Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bồi thường nhà nước, thi hành án hành chính năm 2019

12/12/2019
Thực hiện Quyết định số 1106/QĐ-BTP ngày 14/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bồi thường nhà nước, thi hành án hành chính năm 2019; Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tổ chức 03 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bồi thường nhà nước, thi hành án hành chính cho 900 đại biểu tại các cơ quan Thi hành án dân sự trên toàn quốc tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Lớp thứ nhất được tổ chức trong hai ngày 11 và 12/12/2019, về phía Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan chủ trì lớp bồi dưỡng có đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3, đồng chí Lê Thị Hồng, đồng chí Võ Thu Ba, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3. Về phía cơ quan thi hành án dân sự địa phương tham gia lớp bồi dưỡng có đại diện Lãnh đạo Cục, Chi cục, đại diện Lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ, Phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắc Nông, Đồng Tháp, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và Tiền Giang.
Tại Hội nghị các đại biểu sẽ được nghe báo cáo viên truyền đạt các kỹ năng chuyên sâu về việc triển khai thực hiện và phối hợp trong công tác theo dõi thi hành án hành chính, kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự. Trong thời gian vừa qua, công tác thi hành án dân sự và  bồi thường nhà nước, đảm bảo tài chính ngày càng được quan tâm, chú trọng, từ thực tiễn cũng cho thấy, việc theo dõi thi hành án hành chính và giải quyết bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính dần đi vào nền nếp, bài bản, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể:
- Đối với công tác thi hành án hành chính: Sau gần 03 năm triển khai Luật tố tụng hành chính năm 2015, công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hành chính và theo dõi thi hành án hành chính. Qua công tác theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan thi hành án dân sự cho thấy kết quả thi hành án hành chính của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân còn hạn chế. Một số bản án đã kéo dài nhiều năm đến nay vẫn chưa được tổ chức thi hành dứt điểm, trong đó có nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có liên quan đến lĩnh vực pháp luật về đất đai, quá trình giải quyết gặp nhiều khó khăn, vướng mắc hiện chưa được tháo gỡ dẫn đến đơn thư, khiếu nại kéo dài của người dân. Một số cơ quan, ban ngành địa phương chưa thật sự quan tâm, phối hợp tích cực trong công tác thi hành án hành chính, chấp hành chưa nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về công tác thi hành án hành chính nên hiệu quả quản lý nhà nước, theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan thi hành án dân sự chưa cao.
- Đối với công tác bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính: Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực thay thế Luật trách nhiệm bồi thường năm 2009 đã hoàn thiện các khung pháp lý cơ bản để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Thi hành án dân sự là công việc khó khăn, phức tạp, do đó trong thời gian vừa qua, số lượng yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự ngày càng nhiều, trong số đó có những vụ việc phải thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước với số tiền lớn. Các sai phạm chủ yếu dẫn đến bồi thường nhà nước phát sinh trong toàn bộ quá trình thi hành án, tập trung vào một số sai phạm như: Sai phạm trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án, sai phạm trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, sai phạm trong việc thanh toán tiền thi hành án,…
Từ thực trạng phát sinh trong công tác theo dõi thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước và bản đảm tài chính nêu trên, thông qua lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên sâu với 10 chuyên đề bám sát các tình huống thực tiễn của địa phương, Tổng cục Thi hành án dân sự mong  muốn  nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn về kỹ năng theo dõi thi hành án hành chính và giải quyết bồi thường nhà nước. Việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính, hạn chế phát sinh nguy cơ bồi thường nhà nước sẽ góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong toàn Hệ thống trong thời gian sắp tới.
Vụ Nghiệp vụ 3