Một số nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự

17/08/2018
Thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Trong 10 tháng năm 2018, cùng với việc tăng cường vận động, thuyết phục đương sự, các cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 7.712 trường hợp, giảm 1.327 trường hợp (14,68%) so với cùng kỳ năm 2017. Trong số các trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án, có 4.119 trường hợp cưỡng chế không huy động lực lượng (giảm 625 trường hợp so với cùng kỳ) và 3.506 trường hợp cưỡng chế có huy động lực lượng (giảm 724 trường hợp so với cùng kỳ), trong đó có 687 trường hợp đương sự đã tự nguyện thi hành án (giảm 352 trường hợp so với cùng kỳ, giảm 33,88%)[1]. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế trong cưỡng chế thi hành án dân sự bởi nhiều nguyên nhân.
 
[1] Báo cáo số 137/BC-TKDLCT ngày 09/8/2018 của Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Thi hành án dân sự


Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự có nguyên nhân khách quan và chủ quan chủ yếu là:
1. Nguyên nhân khách quan
- Nguyên nhân trước tiên dẫn tới những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự là nguyên nhân về hạn chế của pháp luật - công cụ điều chỉnh quan hệ pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự. Đây chính là những hạn chế, bất cập, sự thiếu rõ ràng cụ thể của các quy định, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cưỡng chế đặt ra đã được phân tích, luận giải ở trên. Ngoài ra, việc nghiên cứu cũng cho thấy pháp luật thi hành án dân sự chưa quy định theo hướng xác định thi hành án dân sự là thủ tục tố tụng, là khâu thực hiện kết quả hoạt động của quyền tư pháp, do đó có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án dân sự. Trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án, Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đối với việc thi hành các bản án, quyết định của mình, trong đó có trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong cưỡng chế thi hành án dân sự còn hạn chế. Tòa án mới chỉ tham gia phối hợp mà chưa có vai trò cụ thể và quan trọng trong cưỡng chế thi hành án dân sự, bởi thế việc xử lý tài sản cưỡng chế thi hành án dân sự là tài sản chung hoặc tài sản có tranh chấp khó thực hiện vì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản đã kê biên, phân chia tài sản nếu các đương sự không thỏa thuận được và khởi kiện ra Tòa án. Bộ luật Tố tụng dân sự tại các điều từ Điều 309 đến Điều 311 không quy định về quyền của Tòa án cấp phúc thẩm trong giải quyết hậu quả của việc thi hành án dân sự đã thi hành dẫn tới khó xử lý trong trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực được thi hành ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 482 Bộ luật này. Bộ luật Tố tụng dân sự đã có quy định về việc giải quyết hậu quả của việc thi hành án khi Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm hủy án hoặc sửa án tại các điều từ Điều 344 đến Điều 357. Tuy nhiên, việc giải quyết những hệ quả, vướng mắc trong trường hợp kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án hoặc của Viện kiểm sát dẫn đến thay đổi nội dung các bản án đã có hiệu lực đang được cưỡng chế thi hành hoặc đã cưỡng chế thi hành xong là rất khó khăn, phức tạp.
- Số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao so với năm trước (năm 2017 tăng 46.576 việc (5,57%) tương ứng với 28.434 tỷ 887 triệu 444 nghìn đồng (19,67%) so với năm 2016. Bên cạnh đó, năm 2017 còn hơn 176 nghìn việc với hơn 71 nghìn tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau nhưng phải đôn đốc, xác minh theo định kỳ. 10 tháng đầu năm 2018, tổng số việc thụ lý là 839.796 việc, tăng 47.834 việc (tăng 6,04% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó số cũ chuyển sang là 320.015 việc; số thụ lý mới là 519.781 việc, tăng 18.607 việc (tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2017); tổng số thụ lý tiền là 190.265 tỷ 342 triệu 206 nghìn đồng, tăng 18.862 tỷ 445 triệu 942 nghìn đồng (tăng 11,00% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó số cũ chuyển sang là 128.415 tỷ 619 triệu 588 nghìn đồng; Số thụ lý mới là 61.849 tỷ 722 triệu 618 nghìn đồng, giảm 5.032 tỷ 309 triệu 566 nghìn đồng (giảm 7,52% so với cùng kỳ năm 2017)[1].
- Các vụ án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng tiếp tục tăng và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số tiền phải thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự, chiếm tới 60,74%, trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm mà chủ yếu là bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bất động sản chưa có chuyển biến rõ rệt, người dân có tâm lý “e ngại” khi mua tài sản liên quan đến thi hành án.
- Thị trường bất động sản tuy có khởi sắc nhưng chưa rõ rệt, nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được, năm 2017, toàn quốc có 7.535 việc đã kê biên, định giá lại, bán đấu giá nhưng chưa xử lý được với số tiền trên 10.898 tỷ đồng, chiếm 11,8% số tiền có điều kiện đang thi hành của toàn quốc.
- Tổ chức bộ máy thi hành án dân sự chưa thực sự được kiện toàn. Biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự tính đến hết ngày 30/9/2017 mới thực hiện được 9.347/9.657 biên chế; toàn quốc có 3.867 Chấp hành viên (19 Chấp hành viên cao cấp, 833 Chấp hành viên trung cấp và 3.015 Chấp hành viên sơ cấp); 736 Thẩm tra viên (04 Thẩm tra viên cao cấp, 63 Thẩm tra viên chính, 669 Thẩm tra viên) và 1.929 Thư ký thi hành án (1.619 Thư ký thi hành án, 310 Thư ký trung cấp thi hành án); đội ngũ lãnh đạo quản lý tại các cơ quan thi hành án dân sự chưa đầy đủ, ở cấp tỉnh mới có 62/63 Cục trưởng, 01 Quyền Cục trưởng và 136 Phó Cục trưởng. Tại cấp huyện có 641/710 Chi cục trưởng, 25 Quyền Chi cục trưởng, 44 Phó Chi cục trưởng phụ trách và 1.021 Phó Chi cục trưởng. Các cơ quan thi hành án trong Quân đội đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án đối với 04 trường hợp. Hiện nay, các cơ quan thi hành án trong Quân đội có 18 Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu; 31 Chấp hành viên, 25 Thẩm tra viên[2].Số lượng Thừa phát lại chưa nhiều, tổng số nhân lực đang làm việc tại 53 Văn phòng Thừa phát lại tính đến ngày 30/9/2015 là 643 người, trong đó có 134 Thừa phát lại, 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên khác[3]. Tiếp đó, Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại của các địa phương với 35 Văn phòng được phê duyệt mới. Hiện các địa phương đang triển khai cấp phép thành lập cho các Văn phòng này; tổ chức 02 khóa đào tạo nghề Thừa phát lại tại khu vực phía Bắc và phía Nam cho hơn 100 học viên theo Chương trình mới nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển nghề Thừa phát lại. Đến 30/9/2017 cả nước có 465 Thừa phát lại hành nghề tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Như vậy, tổng số chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam tính đến ngày 30/9/2017 chỉ có 4.363 người (gồm 3.898 Chấp hành viên và 465 Thừa phát lại).
- Cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự còn rất khó khăn, nhất là tình trạng thiếu kho vật chứng, trụ sở làm việc, một số cơ quan thi hành án dân sự vẫn phải đi thuê trụ sở, kho vật chứng, đã phần nào hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong đó có cưỡng chế thi hành án dân sự của các cơ quan thi hành án dân sự. Công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật thì có nhiều loại nhưng Bộ Tư pháp trang bị gậy điện cho cơ quan thi hành án dân sự. Kinh phí tạm ứng cưỡng chế thi hành án dân sự còn hạn chế.
- Nhiều trường hợp đương sự phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự nhưng không có khả năng thu hồi, như: Tài sản phải cưỡng chế thi hành án dân sự giao cho người khác là tài sản duy nhất sau khi thực hiện cưỡng chế thì người bị cưỡng chế không còn tiền, tài sản để thanh toán chi phí cưỡng chế; tài sản đã kê biên theo quy định của pháp luật nhưng khi thực hiện giao tài sản thì phát sinh tranh chấp và Tòa án tuyên tài sản đó không còn là của người phải thi hành án nữa; tài sản không bán được và đối tượng bị cưỡng chế bỏ đi khỏi địa phương không xác định được nơi cư trú.v.v vì thế Ngân sách Nhà nước phải chịu chi phí này nhưng lại chưa được dự toán đầy đủ hàng năm nên phải quyết toán trong khoản tạm ứng chi phí cưỡng chế dẫn đến không có khoản tiền tạm ứng để chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự trong nhiều trường hợp.
- Vẫn còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành, có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao thực hiện rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành hoặc có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nên không thể triệt để cưỡng chế thi hành án dân sự. Tính đến hết ngày 30/9/2015, toàn quốc còn 737 bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, có sai sót đã ra 775 quyết định thi hành án với số tiền phải thi hành là 479.159.837.000 đồng và có 216 trường hợp thực hiện nghĩa vụ liên quan đến tài sản là hiện vật, hành vi thì đến 30/9/2017 còn 525 bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành tương ứng với 564 quyết định thi hành án với số tiền phải thi hành là 690 tỷ 588 triệu 296 nghìn  đồng và có 172 trường hợp thực hiện nghĩa vụ liên quan đến tài sản là hiện vật, hành vi như: trả lại tài sản, giao trả chứng minh thư, trao trả xe máy. Số bản án, quyết định Tòa án nhân dân tuyên không rõ, khó thi hành tập trung nhiều tại các tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh (159), Hà Nội (42), Bình Định (33), Bắc Giang (21), Quảng Nam (21).  Để xử lý số bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành nêu trên, căn cứ quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 23 của Luật Thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành 569 văn bản[4], yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền xử lý theo quy định, trong đó có: 430 văn bản yêu cầu đính chính, giải thích và 139 văn bản kiến nghị xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Số còn lại 08 bản án cơ quan thi hành án dân sự đang nghiên cứu phân loại để xử lý. Các cơ quan thi hành án dân sự đã nhận được 224 văn bản phúc đáp, trong đó có 107 văn bản đáp ứng yêu cầu, 117 văn bản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu như: Giải thích nhưng chưa đầy đủ nội dung theo yêu cầu, giải thích nhưng vẫn chưa rõ... Số còn lại 345 văn bản, cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận được trả lời, trong đó có: 57 văn bản đang trong thời hạn trả lời, 288 văn bản đã hết thời hạn trả lời. Như vậy, số văn bản đã hết thời hạn nhưng chưa được trả lời là khá lớn (288/569) chiếm 50,61%. Nội dung bản án tuyên chưa rõ như: không phân định rõ về phạm vi nghĩa vụ bảo đảm của nhiều tài sản thế chấp cho một hoặc nhiều hợp đồng tín dụng; không đề cập đến tài sản trên đất tồn tại từ trước khi có bản án; bản án, quyết định của Tòa án không tuyên cụ thể nghĩa vụ đảm bảo (gốc, lãi phát sinh đến thời điểm xét xử) của các tài sản thế chấp của bên thứ ba cho một hợp đồng tín dụng; không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng trong quá trình xét xử vụ án.
- Ý thức tuân thủ pháp luật trong cưỡng chế thi hành án dân sự của tổ chức, cá nhân: Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là của người phải thi hành án trong cưỡng chế thi hành án dân sự chưa cao, nhiều trường hợp đương sự chống đối quyết liệt vì vậy cơ quan thi hành án dân sự phải huy động lực lượng tham gia cưỡng chế với số lượng lớn. Từ 01/10/2008 đến 31/03/2018, số việc cưỡng chế phải huy động lực lượng do cơ quan thi hành án dân sự chủ trì năm nào cũng có, với tổng số 50.888 việc cưỡng chế thi hành án dân sự có huy động lực lượng, trong đó có 25.355 việc cưỡng chế huy động lực lượng dưới 10 người, 19.867 việc cưỡng chế huy động lực lượng trên 10 người đến dưới 20 người, 4.712 việc cưỡng chế huy động lực lượng từ 20 đến dưới 50 người, 954 việc cưỡng chế huy động lực lượng từ 50 người trở lên.
Hình thức chống đối cưỡng chế thi hành án dân sự đa dạng, có trường hợp đương sự cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, bỏ đi khỏi nhà, thậm chí chống đối quyết liệt bằng việc tự thiêu, đem hài cốt vào chôn trong nhà phải cưỡng chế .v.v gây khó khăn cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự. Ví dụ, Bản án số 129/2013/DSPT ngày 07/6/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh KG tuyên có nội dung: “Giữ nguyên hiện trạng cho bà Lý Kim Th được quyền sử dụng đối với phần diện tích đất theo đo đạc thực tế là 615,3m2, thuộc tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại ấp Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh KG. Bà Th được quyền sở hữu đối với căn nhà tọa lạc trên đất. Buộc ông Lý Văn Ngh thu dọn cây cối, hoa màu, di dời động sản có trên đất để giao lại nhà và đất cho bà Lý Kim Th”. Ngày 07/3/2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận, tỉnh KG ban hành Quyết định thi hành án số 217/QĐ-THA và thực hiện việc tổ chức thi hành án. Ngày 29/3/2014, ông Ngh chết, gia đình ông Ngh đem thi hài của ông Ngh chôn trong căn nhà mà Tòa án tuyên bà Th được quyền sở hữu, sử dụng. Vì thế, việc cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp này rất khó thực hiện mặc dù các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn biện pháp giải quyết, như: Ngày 28/5/2014, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao có Thông báo số 345/TB về việc không có cơ sở để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án nói trên. Ngày 04/9/2014, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh KG đã đưa vụ việc ra xem xét. Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân (Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự) tỉnh KG kết luận và chỉ đạo xét việc gia đình của ông Ngh đem hài cốt của ông Ngh mai táng trên phần đất và nhà mà Bản án tuyên giao cho bà Th được quyền sử dụng là sai, nhưng nơi đây là đất thổ cư, đất vườn vùng nông thôn, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể việc chôn cất hài cốt như ở đô thị; đối với trường hợp di dời hài cốt người chết trả nhà, trả đất cũng chưa có quy định cụ thể nào nên chưa thi hành Bản án được.
