Phân biệt khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự và một số vấn đề cần lưu ý

07/03/2017
Khiếu nại, tố cáo là những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Quá trình phát triển của pháp luật và do những đòi hỏi của thực tiễn mà khiếu nại và tố cáo dần dần có sự phân biệt, nhất là kể từ khi ban hành Pháp lệnh về khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 và qua một thời gian đã dẫn đến việc xuất hiện hai đạo luật: Luật khiếu nại và Luật tố cáo riêng biệt vào năm 2011. Trong lĩnh vực THADS, khiếu nại, tố cáo được định từ Điều 140 đến Điều 159 tại Chương VI của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật Thi hành án dân sựvà được chia thành hai Mục (Mục 1. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại về THADS; Mục 2. Tố cáo và giải quyết tố cáo về THADS).Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho người dân thuận tiện trong việc thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo nói chung, trong THADS nói riêng, đồng thời, giúp cho các cơ quan nhà nước và những người có trách nhiệm có thể tiến hành xử lý các vụ việc theo đúng tình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định.


Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng trên thực tiễn việc phân định giữa khiếu nại và tố cáo là công việc không hề đơn giản ngay cả đối với những người thường xuyên phải xử lý đơn,giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS. Sự phức tạp có thể do nhiều nguyên nhân: Do quy định của pháp luật không thật rõ ràng; do sự lẫn lộn giữa khiếu nại và tố cáo, vô tình hay cố tình, của người viết đơn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số tiêu chí có thể phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo, cũng như xử lý những tình huống đang xảy ra trên thực tiễn để trao đổi và vận dụng trong quá trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nói chung, về THADS nói riêng.
1. Phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo trong THADS
Trước hết sự phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo được thể hiện ở bản chất, đó là khiếu nại nhằm hướng tới lợi ích, đi đòi lại lợi ích mà chủ thể khiếu nại cho là họ đã bị xâm phạm, còn mục đích của tố cáo là hướng tới việc xử lý hành vi vi phạm và người có hành vi vi phạm. Bản chất này chi phối toàn bộ các quy định của pháp luật đối với khiếu nại và tố cáo. Nghiên cứu pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực THADS cho thấy khiếu nại và tố cáo khác nhau ở những điểm cơ bản sau đây:
1.1. Về chủ thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo trong THADS
Một là,sự khác nhau về các loại chủ thể khiếu nại, tố cáo:Luật Thi hành án dân sựquy địnhđương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quancó quyền khiếu nại (Điều 140 Luật Thi hành án dân sự). Trong đó, “đương sự” bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành (Khoản 1,2,3 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự). “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự (Khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự).Từ quy định này cho thấy: cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại trong THADS.
Đối với tố cáo, Điều 154 Luật Thi hành án dân sựquy định: Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác THADS gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Như vậy, xét về các loại chủ thể, thì khiếu nại được thực hiện bởi nhiều loại chủ thể hơn, bao gồm cả cá nhân và tổ chức; trong khi đó, tố cáo chỉ có công dân được thực hiện quyền tố cáo, tổ chức không được thực hiện quyền này.Tuy nhiên, ở một góc độ khác thì phạm vi chủ thể thực hiện quyền khiếu nại lại hẹp hơn so với chủ thể tố cáo. Sở dĩ như vậy vì:không phải bất cứ ai, cơ quan nào cũng được thực hiện quyền khiếu nại, mà chỉ những người có căn cứ cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của chính bản thân mình bị xâm phạm thì mới có quyền khiếu nại; Trong khi đó, bất cứ công dân nào cũng có quyền tố cáo, kể cả không liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Vì sao lại có sự khác nhau giữa chủ thể được thực hiện quyền khiếu nại với chủ thể thực hiện quyền tố cáo như vậy?
Bởi lẽ, việc khiếu nại chỉ với mục đích đòi lại lợi ích, nên chỉ những ai bị xâm phạm thì người đó mới có quyền đòi, mặt khác, dù khiếu nại đúng hay sai thì cũng không ảnh hưởng đến người đã ban hành quyết định, thực hiện hành vi bị khiếu nại, vì vậy pháp luật không quy định người khiếu nại chịu trách nhiệm về việc khiếu nại sai. Ngược lại, tố cáo có thể đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi, danh dự của người bị tố cáo nên pháp luật đề cao trách nhiệm của người tố cáo, đòi hỏi người tố cáo phải trung thực và chịu trách nhiệm về việc tố cáo sai sự thật nếu cố tình, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu cáo, vu khống theo quy định của Bộ luật hình sự. Nếu cho phép tổ chức tố cáo thì sẽ không thể xử lý bởi vì pháp luật Việt Nam hiện nay chưa chấp nhận truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (cơ quan, tổ chức).
Hai là,sự khác về quyền của người khiếu nại, tố cáo:Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại, nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại; được nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có.
Người tố cáo có quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (không được uỷ quyền cho người khác); yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.
Ba là,sự khác về nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo: Người khiếu nại phải khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật Thi hành án dân sự.
Người tố cáo phải trình bày trung thực, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
1.2 Về đối tượng bị khiếu nại, tố cáo trong THADS
Đối tượng bị khiếu nại là quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan THADS. Đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự).  Về đối tượng bị tố cáo, đó là hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác THADS gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Như vậy có thể thấy sự khác nhau về đối tượng giữa khiếu nại với tố cáo trong THADS như sau:
Một là,quyết định, hành vi bị khiếu nại phải liên quan trực tiếp đến người khiếu nại, trongkhi đó đối với tố cáo thì điều kiện này không cần thiết.
Hai là,đối tượng của khiếu nại là quyết định, hành vi trái pháp luật, trong khi đó đối tượng của tố cáo là những hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với điểm khác nhau thứ nhất khá dễ phân biệt về việc có liên quan trực tiếp hay không, tuy nhiên, đối với điểm thứ hai, xét cả về mặt lý luận và thực tiễn đều khó phân biệt giữa quyết định, hành vi trái pháp luật với hành vi vi phạm pháp luật.Nghiên cứu về mặt lý luận cho thấy, chỉ có thể xác định một hành vi vi phạm pháp luật khi hành vi đó có đầy đủ các yếu tố (dấu hiệu):tính trái pháp luật, có lỗi và năng lực hành vi của chủ thể.
 - Tính trái pháp luật của hành vi: Hành vi của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên và công chức khác được coi là trái pháp luật khi hành vi đó không phù hợp với quy định của pháp Luật Thi hành án dân sự và xâm hại tới những quan hệ xã hội được pháp Luật Thi hành án dân sự bảo vệ. Ví dụ: Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nhưng Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án không đúng với nội dung bản án và không đúng với yêu cầu của người được thi hành án (hành vi vi phạm pháp luật thể hiện bằng hành động ra quyết định thi hành án sai) hoặc không ra quyết định thi hành án (hành vi vi phạm pháp luật thể hiện dưới dạng không hành động), gây thiệt hại cho người được thi hành án.
- Yếu tố lỗi: hành vi vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật nhưng hành vi trái pháp luật đó phải chứa đựng lỗi của chủ thể của hành vi. Để xác định hành vi vi phạm pháp luật phải xem xét cả mặt chủ quan của hành vi, tức là xác định lỗi, biểu hiện trạng thái tâm lý của người thực hiện hành vi đó. Trạng thái tâm lý có thể là cố ý hay vô ý. Lỗi là yếu tố không thể thiếu được để xác định hành vi vi phạm pháp luật và lỗi cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể của hành vi vi phạm pháp luật.
- Về năng lực hành vi của chủ thể: người có năng lực hành vi là người có khả năng nhận thức, điều khiển được hành vi, việc làm của mình và chịu trách nhiệm về hành vi của mình đã thực hiện.Do đó, nếu Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên và công chức khác không bị tâm thần và những bệnh thần kinh khác mà thực hiện hành vi trái pháp luật và có lỗi thì là chủ thể của vi phạm pháp luật.
Nói tóm lại, vi phạm pháp luật trong THADS là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác THADS thực hiện, xâm phạm tới những quan hệ xã hội được pháp luật về THADS điều chỉnh và bảo vệ.
