Sign In

Vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương

18/12/2017


     Công tác Thi hành án dân sự là công việc hết sức phức tạp và khó khăn, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội vì hoạt động thi hành án dân sự động chạm trực tiếp đến các quyền về tài sản, kinh tế và nhân thân của người phải thi hành án, làm ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
    Để đạt được kết quả tốt, công tác thi hành án dân sự cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành đoàn thể, chính quyền địa phương cơ sở (UBND xã, phường, thị trấn và đại diện chính quyền ở các thôn, xóm, tổ dân phố...) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính Nhà nước trong việc giải quyết các quyền và lợi ích của người dân tại địa phương; là đầu mối để các cơ quan, ban ngành triển khai các hoạt động của mình tới cơ sở, cũng là đầu mối giải quyết các công việc của các cơ quan, tổ chức trong công tác thi hành án dân sự...
Như vậy, trong quá trình thi hành án, cán bộ, Chấp hành viên cần phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở nắm bắt thông tin, vận động, giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, hạn chế thấp nhất việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phải huy động nhiều lực lượng cần tham gia.
      Sự phối hợp với chính quyền cơ sở trong công tác thi hành án dân sự đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị địa phương. Tuy nhiên, về trách nhiệm của một số ít cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn cấp xã, thị trấn trên địa bàn có lúc, có nơi trong việc phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự huyện chưa cao. Chính vì vậy, trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến “Vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương".
           Điều 175 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án dân sự “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn”. Ngoài ra vai trò của UBND cấp xã được thể hiện trong hàng loạt các quy định cụ thể của Luật đối với nhiều hoạt động khác nhau của công tác Thi hành án dân sự.
           Nội dung giải pháp về công tác phối hợp của UBND cấp cơ sở đối với công tác thi hành án dân sự.
           Có thể nói quá trình thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự, hầu hết đều có vai trò của UBND cấp cơ sở. Luật Thi hành án dân sự quy định cụ thể các trường hợp UBND cấp xã phải tham gia vào hoạt động của cơ quan thi hành án, cụ thể như sau:
          1. Phối hợp thông báo thi hành án, niêm yết công khai theo Điều 42, Điều 44a Luật THA
         - Niêm yết công khai các Quyết định, văn bản theo Điều 42 Luật Thi hành án dân sự.
          Trường hợp, không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thông báo được trực tiếp cho đương sự thì Chi cục Thi hành án dân sự sẽ phối hợp UBND xã với niêm yết công khai tại nơi cư trú của đương sự và tại trụ sở UBND xã. Đối với việc niêm yết tại Trụ sở UBND xã: cán bộ xã sẽ niêm yết tại Bảng tin của UBND xã, thời gian niêm yết là: 10 ngày kể từ ngày niêm yết.
- Niêm yết công khai Quyết định chưa có điều kiện thi hành án
Sau khi nhận được Quyết định chưa có điều kiện thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự, UBND xã tiến hành niêm yết công khai tại Bảng tin của UBND xã. Thời gian niêm yết công khai: 03 tháng, kể từ ngày niêm yết.
2. Trong công tác xác minh thi hành án:
      Công tác xác minh có vai trò rất quan trọng đối với công tác thi hành án dân sự. Kết quả xác minh là cơ sở để cơ quan thi hành án quyết định thực hiện các thủ tục thi hành án như ra quyết định cưỡng chế, quyết định chưa có điều kiện thi hành án, đình chỉ, hoãn, ủy thác thi hành án, lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, phương án hòa giải, thuyết phục thi hành án.v.v.v. Công tác xác minh đòi hỏi Chấp hành viên, cán bộ thi hành án phải đến tận cơ sở (là nơi sinh sống, làm việc của người phải thi hành án, các đối tượng có liên quan) để xác minh trực tiếp. Tại điểm a khoản 6 Điều 44 Luật thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định: “Cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp;”.
          Thông tin xác minh được cung cấp từ nhiều nguồn (do người phải thi hành án, người được thi hành án, thân nhân của đương sự cung cấp…) nhưng tất cả đều phải có xác nhận của UBND. Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định “Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Uỷ ban nhân dân hoặc công an xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh”.
          3. Phối hợp vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án
           Đây là công tác đầu tiên sau khi thụ lý và có vai trò rất quan trọng đối với quá trình thi hành án. Công tác này được tiến hành tốt sẽ đem lại hiệu quả thi hành án nhanh chóng, cắt giảm được nhiều thủ tục luật định, tiết kiệm được thời gian, kinh phí... Trên thực tế, UBND xã cùng với cán bộ cơ quan thi hành án đóng vai trò trọng tài động viên, thuyết phục, hòa giải giữa người được thi hành án với người phải thi hành án cũng như các bên có liên quan, góp phần thi hành đạt kết quả cao đối với người phải Thi hành án trên địa bàn, giữ gìn truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng.
           4. Trong công tác cưỡng chế thi hành án.
Cưỡng chế là một thủ tục trong thi hành án dân sự, được thực hiện ở nhiều hình thức, mức độ khác nhau như kê biên; buộc thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định; khấu trừ thu nhập, tài khoản; buộc giao nhà, quyền sử dụng đất.v.v.v được quy định cụ thể trong Luật. Sự phối hợp của chính quyền địa phương nơi tiến hành cưỡng chế bảo đảm hoàn thành thủ tục luật định của cơ quan thi hành án, lợi ích của người được thi hành án cũng như bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe các bên và an ninh, chính trị tại địa phương. 
            Thực tiễn, kết quả, hiệu quả của việc áp dụng giải pháp:
         Như vậy, sự phối hợp của chính quyền cơ sở trong công tác thi hành án dân sự rất quan trọng, vụ việc đó có giải quyết dứt điểm được hay không cũng do sự phối kết hợp của chính quyền địa phương, nhưng có một thực tế hiện nay, một số địa phương về trách nhiệm phối hợp chưa cao, UBND cấp xã còn chưa nắm rõ công tác thi hành án dân sự dẫn đến việc phối hợp chưa hiệu quả. Mặt khác số biên chế của chính quyền cơ sở rất hạn chế, công tác xác minh, đôn đốc giải quyết án lại là công việc thường xuyên của cán bộ thi hành án dân sự, trong khi đó mỗi xã chỉ có một đến hai cán bộ tư pháp phụ trách rất nhiều đầu việc của xã, do đó không thể bố trí cán bộ đi cùng với cán bộ thi hành án dân sự đôn đốc, xác minh việc thi hành.
       Để giải quyết vấn đề trên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoành Bồ đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các khu trưởng, thôn trưởng phối hợp với Chấp hành viên, cán bộ thi hành án trong công tác thông báo, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế và giáo dục thuyết phục người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của mình. Thủ trưởng đơn vị phân công cho một đồng chí phó Chi cục trưởng phụ trách việc phối hợp với UBND xã trong công tác Thi hành án dân sự. Hàng tháng hoặc hàng quý (tuỳ lượng án từng xã) cơ quan thi hành án sẽ lập danh sách những người phải thi hành án thông báo cho UBND các xã theo dõi, phối hợp động viên, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Đồng thời, sẽ thông báo đến tận khu trưởng, thôn trưởng để thực hiện việc tuyên truyền trên loa truyền thanh của thôn, khu phố để mọi người dân biết; vào những dịp thực hiện công tác xét đặc xá như ngày 30 tháng 4; ngày 2 tháng 9... cán bộ thi hành án cùng với UBND xã, thị trấn, khu trưởng, thôn trưởng đến từng gia đình người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù ở các trại giam để động viên, thuyết phục thân nhân của họ nộp thay người phải thi hành án để có căn cứ xét đặc xá cho con em họ.
      Nhận thức được tầm quan trọng về vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác thi hành án dân sự, Thủ trưởng đơn vị đã báo cáo Hội đồng nhân dân huyện Hoành Bồ về trách nhiệm phối hợp của UBND các xã, thị trấn trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương. Ngày 31/7/2017 Hội đồng nhân dân huyện Hoành Bồ ban hành Quyết định số 11/QĐ-HĐND quyết định thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, giáo dục người chấp hành án treo; cải tạo không giam giữ; người chấp hành xong án phạt tù và công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn từ tháng 01 năm 2015 đến hết tháng 6 năm 2017. trong đó có nội dung giám sát trách nhiệm phối hợp của UBND cấp cơ sở đối với công tác thi hành án dân sự. Thành phần Đoàn giám sát còn có đồng chí Chi cục trưởng và một Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện tham gia, cùng với Đoàn đi giám sát các UBND xã, thị trấn. Đoàn giám sát đã đi xuống trực tiếp 7 xã, 1 thị trấn để giám sát công tác phối hợp của UBND cấp xã đối với công tác thi hành án dân sự từ ngày 29/8/2017 đến 15/9/2017.
       Qua việc giám sát trên, đã kịp thời phát hiện các vi phạm, tồn tại, hạn chế để UBND các xã, thị trấn khắc phục, sửa chữa chấn chỉnh; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm phối hợp của UBND các xã, thị trấn đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.
Sau một thời gian thực hiện, kết quả khi chúng tôi áp dụng giải pháp này so với trước đạt được như sau:
Năm 2016 2017
Tỉ lệ về việc đạt 89% đạt 87%
Tỉ lệ về tiền đạt 25% đạt 73%
 
