tỉ lệ 71,52% (giảm 2,03% so với cùng kỳ năm 2017). Số việc chuyển kỳ sau 1.177 việc, trong đó số việc có điều kiện thi hành là 473 việc (07 tháng năm 2017 là 351 việc), tăng 122 việc (tăng 34,76%) so với cùng kỳ năm 2017, tăng 210 việc (tăng 79,85%) so với số việc có điều kiện thi hành năm 2017 chuyển sang năm 2018 (263 việc).
Tổng số tiền thụ lý là 177 tỷ 899 triệu 028 nghìn đồng, giảm 5 tỷ 693 triệu 492 nghìn đồng (giảm 3,10% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó số cũ chuyển sang là 94 tỷ 407 triệu 911 nghìn đồng; số thụ lý mới là 83 tỷ 491 triệu 117 nghìn đồng, tăng 29 tỷ 728 triệu 865 nghìn đồng (tăng 55,30% so với cùng kỳ năm 2017). Tổng số phải thi hành là 177 tỷ 698 triệu 134 nghìn đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là 154 tỷ 641 triệu 731 nghìn đồng, giảm 10 tỷ 860 triệu 614 nghìn đồng (giảm 6,56% so với cùng kỳ năm 2017); chiếm 87,02% trong tổng số phải thi hành (giảm 3,26% so với cùng kỳ năm 2017); số chưa có điều kiện thi hành là 23 tỷ 056 triệu 403 nghìn đồng, chiếm 12,98% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 13 tỷ 722 triệu 857 nghìn đồng, giảm 38 tỷ 541 triệu 805 nghìn đồng (giảm 73,74% so với cùng kỳ năm 2017); đạt tỉ lệ 8,87% (giảm 22,71% so với cùng kỳ năm 2017). Số tiền chuyển kỳ sau 163 tỷ 975 triệu 277 nghìn đồng, trong đó số tiền có điều kiện thi hành là 140 tỷ 918 triệu 874 nghìn đồng (07 tháng năm 2017 là 113 tỷ 237 triệu 683 nghìn đồng), tăng 27 tỷ 681 triệu 191 nghìn đồng (tăng 24,45%) so với cùng kỳ năm 2017, tăng 67 tỷ 057 triệu 373 nghìn đồng (tăng 90,79%) so với số tiền có điều kiện thi hành năm 2017 chuyển sang năm 2018 (73 tỷ 861 triệu 501 nghìn đồng).
Đánh giá chung công tác thi hành án dân sự 7 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đạt một số kết quả nhất định, việc ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự. Việc phân loại việc có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành chính xác, thực chất, tập trung nguồn lực, thời gian thi hành dứt điểm số việc có điều kiện. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo thực hiện đảm bảo hiệu quả. Thực hiện tốt công tác dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, chỉ đạo thực hiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các giai đoạn; tư tưởng chính trị, ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc của công chức, người lao động được nâng cao; thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức ngành Tư pháp; chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là chỉ tiêu về giá trị 7 tháng thấp mới đạt 9% còn thiếu 24%. Một số việc có điều kiện chưa được thi hành dứt điểm, số việc có giá trị lớn liên quan đến tín dụng ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn giải quyết. Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của Chi cục Thi hành án dân sự Thanh Liêm, Bình Lục xuống cấp, chưa có kho vật chứng ở 02 đơn vị thi hành án dân sự này.
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và công tác phối hợp, Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong khối nội chính như: Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 06/05/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh; Quy định số 716-QĐ/TU ngày 07/05/2014 về việc tăng cường lãnh đạo công tác phối họp giữa các cơ quan nội chính tỉnh Hà Nam; Thông tri số 27-TT/TU ngày 07/4/2015 của Tỉnh ủy Hà Nam về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác thi hành án dân sự; Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/02/2017; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 10/01/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Ban chỉ đạo thi hành án dân sự 2 cấp được kiện toàn theo quy định, Trưởng Ban chỉ đạo do 01 đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban. Nhìn chung, hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự hai cấp đã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước và chỉ đạo kịp thời, hiệu quả đối với công tác thi hành án ở địa phương. Ban chỉ đạo thi hành án dân sự đã chỉ đạo các ngành phối hợp giải quyết có hiệu quả đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp, một số việc thi hành án hành chính được thi hành dứt điểm. Hàng năm Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh họp sơ kết, tổng kết nhằm rút kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, đề ra giải pháp cho các kỳ tiếp theo. Tình hình ký kết và thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục và các văn bản hướng dẫn thi hành về việc xây dựng quy chế phối hợp với các cấp, các ngành để thực hiện có hiệu quả đối với nhiệm vụ thi hành án ở địa phương. Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chủ động và chỉ đạo các đơn vị cấp huyện xây dụng quy chế phối hợp với cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Tài chính, Tài nguyên môi trường, Trại giam, Trại tạm giam; Ngân hàng nhà nước, Bảo hiểm xã hội.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng và đồng chí Bùi Quang Cẩm, Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác thi hành án dân sự của các cơ quan thi hành án dân sự ở tỉnh Hà Nam và tin tưởng những tháng tiếp theo năm 2018 công tác thi hành án dân sự ở tỉnh Hà Nam đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2018 được giao.
