Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

09/09/2017
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, bao gồm biện pháp nhắc nhở và biện pháp quản lý tại gia đình.
 


Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, việc xử lý vi phạm hành chính thực chất là xử phạt vi phạm hành chính. Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức (tổ chức là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật) thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự hiện nay tại Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012, Nghị định “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã” được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã” (Văn bản hợp nhất số 462/VBHN-BTP ngày 22/02/2016 của Bộ Tư pháp - sau đây gọi chung là Nghị định “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”), Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014 tại Chương VII gồm 03 điều từ Điều 162 đến Điều 165 và một số điều khoản rải rác trong Luật này.
1. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự của từng chủ thể
Để thực hiện xử lý vi phạm hành chính đúng thì phải xác đinh đúng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự được trao cho nhiều người, như: Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, Trường Đoàn Thanh tra Bộ Tư pháp, Thanh tra viên Bộ Tư pháp, Tổng cục trưởng Tổng cụ Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên. Do đó, phải căn cứ từng trường hợp cụ thể để xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
1.1. Chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo: Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.
2. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có quyền:
a) Phạt cảnh cáo.
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng.
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 2.500.000 đồng.
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4, Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều 52 Nghị định “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”:
- Làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
- Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
- Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên.
1.3. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu có quyền:
a) Phạt cảnh cáo.
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng.
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 20.000.000 đồng.
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4, Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều 52 Nghị định “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”:
- Làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
- Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
- Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên.
1.4. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có quyền:
a) Phạt cảnh cáo.
b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng.
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4, Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều 52 Nghị định “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”:
- Làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
- Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
- Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên.
1.5. Thanh tra viên Bộ Tư pháp đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo.
b) Phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
1.6. Trưởng Đoàn Thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp có quyền:
a) Phạt cảnh cáo.
b) Phạt tiền đến 28.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
1.7. Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp có quyền:
a) Phạt cảnh cáo.
b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Chương II, III, IV, V, Điều 64a, Điều 64b và Điều 64c của Nghị định "quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và giao đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã".
2. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ thẩm quyền chung của cơ quan thi hành án dân sự cũng như những người có thẩm quyền khác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự thì còn phải phân định chính xác thẩm quyền theo quy định tại Điều 72 Nghị định “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”.
2.1. Ngyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong thi hành án dân sự 
a) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền xử phạt là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định đối với chức danh đó.
b) Thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
c) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý. Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
d) Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
- Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó.
- Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.
- Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.
2.2. Thay đổi tên gọi của chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự 
Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về tên gọi thì chức danh đó có thẩm quyền xử phạt.
2.3. Giao quyền xử phạm hành chính trong thi hành án dân sự
a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự là Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu và Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
b) Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.
c) Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác.
3. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.
3.1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự chỉ được lập biên bản vi phạm hành chính đối với những vi phạm hành chính thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao theo mẫu quy định và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.
3.2. Những người sau đây đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự:
a) Thẩm tra viên, thư ký, chuyên viên cơ quan thi hành án dân sự lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi hành chính về thi hành án dân sự.
b) Công chức Thanh tra Bộ Tư pháp lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi về thi hành án dân sự.
Hà Thanh