Nên đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng các vụ việc cưỡng chế thi hành án

13/11/2007

Thi hành án dân sự là một trong những lĩnh vực rất phức tạp, không chỉ liên quan đến người phải thi hành án mà cả đổi với người được thi hành án, với sự nghiêm minh tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật. Trong thời gian qua công tác thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn, án tồn đọng nhiều, hiệu quả thi hành án còn thấp.



Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: người phải thi hành án không có điều kiện thi hành; vướng mắc do các bản án, quyết định của tòa án khó thực hiện; sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án và các ban, ngành có liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả… Bên cạnh đó, việc đương sự chây ỳ, cố ý trốn tránh trách nhiệm phải thi hành án cũng là một nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến án tồn đọng, kéo dài…

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Tư pháp và các địa phương cũng rất quan tâm triển khai nhiều biện pháp để giảm lượng án tồn, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Trong đó, có các biện pháp mạnh như cương quyết cưỡng chế đối với các vụ việc đương sự dây dưa, cố ý trốn trách nghĩa vụ phải thi hành án… Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn, án tồn đọng vẫn còn rất lớn.

Theo chúng tôi, để góp phần làm giảm lượng án tồn đọng hiện nay, các cơ quan thi hành án ngoài việc vận dụng hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ; vận động tuyên truyền người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của mình, thì cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đưa lên các phương tiện đại chúng các vụ việc thi hành án, nhất là vụ việc cưỡng chế lớn, phức tạp.

Việc đưa các vụ việc cưỡng chế thi hành án lên các phương tiện thông tin đại chúng thì có những ưu điểm sau đây:

-Thứ nhất, sẽ tạo ra luồng dư luận tích cực phê phán, lên án mạnh mẽ hành vi cố ý chây ý nghĩa vụ thi hành án, nhằm tạo áp lực lên người phải thi hành buộc họ nhận ra nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với các hành vi vi phạm pháp luật mà mình đã gây ra từ đó tự giác thi hành án.

-Thứ hai, sẽ có tác dụng giáo dục, răn đe đối với những người phải thi hành án, nếu cố ý chây ý, thách thức hoặc có hành vi chống đối sẽ bị cưỡng chế và trừng phạt theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu chúng ta thường xuyên đưa các vụ việc cưỡng chế thi hành án lên các phương tiện thông tin đại chúng thì nhất định sẽ góp phần làm giảm được lượng án tồn đọng, kéo dài do người phải thi hành án mặc dù có điều kiện nhưng cố tình không thực hiện nghĩa vụ phải thi hành án của mình./.

Phạm Văn Chung