Như vậy, trong lĩnh vực thi hành án dân, so với yếu tố “trái pháp luật” của quyết định, hành vi bị khiếu nại và yếu tố “vi phạm pháp luật” trong tố cáo, có điểm chung là “tính trái pháp luật” và chủ thể thực hiện đều là Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên, công chức khác làm công tác THADS; điểm khác biệt duy nhất ở đây là “yếu tố lỗi”, bao gồm cả lỗi cố ý và lỗi vô ý. Vì vậy, để đánh giá đúng đắn về mặt pháp lý hành vi trái pháp luật có phải là vi phạm pháp luật hay không, cần xác định tình trạng tâm lý của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên và công chức khác khi họ vi phạm mà điều này trên thực tế là rất khó thực hiện. Do đó, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo cho phù hợp hợp và nội dung này, chúng tôi sẽ trao đổi kỹ trong mục 2 của bài viết này.
1.3. Thời hiệu khiếu nại, tố cáo
Khiếu nại có thời hiệu trong khi tố cáo không có thời hiệu: Khiếu nại là phản đối một quyết định hay hành vi đụng chạm đến lợi ích của mình nên trong tuyệt đại đa số các trường hợp người khiếu nại được nhận quyết định hoặc biết được hành vi đó. Pháp luật quy định thời gian để quyết định có nên phản đối quyết định, hành vi đó hay không. Điều 140, Điều 141 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên là từ 3 ngày đến 30 ngày tùy từng quyết định, hành vi xảy ra trước, trong và sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế. Hết thời hiệu khiếu nại, người khiếu nại mới có đơn khiếu nại thì không được thụ lý giải quyết (khoản 4 Điều 141 Luật Thi hành án dân sự). Trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn khiếu nại (khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự).
Trong khi đó, hành vi bị tố cáo có thể liên quan hoặc không liên quan trực tiếp đến người tố cáo, thậm chí có những trường hợp họ chỉ biết hành vi đó một cách vô tình rồi thông báo với cơ quan nhà nước để xử lý. Vì thế, Luật Thi hành án dân sự không quy định thời hiệu tố cáo mà bất kỳ khi nào công dân phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác THADS, công dân đều có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để được  xem xét, giải quyết. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mọi tố cáo nhận được đều buộc phải giải quyết mà căn cứ vào trường hợp cụ thể các cơ quan có trách nhiệm sẽ quyết định việc này (cơ quan nhà nước có thể không thụ lý trong những trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật tố cáo). Nếu tố cáo liên quan đến tội phạm hình sự thì vấn đề thời hiệu sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
1.4. Về thái độ xử lý đối với khiếu nại và tố cáo
Khiếu nại không được khuyến khích nhưng tố cáo được khuyến khích: Khiếu nại là đi đòi lại lợi ích cho chính người khiếu nại nên pháp luật chỉ quy địnhghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện chứ không đặt vấn đề khuyến khích. Trong khi đó, về bản chất tố cáo là sự thể hiện trách nhiệm của công dân đối với xã hội, với Nhà nước thông qua việc phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ngăn chặn xử lý hành vi vi phạm, tránh được những thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội và các cá nhân khác. Vì vậy, việc tố cáo cần được khuyến khích và pháp luật đã thể hiện thái độ đó qua việc có những quy định khen thưởng cho người tố cáo đúng. Người tố cáo đúng có thể được tặng Huân chương dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương (Điều 20 của Nghị định 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ). Bằng khen, Giấy khen theo quy định tại Nghị định này còn được kèm theo một khoản tiền thưởng.Đối với cá nhân có thành tích trong việc tố cáo hành vi tham nhũng thì được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về PCTN.
