Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 của Chính phủ

02/10/2009


Để sớm kiện toàn cơ bản trong Quý IV năm 2009 tổ chức, cán bộ của Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2009, sau đây gọi chung là Tổng cục Thi hành án dân sự) và của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 01 tháng 11 năm 2009, sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự tỉnh), Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh từ ngày 01 tháng 11 năm 2009, sau đây gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự huyện), Phòng Thi hành án cấp quân khu theo quy định của Luật Thi hành án dân sự Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, ngày 02/10/2009 Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2235/QĐ-BTP Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự.

Nội dung Kế hoạch gồm hai phần chính là xây dựng thể chế trong lĩnh vực thi hành án dân sự và kiện toàn tổ chức, cán bộ của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự theo quy định mới.

1. Về công tác xây dựng thể chế, Kế hoạch đã xác định cần phải xây dựng bảy văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực thi hành án dân sự về công tác tổ chức, cán bộ gồm:

- Hoàn chỉnh Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh sách các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển;

- Xây dựng Tiêu chuẩn ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp;

- Xây dựng Thông tư của Bộ Tư pháp về phân cấp quản lý cán bộ trong Hệ thống thi hành án dân sự;

- Xây dựng Thông tư của Bộ Tư pháp về phân cấp quản lý tài chính trong Hệ thống thi hành án dân sự;

- Xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp với Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

- Xây dựng Thông tư của Bộ Tư pháp quy định điều kiện, việc sơ tuyển, hồ sơ thi tuyển đối với người không phải là cán bộ, công chức tham gia thi tuyển Chấp hành viên và trường hợp công chức từ các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh này tham gia thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự tỉnh khác;

- Xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 233/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm theo nghề đối với Chấp hành viên và Công chứng viên.

2. Về kiện toàn tổ chức, cán bộ, Kế hoạch xác định phải tiến hành thực hiện 13 nhóm công việc chính sau đây:

Một là, kiện toàn tổ chức, cán bộ của Tổng cục Thi hành án dân sự, bao gồm:

- Hoàn tất quy trình, thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Tổng Cục trưởng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP.

- Hoàn tất quy trình, thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP.

- Thực hiện quy trình, thủ tục để bổ nhiệm bổ sung cán bộ lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự.

- Tổ chức triển khai thực hiện các quy định về phân cấp quản lý tài chính theo Thông tư của Bộ Tư pháp về phân cấp quản lý tài chính trong Hệ thống thi hành án dân sự.

- Thực hiện quy trình, thủ tục để bổ nhiệm Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án.

- Sắp xếp, bổ sung biên chế, cán bộ của Tổng cục Thi hành án dân sự.

Hai là, kiện toàn tổ chức, cán bộ lãnh đạo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, bao gồm:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương hoàn tất thủ tục trình Ban thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến về quy hoạch cán bộ lãnh đạo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh giai đoạn 2009 - 2010 đối với những địa phương chưa có ý kiến bằng văn bản.

- Quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo quy định của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP.

- Hoàn thành công tác rà soát, có văn bản đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến về bổ nhiệm cấp Trưởng của Cục Thi hành án dân sự tỉnh trước khi bổ nhiệm.

- Hoàn thành công tác rà soát, có văn bản đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cho ý kiến về bổ nhiệm cấp Phó của Cục Thi hành án dân sự tỉnh trước khi bổ nhiệm.

- Tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP.

- Bàn giao chính thức công tác tổ chức cán bộ từ Giám đốc Sở Tư pháp cho Cục

- Kiện toàn, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể của Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo quy định của Đảng và các đoàn thể.

- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự.

Ba là, kiện toàn tổ chức, cán bộ của Chi cục Thi hành án dân sự huyện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, bao gồm:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương hoàn tất thủ tục trình Ban thường vụ Huyện uỷ cho ý kiến về quy hoạch cán bộ lãnh đạo của Chi cục Thi hành án dân sự huyện giai đoạn 2009 - 2010 đối với những địa phương chưa có ý kiến bằng văn bản.

- Quyết định thành lập Chi cục Thi hành án dân sự huyện theo quy định của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP.

