Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm nợ xấu liên quan đến công tác thi hành án dân sự

02/06/2018
Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận xuyên suốt tại hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng liên quan đến công tác thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức tại trụ sở Bộ Tư pháp chiều ngày 01/6/2018.

Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự liên quan đến án tín dụng, ngân hàng và những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu liên quan đến công tác thi hành án dân sự, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đánh giá công tác triển khai chung tại Tổng cục Thi hành án dân sự, tình hình triển khai thực hiện tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các tổ chức tín dụng đã được chú trọng thực hiện. Kết quả 06 tháng đầu năm 2018, tổng số thụ lý thi hành các vụ án tín dụng ngân hàng, về việc 21.508 việc (chiếm tỷ lệ 3,38% tổng số thụ lý việc toàn quốc), trong đó tổng số việc có điều kiện là 17.003 việc (chiếm tỷ lệ 79,05% tổng số việc án tín dụng ngân hàng và chiếm 2,69% tổng số vụ việc phải thi hành của toàn quốc), so với cùng kỳ năm 2017, số thụ lý tăng 2.670 việc; kết quả đã thi hành xong 1.676 việc đạt tỷ lệ 7,79% về việc (tăng 22 việc và về tỷ lệ tăng 1,33% so với cùng kỳ năm 2017). Về tiền, tổng thụ lý là 94.928 tỷ 672 triệu 164 nghìn đồng (chiếm tỷ lệ 58,25% tổng số thụ lý tiền toàn quốc), trong đó, số tiền có điều kiện là 70.517 tỷ 068 triệu 919 nghìn đồng (chiếm tỷ lệ 74,28% về tiền thi hành án tín dụng, ngân hàng và chiếm 44,48% về tiền so với tổng số tiền phải thi hành của toàn quốc), so với cùng kỳ 2017, tăng 18.914 tỷ 721 triệu 057 nghìn đồng.; kết quả đã thu được số tiền là 6.443 tỷ 442 triệu 565 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 11,28% (tăng 184 tỷ 183 triệu 767 nghìn đồng và tăng tỷ lệ 1,75% về tiền so với cùng kỳ năm 2017)[1].
Trong 06 tháng đầu năm 2018, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức 05 cuộc họp liên ngành, ban hành 25 văn bản (trong đó, 16 văn bản giải quyết, chỉ đạo liên quan trực tiếp đến án tín dụng, ngân hàng theo phản ánh của các tổ chức tín dụng và 09 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ theo hồ sơ xin hướng dẫn của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương liên quan đến án tín dụng, ngân hàng). Các văn bản giải quyết đã đáp ứng được những vướng mắc từ phía các tổ chức tín dụng và từ đó tạo nên sự phối hợp, sự trao đổi thông tin giữa các cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng. Nhìn chung, công tác thi hành án dân 6y9 liên quan đến án tín dụng, ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành có liên quan, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự. Do đó, kể từ khi có ký kết quy chế, thành lập Tổ xử lý nợ xấu, kết quả tổ chức thi hành án liên quan đến án tín dụng, ngân hàng năm sau luôn cao hơn năm trước. Công tác phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự (Tổ xử lý nợ xấu) với Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội sở chính; các cơ quan thi hành án dân sự với các tổ chức tín dụng cũng ngày càng chặt chẽ, đạt hiệu quả, đa dạng hơn và có nhiều đổi mới nhất là việc trao đổi thông tin, tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu, ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh; trong đó đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thẩm định, xử lý nợ, đồng thời, có văn bản đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự giải quyết vướng mắc cho các Hội sở. Việc ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo nhiều thuận lợi, bảo đảm cho quyền lợi của các tổ chức tín dụng; nâng cao hơn ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, từ đó chỉ đạo Chấp hành viên tổ chức thi hành án kịp thời, đúng quy định pháp luật; kịp thời báo cáo, xin ý kiến các vụ việc có khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành án các vụ việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng, như về nghĩa vụ nộp thuế đối với tài sản bản đấu giá (thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất); về nghĩa vụ nộp án phí theo bản án, quyết định của Tòa án; tiền hỗ trợ thuê nhà trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất; khó khăn liên quan đến thế chấp của các tổ chức tín dụng, ví dụ như: Tài sản trong hợp đồng nhận thế chấp không đúng với thực tế tài sản như diện tích không đúng, tài sản không đủ theo hợp đồng, không nhận thế chấp tài sản gắn liền trên đất, trên đất thế chấp có tài sản là nhà ở của người khác, nhận thế chấp là quyền sử dụng đất trả tiền thuê đất hàng năm; giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế của tài sản; nhận thế chấp trên giấy tờ, đến giai đoạn thi hành án xác minh tài sản không có hoặc nhận thế chấp mà tài sản là động sản đến giai đoạn thi hành án thì động sản không còn hoặc hết giá trị sử dụng; nhận thế chấp đối với tài sản không thực hiện được việc chuyển nhượng như đối với đất vành đai biên giới, đất không có lối đi; nhận thế chấp đối với tài sản là quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất là nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, có mồ mả trên đất. Công tác phối hợp của các tổ chức tín dụng; tâm lý e ngại của người dân khi tham gia mua đấu giá tài sản thi hành án (mua tài sản bị xiết nợ không may mắn; lo ngại tình trạng vay tiền mua được tài sản nhưng không được giao hoặc chậm được giao; hoặc đã giao nhưng không thực hiện được thủ tục chuyển nhượng do vướng các khoản thuế có liên quan đến đất) dẫn đến việc bán đấu giá tài sản kéo dài thời gian, việc giải quyết án đạt tỷ lệ thấp. Đáng lưu ý, có nhiều vụ việc phải giảm giá rất nhiều lần, thậm chí đến lần thứ 18 vẫn chưa bán được, sau khi bán được tài sản thì số tiền thu được không đủ thanh toán nghĩa vụ bảo đảm.
Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp 06 tháng cuối năm 2018 cụ thể về công tác tham mưu xây dựng thế chế, công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp, cũng như những đề xuất, kiến nghị chung và đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến Nghị quyết 42/2017/QH14 nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung và thi hành án cho ngân hàng, các tổ chức tín dụng nói riêng trong thời gian tới.
Hội nghị cũng được nghe tham luận của đại diện Ngân hàng BIDV về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14; Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; những vấn đề khó khăn trong quá trình thục hiện tại thành phố Hồ Chí Minh; Vietinbank về việc thực hiện triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu trong hệ thống Vietinbank; Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội về kết quả thi hành án liên quan đến án tín dụng, ngân hàng 06 tháng đầu năm 2018; một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết 42/2014/QH14 của Quốc hội trên địa bàn thành phố Hà Nội; ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện một số ngân hàng khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến nghị các ngân hàng lưu ý hỗ trợ tiền thuê nhà trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất cho người phải thi hành án; mong rằng trong thời gian tới các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự các cấp tổ chức thi hành có hiệu quả hơn các bản án, quyết định liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc nảy sinh trong quá trình thi hành án để hỗ trợ ngành ngân hàng sớm xử lý hiệu quả nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Về phía mình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giao Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối để trao đổi thông tin và phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý các vấn để có liên quan đến công tác thi hành án dân sự trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng; đồng thời cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục phối hợp với cơ quan thi hành án các cấp để cùng chung tay vào quá trình thi hành án các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng và phải chủ động cung cấp thông tin để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp kịp thời nghiên cứu, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị này, những kết quả đã đạt được nhưng cũng đồng tình với quan ngại về những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết, như mối quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự với tổ chức tín dụng, ngân hàng trong việc chuyển tiền, nhận tài sản, chuyển giao giấy tờ về quyền sở hữu, sử dụng tài sản, xử lý tài sản với biên độ giảm giá tài sản bán đấu giá. Những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội cần được sớm giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm xem xét xử lý, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề hỗ trợ cho người phải thi hành án không còn nơi ở nào khác ngoài nhà ở duy nhất đã bị kê biên, bán đấu giá để thi hành án cho nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng thuộc phạm vi khoản nợ xấu, tạo sự đồng tình, ủng hộ của các thành viên Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự địa phương khi cưỡng chế giao nhà ở cho người mua được tài sản bán đấu giá. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng rất nhất trí với ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vấn đề tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về thí điểm xử lý nợ xấu; yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đưa ra tại hội nghị để chỉ đạo ngay các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện những việc thuộc thẩm quyền; đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng tích cực, tiếp tục trách nhiệm trong thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội.
Anh Tuấn

[1]06 tháng đầu năm 2017:tổng số thụ lý là 18.838 việc; tương ứng với tổng số tiền là trên 76.013 tỷ đồng.Số có điều kiện thi hành 16,721 việc tương ứng với số tiền 64.321 tỷ đồng. 06 tháng đầu năm 2017: số việc đã thi hành xong 1.654 việc, tương ứng với số tiền trên 9.107 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8,78% việc và 13,85% về tiền