Giải quyết vướng mắc trong việc tổ chức thi hành quyết định giám đốc thẩm

03/05/2017
Ngày 25/11/2015, Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 thay cho Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 và Luật số 65/2011/QH12. Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 bao gồm các quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự và nhiều điểm mới cập nhật. Bộ luật tố tụng dân sự có nhiệm vụ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Do đó, Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật đặc biệt là Luật tổ chức Tòa án nhân dân và các đạo luật có liên quan. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 và Luật số 65/2011/QH12 nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.


Một trong những sửa đổi bổ sung quan trọng trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là việc mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, cụ thể: Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền “Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”[1]. Do Hội đồng xét xử giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử cho nên Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền: (i) Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; (ii) Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa; (iii) Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại; (iv) Huỷ bản án, quyết định của Toà án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án[2].  Luật số  số 65/2011/QH12  đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 297 của Bộ luật tố tụng dân sự 2004, theo đó Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; (ii) Việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác[3] nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án không quay vòng nhiều lần gây tốn kém về chi phí và thời gian của đương sự cũng như của Nhà nước đồng thời bảo đảm cho việc giải quyết vụ án có điểm dừng và phù hợp với Điều 103 Hiến pháp 2013 về “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”. Tuy nhiên, việc bổ sung quy định này đã tạo cho cơ quan thi hành án dân sự lúng túng trong việc tổ chức thi hành quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, bởi vì:
Theo nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử thì những bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm (trừ một số trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 482 Bộ luật tố tụng dân sự) và bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Do đó, các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành sẽ được đưa ra thi hành theo thủ tục thi hành án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại không đúng với thực tế khách quan hoặc có vi phạm nghiêm trọng về trình tự thủ tục tố tụng cho nên việc tổ chức thi hành những bản án, quyết định đó có khả năng gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cần được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm. Vì vậy, để không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong thời gian Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xem xét kháng nghị của người có thẩm quyền, Bộ luật đã cho phép người có thẩm quyền kháng nghị khi thực hiện quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm[4]. Đồng thời, Luật Thi hành án dân sự cũng quy định: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm[5].
Theo đó, những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực mà bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì phải tạm dừng tổ chức thi hành án cho đến khi có quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Việc ra quyết định tiếp tục tổ chức thi hành án chỉ được thực hiện khi cơ quan thi hành án nhận được một trong các quyết định sau đây[6]:
a) Quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền;
b) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị;
Như vậy, khoản 3 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc ra quyết định tiếp tục thi hành án không bao gồm trường hợp quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm “Hủymột phần bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm” và trường hợp quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm “Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Mặt khác, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp sau đây: Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật Thi hành án dân sự[7]. Đồng thời, Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định về trình tự thủ tục thi hành quyết định giám đốc thẩm trong một số trường hợp sau: (i)Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật[8]; (ii) Thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa[9]; (iii) Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật[10].
Như vậy, các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chưa có quy định về tổ chức thi hành án đối với quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có nội dung “Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và cũng chưa có quy định về việc tổ chức thi hành đối với phần quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực nhưng không bị sửa trong trường hợp “Hủy một phần bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại”.
Do đó, trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự cho phù hợp với quy định mới của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, xem xét, thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thống nhất thực hiện. Theo đó, trong trường hợp này, do việc thi hành án đang bị tạm đình chỉ thi hành án nên cơ quan Thi hành án dân sự cần áp dụng tương tự khoản 3 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự để ban hành quyết định tiếp tục thi hành án đối với 02 trường hợp nêu trên. Đối với trường hợp quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm “Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” thì vận dụng Điều 37 Luật Thi hành án dân sự để ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành phù hợp với nội dung quyết định mới và kết quả giải quyết hậu quả của việc thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 347 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 “trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án”. 
Văn Thị Tâm Hồng
Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
 
[1] Được quy định tại khoản 5 Điều 343 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
[2]  Được quy định tại Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004
[3] Được quy định tại khoản 1 Điều 347 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
[4] Được quy định tại khoản 2 Điều 332 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
[5] Được quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự
[6] Được quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự
[7] Điều 103 Luật Thi hành án dân sự quy định về bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án
[8] Được quy định tại Điều 134 Luật Thi hành án dân sự
[9] Được quy định tại Điều 135 Luật Thi hành án dân sự
[10] Được quy định tại Điều 136 Luật Thi hành án dân sự