Tổng cục Thi hành án dân sự giao ban công tác Quý II/2018

27/04/2018
Sáng nay, ngày 26/04/2018, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức giao ban công tác quý II/2018 để đánh giá kết quả công tác Quý I/2018, nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý II/2018. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã dự và chỉ đạo. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Quyền Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi, đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực, Vụ trưởng và tương đương, Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự.

Báo cáo kết quả nổi bật công tác Quý I/2018, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực nêu rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tiếp tục đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, Tổng cục đã tổ chức nhiều buổi giao ban trực tuyến đánh giá, đôn đốc kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của các địa phương. Tổng cục cũng đã ban hành nhiều Công văn quán triệt, chỉ đạo các Cục Thi hành án dân sự tập trung, quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trên cơ sở kết quả thi hành án dân sự 05 tháng đầu năm 2018, Tổng cục đã trực tiếp ban hành nhiều Công điện đôn đốc, chỉ đạo đối với 16 Chi cục Thi hành án dân sự có lượng án lớn, nhưng kết quả đạt được còn thấp, ảnh hưởng lớn đến kết quả thi hành án dân sự của địa phương. Ngày 20/4/2018, Tổng cục đã tham mưu, giúp Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2018; đã tổ chức Hội nghị triển khai, đánh giá một số nội dung công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tại Hội nghị, đã giải đáp 37 kiến nghị, đề xuất của các Cục Thi hành án dân sự.
Công tác xây dựng thể chế, Quý I/2018, Tổng cục đã tham mưu, giúp Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp ban hành Nghị quyết số 31-NQ/BCS ngày 05/4/2018 về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thi hành án dân sự, thi hành án hành chính giai đoạn 2018 - 2021, trong đó xác định 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Tổng cục đã và đang trình ký luân phiên Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành quyết định của Tòa án giải quyết vụ việc pháp sản theo Luật phá sản năm 2015, hiện Bộ Tư pháp và VKSNDTC đã ký, Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tổng cục đã có báo cáo trình Bộ trưởng cho ý kiến đối với phương án thống nhất ký kết Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thi hành án dân sự và Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên & Môi trường. Đối với Thông tư hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự (sửa đổi);  đang xây dựng theo Kế hoạch, hiện đang lấy ý kiến các Cục Thi hành án dân sự địa phương. Đối với Thông tư sửa đổi Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/3/2017, đã thành lập Tổ soạn thảo, họp phiên thứ nhất, hiện đang xây dựng Kế hoạch của Tổ và dự thảo 01 của Thông tư. Ngày 05/3/2018, Tổng cục đã trình Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 359/QĐ-BTP thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án giải quyết việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm. Ngày 30/3/2018, Ban soạn thảo đã họp phiên thứ nhất và ngày 12/4/2018, Ban soạn thảo đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án.
Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật Thi hành án dân sự, Tổng cục đã tổ chức “Tọa đàm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành”, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định giá tài sản bảo đảm cho vay; ban hành nhiều Công văn hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ về xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; bán đấu giá tài sản. Tập trung đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự xử lý các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản, hiện toàn Hệ thống còn 562 vụ việc tương ứng với trên 1.048 tỷ đồng. Ngày 12/02/2018, Tổng cục đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TCTHADS thành lập Tổ công tác chỉ đạo, giải quyết các vụ việc tài sản thi hành án bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành và đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá; đã tiến hành kiểm tra tại Kiên Giang, chỉ đạo, đôn đốc tại Hải Phòng, Hải Dương. Hiện đang xây dựng kế hoạch để kết hợp, lồng ghép với các nội dung kiểm tra chuyên đề, kiểm tra toàn diện tại một số địa phương. Ngày 16/3/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 860/BTP-TCTHADS hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự xử lý khoản tiền tạm thu còn tồn trên tài khoản tạm gửi của cơ quan thi hành án dân sự từ năm 2005 trở về trước. Tổng cục đã ban hành công văn chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương tăng cường công tác quản lý kho vật chứng trong toàn quốc; tiến hành kiểm đếm tài sản, tang vật hiện có trong kho của các cơ quan thi hành án và đối chiếu với sổ sách kế toán của đơn vị. Tổng cục đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự 2015 về rà soát các đối tượng phải thi hành án thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 để thực hiện việc miễn chấp hành hình phạt tiền, xóa án tích cho người bị kết án; Xây dựng Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 của Tổng cục Thi hành án dân sự; Hướng dẫn triển khai thực hiện một số văn bản mới liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
