Sign In

KINH PHÍ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ - LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN KHÓ

05/03/2019

     Cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp cưỡng bức, buộc đương sự phải thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo Bản án, Quyết định của Tòa án. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án trong thời hạn do Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự ấn định, hoặc trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản…
     Về chi phí cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 73 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014. Theo đó, Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau: Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án; chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án; chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a Khoản 2 và điểm a Khoản 3 Điều 73; chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phí phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án; chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ; tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiêt và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, quy định về chi phi phí cưỡng chế thi hành án. Như vậy, theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì người phải thi hành án phải chịu mọi chi phí về việc cưỡng chế thi hành án. Cơ quan thi hành án có thể xét miễn hoặc giảm chi phí cưỡng chế thi hành án đối với từng trường hợp cụ thể.
     Thực tiễn trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương, trong những năm qua, kể từ khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực, cho thấy nhiều vụ việc cưỡng chế không thu được chi phí cưỡng chế từ người phải thi hành án, thậm chí họ cũng không cần làm đơn đề nghị chính quyền địa phương nơi cư trú, sinh sống hoặc xác nhận của thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi người đó nhận thu nhập để xác nhận hoàn cảnh kinh tế của bản thân(theo quy định tại Điều 44 Nghị định 62/2015/NĐ-CP), để cơ quan thi hành án làm cơ sở cho việc xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án. Bởi vì bản thân họ không còn một tàu sản nào khác để cơ quan thi hành án khấu trừ tiếp. Thực tế, việc tổ chức cưỡng chế, bán phát mại tài sản một số vụ việc vẫn chưa đủ chi phí cho việc cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá trài sản và bán đấu giá tài sản thì việc cơ quan thi hành án dân sự xét giảm hoặc miễn thì lấy nguồn kinh phí nào cho việc cưