Một số vướng mắc khi ra quyết định thi hành án

06/12/2018
Quyết định thi hành án có vai trò đặc biệt quan trọng, khởi động toàn bộ quá trình thi hành án. Việc ra quyết định thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 23, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS), Điều 6, Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC và Thông tư số 01/2016/TT-BTP quy định về hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ THADS.


Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với các phần bản án, quyết định sau: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước (Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, các khoản thu khác cho Nhà nước bao gồm: khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước); Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Theo khoản 1 Điều 36 Luật THADS, ngoài những trường hợp ra quyết định thi hành án chủ động thì tất cả các khoản còn lại trong các bản án, quyết định đều thuộc diện phải có đơn yêu cầu thi hành án của đương sự thì cơ quan thi hành án mới ra quyết định thi hành án.
Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tương đối cụ thể về việc ra quyết định thi hành án, tuy nhiên trong thực tiễn việc lựa chọn loại quyết định thi hành án chủ động hay theo đơn yêu cầu vẫn còn gặp phải một số vướng mắc dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau. Dưới đây là một số tình huống phát sinh trong thực tiễn liên quan đến vấn đề này.
Thứ nhất, trường hợp truy nộp, truy thu thuế:
Bản án số 911/2016/HSST ngày 22/5/2016 của Tòa án nhân dân huyện X tuyên: Ông Lê Văn T phải truy nộp số tiền 60.000.000đ, giao cho Ủy ban nhân dân (UBND) xã A quản lý.
Đối với trường hợp này, quan điểm thứ nhất cho rằng: Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Luật THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án đối với các phần bản án, quyết định về “Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án”. Đây là khoản tiền truy nộp, do đó trường hợp này cơ quan THADS sẽ chủ động ra quyết định thi hành án.
Bên cạnh đó, có quan  điểm lại cho rằng: Bản án đã tuyên khoản truy nộp này sẽ “ giao cho Ủy ban nhân dân xã A quản lý” như vậy, người được thi hành án ở đây được xác định là  “ Ủy ban nhân dân xã A”. Mặt khác, khi ra quyết định thi hành án chủ động, cơ quan THADS sẽ gặp khó khăn khi tiến hành xử lý khoản tiền thu được bởi vì theo Thông tư số 91/2010-BTC ngày 17/6/2010 thì khoản truy nộp sẽ được ghi vào biên lai thu tiền nộp Ngân sách nhà nước (theo mẫu số C30-THA ban hành kèm theo Thông tư số 91/2010-BTC) và các khoản tiền thu được sẽ được cơ quan THADS tiến hành nhập ngân sách nhà nước, trong khi đó theo quyết định của bản án thì khoản tiền truy nộp này lại được “giao cho UBND xã A quản lý”. Do đó trường hợp này cơ quan THADS cần ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, từ đó mới có căn cứ để chi trả số tiền này cho UBND xã A, sau đó UBND xã sẽ tiến hành xử lý số tiền trên để nhập ngân sách nhà nước theo quy định.
Trên thực tế các cơ quan THADS cũng gặp những trường hợp Tòa án tuyên khoản tương tự như trường hợp trên. Ví dụ: Bản án của Tòa án nhân dân quận T tuyên: “ Buộc các bị cáo Nguyễn Văn H và Nguyễn Thị N liên đới nộp số tiền truy thu thuế là  200.000.000đ cho nguyên đơn dân sự là cục thuế tỉnh B”
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, các khoản thu khác cho Nhà nước bao gồm: “khoản truy thu thuế…” Đây là khoản truy thu thuế, do đó cơ quan THADS sẽ ra quyết định thi hành án chủ động đối với khoản tiển này.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Mặc dù khoản thu này là khoản truy thu thuế nhưng theo quyết định của Tòa án thì số tiền này được nộp cho “nguyên đơn dân sự là cục thuế tỉnh B” như vậy người nhận số tiền này là cục thuế tỉnh B. Cục thuế tỉnh B mới là người sẽ tiến hành xử lý, nhập ngân sách nhà nước đối với số tiền trên, chứ không phải là cơ quan THADS.