Làm việc tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Phủ Lý, Thứ trưởng ghi nhận kết quả công tác 7 tháng năm 2018 về việc tổng số thụ lý 660 việc, tăng 72 việc so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, số cũ chuyển sang 258 việc, thụ lý mới 402 việc, tăng 85 việc so với năm 2017. Tổng số việc phải thi hành 650 việc, trong đó, số có điều kiện thi hành 475 việc, chiếm tỷ lệ 73%, tăng 115 việc so với cùng kỳ năm 2017; số chưa có điều kiện thi hành 175 việc, chiếm tỷ lệ 27%. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 373 việc, đạt tỷ lệ 79%, (tăng 77 việc, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm 2017). Số việc chuyển kỳ sau 277 việc, trong đó số có điều kiện  102 việc (tăng 28 việc so với số việc có điều kiện năm 2017 chuyển sang). Về tiền, tổng số thụ lý 89.667.741.000 đồng, tăng 72.413.171.000 đồng so với cùng kỳ năm 2017, trong đó số cũ chuyển sang 15.469.707.000 đồng, số thụ lý mới 74.198.034.000 đồng (tăng 71.208.199.000 đồng so với cùng kỳ năm 2017). Tổng số tiền phải thi hành 89.641.501.000 đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành 80.774.942.000 đồng (chiếm tỷ lệ 90%), tăng 70.292.912.000 đồng so với cùng kỳ năm trước; số chưa có điều kiện thi hành 8.866.559.000 đồng (chiếm tỷ lệ 10%). Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 3.654.434.000 đồng, đạt tỷ lệ 5%, số chuyển kỳ sau 85.987.067.000 đồng, trong đó số có điều kiện 77.120.508.000 đồng (tăng 68.110.382.000 đồng so với số tiền năm 2017 chuyển sang). Công tác phối hợp với các ngành có chỉ thị, quy chế phối hợp; tiếp công dân 01 tuần 02 lần và 7 tháng năm 2018 không có khiếu nại phát sinh cho thấy công tác dân vận khá tốt. Thứ trưởng cũng chỉ đạo tập trung hoàn thành nhiệm vụ, nhất là vụ việc có giá trị lớn, làm cẩn trọng và được việc, đúng quy định. Trong đấu giá tài sản phải rà soát lại, các vụ việc giảm giá nhiều lần, tránh kéo dài; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, phối hợp của các ngành, khó khăn thì phải xin ý kiến ngay; phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong việc xác định tài sản của hộ gia đình; chú trọng công tác kiểm tra, phòng ngừa, hạn chế sai sót, vi phạm dẫn đến phải bồi thường.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hà Nam xác định việc thi hành án có thể tiếp tục sẽ tăng nhiều nhưng phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ; lãnh đạo Cục, các Chi cục và các công chức thi hành án rà soát công việc, cấp Chi cục chủ động hơn trong việc báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tham mưu cho Ủy ban nhân dân chỉ đạo việc phối hợp các cơ quan hữu quan và chỉ đạo cưỡng chế các vụ việc thi hành án lớn, phức tạp theo quy định; có biện pháp thi hành hiệu quả việc thi hành án.
Buổi chiều cùng ngày, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng và Đoàn công tác cũng đã làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam, trong đó Thứ trưởng đề cập và chỉ đạo nhiều nội dung liên quan đến công tác thi hành án dân sự, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp của Sở Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự.
Anh Tuấn