Thực thi pháp luật nghiêm minh vì sự phát triển trong tiến trình hội nhập

31/01/2018
Năm 2017, hệ thống thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục ghi những dấu ấn quan trọng trên chặng đường hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành. Ðiều đó khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của mình trong việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đất nước.

Những chuyển biến ấn tượng
Bước sang năm thứ hai thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội về công tác tư pháp, trong bối cảnh đất nước đang ở thời điểm then chốt thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016 - 2020, tình hình vi phạm pháp luật diễn biến còn phức tạp, ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, hệ thống THADS đã sớm ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, tập trung tổ chức nghiêm túc các nhiệm vụ được giao.
Với những nỗ lực đó, hoạt động của hệ thống THADS đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2017, kết quả thi hành án của toàn hệ thống cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu. Ðáng chú ý, tổng số thụ lý mới vụ việc thi hành án trên toàn hệ thống tăng rất lớn - gần 47 nghìn việc (5,57%) và hơn 28 nghìn tỷ đồng (19,67%) - cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173 nghìn tỷ đồng). Các cơ quan thi hành án đã thi hành xong gần 550 nghìn việc và thu hơn 35 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19 nghìn việc và hơn sáu nghìn tỷ đồng so với năm 2016. Kết quả thi hành đối với khoản nợ của các tổ chức tín dụng đạt gần 4.500 việc và gần 28 nghìn tỷ đồng, tăng hơn một nghìn việc và hơn tám nghìn tỷ đồng; giá trị thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự tăng gần 1,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2016. Công tác theo dõi thi hành án hành chính ngày càng đi vào nền nếp. Công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế - tham nhũng, thu hồi những khoản nợ của tổ chức tín dụng có nhiều tiến bộ.
Trong lĩnh vực công tác hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp, hệ thống THADS thời gian qua chủ động tham mưu, kịp thời đề xuất, đến nay cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn Luật THADS năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 với hai nghị định, một chỉ thị, tám thông tư liên tịch và 13 thông tư. Ðặc biệt, ngày 6-2-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường công tác THADS với nhiều nội dung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Bên cạnh đó, các quy chế phối hợp liên ngành; quy trình nội bộ được chú trọng ban hành, tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, toàn diện. Các văn bản, chỉ thị, chỉ đạo mới của Ðảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thi hành án cũng được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc đến từng đơn vị thi hành án, bảo đảm bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực này.
“Một cửa” thông thoáng - lợi ích “kép”
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 vừa qua, lãnh đạo Tổng cục THADS cho biết: Thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS, Bộ Tư pháp, hệ thống THADS tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án, coi đây là giải pháp đột phá trong công tác THADS.
Ðể đáp ứng yêu cầu nêu trên, các cơ quan thi hành án vận hành hiệu quả cổng, trang thông tin điện tử, đăng tải công khai danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án, rà soát, công bố các thủ tục hành chính. Từ ngày 1-6-2017, đã thống nhất trên toàn quốc thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Việc áp dụng hỗ trợ trực tuyến trong THADS và giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa góp phần tạo sự thông thoáng, hạn chế bức xúc, khiếu nại của đương sự. Do đó tạo được “lợi ích kép” cả về phía quản lý nội bộ cơ quan THADS và cả về phía người dân, nhằm tăng cường hơn nữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong giải quyết việc thi hành án. Ðể hiện đại hóa hoạt động quản lý công tác THADS, Tổng cục THADS đang tích cực triển khai trên toàn quốc phần mềm quản lý THADS...
Nhiều chuyên gia pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp có chung nhận định: Trước yêu cầu đạt mục tiêu ASEAN 4, THADS, hoạt động thực thi phán quyết của tòa án đã và đang từng bước vượt qua khỏi chức năng truyền thống là bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật để vươn tới một mục tiêu rộng lớn, năng động hơn. Phân tích rõ hơn về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Xuân Tùng (Tổng cục THADS) nhấn mạnh: Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, tích cực giải phóng nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH thông qua việc “rã đông” tài sản đóng băng trong các tranh chấp theo quy định của Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và trong quá trình thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo Luật Phá sản năm 2014. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực có thứ hạng cao và còn giữ khoảng cách khá xa so với Việt Nam trong xếp hạng thông thoáng môi trường kinh doanh như Xin-ga-po (2/190), Ma-lai-xi-a (23/190), Thái-lan (46/190)...
Xác định rõ định hướng phát triển hoạt động THADS phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân trong sạch, vững mạnh, phù hợp quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 về xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân”, công tác tiếp công dân tại các cơ quan THADS hướng tới tính hiệu quả, chất lượng, kỹ năng dân vận từng bước được nâng cao. Việc thực hiện quy định người phải đứng đầu cơ quan trực tiếp tiếp công dân ngày càng đi vào nền nếp. Trong bối cảnh số việc và tiền tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng số việc khiếu nại, tố cáo giảm, qua đó thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong công tác THADS.
Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh
Năm 2018, đất nước ta sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi. Công tác THADS, thi hành án hành chính phải gắn liền yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ”. Trước yêu cầu đó, hệ thống THADS cần tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thi hành án. Tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về THADS; tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy trình, quy chế nội bộ, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả hoạt động THADS. Tổ chức thi hành hiệu quả Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp quá trình thi hành án.
Một vấn đề mấu chốt trước mắt và lâu dài cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức THADS đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác THADS trên toàn quốc và từng địa phương. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp nguyên tắc tập trung thống nhất trong quản lý ngành dọc. Bảo đảm cơ sở vật chất, ngân sách tài chính cho hoạt động THADS, thi hành án hành chính... Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành THADS, hành chính gần đây, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng ngành, bảo đảm từng cán bộ các bộ phận trong cơ quan THADS phải trong sạch, vững mạnh, bảo vệ pháp chế và công lý phải được thực thi đến cùng. Cán bộ THADS phải thật sự liêm chính, giữ vững phẩm chất, không được phép làm sai lệch bản chất vụ việc, làm trái pháp luật, lệch công lý trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án, không để lợi ích và quyền lợi riêng tư xen vào trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản.
Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và thống nhất cao. Phó Thủ tướng đề nghị Viện KSND tối cao quan tâm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các đối tượng là tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án; đồng thời tăng cường kiểm sát thi hành án hành chính. Ðặc biệt, Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thực hiện phong tỏa tài sản đối với những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, tránh tẩu tán tài sản.
Khái niệm phổ cập về tư pháp trong quá trình hội nhập đề cập “Công lý bị trì hoãn cũng có nghĩa là công lý bị từ chối”. Như thế, trách nhiệm của ngành THADS nước ta trước ngưỡng cửa ASEAN 4 còn rất nặng nề, nỗ lực hơn nữa để thu hẹp khoảng cách về thời gian thi hành bản án. Mục tiêu phấn đấu cải thiện chỉ số xếp hạng THADS góp phần nâng cao mức độ tín nhiệm của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Năm 2018 và những năm tiếp theo, ngành tư pháp nói chung, hệ thống THADS nói riêng tập trung khắc phục những hạn chế, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng nỗ lực vươn lên giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của cuộc sống, góp phần duy trì, củng cố tính nghiêm minh của pháp luật với mục tiêu cuối cùng là “công lý phải được thực thi”[1].
 
[1] Báo Nhân dân điện tử, Thứ Hai, 18/12/2017
VĂN NGHIỆP CHÚC