Hội thảo “Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Những vướng mắc từ thực tiễn”

22/07/2019
Ngày 17/7/2019 tại Gia Lai, Tổng cục THADS tổ chức Hội thảo: “Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Những vướng mắc từ thực tiễn” trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hợp tác năm 2019 giữa Bộ Tư pháp và Dự án hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020 (Dự án JICA).

Hội thảo do ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng, bà Lê Thị Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Tổng cục THADS và  Ông Nagahashi Masanori, Thẩm phán, Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA đồng chủ trì.
Thành phần tham gia Hội thảo gồm: Về phía Tổng cục THADS, còn có ông Phan Huy Hiếu – Chánh văn phòng và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Đại diện Lãnh đạo, Phòng nghiệp vụ của 12 Cục THADS các tỉnh: Gia Lai, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Kon Tum, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận. Ngoài ra, còn có sự tham dự của đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, ông Giáp Bá Dự - Phó chánh án và đại diện Viện kiểm sát nhân tỉnh Gia Lai, bà Lê Thị Thu Hà – Phó Viện trưởng.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn thay mặt Tổng cục THADS, nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã đến tham dự Hội thảo. Đây là Hội thảo thứ 2 sau Tọa đàm “Lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP” tại thành phố Cần Thơ ngày 21/6/2019.
Sau 03 năm thực hiện, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước nói chung và công tác THADS nói riêng, thể hiện ở những điểm cơ bản như: Đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác THADS hiệu quả hơn; cán bộ, công chức trong hệ thống THADS ngày càng được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động này; trình tự, thủ tục thi hành án được quy định đầy đủ, cụ thể, dễ thực hiện hơn; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập tại các điều luật hướng dẫn thi hành cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Do đó, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/NĐ-CP. Bộ Tư pháp giao Tổng cục THADS tổ chức thực hiện.
Hội thảo lần này được tổ chức với mục đích thảo luận, trao đổi ý kiến của các cơ quan THADS địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên; đồng thời, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của đại diện Chuyên gia Dự án đối với dự thảo Nghị định để kịp thời tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, thực hiện các bước tiếp theo để trình Chính phủ đúng thời hạn đã đề ra.
Hội thảo đã nghe báo cáo viên trình bày 06 chuyên đề tham luận cụ thể rõ ràng về các đề xuất, giải pháp, kiến nghị nhằm giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cũng như kịp thời khắc phục, chỉnh lý hoàn thiện các quy định sửa đổi, bổ sung đề xuất phương án sửa đổi để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để các đại biểu cho ý kiến góp ý.
Tại Hội thảo, sau khi nghe các báo cáo tham luận, các đại biểu đã có phần trao đổi, thảo luận tích cực, sôi nổi. Đặc biệt, một số đại biểu đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy định pháp luật về THADS và có những đề xuất, góp ý tâm huyết với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về một số vấn đề như: xác minh điều kiện thi hành án, tương trợ tư pháp trong THADS, liên quan đến cấm xuất nhập cảnh của người phải thi hành án; giao bảo quản tài sản kê biên; về xét miễn giảm thi hành án; về việc đương sự thỏa thuận rút đơn thi hành án; xác định phân chia tài sản thi hành án trong trường hợp nhiều người được thi hành án; thứ tự ưu tiên thanh toán; ủy thác thi hành án; liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đối với việc áp dụng biện pháp bảo đảm và thời hạn giải quyết khiếu nại;…
Ngoài ra, Hội thảo cũng được nghe trao đổi của đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Gia Lai về khó khăn trong thực tiễn tổ chức thi hành án và chuyên gia Dự án JICA chia sẻ về mô hình tổ chức thi hành án tại Nhật Bản, theo đó, tại Nhật Bản, cơ quan THADS thuộc Tòa án, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong tổ chức THADS tại Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến trao đổi tại buổi Hội thảo, đồng thời khẳng định, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan THADS để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Ngoài ra, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục, Phó Tổng cục trưởng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản, Dự án JICA đã đồng hành và hỗ trợ Bộ Tư pháp nói chung, Tổng cục THADS nói riêng trong các hoạt động liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật về THADS.
Văn phòng Tổng cục