Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch truyền thông, phổ biến về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

20/03/2014
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường tại buổi làm việc với Giám đốc Sở Tư pháp 13 địa phương thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và các đơn vị liên quan xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch truyền thông, phổ biến về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, đồng thời đưa nội dung tuyên truyền về Thừa phát lại vào kế hoạch của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo Kế hoạch, Bộ Tư pháp đã, đang và sẽ thực hiện một số hoạt động truyền thông, cụ thể:


- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại tại địa phương

- Tổ chức quán triệt các nội dung, văn bản về chế định Thừa phát lại bằng các hình thức phù hợp để thống nhất nhận thức về chủ trương thí điểm Thừa phát lại của Đảng và Nhà nước cho các Bộ, Ngành hữu quan, cấp ủy, Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chế định Thừa phát lại:

 + Đã phối hợp với Chương trình 585 xây dựng và phát sóng trên kênh truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam giới thiệu về chế định Thừa phát lại  

+ Tổ chức các cuộc họp báo giới thiệu về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác động của chế định Thừa phát lại và việc triển khai thí điểm chế định này; những kết quả của việc triển khai thí điểm cho đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

+ Thông tin, giới thiệu về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác động của chế định Thừa phát lại và việc triển khai thí điểm chế định này trên các báo, đài Trung ương và địa phương.

+ Phổ biến thường xuyên, chuyên sâu về chế định Thừa phát lại trên các báo, tạp chí của ngành Tư pháp và trên phương tiện thông tin đại chúng thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân 13 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm.

+ Xây dựng phóng sự phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về một số kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

+ Mở chuyên trang về Thừa phát lại trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân 13 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm để làm kênh thông tin chính thống, toàn diện về việc thí điểm chế định Thừa phát lại.

- Biên soạn, phát hành các tài liệu, ấn phẩm về chế định Thừa phát lại.

+ Biên soạn, xuất bản 01 cuốn tài liệu giới thiệu về chế định Thừa phát lại để làm tài liệu nguồn phục vụ hoạt động truyền thông, phổ biến về chế định này trên cả nước

+ Xuất bản 02 số tạp chí chuyên đề, 01 số thông tin khoa học pháp lý nghiên cứu chuyên sâu, phản ánh, đánh giá về tình hình triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại.

+ Xây dựng các tờ gấp thông tin, phổ biến về chế định Thừa phát lại cung cấp cho một số địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, các Văn phòng Thừa phát lại để truyền thông, phổ biến cho cán bộ, nhân dân; cấp mẫu tờ gấp cho các địa phương còn lại (đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp) để tham khảo, nhân bản.

+ Tổ chức dịch một số Luật hoặc tài liệu liên quan đến việc thí điểm chế định Thừa phát lại của một số nước trên thế giới để làm căn cứ, cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng các tài liệu truyền thông, phổ biến về Thừa phát lại

- Kiểm tra, đánh giá, tổng kết hoạt động truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại.

+ Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hoạt động thông tin, phổ biến về chế định Thừa phát lại cùng với hoạt động kiểm tra, đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm.

+ Tổng kết hoạt động truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại.

Hoàng Thu Thủy