- Hoàn thành công tác rà soát, có văn bản đề nghị Ban thường vụ Huyện uỷ cho ý kiến về bổ nhiệm cấp Trưởng của Chi cục Thi hành án dân sự huyện trước khi quyết định bổ nhiệm.

- Hoàn thành công tác rà soát, có văn bản đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện cho ý kiến về bổ nhiệm cấp Phó của Chi cục Thi hành án dân sự huyện trước khi quyết định bổ nhiệm.

- Tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Chi cục Thi hành án dân sự huyện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP.

- Kiện toàn, thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể của Chi cục Thi hành án dân sự huyện theo quy định của Đảng và các đoàn thể.

- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện.

Bốn là, bổ nhiệm Chấp hành viên theo ngạch mới, gồm các nội dung sau:

- Hoàn thành việc rà soát, đánh giá đội ngũ Chấp hành viên hiện có của cơ quan thi hành án dân sự để đề nghị bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên cấp huyện, Chấp hành viên cấp tỉnh sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.

- Hoàn thành việc rà soát, đánh giá đội ngũ Chấp hành viên hiện có của cơ quan thi hành án quân khu để đề nghị bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên cấp quân khu sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp Phòng Thi hành án cấp quân khu.

- Tiếp nhận Hồ sơ và đề nghị bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên cấp huyện, Chấp hành viên cấp tỉnh, Chấp hành viên cấp quân khu sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp

Năm là, thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, Chấp hành viên, Thẩm tra viên của cơ quan thi hành án dân sự, gồm:

- Thực hiện quy hoạch, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, Chấp hành viên, Thẩm tra viên của cơ quan thi hành án dân sự.

- Cử cán bộ trong diện quy hoạch cấp trưởng, cấp phó, Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị - hành chính nhằm nâng cao trình trình độ, bản lĩnh chính trị để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Sáu là, tăng cường sự phối hợp với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các đoàn thể trong việc thực hiện giám sát hoạt động thi hành án dân sự, đặc biệt trong việc phân loại án có điều kiện thi hành, án chưa có điều kiện thi hành, việc chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của Chấp hành viên và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án dân sự.

Bảy là, thực hiện các quy định mới về Phù hiệu, cấp hiệu thi hành án, gồm các công việc sau:

- Xây dựng bộ mẫu phù hiệu, cấp hiệu theo đúng quy định tại Nghị định số 74/2009/NĐ-CP để làm cơ sở mua, sắm theo quy định.

- Tổ chức mua sắm phù hiệu để cấp phát cho các địa phương.

Tám là, cấp phát Thẻ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, gồm:

- Xây dựng Mẫu Thẻ Chấp hành viên, Thẩm tra viên để làm cơ sở triển khai thực hiện

- Tổ chức in ấn Thẻ Chấp hành viên, Thẩm tra viên và cấp phát cho các địa phương

Chín là, trang bị công cụ hỗ trợ thi hành án, bao gồm:

- Lập Kế hoạch trang bị công cụ hỗ trợ

- Tổ chức mua sắm để trang cấp cho các địa phương.

Mười là, thi tuyển Chấp hành viên, gồm các công việc sau:

- Đề xuất nhân sự

- Sơ tuyển Chấp hành viên

- Thi tuyển Chấp hành viên

Mười một là, kiện toàn các chức danh công chức của cơ quan thi hành án dân sự địa phương, gồm:

- Rà soát, thực hiện các quy trình bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án

- Tiếp nhận Hồ sơ, thực hiện các quy trình, bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, cơ quan thi hành án trong quân đội

- Rà soát, bổ nhiệm công chức vào ngạch Thư ký thi hành án.

Mười hai là, xây dựng Đề án tổng thể về cơ cấu cán bộ của các cơ quan thi hành án dân sự.

Mười ba là, hướng dẫn, kiểm tra tình hình tổ chức hoạt động, đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cơ quan thi hành án dân sự sau khi kiện toàn.

Nội dung kế hoạch đã xác định cụ thể thời gian thực hiện, trách nhiệm của cơ quan được giao chủ trì và cơ quan được giao phối hợp thực hiện. Trong đó, Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng thời hạn các nội dung đề ra trong Kế hoạch. Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được giao, các cơ quan, tổ chức có liên quan tích cực, chủ động, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này./.

Nguyễn Văn Nghĩa