Ngày 26/9/2014, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức cuộc họp liên ngành có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Vụ kiểm sát thi hành án dân sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự. Sau khi trao đổi, thảo luận, cuộc họp thống nhất nội dung: Việc người phải thi hành án mang hài cốt chôn tại nhà đất mà Bản án đã tuyên giao cho người khác là một loại việc mới xuất hiện chưa có tiền lệ, nhạy cảm, có yếu tố phong tục tập quán và tâm linh. Theo quy định của Điều 117 Luật Thi hành án dân sự, tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản đó tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao cho người được thi hành án, tuy nhiên trong trường hợp này mồ mả của ông Ngh không được coi là tài sản và Bản án không có nội dung buộc di dời mồ mả để giao nhà và đất cho bà Th vì vậy cơ quan thi hành án dân sự không thể cưỡng chế tổ chức thi hành dứt điểm Bản án được. Để tổ chức thi hành dứt điểm Bản án, cơ quan thi hành án dân sự hướng dẫn bà Th khởi kiện ra Tòa án yêu cầu gia đình ông Ngh di dời phần mộ của ông Ngh để giao trả nhà đất cho bà Th, khi có phán quyết của Tòa án thì cơ quan thi hành án dân sự mới có cơ sở cưỡng chế phần mộ của ông Ngh để giao nhà đất cho bà Th.
2. Nguyên nhân chủ quan
- Khả năng và trình độ xây dựng pháp luật của những người tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự nói chung, trong đó có cưỡng chế thi hành án dân sự nói riêng còn hạn chế nhất định. Chưa thực sự huy động trí tuệ của những nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn thi hành án dân sự và tranh thủ sự hỗ trợ của nước ngoài trong quá trình xây dựng pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự.
- Công tác quản lý, chỉ đạo thi hành án dân sự, trong đó có chỉ đạo cưỡng chế thi hành án dân sự trong các cơ quan thi hành án dân sự vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều cơ quan thi hành án dân sự chưa thật sự quyết liệt, thiếu giải pháp cụ thể, hiệu quả trong cưỡng chế thi hành án dân sự; năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm, tính gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, Chấp hành viên ở một số Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự còn chưa cao dẫn đến sai sót, vi phạm trong cưỡng chế thi hành án dân sự. Đã nhiều có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự do thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự không đúng, như: Chấp hành viên Trịnh Ngọc Tr, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận HBT, thành phố H trong việc cưỡng chế kê biên, xử lý nhà đất tại 194 phố Huế, Hà Nội đã bị xử lý hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật do ra quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự trái pháp luật.
