Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự

11/09/2019
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.


Căn cứ Điều 92 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày3/9/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2324/QĐ-BTP về việc thành lập Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định. Ngày 06/9/2019, Hội đồng thẩm định đã tổ chức họp để thẩm định đối với Dự thảo Nghị định.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo (Tổng cục Thi hành án dân sự): Hồ sơ đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngoài ra còn có thêm Bản thuyết minh và các tài liệu khác, phục vụ việc nghiên cứu, thẩm định của Hội đồng.
Đánh giá về Dự thảo, Hội đồng thẩm định nhận xét các quy định của dự thảo Nghị định phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; phù hợp với các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về chủ trương, đường lối của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 “xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành”.
Về cơ bản, các quy định của dự thảo Nghị định bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất với các quy định của Luật Thi hành án dân sự và quy định của một số Luật có liên quan như Bộ Luật luật dân Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,Luật Đấu giá tài sản… Và nội dung chính sách trong Dự thảo Nghị định bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về nội dung Dự thảo, có 02 vấn đề Hội đồng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc, cần thiết thì đưa vào vấn đề xin ý kiến Chính phủ, cụ thể:
Thứ nhất, đối với việc ra quyết định thi hành án chủ động, nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tiền tài sản thất thoát do tham nhũng, dự thảo Nghị định bổ sung trường hợp cơ quan Thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án đối với khoản bồi thường cho “doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 cũng là một hình thức doanh nghiệp giống như các loại hình doanh nghiệp khác, cần phân biệt doanh nghiệp nhà nước với cơ quan nhà nước để đảm bảo tính công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc đối với việc quy định bổ sung đối với “doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”
Thứ hai, nhằm giảm thiểu khiếu nại tố cáo kéo dài, đảm bảo ổn định kết quả thi hành án, tại khoản 4 Điều 38, dự thảo Nghị định quy định thời hiệu xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật là 03 năm. Tuy nhiên, trong Luật THADS không quy định về thời hiệu này và cũng không giao quy định đối với thời hiệu này. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc đối với việc bổ sung thời hiệu giải quyết khiếu nại.

Vụ Nghiệp vụ 1 - Tổng cục thi hành án dân sự


Các tin khác