Pháp luật hiện hành không đặt vấn đề bảo vệ người khiếu nại nhưng bảo vệ người tố cáo lại được hết sức chú trọng. Bởi lẽ việc tố cáo hướng tới việc xử lý vi phạm cho nên nếu người bị tố cáo thực sự đã có hành vi vi phạm thì họ sẽ tìm mọi cách che giấu, trả thù người tố cáo. Thêm nữa, người bị tố cáo thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có điều kiện để thực hiện hành vi trả thù của mình. Cho nên, việc bảo vệ người tố cáo là một trong những vấn đề được pháp luật hết sức quan tâm. Luật tố cáo và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03-10-2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo đã đưa ra rất nhiều quy định về vấn đề này: Bảo vệ bí mật cho người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo (Điều 12), bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe cho người tố cáo và người thân thích của người tố cáo (Điều 14); bảo vệ tài sản của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo; bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và các quyền nhân thân khác của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo (Điều 14) bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức (Điều 17) bảo vệ không chỉ người tố cáo mà cả thân thích của người tố cáo; bảo vệ người tố cáo ở nơi cứ trú, ở nơi làm việc và nơi có tài sản…
2. Một số vấn đề cần lưu ý khi phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS
Một là,trường hợp tiêu đề của đơn không thống nhất với nội dung của đơn:Trên thực tế, do trình độ hạn chế, người dân có thể không phân biệt được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nên có nhiều trường hợp tiêu đề của đơn không thống nhất với nội dung của đơn. Đối với những trường hợp này: Nếu tiêu đề của đơn là “Đơn tố cáo” nhưng thực chất nội dung là khiếu nại thì cán bộ, thẩm tra viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải xử lý và tham mưu cho người có thẩm quyền giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; Nếu tiêu đề của đơn là “Đơn khiếu nại” nhưng nội dung thực chất là tố cáo, thì tham mưu xử lý, giải quyết theo trình tự, thủ tục của giải quyết tố cáo.Thực tế công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS cho thấy còn có những đơn thư có tiêu đề như: “Đơn kêu cứu khẩn cấp”, “Đơn đề nghị khẩn cấp” hay “Đơn đề nghị xem xét, giải quyết”…Đối với những loại đơn này, cán bộ, thẩm tra viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải hết sức lưu ý, không chỉ căn cứ vào tiêu đề của đơn mà phải căn cứ vào nội dung đơn để phân loại là đơn kiến nghị, phản ánh hay đơn khiếu nại, đơn tố cáo để tham mưu xử lý, áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết phù hợp theo đúng quy định của pháp luật.
Hai là,trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại vừa có nội dung tố cáo: Đối với loại đơn này, cán bộ, thẩm tra viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáocần áp dụng quy định của khoản 3, Điều 6 của Nghị định 136/2006/NĐ-CP: “Đối với đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì cơ quan nhận được có trách nhiệm xử lý nội dung khiếu nại theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều này, còn nội dung tố cáo thì xử lý theo quy định tại Điều 38 Nghị định này.”.  Theo đó, nếu đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo thì ta phải tách nội dung khiếu nại ra để giải  quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và nội dung tố cáo phải giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo.
Ba là,trường hợp người khiếu nại không đạt được mục đíchnên đã tố cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Nguyên nhân xuất phát từ việc theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, việc giải quyết khiếu nại được thực hiện ở 02 cấp và có hiệu lực thi hành, trừ những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thấy cần thiết thì mới xem xét lại những quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành. Điều này rất khác với khiếu nại hành chính vì khiếu nại hành chính cũng được giải quyết qua 02 cấp và có hiệu lực thi hành nhưng ở bất cứ giai đoạn giải quyết nào, kể cả sau khi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, người dân đều có thể khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.Vì vậy, họ “lách luật” bằng cách tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyếthoặc người đã tiến hành thẩm tra, xác minh và kiến nghị việc giải quyết. Những trường hợp này, người dân có thể chuyển hẳn sang tố cáo hoặc vừa khiếu nại để đòi lại lợi ích, vừa tố cáo người đã ban hành quyết định hoặc có hành vi trái pháp luật, đòi xử lý người có quyết định hay hành vi đó: Đây là hiện tượng khá phổ biến. Nếu nhìn về bề ngoài thì có vẻ như vụ việc vừa có khiếu nại, vừa có tố cáo nhưng nếu xét về bản chất thì đây chỉ là những vụ việc khiếu nại vì mục đích đòi lại lợi ích của mình. Những yếu tố gọi là tố cáo trong đó có thể chỉ là thể hiện sự bức xúc của người khiếu nại trước sự thiệt thòi của mình mà họ cho rằng do người ban hành hay thực hiện quyết định đã gây ra, cũng có thể họ đưa ra những hành vi sai trái của đối tượng để tăng thêm sức ép hay tạo niềm tin cho người nhận được khiếu nại về hành vi mà họ khiếu nại, thúc đẩy cơ quan, người có thẩm quyền quan tâm giải quyết. Những người làm công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo thường gọi đây là vụ việc “tố để khiếu”. Trên thực tế, một số cơ quan đã khá lúng túng trong việc giải quyết những vụ việc như vậy và có những cách ứng xử khác nhau. Theo chúng tôi, đối với những vụ việc chuyển từ khiếu nại sang tố cáo như vậy thì về bản chất vẫn là khiếu nại vì mục đích của nó không có gì thay đổi, vẫn là việc theo đuổi lợi ích của bản thân mình. Nếu việc giải quyết khiếu nại đã thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật, có hiệu lực thi hành và tố cáo không có tình tiết mới thì không thụ lý giải quyết vì chỉ căn cứ vào hình thức mà chấp nhận sự thay đổi này sẽ dẫn đến nguy cơ vụ việc khiếu nại không bao giờ có thể kết thúc.