Trong việc thi hành Bản án số 87/2010/DSPT ngày 16/3/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đối với bà Nguyễn Thị Hiền và chồng là Nguyễn Văn Thê, ở tổ 1 ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất phải trả nợ cho bà Nguyễn Thị Hoa ở cùng địa chỉ số tiền cả gốc và lãi là 60.000.000 đồng. Ngày 22/9/2011, Chấp hành viên Bùi Xuân Hoàn tiến hành xác minh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Mỹ Lâm được biết bà Hiền và ông Thê có nhiều đất nông nghiệp đang thế chấp tại ngân hàng, trong đó có thửa đất 32a thuộc tờ bản đồ số 9, diện tích 14.242 m2, tọa lạc tại ấp Tân Hiệp, xã Mỹ Hiệp Sơn đang thế chấp giấy tờ mảnh đất này vay 70.000.000 đồng. Ngày 4/4/2012, Chấp hành viên ra quyết định kê biên quyền sử dụng 6.000 m2 đất từ mảnh đất nêu trên. Ngày 19/4/2012, Chấp hành viên ký hợp đồng định giá bất động sản với Công ty trách nhiệm hữu hạn Tần Vương. Ngày 27/4/2012, Công ty Tần Vương đã thẩm định giá diện tích 6.000 m2 đất nông nghiệp đã kê biên của vợ chồng bà Hiền là 191.414.000 đồng, quá 03 lần số tiền cần thi hành án. Chấp hành viên đã tổ chức bán đấu giá mảnh đất này mặc dù bà Hiền đã nhiều lần có đơn khiếu nại việc làm sai trái của Chấp hành viên. Ngày 04/5/2015, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang ra Thông báo số 132 trả lời khiếu nại của bà Hiền, theo đó yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòn Đất phải thu hồi mảnh đất 6.000 m2 đã bán đấu giá trả lại cho bà Hiền, tổ chức kiểm điểm cán bộ đã làm trái quy định của pháp luật và tiến hành khắc phục hậu quả. Bà Hiền đã làm đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòn Đất bồi thường thiệt hại số tiền lên tới 4.065.000.000 đồng vì chi phí đi khiếu nại suốt mấy năm trời, ruộng đồng bỏ hoang vì không sản xuất được, thu nhập thực tế bị giảm sút[5].
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong cưỡng chế thi hành án dân sự còn rất nhiều hạn chế, chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích của công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự, nhất là trong việc thông báo, truyền tải những nội dung cưỡng chế thi hành án dân sự trên mạng internet. Một số Chấp hành viên, công chức thi hành án dân sự khả năng sử dụng máy tính, truy cập internet còn hạn chế; phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự, trong đó có cưỡng chế thi hành án dân sự chưa được áp dụng trong toàn Hệ thống Thi hành án dân sự.
Có thể nói pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự hiện hành ở Việt Nam được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn. Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tạo ra hệ thống các quy pháp pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự. Bên cạnh những ưu điểm thì còn nhiều hạn chế cơ bản của pháp luật hiện hành về cưỡng chế thi hành án dân sự. Các hạn chế này bao gồm những hạn chế trong các quy định chung về cưỡng chế thi hành án dân sự và cả những hạn chế trong từng biện pháp cưỡng chế cụ thể. Các quy định hiện hành về cưỡng chế thi hành án dân sự còn chưa cập nhật được những quy định mới của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự; một số quy định chung còn chưa đáp ứng yêu cầu về tính khái quát, định hướng; nhiều quy định về từng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự còn thiếu cụ thể, rõ ràng, thậm chí còn mâu thuẫn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, dẫn tới những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng.
Từ những hạn chế, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn cưỡng chế thi hành án dân sự cũng như những nguyên nhân chủ quan và khách quan của thực trạng này như hạn chế của pháp luật; sự phối hợp giữa các cơ quan tổ chức trong việc cưỡng chế thi hành án dân sự còn chưa tốt, chưa hiệu quả; áp lực về công việc và biên chế; năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu; còn nhiều sai sót, vi phạm từ phía chủ thể tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế, tình trạng chống đối cưỡng chế thi hành án dân sự còn xảy ra ở nhiều địa phương, với nhiều hình thức khác nhau làm rõ thực trạng pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự và thực tiễn thực hiện, nhận diện được những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân sẽ là tiền đề quan trọng để đề xuất những giải pháp về cưỡng chế thi hành án dân sự. Tuy nhiên, để những kiến nghị, đề xuất có tính khả thi cho việc nâng cao hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự thì việc nghiên cứu làm rõ về yêu cầu và giải pháp nâng cao hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam trên cơ sở những kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn về cưỡng chế thi hành án dân sự.
Anh Tuấn
 
[1] Báo cáo số 137/BC-TKDLCT ngày 09/8/2018 của Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Thi hành án dân sự
[2] Chính phủ, Báo cáo số 439/BC-CP ngày 14/10/2017 công tác thi hành án năm 2017, Hà Nội.
[3] Chính phủ, Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Hà Nội, trang 8.
[4] Một số việc cơ quan thi hành án dân sự đã có Công văn yêu cầu giải thích lần thứ hai, thứ ba; Ví dụ: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An...
  1. http://daidoanket.vn/tu-duong-day-nong/huyen-hon-dat-kien-giang-thi-hanh-an-theo-cam-hung/55413, thứ Hai, 13/07/2015 10:00:00, huyện Hòn Đất (Kiên Giang): thi hành án theo cảm hứng, trang 2.