     Tính đến thời điểm báo cáo thống kê 11 tháng, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoành Bồ đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu thi đua. Đặc biệt là tỉ lệ về tiền. Đây là việc khó thực hiện trong công tác thi hành án dân sự hiện nay.
    Kết luận
    Từ những kết quả đạt được trong công tác phối hợp của chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự thời gian qua, tôi xin có một số đề xuất, kiến nghị để công tác này ngày càng đạt được kết quả tốt hơn, thúc đẩy hiệu quả công tác thi hành án dân sự lên cao hơn nữa.
    - Luật Thi hành án dân sự cần có quy định cụ thể hơn nữa nhiệm vụ theo dõi đôn đốc thi hành án gắn liền với việc thực hiện chức năng quản lý và thực thi nhiệm vụ cụ thể của địa phương; ngoài ra cần quy định rõ trách nhiệm của UBND trong trường hợp cung cấp, xác nhận thông tin không đúng sự thực, đùn đẩy, không tích cực phối hợp thi hành nhiệm vụ theo pháp luật
    - Chi cục Thi hành án dân sự cần ký Quy chế phối hợp với UBND cấp xã, phường, thị trấn.
    - Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho những người không hưởng lương của UBND cấp xã khi tham gia xác minh, đôn đốc giải quyết cùng cơ quan thi hành án. Để động viên, khuyến khích cán bộ xã khi chủ động, hoặc phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự thi hành nhiệm vụ.
    - Làm tốt hơn nữa công tác thi đua khen thưởng đặc biệt là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Quyết định khen thưởng (các hình thức, danh hiệu khác nhau) cho các UBND cấp xã và cán bộ có đóng góp tích cực trong công tác thi hành án dân sự.
         Trên đây là giải pháp về vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương và đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự của tôi. Tuy nhiên, với khả năng có hạn không thể tránh khỏi những sai sót, chưa đầy đủ. Tôi rất mong nhận được sự góp ý của các đồng chí để giải pháp trên được hoàn thiện hơn.




                                                                                                                               Nguyễn Duy Hoà

Các tin đã đưa ngày: