Đôi điều về phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự

15/06/2018
Thi hành án dân sự giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng, bởi lẽ, thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, là hoạt động thực thi phán quyết của Tòa án liên quan đến các vấn đề về tài sản trong các bản án hình sự, dân sự, lao động, hành chính, kinh tế, hôn nhân và gia đình.v.v. bảo đảm cho quyết định có hiệu lực của Tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo Hiến pháp năm 2013.


Công tác thi hành án dân sự là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền về tài sản và nhân thân của các bên đương sự, để giải quyết việc thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành nhiều thủ tục như: Tống đạt, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án v.v. Vì thế, cơ quan thi hành án dân sự không thể “đơn thân độc mã” thực hiện được các công việc thi hành án, mà cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ví dụ: Liên quan đến quyền sử dụng đất cơ quan thi hành án dân sự cần sự phối hợp của cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường; liên quan đến tài khoản cần sự phối hợp của ngân hàng, tổ chức tín dụng v.v. Việc phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, ban, ngành liên quan trong thi hành án dân sự là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Có thể nói, không chỉ riêng cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương nào, mà tất cả các cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước đều ý thức rằng, nếu nhận được sự phối hợp hỗ trợ tốt từ các cơ quan, ban ngành liên quan thì công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao. Ở đâu, nơi nào có sự quan tâm của Cấp uỷ, chính quyền địa phương thì nơi đó công tác thi hành án thuận lợi và đạt được thành tích tốt. Tuy nhiên, để tạo được mối quan hệ tốt với các cơ quan ban ngành, các tổ chức là điều không dễ dàng đối với lãnh đạo cũng như Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự, vì cơ quan thi hành án dân sự được thành lập để thực hiện nhiệm vụ chính là tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án, về phần dân sự mà quyền lợi của các bên đương sự giai đoạn này luôn mâu thuẫn nhau, một bên là được thi hành án còn bên kia là phải thi hành án và đây cũng là giai đoạn mà quyền về tài sản, nhân thân của các bên được thi hành trên thực tế, nên mâu thuẫn càng gay gắt và quyết liệt hơn, khiếu nại, tố cáo cũng vì thế mà diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn. Từ đó, tên gọi và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự phần nào tác động đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa thấy được hết trách nhiệm của mình hoặc có nhận biết trách nhiệm nhưng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời các yêu cầu của Chấp hành viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, dẫn đến một thực tế không thể phủ nhận được là lượng hồ sơ thi hành án dân sự còn tồn đọng nhiều. Hơn thế nữa, cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan được thành lập muộn, tách ra từ Toà án nhân dân năm 1993; cơ sở vật chất còn rất hạn chế, trụ sở nhỏ hẹp, trang thiết bị thiếu thốn không xứng tầm với các cơ quan ban ngành tại địa phương. Một số cán bộ, công chức thi hành án dân sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, có thái độ nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, có văn hóa ứng xử không phù hợp và chưa nắm vững quy định của pháp luật, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, từ đó ảnh hướng đến mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án dân sự. Từ sau khi có Luật Thi hành án dân sự 2008, vị thế cơ quan thi hành án dân sự được nâng lên, các cơ quan thi hành án dân sự đã ý thức và quan tâm xây dựng mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức, ban ngành ở địa phương, nên hiệu quả công tác thi hành án dân sự được nâng lên rõ rệt. Từ những phân tích, có thể thấy công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự là điều không thể thiếu trong hoạt động thi hành án dân sự.
