Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thi hành án tín dụng, ngân hàng tại Hà Nội cần được giải quyết

08/06/2018
Việc thi hành án dân sự liên quan tổ chức tín dụng, ngân hàng, đặc biệt là liên quan đến thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội tại Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.


Theo Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Trần Quốc Thái, thì kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, thông qua báo cáo của các Chi cục, các tổ chức tín dụng, ngân hàng và công tác phối hợp phát sinh những khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, về nghĩa vụ nộp án phí theo bản án, quyết định của Tòa án. Do Điều 12 của Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định về nội dung khi xử lý tài sản của người phải thi hành án thì số tiền thu được ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng, khoản án phí theo bản án, quyết định của Tòa án cũng không được ưu tiên thanh toán như quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành. Trong khi đó, đối với các vụ việc giải quyết tranh chấp tín dụng ngân hàng có tài sản bảo đảm thường có giá trị lớn nên Toà án sẽ tuyên khoản án phí lớn. Quy định này gây khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự vì hàng năm Quốc hội giao chỉ tiêu cho cơ quan thi hành án dân sự trong đó có chỉ tiêu thu hồi các khoản nộp cho ngân sách nhà nước, do đó, ảnh hưởng đến kết quả thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự, đặc biệt là chỉ tiêu về việc.
Về tiền hỗ trợ thuê nhà trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 thì trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án và sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì Chấp hành viên trích lại tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị Quyết số 42/2017/QH14 thì được hiểu khoản tiền này cũng không được thanh toán trước khi thanh toán cho các tổ chức tín dụng. Do đó, đối với các vụ việc thi hành cho tổ chức tín dụng mà không còn tiền để thanh toán hoặc số tiền không dư để trả lại cho người phải thi hành án (và người thứ ba bảo lãnh bằng tài sản cho người phải thi hành án) để tạo lập chỗ ở thì không nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương; cộng đồng người dân. Đến ngày 30/3/2018, tại Hà Nội có 173 việc thi hành án bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản và 104 việc bán đấu giá không thành, tổ chức tín dụng xin nhận tài sản để khấu trừ khoản nợ nhưng chưa giao được tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do đương sự chống đối quyết liệt, không giao tài sản. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác chưa giao được tài sản là do tổ chức tín dụng không đồng ý thanh toán tiền hỗ trợ thuê nhà cho người phải giao tài sản không còn chỗ ở nào khác nên khi họp bàn phương án cưỡng chế giao tài sản thì không nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội. Mặc dù ở một số địa phương tiền thuê nhà một tháng chỉ từ 3 triệu đến 5 triệu đồng một tháng (khoảng 60 triệu đồng một năm). Mặc dù không nhiều nhưng các tổ chức tín dụng dựa vào quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 không đồng ý hỗ trợ khoản tiền này, nhất là những vụ việc ngân hàng xin nhận tài sản để khấu trừ khoản nợ. Theo báo cáo của các Chi cục thì đến ngày 30/3/2018 tại Hà Nội có khoản 20 hồ sơ gặp khó khăn trong tình huống này chưa giải quyết được, tập trung chủ yếu ở các địa bàn có khối lượng án tín dụng ngân hàng lớn như Hoài Đức, Thạch Thất, Đông Anh, Phúc Thọ, Chương mỹ, Thanh Trì.
Thứ hai, các khó khăn, vướng mắc khác, như khó khăn liên quan đến hợp đồng thế chấp của các tổ chức tín dụng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn là hầu hết đều liên quan đến tài sản thế chấp ví dụ như tài sản trong hợp đồng nhận thế chấp không đúng với thực tế tài sản như: Tại huyện Thạch Thất có đến 17 hộ dân vẫn đang ăn ở sinh hoạt bình thường từ xưa đến nay, nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại đứng tên một doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp này lại mang toàn bộ những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp giờ không trả được nợ. Trong quá trình xét xử Tòa án chỉ căn cứ hợp đồng thế chấp để xét xử mà không xác minh kiểm tra thực tế. Đến giai đoạn thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, 17 hộ dân kêu cứu đến rất nhiều nơi, nhiều cấp. Diện tích đất thực tế trong khuôn viên nhiều hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diện tích không đúng, tài sản không đủ theo hợp đồng, không nhận thế chấp tài sản gắn liền trên đất, trên đất thế chấp có tài sản là nhà ở của người khác. Trường hợp khi thế chấp chỉ có nhà cấp 4 hoặc 01 tầng, 2 tầng nhưng đến thời điểm xử lý đảm bảo thi hành án thì người có tài sản đã xây dựng thêm không còn là nhà cấp 4 hoặc đã xây thêm 4 hoặc 5 tầng. Việc xây dựng thêm được xác định là sau khi thế chấp. Nhà và các công trình xây dựng trên đất thế chấp là của người khác, xây trước khi thế chấp. Khi thế chấp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản trên đất vì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có tài sản trên đất. Giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế của tài sản; theo số liệu thống kê số vụ việc bán đấu giá nhiều lần không thành 06 tháng năm 2018 toàn thành phố Hà Nội, có tới 242 tài sản bán từ 3 lần trở lên không thành và các tài sản này bảo đảm cho khoản phải thi hành tương ứng là 1.959.060.108.000 đồng; tuy nhiên, tổng giá trị theo thẩm định giá gần nhất của các tài sản này là 367.352.863.000 đồng, chỉ bằng 19% giá trị khoản phải thi hành. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn trong việc thi hành dứt điểm vụ việc vì hầu hết các vụ việc thi hành án liên quan đến thế chấp tài sản khi đến giai đoạn thi hành án phải kê biên xử lý và sau khi bán đấu giá thành số tiền thu được không đủ thanh toán cho nghĩa vụ bảo đảm dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự phải xác minh, vận động và đa số là ban hành quyết định chưa có điều kiện đối với khoản còn lại.
Công tác phối hợp của các tổ chức tín dụng, bên cạnh một số tổ chức tín dụng phối hợp tốt với cơ quan thi hành án dân sự trong việc xử lý các vụ việc án tín dụng, ngân hàng điển hình như Vietcombank, Techcombank, Agribank, Đông Á Bank… thì có một số nơi tổ chức tín dụng phối hợp chưa chặt chẽ với các cơ quan thi hành án trong việc tổ chức thi hành án liên quan đến án tín dụng, ngân hàng (chưa thực hiện việc giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện việc kê biên; tự thỏa thuận với đương sự thu tiền và trả lại tài sản bảo đảm khi cơ quan thi hành án dân sự đã, đang thực hiện việc kê biên tài sản bảo đảm; nhận tài sản bán đấu giá không thành để trừ vào khoản được thi hành án nhưng không nộp các chi phí cưỡng chế theo quy định người phải thi hành án phải chịu; thay đổi người đại diện ủy quyền liên tục nhưng không thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết.
Tâm lý của người dân khi tham gia mua tài sản bán đấu giá của cơ quan thi hành án, nhiều vụ việc tài sản bảo đảm tính thanh khoản rất thấp, tài sản thuộc khu vực ít có giao dịch; địa bàn bán sơn địa, không có mốc giới cụ thể như một số tài sản thế chấp ở huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì, Sóc Sơn. Có những địa bàn như Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức gần như các tài sản thế chấp tập trung ở làng nghề truyền thống, người có tài sản bảo lãnh, thế chấp tài sản nay không trả được thì tập hợp chống đối nên khi đưa ra bán đấu giá, hạ giá nhiều lần vẫn không có người mua, thậm chí có vụ việc, tài sản hạ giá đến 17 lần vẫn không có người tham gia đấu giá, trả giá (cụ thể theo thống kê toàn Thành phố 06 tháng đầu năm còn tồn 242 vụ việc bán đấu giá từ 03 lần trở lên nhưng không thành, đặc biệt chiếm tới 204 vụ việc tồn từ năm 2017 chuyển sang). Những vụ việc này, sau hai lần giảm giá, bán đấu giá không có người mua nhưng các ngân hàng, tổ chức tín dụng là người được thi hành án không nhận tài sản bảo đảm để trừ vào số tiến được thi hành án.
Sự phối hợp của các cơ quan khác, một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên liên quan đến án tín dụng, ngân hàng không rõ, khó thi hành. Điển hình nhất là vướng mắc trong các vụ việc có nhiều tài sản thế chấp để đảm bảo chung cho một khoản vay nhưng bản án, quyết định của Tòa tuyên không xác định rõ phạm vì nghĩa vụ bảo đảm của từng tài sản thế chấp dẫn đến vướng mắc khi tổ chức thi hành án và ủy thác thi hành án hoặc nội dung bản án, quyết định của Tòa án tuyên không mô tả, xem xét hiện trạng thực tế tài sản thế chấp nên hiện trạng tài sản trên thực tế không đúng nội dung nêu trong bản án, quyết định của Tòa hoặc Tòa án không đưa người quản lý tài sản tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh mốc giới, diện tích, quyền sở hữu tài sản hoặc bị người quản lý tài sản khiếu nại, tố cáo gây chậm trễ, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án. Việc rà soát, xác định, thống nhất ký danh sách án tuyên không rõ, khó thi hành định kỳ 03 tháng một lần theo Quy chế phối hợp liên ngành của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự có lúc còn chậm dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự chưa kịp thời có hướng giải quyết, chậm báo cáo, để xuất giải quyết; công tác trả lời kiến nghị, giải thích bản án của Tòa án còn chậm, thậm chí có trường hợp văn bản giải thích, trả lời chưa phù hợp, khó thi hành.
Với những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cần xem xét đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc hoàn thiện thể chế, rà soát, xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung những quy pháp luật nhằm khắc phục tình trạng một số quy định còn chưa phù hợp hoặc thiếu hiệu quá, còn chồng chéo; thường xuyên tập huấn chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thi hành án; tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện để phục vụ tốt cho hoạt động thi hành án dân sự. Khuyến nghị Lãnh đạo của các tổ chức tín dụng chỉ đạo các Chi nhánh thực hiện chặt chẽ thủ tục, hồ sơ cho vay đảm bảo tính khả thi trên thực tế (nhất là giai đoạn tổ chức thi hành án); phát huy vai trò đầu mối phối hợp trong công tác tổng hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; việc cử cán bộ cần có chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm tham gia các giai đoạn tố tụng, giai đoạn thi hành án dân sự (trong đó có việc cung cấp thông tin chính xác liên quan hồ sơ thế chấp tài sản hỗ trợ cho quá trình xét xử và thi hành án). Đối với khoản tiền theo tinh thần khoản 5 Điều 115 Luật Thi hanh án dân sự, do khoản hỗ trợ này mang tính nhân đạo của Nhà nước nước, vì thế ngân hàng, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện hỗ trợ khoản tiền thuê nhà ở 01 năm đối với trường hợp người phải thi hành án không còn khả năng tạo lập chỗ ở sau khi giao nhà nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung và thi hành án cho các tổ chức tín dụng nói riêng trong thời gian tới.
Thu Trang