Thực tiễn áp dụng quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước

30/06/2018
Miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước là việc Tòa án có thẩm quyền xem xét và quyết định việc người phải thi hành án không phải thi hành một số tiền cụ thể mà trước đó theo họ phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực. Việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước vừa thể hiện tình nhân đạo, khoan dung của Nhà nước đối với người phải thi hành án, vừa góp phần làm giảm các vụ việc thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước chưa có điều kiện thi hành. Quy định của pháp luật về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đã được triển khai thực hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến hiệu quả trong việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước chưa cao.


Theo số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2018, Tòa án đã xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước cho gần 1.400 việc (trong đó hơn 80 % là số việc miễn thi hành án còn số việc giảm nghĩa vụ thi hành án chỉ chiếm gần 20%). Nếu so với số việc chưa có điều kiện thi hành thì số  việc được Tòa án xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án trong 6 tháng đầu năm chiếm chưa đến 1% số việc chưa có điều kiện thi hành án. Như vậy, việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án trên thực tế chưa đạt được mục đích giảm các vụ việc chưa có điều kiện thi hành án.
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ thấp trong số các việc chưa có điều kiện thi hành án, trong đó có các nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, quy định điều kiện để được xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án còn cứng nhắc và chưa bao quát hết:
Một là, về điều kiện được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự quy định các trường hợp được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước như sau:
“1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có một trong các điều kiện sau đây:
a) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;
b) Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng”.
Theo quy định trên sẽ phát sinh các trường hợp sau: (i) Trường hợp thứ nhất, người phải thi hành án đã thi hành một phần mà nghĩa vụ còn phải thi hành án từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng mà đủ 5 năm thì không được xem xét để giảm mà phải đợi đến 10 năm mới được xem xét để miễn. (ii) Trường hợp thứ hai, người phải thi hành án đã thi hành một phần và nghĩa vụ thi hành án thi hành án còn lại là 12 triệu đồng và đủ 5 năm thì họ được xem xét giảm ¼ số tiền còn lại phải thi hành án (tức là 3 triệu) thì những năm tiếp theo họ cũng không được xem xét giảm nghĩa vụ thi hành án mà cũng phải đợi đến 10 năm để được miễn toàn bộ nghĩa vụ còn lại. (iii) Trường hợp thứ ba, người phải thi hành án đã thi hành được 1 phần nghĩa vụ và số tiền còn lại phải thi hành án là 30.000.000 đồng khi đủ 5 năm họ sẽ được xem xét giảm ¼ của số tiền 30.000.000 đồng thì họ còn phải thi hành án là 22,5 triệu đồng, đến năm thứ sáu họ được xem xét giảm ¼ của số tiền 22.500.000 đồng thì họ còn phải thi hành án là 16,875 triệu đồng, đến năm thứ bảy họ được xem xét giảm ¼ của số tiền 16.875. 000 đồng thì họ còn phải thi hành án 12.657.000 đồng, đến năm thứ 8 họ lại được xem xét giảm ¼ của số tiền 12.657.000 đồng thì họ còn phải thi hành án 9.493. 000 đồng và đến khi đủ 10 năm thì họ được xét miễn đối với khoản nghĩa vụ thi hành án còn lại. Từ phân tích ở trên cho thấy quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước còn bất cập và chưa khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành án.
Hai là, quy định về việc tính lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn giảm
Tại khoản 2 Điều 26 của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định: “Khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước được xét miễn, giảm là khoản nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án. Khi khoản nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định được miễn, giảm thì phần lãi chậm thi hành án trên số tiền được miễn, giảm đương nhiên được miễn”.
Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự lại giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định về điều kiện miễn, giảm nghĩa nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước[1]. Ngày 15/9/2015 Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, tại Điều 2 của Thông tư liên tịch thì “Các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn giảm (nếu có)”. Như vậy, Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC đã có thay đổi rất lớn so với Nghị định số 58/2009/NĐ-CP đó là cộng cả khoản lãi phát sinh do chậm thi hành án để làm căn cứ xem xét điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ của người phải thi hành án. Quy định này là phù hợp với nội dung các bản án, quyết định của Tòa án có tuyên phần lãi chậm thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế việc tính lãi chậm thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước cũng không mang tính khả thi bởi vì người phải thi hành án đã không có điều kiện thi hành án thì đến số tiền được tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Tòa án họ còn chưa thi hành được thì khó có thể thực hiện việc thi hành án đối với khoản lãi do chậm thi hành án. Về mức lãi suất chậm thi hành án thì các bản án, quyết định của Tòa án trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành đều tuyên theo mức lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước quy định. Tuy nhiên, từ ngày 01/12/2010 lãi suất cơ bản vẫn "đóng đinh" ở con số 9%[2]. Như vậy, trường hợp cộng cả tiền lãi chậm thi hành án thì số tiền phải thi hành án khi đủ 5 năm sẽ tăng thêm 45% so với số tiền theo bản án, quyết định của Tòa án thì người phải thi hành án có khả năng mất cơ hội được xét miễn hoặc giảm nghĩa vụ thi hành án khi đủ 5 năm kể từ ngày có quyết định thi hành án. Ví dụ: người phải thi hành án đã thi hành một phần tiền và nghĩa vụ thi hành án còn phải thi hành án là 4.000.000 đồng nếu không tính khoản tiền lãi chậm thi hành án thì khi đủ 5 năm họ được xét để miễn toàn bộ nghĩa vụ còn lại. Tuy nhiên, nếu cộng cả khoản tiền lãi do chậm thi hành án thì số tiền phải thi hành án khi đủ 5 năm là 5.800.000 đồng dẫn đến họ sẽ không đủ điều kiện để xem xét miễn mà phải đủ 10 năm mới được xem xét miễn.
