Khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án từ quy định đến thực tiễn

26/03/2018
Luật Thi hành án dân sự quy định trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.


Trước đây tại Điều 2 Nghị định 58/NĐ-CP ngày 13/07/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự quy định trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn theo quy định tại khoản 1 Điều này thì đương sự có quyền gửi đơn đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án xem xét. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc xảy ra trở ngại khách quan nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
- Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.
Để được cơ quan có thẩm quyền thi hành án, người được thi hành án cần làm đơn đề nghị thi hành án. Đơn đề nghị phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; họ, tên địa chỉ của người được thi hành án, người phải thi hành án, nội dung của việc thi hành án, lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Kèm theo đơn phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Đối với trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hay do trở ngại khách quan khác xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Đối với trường hợp do phải chữa bệnh nội trú nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận hoặc giấy nhập viện, xuất viện của tổ chức y tế cấp huyện trở lên. Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó. Đối với những trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.
Xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Hiện nay, việc khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định chi tiết hơn về trình tự thủ tục yêu cầu thi hành án quá hạn tại Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, cụ thể:
Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
- Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Việc yêu cầu thi hành án quá hạn được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Tài liệu chứng minh gồm:
a) Đối với trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hoặc do trở ngại khách quan xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp quy định tại các Điểm b, c, d, đ và e;
b) Đối với trường hợp tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận và tài liệu kèm theo, nếu có;
c) Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó;
d) Đối với trường hợp do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan đã ra bản án, quyết định, cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
đ) Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa đối với tổ chức phải thi hành án thì phải có xác nhận của cơ quan ra quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa.
e) Đối với các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.
Xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Mặc dù Luật Thi hành án dân sự quy định thời hiệu thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án trừ trường hợp bất khả kháng, có trở ngại khách quan. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết đến quy định này dẫn đến việc quá thời hiệu, một số khác lại không thể chứng minh “có trở ngại khách quan”. Trên thực tế nguy cơ mất quyền yêu cầu thi hành án đã xảy ra, có trường hợp vụ việc đã kéo dài 20 năm chưa có hồi kết. Dưới đây là một ví dụ cụ thể về việc khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án tại địa bàn tỉnh K.
1. Nội dung vụ việc
Vụ việc liên quan đến việc mua bán căn nhà số 298, tổ 8, khu phố 1, phường R, thành phố G, tỉnh K.
 Nguồn gốc căn nhà trên là của ông Bùi Văn Q và bà Nguyễn Thị T. Ông Q bán cho 02 người là ông L, đã nhận tiền đặt cọc nhưng sau đó lại bán cho bà N, cụ thể:
- Ông Q thỏa thuận bán cho ông L 02 lần:
Lần thứ nhất: Ngày 17/8/1988, vợ chồng ông Q thỏa thuận bán cho ông L với giá 45 chỉ vàng: Ông L đặt cọc trước 02 chỉ, ngày 22/8/1988 đặt cọc thêm 13 chỉ. Số còn lại 30 chỉ hai bên giao kết đến ngày 10/10/1988 giao vàng và nhận nhà. Tuy nhiên, đến hẹn ông Q không bán nhà, ông L kiện ông Q ra Tòa án. Bản án số 17 ngày 09/6/1989 của TAND thị xã G hủy thỏa thuận mua bán nhà. Ông L kháng cáo. Ngày 20/10/1989, Tòa án nhân dân tỉnh K ra quyết định hòa giải thành số 47 với nội dung: Ông Q bán căn nhà trên cho ông L với giá 125 chỉ vàng 24k, đã giao 15 chỉ, còn 110 chỉ, giao hẹn ngày 24/10/1989 giao 90 chỉ, số còn lại 20 chỉ hai bên thỏa thuận giao nhận nhà trả đủ;
Lần thứ hai: Ngày 24/10/1989, ông Q nhận của ông L 50 chỉ vàng.
Như vậy, ông L đã giao cho ông Q tổng số 75 chỉ vàng.
- Ông Q thỏa thuận bán cho bà N:
Trong lúc Bản án số 17 ngày 09/6/1989 của TAND thị xã G đang được xem xét theo trình tự phúc thẩm thì ngày 15/8/1989 ông Q lại bán nhà cho bà N và được UBND thị xã G quyết định cho phép và sang tên tên trước bạ xong Giấy phép bán nhà số 238/UB-GP ngày 11/9/1989, gia đình bà N nhận nhà vào vào ở từ đó đến nay.