Trong những năm qua, từ thực tiễn cho thấy việc phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, ban ngành có liên quan trong thi hành án dân sự là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần quyết định thành công hay thất bại của công tác thi hành án dân sự. Qua thực tiễn chứng minh rằng tinh thần, ý thức trách nhiệm phối hợp của một số Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự chưa cao hoặc có thái độ còn coi nhẹ, xem thường công tác phối hợp dẫn đến tình trạng không đạt hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự. Công tác phối hợp đã được pháp luật quy định nhưng vẫn chưa được cụ thể và chặt chẽ trong quá trình thực hiện có lúc, có vụ việc vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết việc thi hành án của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự. Khi tổ chức thi hành một bản án, một quyết định của Tòa án là cả một quá trình. Cơ quan thi hành án dân sự không thể tự mình thực hiện tất cả các công việc mà phải cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Liên quan đến quyền sử dụng đất thì cần sự phối hợp với cơ quan quản lý tài nguyên và mối trường, cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm; liên quan đến xét miễn, giảm thi hành án thì cần sự phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát; liên quan đến xử lý tài sản sung công, tiêu hủy vật chứng thì cần sự phối hợp với cơ quan tài chính, công an. Trong trường hợp tiến hành cưỡng chế thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của vụ việc mà có thể cần đến sự phối hợp, hỗ trợ cùng một lúc của nhiều cơ quan, tổ chức như: Viện kiểm sát, công an, UBND cùng cấp, các cơ quan chuyên môn khác. Do vậy việc phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Trong hầu hết các mối quan hệ phối hợp thì cơ quan thi hành án, Chấp hành viên là người phải chủ động, tích cực tạo lập và duy trì các mối quan hệ này, vì được hình thành do nhu cầu của công việc và phục vụ cho công việc. Chấp hành viên là đối tượng đầu tiên phải có kỹ năng phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan. Ngoài việc nắm vững các quy định pháp luật để vận dụng, cần phải có kỹ năng giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ để giải quyết công việc nhanh chóng, đạt hiệu quả. Muốn làm được điều đó, bản thân Chấp hành viên cần phải có được các kỹ năng trong quan hệ phối hợp như:
Thứ nhất, xác định đối tượng cần thiết lập quan hệ: Chấp hành viên cần xác định phải liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cho phù hợp. Hơn nữa hình thức liên hệ như thế nào cũng phải cho phù hợp, không phải lúc nào cũng sử dụng hình thức tình cảm mà giải quyết, như vậy sẽ dễ dàng bỏ qua hình thức pháp luật quy định, dẫn đến vi phạm về mặt thủ tục. Chẳng hạn như theo quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật Thi hành án dân sự quy định trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký. Theo quy định này thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Mặc dù thông tin này có thể cơ quan khác hay cá nhân khác có thể biết và cung cấp cho Chấp hành viên, tuy nhiên chỉ có kết quả do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp mới là cơ sở chắc chắn cho việc tiến hành kê biên tài sản và kết quả này phải được thể hiện bằng văn bản do người có thẩm quyền ban hành.
Thứ hai, tiến hành thiết lập quan hệ: Quan hệ trong công tác giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan hữu quan mặc dù đã được pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, tuy nhiên mối quan hệ đó có tốt đẹp hay không, có giúp ích nhiều cho công tác thi hành án dân sự hay không lại phụ thuộc rất nhiều đến vai trò của từng cá nhân tham gia vào mối quan hệ đó. Trong thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp cũng là mối quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan nhưng các cá nhân khác nhau trong mỗi cơ quan khi liên hệ công tác lại cho kết quả khác nhau. Chẳng hạn như cũng là quan hệ giữa cơ quan thi hành án với cơ quan công an trong việc huy động lực lượng cưỡng chế nhưng khi Chấp hành viên Nguyễn Văn A liên hệ công tác thì nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, còn khi Chấp hành viên Trần Văn B liên hệ công tác thì gặp khó khăn. Điều này cho thấy, trong quá trình công tác, thiết lập được mối quan hệ mang tính thân thiện sẽ là cơ sở nền tảng rất thuận lợi. Người đầu tiên thiết lập mối quan hệ là Thủ trưởng cơ quan, nếu Thủ trưởng cơ quan thi hành án có quan hệ tốt với thủ trưởng của các cơ quan khác thì sẽ tạo điều kiện tốt cho cấp dưới khi liên hệ công tác và ngược lại. Trong mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan hữu quan thì Thủ trưởng đơn vị và Chấp hành viên phải biết sử dụng nghệ thuật giao tiếp để thiết lập và duy trì các mối quan hệ đi đúng hướng nhằm đạt kết quả cao nhất. Vậy làm sao để nâng cao kỹ năng giao tiếp. Có thể nêu một vài nội dung cụ thể như sau: Thái độ giao tiếp hòa nhã, vui vẻ, cởi mở và sẵn sàng hợp tác. Ngoài ra còn phải chân thành và tự tin. Mỗi cá nhân phải xây dụng cho mình đức tính tự tin. Chỉ có tự tin thì mới chủ động và mạnh dạn để thiết lập các mối quan hệ tốt với các cá nhân, cơ quan và tổ chức khác.