Công tác kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND, Tổng cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ phối hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tham gia 04 Đoàn khảo sát của Ủy ban tư pháp tại 10 tỉnh, thành phố. Phục vụ giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng trong công tác thi hành án dân sự, Tổng cục, 03 cơ quan thuộc Tổng cục đã làm việc với Đoàn giám sát, phối hợp với Đoàn giám sát làm việc tại 04 Cục Thi hành án dân sự. Quý I/2018, Tổng cục đã tổ chức 01 Đoàn kiểm tra chuyên đề công tác Văn phòng tại 02 địa phương; 03 Đoàn công tác đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS tại 08 địa phương; 01 Đoàn kiểm tra chuyên đề về bán đấu giá tài sản tại 01 địa phương; 03 Đoàn kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, xử lý tang vật, tài sản tạm giữ, tiền tồn trên tài khoản, tiền do các trại giam thu chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự và kết quả thi hành án tham nhũng tại 03 địa phương. Trong 06 tháng đầu năm 2018, đã tiếp 200 lượt công dân, giảm 60 lượt so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, Lãnh đạo Bộ tiếp công dân 12 lượt, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp 21 lượt công dân, Lãnh đạo Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được ủy quyền trực tiếp tiếp 56 lượt công dân. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục là 67 việc (04 việc tố cáo, 63 việc khiếu nại), tăng 15 vụ, tương ứng với 28,84% so với cùng kỳ năm ngoái, đã giải quyết được 50 vụ việc đạt tỷ lệ 76,12%. Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp làm việc với Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố để thống nhất chỉ đạo, giải quyết một số vụ việc phức tạp, kéo dài như vụ bà Bầu, Bắc Giang; vụ bà Tý - Tự, Hải Phòng; vụ Hồng Phát, Long An. Tổng cục đã tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tham mưu, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài (Tổ 112), ngày 09/4/2018, đã ban hành Quyết định số 482/QĐ-TCTHADS thành lập Tổ rà soát, tham mưu chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài về thi hành án dân sự. Đến nay, Tổ đã tập trung chỉ đạo giải quyết và đưa ra ngoài danh sách 17 vụ việc, phát sinh mới 05 vụ việc, hiện toàn Hệ thống còn 60 vụ việc loại này, trong đó có 29 vụ việc Lãnh đạo Bộ tiếp công dân.
Tổng cục tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ nộp đơn trực tuyến thi hành án, rà soát, công bố thủ tục hành chính, tăng cường sử dụng văn bản điện tử. Thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thi hành án dân sự đang phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian tới. Tổng cục đã triển khai tập huấn phần mềm quản lý thi hành án dân sự và triển khai thực hiện phần mềm tại 15 địa phương từ ngày 01/4/2018; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng chuyên mục Báo cáo trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử và Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự.
Công tác tổ chức cán bộ; công tác tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; công tác Đảng - Đoàn thể và một số công tác khác cũng được chú trọng.
Đánh giá chung, Quý I/2018, kết quả công tác của Tổng cục tiếp tục được triển khai cơ bản kịp thời, toàn diện theo Chương trình trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự năm 2018 và Kế hoạch công tác năm 2018 của Tổng cục. Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục bám sát phương châm “hướng về cơ sở”, sâu sát, quyết liệt. Kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được tăng cường. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành được chú trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số công việc của Tổng cục hiệu quả chưa cao như kết quả THADS về tiền đạt thấp và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2017, giảm gần 5.000 tỷ đồng tương ứng với 28,60%. Số việc và tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn lớn (217.741 việc tương ứng với số tiền là 80.304 tỷ 559 triệu 492 nghìn đồng) và tăng so với cùng kỳ năm 2017 (tăng 3,37% về việc và 6,17% về tiền). Còn tình trạng vi phạm, sai sót của Chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số đơn, thư khiếu nại, tố cáo tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2017. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một số nhiệm vụ đã được triển khai nhưng chưa có kết quả cuối cùng như kiểm tra việc bán đấu giá nhiều lần không thành; xử lý tiền tồn trên tài khoản tạm gửi.
Kết luận, chỉ đạo buổi giao ban, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của công tác thi hành án dân sự, cảnh báo về kết quả năm nay thực hiện hai chỉ tiêu thi hành xong về việc và về tiền. Vì vậy, cần chú trọng hơn sát việc hơn. Chọn những địa bàn lưu ý, điều phối kỹ, hàng tháng rà soát lại để có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo. Những vấn đề thuộc về chủ quan, cần rà lại để giải quyết. Việc theo dõi, đôn đốc địa phương rà soát lại quy trình của Tổng cục, có cơ chế theo dõi, một đầu mối nhắc việc. Trong chỉ đạo, điều hành phải xác định rõ trách nhiệm của Phó Tổng cục trưởng, đơn vị chuyên môn; có cơ chế theo dõi về bồi thường thiệt hại, chỉ đạo chọn người tham gia tranh tụng tại Tòa. Vấn đề hoàn thiện thể chế phải tập trung, phối hợp với ngân hàng tháo gỡ khó khăn theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Vấn đề tài chính, kế toán phải quan tâm hơn, kiểm tra, chuyển đổi vị trí kế toán làm theo đúng pháp luật. Công tác tổ chức cán bộ kiện toàn, thực hiện sớm việc bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo Cục, Chi cục Thi hành án dân sự và những vấn đề khác cần tập trung giải quyết để đạt kết quả cao nhất.
Trung Tâm