2. Về việc xét xử của Tòa án  
Vụ việc được tòa án xét xử 5 lần; 01 lần hòa giải thành và 03 lần bị người có thẩm quyền ra quyết định kháng nghị, cụ thể:
- Bản án số 17 ngày 09/6/1989 của TAND thị xã G hủy thỏa thuận mua bán nhà. Ông L kháng cáo.
- Quyết định hòa giải thành số 47 ngày 20/10/1989 Tòa án nhân dân tỉnh K;
- Ngày 27/02/1991, Tòa án nhân dân tối cao ra Quyết định kháng nghị số 10/KN để kháng nghị bản án sơ thẩm và Quyết định hòa giải thành.
- Ngày 27/6/1991, Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân tối cao ban hành Bản án số 98/DSPT để hủy bản án dân sự sơ thẩm số 17/DSST ngày 09/6/1989 của Tòa án nhân dân thị xã G và Quyết định hòa giải thành số 47/PT ngày 29/10/1989 của Tòa án nhân dân tỉnh K. Đồng thời, giao Tòa án nhân dân tỉnh K xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm.
- Ngày 21/6/1994, Tòa án nhân dân tỉnh K ban hành Bản án số 09/DSST.
- Ngày 02/4/1994, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K ban hành Quyết định kháng nghị số 03 để kháng nghị bản án sơ thẩm nêu trên.
- Ngày 05/12/1994, Tòa Phúc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành Bản án số 252/QĐ-PT để hủy bản án dân sự sơ thẩm số 09/DSST và giao hồ sơ vụ kiện cho Tòa án nhân dân tỉnh K xét xử sơ thẩm lại từ giai đoạn điều tra.
- Ngày 02/8/1995, Tòa án nhân dân tỉnh K ban hành Bản án số 13/DSST, có nội dung: “chấp nhận yêu cầu của ông L được mua nhà của ông Bùi Văn Q; buộc bà Mã Thị N phải giao lại nhà cho ông L; buộc ông L phải hoàn trả 05 lượng vàng 24k cho ông Q và tiền sửa chữa căn nhà cho bà N số tiền 21.614.392 đồng; buộc ông Q bồi thường cho bà N 183 chỉ vàng 24k”.
- Ngày 15/8/1995, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K ban hành Quyết định kháng nghị số 03/KN để kháng nghị bản án sơ thẩm nêu trên, với nội dung: “đề nghị Tòa phúc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận hợp đồng mua bán nhà giữa ông Bùi Văn Q và bà Mã Thị N”.
- Ngày 01/3/1997, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Bản án số 25/DSPT quyết định giữ nguyên án sơ thẩm.
3. Về việc tổ chức thi hành án
Năm 1989, bộ phận thi hành án thuộc Tòa án nhân dân tỉnh K tổ chức thi hành án cho ông L theo Quyết định hòa giải thành số 47 ngày 20/10/1989 của Tòa án nhân dân tỉnh K. Vụ việc này, từ năm 1989 đến năm 1997, Tòa án nhân dân các cấp xét xử 5 lần và 01 lần hòa giải thành. Qua nhiều cấp xét xử, Quyết định số 47 bị hủy,  đến ngày 01/3/1997, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Bản án dân sự phúc thẩm, đồng thời chung thẩm số 25/DSPT xét xử, quyết định: “...1. Chấp nhận yêu cầu của ông L được mua nhà số 298, tổ 8, khu phố 1, phường S, thành phố G của ông Bùi Văn Q và bà Nguyễn Thị T.
2. Buộc bà Mã Thị N giao lại căn nhà nêu trên với diện tích nhà trước 4,7m x 17m và diện tích nền đất nhà sau 4,4m x 11,2m cho ông L.
Bà N được quyền lưu cư 9 tháng, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
3. Buộc ông L hoàn trả cho ông Q và bà T 5 lượng vàng 24k.
4. Ông L phải trả cho bà Mã Thị N tiền sửa chữa nhà là 21.614.392đ…”.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông L nhận được Công văn số 49/DS ngày 08/02/1999 “V/v yêu cầu hoãn thi hành án dân sự” đối với Bản án dân sự phúc thẩm 25/DSPT ngày 1/3/1997 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xem xét theo trình tự giám đốc thẩm .