 
Biết cách lắng nghe là rất cần thiết. Có người thường có thói quen nói về mình nhiều hơn lắng nghe người khác nói, thường nói về khó khăn vướng mắc trong công việc của mình, của cơ quan mình và muốn người khác giúp đỡ nhưng lại không muốn nghe những khó khăn mà người khác nói. Thói quen gây phản cảm cần phải bỏ bởi vì chỉ có thể nhận được sự thông cảm và giúp đỡ của người khác khi biết lắng nghe và biết thông cảm với họ. Đây là một quy luật tâm lý đúng cho cả các mối quan hệ cá nhân cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức tránh xung đột, tranh cãi. Điều tối kỵ trong việc xây dụng các mối quan hệ là tranh cãi và xung đột về lợi ích, vì điều đó chỉ làm cho các mối quan hệ nhanh chóng tan vỡ. Xét ở góc độ quan hệ cá nhân thì trong các cuộc tranh cãi không có ai là người thắng cuộc cả, vì nếu mình thua thì rõ ràng mình đã thua, còn nếu mình thắng tức là mình đã làm tổn hại đến lòng tự trọng của người khác và như vậy mình cũng đã thất bại vì đã tự tạo nên vết nứt trong mối quan hệ với họ. Cần có tinh thần cầu thị và khiêm tốn học hỏi trong quá trình giao tiếp và cả trong công tác chuyên môn về thi hành án dân sự.
Thứ ba, duy trì và phát triển các mối quan hệ: Công tác thi hành án dân sự rất cần có sự chung tay phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Do đó, để xây dựng mối quan hệ phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan là rất cần thiết và quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án nói chung và mỗi Chấp hành viên nói riêng. Mối quan hệ phối hợp này cần phải được duy trì và phát triển vì sẽ tồn tại song song với sự tồn tại và phát triển của cơ quan thi hành án dân sự. Vai trò chủ yếu của mối quan hệ này chính là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, vì đây mới là người có thể điều phối, dung hòa và giải quyết các mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra giữa các cá nhân, cơ quan với nhau trong quá trình công tác. Vì thế Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ngoài việc phải có kỹ năng lãnh đạo, điều hành còn phải là người có kỹ năng giao tiếp tốt để xây dựng và duy trì các mối quan hệ trong nội bộ cơ quan mình cũng như xây dựng, duy trì mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan khác.
Thứ tư, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự: Quan hệ công tác giữa Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT/BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/5/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự kịp thời tổ chức cuộc họp để bàn biện pháp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp theo quy định của pháp luật. Cơ quan thi hành án dân sự chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hướng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo quy định tại khoản 1, khoản 2  Điều 173 và khoản 1, khoản 2 Điều 174 Luật Thi hành án dân sự; trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thì kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp để tham mưu giúp Ủy ban nhân dân chỉ đạo giải quyết. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp theo từng vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có một vai trò, vị trí rất quan trọng trong công tác thi hành án ở mỗi địa phương, đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết những vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự. Có những địa phương Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự đã đưa ra những ý kiến chỉ đạo sâu sát, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để giải quyết những vụ việc phức tạp mà chưa được pháp luật điều chỉnh. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự còn đóng vai trò là cầu nối để khơi thông và điều phối mối quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan khác trong địa giới hành chính của mình.
Thứ năm, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng trong chỉ đạo phối hợp thi hành án dân sự: Đối với hệ thống chính quyền ở địa phương thì sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đóng vai trò hết sức quan trọng, do đó trong công tác thi hành án dân sự cũng cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng tại địa phương trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức. Một thực tế không thể phủ nhận đó là ở đâu, bất cứ lĩnh vực nào có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thì ở đó, lĩnh vực đó sẽ có được tiền đề vững chắc cho sự phát triển. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự cũng cần có sự quan tâm, phối hợp và chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng, đặc biệt là đối với những vụ việc phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị của địa phương. Do vậy, trong hoạt động của mình, cơ quan thi hành án dân sự cần phải có mối quan hệ tốt với cấp ủy Đảng để có thể nhận được sự hỗ trợ, lãnh đạo kịp thời khi cần thiết.
Nhận thức và thực hiện tốt mối quan hệ giữa các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự là rất cần thiết, góp phần thực hiện hiệu quả thi hành án dân sự, bảo đảm cho bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự trên thực tế.
Hà Trang