Thứ hai, quy định về xác minh điều kiện để miễn, giảm thi hành án
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC thì có 3 căn cứ để cơ quan thi hành án tiến hành xác minh điều kiện của người phải thi hành án để tiến hành lập hồ sơ thì đề nghị xét, miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đó là:
(i) Cơ quan thi hành án chủ động tiến hành xác minh điều kiện để miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với vụ việc Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự; đủ điều kiện về thời hạn, mức tiền quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự và điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC hoặc đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC;
(ii) Cơ quan Thi hành án dân sự tiến hành xác minh điều kiện để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khi nhận được đơn đề nghị xét miễn, giảm thi hành án của người phải thi hành án.
 (iii) Cơ quan Thi hành án dân sự tiến hành xác minh điều kiện để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khi nhận được yêu cầu lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án của Viện kiểm sát.
Như vậy, Thông tư liên tịch đã xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động rà soát hồ sơ để thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án để lập hồ sơ đề nghị xét miễn hoặc giảm nghĩa vụ thi hành án các khoản nộp cho ngân sách. Tuy nhiên, trên thực tế có một số cơ quan thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện còn cho rằng hồ sơ đề nghị miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án phải có đơn đề nghị miễn hoặc giảm nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án mới thực hiện việc xác minh điều kiện để miễn, giảm là chưa chính xác dẫn đến vụ việc bị tồn đọng, kéo dài.
Ngoài ra, việc Thông tư liên tịch quy định cơ quan thi hành án dân sự chỉ tiến hành xác minh điều kiện để miễn hoặc giảm nghĩa vụ thi hành án khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự là thu hẹp điều kiện để được xét miễn hoặc giảm nghĩa vụ thi hành án so với với quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự. Quy định này cũng đã gây khó khăn trong các vụ việc người phải thi hành án có tài sản nhưng khi cơ quan thi hành án xử lý xong tài sản nhưng không thu được hoặc thu không đủ khoản án phí (đặc biệt trong các trường hợp xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14), cụ thể: trong các trường hợp này cơ quan thi hành án xử lý xong tài sản nhưng không thu được hoặc không thu đủ tiền án phí thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án nếu người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để đảm bảo thi hành án thì mới ra quyết định thi hành án, như vậy, thời gian từ lúc ra quyết định thi hành án đến khi cơ quan thi hành án ra quyết định việc chưa có điều kiện thi hành án đối với khoản án phí có thể là trên 5 năm. Do đó, có thể nói quy định trên của Thông tư liên tịch đã thu hẹp diện được xem xét miễn, giảm nghĩa vụ của người phải thi hành án dẫn đến việc thi hành án bị tồn đọng kéo dài.
Mặt khác, theo quy định của Điều 44a Luật Thi hành án dân sự quy định trong trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, đối với các trường hợp này khi đã đủ điều kiện về thời gian thì có ý kiến khác nhau trong việc lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đó là việc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án không đồng nghĩa với việc người phải thi hành án không có tài sản hoặc điều kiện để thi hành án. Việc không thống nhất dẫn đến một số nơi cơ quan thi hành án dân sự không lập được hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm đối với những vụ việc mà người phải thi hành án sống lang thang hoặc bỏ đi khỏi nơi cư trú (được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án) nhưng không xác định được địa chỉ cụ thể của họ.