Tiếp đó, ông L đã liên tục gửi đơn yêu cầu thi hành án qua đường bưu điện đến cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án, song ông L không nhận được sự hướng dẫn, chỉ dẫn hoặc tiếp nhận đơn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ông L cũng không rõ cơ quan thi hành án dân sự tỉnh K có nhận được đơn yêu cầu thi hành án của Ông hay không.
- Ngày 02/6/2008, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh K có Công văn số 119/CV-THA trả lời ông L, nội dung: cơ quan thi hành án dân sự không tiếp nhận hồ sơ thi hành án vụ việc này từ Tòa án và cũng không nhận được đơn yêu cầu thi hành án của ông L trong khoảng thời gian Bản án số 25/DSPT ngày 01/3/1997 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh còn thời hiệu yêu cầu thi hành án.
- Do ông L tiếp tục khiếu nại nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K có Quyết định kháng nghị số 05/KSTHADS-KN ngày 29/10/2013 yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh K khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án cho ông L do việc để quá thời hiệu yêu cầu thi hành án không phải do lỗi của ông L mà do lỗi của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp chính đáng của đương sự.  
- Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh K tại Biên bản cuộc họp liên ngành ngày 22/7/2014 giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh K, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh K, Tòa án nhân dân tỉnh K và Công an tỉnh K, các ngành chức năng đã xác nhận trở ngại khách quan (xác nhận lỗi của cơ quan nhà nước) dẫn đến việc ông L không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. 
Trên cơ sở Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K, ông H (con của ông L và được ông L ủy quyền yêu cầu thi hành án) có đơn xin khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và yêu cầu thi hành án. Ngày 28/10/2014, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K đã ban hành Quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án số 01/QĐ-CTHA và ban hành Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 52/QĐ-CTHA: Buộc bà Mã Thị N giao lại căn nhà nêu trên với diện tích nhà trước 4,7m x 17m và diện tích nền đất nhà sau 4,4m x 11,2m cho ông Kha Lén tọa lạc tại số 298, tổ 8, khu phố 1, phường Rạch Sỏi, TP. Rạch Giá.    
Tuy nhiên, đến nay vụ việc chưa thi hành án được do phát sinh khiếu nại của bà Mã Thị N (người phải thi hành án). Bà Mã Thị N khiếu nại Quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án số 01/QĐ-CTHA và Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 52/QĐ-CTHA ngày 28/10/2014 của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K.
 Việc khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án cho ông L nêu trên có 02 quan điểm, cụ thể:
*. Quan điểm thứ nhất cho rằng có căn cứ để khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án vì những lý do sau đây:
Quá trình bàn giao công tác thi hành án dân sự năm 1993, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh K (nay là Cục Thi hành án dân sự tỉnh K) không tiếp nhận và lưu giữ hồ sơ thi hành Quyết định số 47 ngày 20/10/1989 Tòa án nhân dân tỉnh K. Bên cạnh đó, từ năm 1997 ông L đã liên tục gửi đơn qua đường bưu điện đến cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án song ông L không nhận được sự hướng dẫn, chỉ dẫn hoặc tiếp nhận đơn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Việc để quá thời hiệu yêu cầu thi hành án không phải do lỗi của ông L mà do lỗi của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp chính đáng của đương sự.   
Do đó, việc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K ban hành Quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án số 01/QĐ-CTHA ngày 28/10/2014 theo quy định tại khoản 1 Điều 23; khoản 3 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định 58/NĐ-CP ngày 13/07/2009 của Chính phủ là hoàn toàn đúng pháp luật. Đồng thời, việc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K căn cứ Bản án số 25/1997/DSPT, căn cứ quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và đơn yêu cầu thi hành án của ông L, ban hành Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 52/QĐ-CTHA ngày 28/10/2014 là phù hợp với quy định tại Điều 23, Điều 35 và Điều 36 Luật Thi hành án dân sự.
*. Quan điểm thứ hai cho rằng không có căn cứ để khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, căn cứ Bản án số 89 ngày 27/6/1991 của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh K đã ban hành Quyết định đình chỉ thi hành án, do đó các thủ tục pháp lý được thực hiện theo Quyết định hòa giải thành số 47 ngày 20/10/1989 của Tòa án nhân dân tỉnh K không còn giá trị pháp lý.
Thứ hai, từ ngày 01/7/1993, cơ quan thi hành án dân sự được chuyển giao từ ngành Tòa án sang ngành Tư pháp, nhưng trong giai đoạn này chưa có bản án nào có hiệu lực pháp luật để giải quyết vụ việc của ông L, do vậy không có cơ sở để Cục Thi hành án dân sự khẳng định một phần là do lỗi của cơ quan nhà nước, dẫn đến việc ông L không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Việc ông L không có đơn kháng cáo và việc xét xử kéo dài qua nhiều cấp không phải là trở ngại khách quan.
Do vậy, sau khi Bản án số 25/DSPT ngày 01/3/1997 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực pháp luật và ông L đã nhận được bản án nêu trên nhưng không có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ là lỗi của ông L.
Thứ ba, Cục Thi hành án dân sự tỉnh K ban hành quyết định khôi phục thời hiệu và quyết định thi hành án là căn cứ vào Quyết định kháng nghị số 05/KSTHADS-KN ngày 29/10/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K và kết quả họp liên ngành ngày 22/7/2014 giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh K, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh K, Tòa án nhân dân tỉnh K và Công an tỉnh K là hoàn toàn không có căn cứ, vì: 
Quá trình thực hiện chức năng kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K chỉ căn cứ vào các đơn yêu cầu thi hành án (bản photocopy) do gia đình ông L cung cấp mà không xác minh làm rõ các căn cứ để xác định cho việc khôi phục thời hiệu là thiếu trách nhiệm.
Giải quyết khiếu nại của bà Mã Thị N, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ chọn phương án nào và diễn biến vụ việc tiếp theo ra sao, trong phần tiếp theo tác giả tiếp tục đề cập đến "Khiếu nại về việc khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền".
4. Khiếu nại về việc khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền
Theo quyết định của Bản án số 25/1997/DSPT ngày 1/03/1997 của Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thì bà Mã Thị N vừa là người được thi hành án, đồng thời cũng là người được thi hành án, cụ thể: Bản án số 25/1997/DSPT xét xử, quyết định:
“...1. Chấp nhận yêu cầu của ông L được mua nhà số 298, tổ 8, khu phố 1, phường S, thành phố G của ông Bùi Văn Q và bà Nguyễn Thị T.
2. Buộc bà Mã Thị N giao lại căn nhà nêu trên với diện tích nhà trước 4,7m x 17m và diện tích nền đất nhà sau 4,4m x 11,2m cho ông L.
Bà N được quyền lưu cư 9 tháng, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
3. Buộc ông L hoàn trả cho ông Q và bà T 5 lượng vàng 24k.
4. Ông L phải trả cho bà Mã Thị N tiền sửa chữa nhà là 21.614.392đ
5. Buộc ông Q phải bồi thường cho bà N 184 chỉ vàng 24k…”.   
Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh K, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, từ năm 1997 đến năm 2007 ông L đã liên tục gửi đơn yêu cầu thi hành án qua đường bưu điện đến cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án song ông L không nhận được sự hướng dẫn, chỉ dẫn hoặc tiếp nhận đơn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến ngày 02/6/2008, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh K có Công văn số 119/CV-THA  trả lời ông L, nội dung: cơ quan thi hành án dân sự không tiếp nhận hồ sơ thi hành án vụ việc này từ Tòa án và cũng chưa thụ lý đơn yêu cầu thi hành án của ông L.
Do ông L liên tục có đơn gửi nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương để khiếu nại việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh K không tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật và có đơn xin khôi phục thời hiệu, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K đã thực hiện việc kiểm sát lĩnh vực giải quyết khiếu nại đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh K. Trên cơ sở kết quả kiểm sát, ngày 29/10/2013 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K đã ban hành Quyết định kháng nghị về việc khôi phục thời hiệu số 05/KSTHADS-KN, có nội dung: “Yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K, căn cứ Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Điều 2 Nghị định số 58/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ tiến hành xem xét, giải quyết và ra Quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với Bản án Dân sự phúc thẩm số 25/DSPT ngày 01/3/1997 của Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh khi ông L có đơn yêu cầu khôi phục thời hiệu”.
