Một số lưu ý về công tác báo cáo kết quả thi hành án hành chính theo Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

07/08/2014
Ngày 25/05/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 17/CT-TTg chỉ đạo triển khai thực hiện công tác thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết số 56/2010/QH12 của Quốc hội. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các Bộ, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước; hạn chế tối đa các vụ việc có thể bị khởi kiện ra Tòa án. Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước phải chủ động thi hành kịp thời, nghiêm túc các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật. Định kỳ 06 tháng một lần, các Bộ, Ngành và địa phương tổng hợp, đánh giá kết quả thi hành án hành chính, báo cáo Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ.


Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính về cơ bản đã được triển khai thực hiện. Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 38/QĐ- BTP ngày 06/01/2012 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính đối với công tác thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; Quyết định số 2251/QĐ-BTP ngày 01/8/2012 ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg; Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, trong đó có thống kê kết quả đôn đốc thi hành án hành chính.

Ngày 10/4/2014, Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp ký ban hành Công văn 1021/BTP-TCTHADS về việc đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả công tác thi hành án chính theo yêu cầu của Chỉ thị số 17/CT-TTg, trong đó nhấn mạnh: Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thống nhất giao Vụ Pháp chế hoặc Văn phòng (đối với các cơ quan không có Vụ Pháp chế) và đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thống nhất giao Cục Thi hành án dân sự làm đầu mối tham mưu, giúp thực hiện các nhiệm vụ về thi hành án hành chính.

Ngày 16/4/2014, Tổng cục Thi hành án dân sự có Công văn 1036/TCTHADS-NV2 yêu cầu Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác thi hành án hành chính theo Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ: định kỳ tổng hợp, đánh giá kết quả thi hành án hành chính của đơn vị mình, báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) trước ngày 15/4 hàng năm (đối với báo cáo 06 tháng đầu năm) và trước ngày 05/10 hàng năm (đối với báo cáo hàng năm), trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ của Cục Thi hành án dân sự là tham mưu với Ủy ban nhân dân trong việc kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức trên địa bàn nghiêm túc thi hành bản án hành chính, không để tồn đọng các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; giúp Ủy ban nhân dân thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị 17/CT-TTg; định kỳ 06 tháng, 01 năm tổng hợp, đánh giá kết quả thi hành án hành chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, việc thực hiện báo cáo về thi hành án hành chính vẫn chưa thực sự được quan tâm. Trong 06 tháng đầu năm 2014, tính đến 17/7/2014 mới có 14/28 Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi báo cáo, 11/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và 28/63 Cục Thi hành án dân sự gửi báo cáo. Do đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiếp tục có Công văn 2150/TCTHADS-NV2 ngày 17/7/2014 gửi Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp ký Công văn số 3247/BTP-TCTHADS ngày 25/7/2014 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để nhắc các đơn vị quan tâm thực hiện việc báo cáo công tác thi hành án hành chính. Mặc dù Chỉ thị 17/CT-TTg đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân định kỳ 06 tháng một lần tổng hợp, đánh giá kết quả thi hành án hành chính của Bộ, Ngành, địa phương mình, báo cáo Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân chưa thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này, một phần do các cơ quan này chưa hiểu và chưa có nhận thức đúng về nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện công tác thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính và Chỉ thị 17/CT-TTg nêu trên, có đơn vị còn hiểu nhầm sang báo cáo về việc xử phạt vi phạm hành chính. Một số Cục Thi hành án dân sự còn nhầm lẫn giữa việc báo cáo về công tác thi hành án hành chính với báo cáo kết quả thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, cũng như nhầm lẫn trong trách nhiệm thực hiện báo cáo của Cục Thi hành án dân sự và của Ủy ban nhân dân cùng cấp; đồng thời cũng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc làm đầu mối tham mưu với Ủy ban nhân dân trong việc kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức trên địa bàn nghiêm túc thi hành bản án hành chính, không để tồn đọng các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; giúp Ủy ban nhân dân thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị 17/CT-TTg.

Do đó, để thực hiện tốt công tác thi hành án hành chính, quản lý về thi hành án hành chính thì trước hết các cơ quan có liên quan cần hiểu rõ trách nhiệm và phạm vi thẩm quyền của minh trong quá trình thực hiện. Đối với công tác báo cáo, các cơ quan Thi hành án dân sự phải phân định rõ nhiệm vụ thực hiện của mình và nhiệm vụ làm đầu mối tham mưu cho Ủy ban nhân dân trong việc thực hiện báo cáo, cụ thể thực hiện tốt 02 nhiệm vụ sau:

Một là, nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự: Định kỳ hàng tháng, Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh phối hợp với Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để thu thập số liệu, phân tích, đánh giá số liệu xét xử án hành chính, kết quả đôn đốc thi hành án hành chính tại địa phương mình, báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự. Định kỳ 06 tháng, 01 năm, các cơ quan Thi hành án dân sự tổng hợp, đánh giá kết quả, báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp.

Hai là, nhiệm vụ làm đầu mối giúp cho Ủy ban nhân dân cùng cấp báo cáo: Thực hiện việc tham mưu về kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức trên địa bàn nghiêm túc thi hành bản án hành chính, không để tồn đọng các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; định kỳ 06 tháng 01 lần tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình thi hành án hành chính trên địa bàn báo cáo Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Nguyễn Thị Nhàn

Vụ Nghiệp vụ 2 - Tổng cục THADS