Bên cạnh đó, các quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp cho ngân sách mới chỉ hướng tới đối tượng người phải thi hành án là cá nhân mà chưa giải quyết cho các đối tượng là pháp nhân. Do đó, hiện nay những vụ việc người phải thi hành án là doanh nghiệp phải thi hành án các khoản nộp án phí hoặc các khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước (nhất là sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực thi hành) nhưng chưa có điều kiện thi hành án là rất lớn (Ví dụ: tại tỉnh Bình Dương hiện còn tồn 220 việc với số tiền 4.650.312.346 đồng thu cho ngân sách nhà nước[3]). Đối với trường hợp người phải thi hành án là doanh nghiệp chưa có điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đã tiến hành xác minh ở nhiều nơi như: cơ quan Thuế, Sở kế hoạch đầu tư, tại địa chỉ mà họ đăng ký hoạt động ... kết quả xác minh cho thấy doanh nghiệp không còn hoạt động, không có trụ sở, không có tài sản, không phát sinh thuế hoặc các giao dich ... nhưng vẫn không được xem xét để miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án vì doanh nghiệp chưa làm thủ tục giải thể và vẫn còn tồn tại đăng ký kinh doanh.
Thứ ba, về lập hồ sơ miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định: Vào tuần đầu của mỗi tháng, cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm chuyển hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án được lập trong tháng trước để Viện kiểm sát cùng cấp kiểm sát theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo thống kê thì có rất nhiều địa phương 6 tháng đầu năm không lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, có một số địa phương thì chỉ lập hồ sơ đề nghị xét miễn thi hành án mà không lập hồ sơ xét giảm nghĩa vụ thi hành án. Thực tế, không phải các địa phương này không có hồ sơ đủ điều kiện xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án các khoản thu nộp cho ngân sách. Theo phản ánh, Thẩm phán khi thụ lý và giải quyết hồ sơ miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án không được tính vào chỉ tiêu công tác trong khi đó các Thẩm phán cũng phải giải quyết nhiều công việc khác nên để thuận lợi cho công tác phối hợpthông thường các cơ quan thi hành án dân sự một năm chỉ tập chung làm hồ sơ đề nghị miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án một vài lần (theo hàng quý hoặc khi số lượng hồ sơ vụ việc tương đối nhiều một chút) mà không lập hồ sơ theo từng tháng.
Mặt khác, theo quy định tại Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 9/11/2016 của Bộ Tài chính thì chi phí xác minh điều kiện thi hành án do ngân sách nhà nước chịu. Tuy nhiên, năm 2018 các cơ quan thi hành án dân sự không được cấp khoản tiền chi cho khoản xác minh điều kiện thi hành án mà phải sử dụng từ nguồn chi của cơ quan thi hành án dân sự. Do đó, có một số cơ quan thi hành án dân sự không đủ nguồn lực để chi trả các chi phí xác minh điều kiện thi hành án.
Về mặt chủ quan, một vài Chấp hành viên cho rằng đối với hồ sơ xét giảm nghĩa vụ thi hành án do không kết thúc được hồ sơ trong khi phải thực hiện quá nhiều thủ tục và tốn nhiều thời gian nên Chấp hành viên phát sinh tâm lý ngại thực hiện (sau khi xét giảm nghĩa vụ thi hành án thì vẫn phải ban hành quyết định việc chưa có điều kiện và tiếp tục thực hiện các tác nghiệp tiếp theo). Bên cạnh đó việc giao chỉ tiêu thi hành án dân sự hàng năm cho các Chấp hành viên trong đó chỉ tiêu giảm số việc, tiền chỉ tính trên số việc, tiền có điều kiện chuyển kỳ sau cũng là một phần nguyên nhân khiến cho Chấp hành viên chưa thật tích cực trong lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Một số Chấp hành viên lúng túng trong việc xử lý quyết định giảm một phần nghĩa vụ thi hành án của Tòa án nên đã hạn chế việc lập hồ sơ đề nghị xét giảm nghĩa vụ thi hành án.
Từ những nguyên nhân, bất cập nêu trên xin kiến nghị một số vấn đề sau: Đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành các khoản thu, nộp ngân sách nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, dễ thực hiện và tạo sự công bằng cho các đối tượng chịu sự tác động của quy định pháp luật, cụ thể:
(i), Bổ sung quy định đối với trường hợp đã thi hành một phần nghĩa vụ mà phần nghĩa vụ còn lại từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng mà đủ 5 năm thì được xét miễn hoặc xét giảm.
(ii) Bỏ quy định về việc miễn, giảm lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn giảm (nếu có) thay vào đó nên quy định như khoản 2 Điều 26 của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP đó là khi khoản nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định được miễn, giảm thì phần lãi chậm thi hành án trên số tiền được miễn, giảm đương nhiên được miễn.
Thứ ba, bổ sung quy định cụ thể về việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án là doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn cụ thể về việc xác minh, lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án để các cơ quan thi hành án dân sự thống nhất trong thực hiện góp phần làm giảm số lượng án chưa có điều kiện thi hành.
                                                                     Văn Thị Tâm Hồng
 
[1] Khoản 25 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 
[2] Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 thì lãi suất cơ bản từ ngày 01/12/2010 là 9%, từ đó đến nay Ngân hàng nhà nước không công bố lãi suất cơ bản.
[3] Theo báo cáo số 1162/BC-CTHADS ngày 20/6/2018 của Cục THADS tỉnh Bình Dương