Bên cạnh đó, còn có khó khăn trong báo cáo thống kê khi thực hiện thống kê khoản tiền trên, vì theo biểu số 05/TK-THA Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015  sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê THADS thì khoản truy thu( hay truy nộp) lại nằm trong phần “ Chia theo đối tượng được thi hành án- Thu cho Ngân sách nhà nước”, còn phần thu cho cơ quan tổ chức, thu cho cá nhân lại được tách riêng. Như vậy nếu khoản truy nộp và truy nộp thuế( như ở ví dụ trên) khi đưa vào mục “ngân sách nhà nước” theo báo cáo thống kê cũng chưa thực sự chuẩn xác.
Mặt khác, quan điểm thứ hai cũng đặt ra vấn đề là có thu phí thi hành án đối với số tiền trên hay không. Theo Điều 6 Thông tư 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THADS thì các trường hợp này không thuộc diện được miễn giảm phí thi hành án, tuy nhiên các khoản tiền này về bản chất được thu cho ngân sách nhà nước, vậy việc thu phí thi hành án sẽ thực hiện như thế nào cũng là vấn đề cần được làm rõ.
Thứ hai, trường hợp thu nộp các khoản bồi thường cho nhà nước:
Đối với khoản thu bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế mà người được thi hành án là các doanh nghiệp, ngân hàng có 100% vốn nhà nước.
Ví dụ: Bản án số 45/2012/HSST ngày 27-30/3/2012 của TAND TP Hải Phòng và Bản án số 454/2012/HSPT từ ngày 28-30/8/2012 của TANDTC (vụ Vinashin). Theo đó: Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường cho Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin 991.376.423.000 đồng; Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Tuyên và Đỗ Đình Côn phải liên đới bồi thường cho Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh 34.894.338.000 đồng; Phạm Thanh Bình và Tô Nghiêm phải liên đới bồi thường cho Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân 32.9109.835.000 đồng và Công ty TNHH MTV điện Cái Lân 32.910.835.000 đồng.
Hiện nay, vẫn có quan điểm chưa thống nhất trong việc ra quyết định chủ động thi hành án hay quyết định thi hành án theo yêu cầu đối với trường hợp các bản án hình sự mà Tòa án tuyên buộc cá nhân, tổ chức bồi thường một khoản tiền cho ngân hàng có 100% vốn nhà nước hoặc các công ty TNHH một thành viên có đại diện phần vốn góp của Nhà nước.
 Đối với ví dụ trên, quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS, khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định các khoản thu khác cho nhà nước bao gồm: khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào Ngân sách nhà nước. Do các khoản thi hành cho các công ty trên là các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan THADS phải chủ động thi hành. Quan điểm thứ hai cho rằng: các khoản thi hành cho các công ty trên không phải là các khoản bồi thường cho Nhà nước mà là bồi thường cho doanh nghiệp nên cơ quan THADS chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án. Mặt khác, tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “ hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thi hành án đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu thi hành án thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án”. Bởi vậy, trong trường hợp này ngân hàng, các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước vẫn phải làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật THADS.
Do còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất trong việc lựa chọn quyết định thi hành án chủ động hay theo đơn yêu cầu đối với các trường hợp như trên nên việc thi hành án còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị cần tiếp tục có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên
1. Xem thêm: Thành Công, THA kinh tế, tham nhũng: Chủ động ra quyết định hay theo đơn yêu cầu?, http://baophapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/thi-hanh-an-kinh-te-tham-nhung-chu-dong-ra-quyet-dinh-hay-theo-don-yeu-cau-385270.html; ngày đăng: 26/3/2018, trc: 29/6/2018
2. Thành Công, THA kinh tế, tham nhũng: Chủ động ra quyết định hay theo đơn yêu cầu?, tlđd