Ông H (con của ông L và được ông L ủy quyền yêu cầu thi hành án) có đơn xin khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và yêu cầu thi hành án. Ngày 28/10/2014, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K đã ban hành Quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án số 01/QĐ-CTHA và ban hành Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 52/QĐ-CTHA: Buộc bà Mã Thị Nhỏ giao lại căn nhà nêu trên với diện tích nhà trước 4,7m x 17m và diện tích nền đất nhà sau 4,4m x 11,2m cho ông Kha Lén tọa lạc tại số 298, tổ 8, khu phố 1, phường Rạch Sỏi, TP. Rạch Giá.     
Không nhất trí với Quyết định khôi phục thời hiệu thi hành án và Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu nêu trên của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K, bà Mã Thị N khiếu nại. Giải quyết khiếu nại của bà Mã Thị N, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đã xem xét toàn bộ việc khôi phục thời hiêu yêu cầu thi hành án và việc ra quyết định thi hành án nhận thấy:
Hồ sơ thi hành án thể hiện:
- Về tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu khôi phục thời hiệu yêu cầu của ông H cho thấy: Ngày 08/5/2014, ông L được Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cấp bản sao Bản án số 25/1997/DSPT ngày 1/03/1997. Ngoài ra, ông H cung cấp thêm các tài liệu sau: (01) Giấy báo thi hành án số 224/TA-THA ngày 05/12/1989 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang gửi ông L; (02) Quyết định số 14/TA ngày 18/01/1990 của Tòa án nhân dân tỉnh K tạm hoãn thi hành án đối với Quyết định hòa giải thành số 47 ngày 20/10/1989 Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang. Thời hạn hoãn thi hành án là 03 tháng, từ ngày 18/01/1990 đến ngày 18/4/1990; (03) Công văn số 49/DS ngày 08/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao “V/v yêu cầu hoãn thi hành án dân sự” đối với Bản án dân sự phúc thẩm 25/DSPT ngày 1/3/1997 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Theo Quyết định kháng nghị số 05/KSTHADS-KN ngày 29/10/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh K yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh K khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án nhận định: Quá trình bàn giao công tác thi hành án dân sự năm 1993, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh K (nay là Cục Thi hành án dân sự tỉnh K) không tiếp nhận và lưu giữ hồ sơ thi hành Quyết định số 47 ngày 20/10/1989 Tòa án nhân dân tỉnh K. Bên cạnh đó, từ năm 1997 ông L đã liên tục gửi đơn qua đường bưu điện đến cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án song ông L không nhận được sự hướng dẫn, chỉ dẫn hoặc tiếp nhận đơn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Việc để quá thời hiệu yêu cầu thi hành án không phải do lỗi của ông L mà do lỗi của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp chính đáng của đương sự.   
- Tiếp đó, ngày 22/7/2014 Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh K tại Biên bản cuộc họp liên ngành giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh K, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh K, Tòa án nhân dân tỉnh K và Công an tỉnh K, các ngành chức năng đã xác nhận trở ngại khách quan (xác nhận lỗi của cơ quan nhà nước) dẫn đến việc ông L không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.   
Trên cơ sở hồ sơ thi hành án và các tài liệu nêu trên, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu nhận thấy: Việc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K ban hành Quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án số 01/QĐ-CTHA ngày 28/10/2014 là phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 23; khoản 3 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định 58/NĐ-CP ngày 13/07/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. Đồng thời, việc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K căn cứ Bản án số 25/1997/DSPT, căn cứ quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và đơn yêu cầu thi hành án của ông H, ban hành Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 52/QĐ-CTHA ngày 28/10/2014 là phù hợp với quy định tại Điều 23, Điều 35 và Điều 36 Luật Thi hành án dân sự. Do đó, ngày 09/4/2015, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 292/QĐT-CTHADS, có nội dung: “không chấp nhận nội dung khiếu nại của bà Mã Thị N và giữ nguyên Quyết định thi hành án của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K”.
Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, tác giả nhận thấy trong trường hợp này người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đã xác định căn cứ để khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án là do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Đây là một trong những trở ngại khách quan được xác định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định 58/NĐ-CP ngày 13/07/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.
Lan Anh