Bốn là, trường hợp khiếu nại của đương sự chưa được giải quyết nhưng đã hết thời hiệu khiếu nại:Thực tế, có trường hợp người dân khiếu nại khi đã hết thời hiệu nên không được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết theo quy định hoặc có trường hợp vì lý những lý do khác nhau người dân khiếu nại trong thời hiệu nhưng không được được thụ lý giải quyết dẫn đến hết thời hiệu khiếu nại. Sau đó, người dân quay sang tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan THADS và cho rằng những hành vi vi phạm pháp luật đó đã gây thiệt hại cho chính bản thân họ và những người có liên quan… Theo chúng tôi, trường hợp này, có thể về bản chất vẫn là khiếu nại để đòi lại quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại mà vẫn chưa được giải quyết, nhưng nếu nội dung đơn cũng đồng thời đáp ứng các tiêu chí của đơn tố cáo như đã phân tích ở trên thì người có thẩm quyền phải thụ lý giải quyết tố cáo để đảm bảo quyền lợi cho người dân và xử lý các sai phạm của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Năm là, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo không đúng thẩm quyền: Khiếu nại không đúng thẩm quyền thì người tiếp nhận không phải chuyển đơn trong khi đó tố cáo không đúng thẩm quyền thì người tố cáo vẫn phải xử lý thông tin:Việc xử lý đơn khiếu nại không đúng thẩm quyền có sự thay đổi kể từ Pháp lệnh 1991. Điều này được giải thích như sau: Nếu như trước kia người dân gửi đơn không đúng thẩm quyền chủ yếu là do nhận thức không đúng và đa số các trường hợp họ cũng chỉ gửi đến một cơ quan, vậy nên, nếu cơ quan nhận được nếu thấy không thuộc thẩm quyền của mình thì có trách nhiệm giúp người dân chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền và báo cho người gửi đơn để họ biết và theo dõi việc giải quyết. Việc gửi đơn không đúng thẩm quyền hiện nay lại không chỉ có nguyên nhân đó mà còn do người khiếu nại muốn gây sức ép, dù biết rõ cơ quan có thẩm quyền giải quyết của mình nhưng ngoài việc gửi đơn đến cơ quan này họ có thể làm rất nhiều đơn (điều này hết sức dễ dàng với sự trợ giúp của các công cụ tin học), gửi đến rất nhiều cơ quan khác nhau của Đảng và Nhà nước, thậm chí gửi đến nhà riêng của các cán bộ lãnh đạo của địa phương và Trung ương. Với tố cáo thì khác, người dân vì lợi ích của Nhà nước và xã hội mà phát hiện thông báo với cơ quan nhà nước. Họ không thể biết được hành vi vi phạm đến mức độ hành chính hay hình sự, thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý hay cơ quan tố tụng, thậm chí của cơ quan nhà nước hay tổ chức đảng, nên khi nhận được dù không thuộc thẩm quyền của mình thì cũng phải có trách nhiệm xử lý thông tin đó bằng cách chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nếu thấy cần thiết thì phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Hy vọng rằng một số tiêu chí phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo trong THADS và những  vấn đề lưu ý mà tác giả đưa ra trong bài viết này sẽ là tài liệu hữu ích để bạn đọc và đồng nghiệp cùng trao đổi và vận dụng trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của toàn Hệ thống.
TS. Nguyễn Thắng Lợi
(Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo - Tổng cục THADS)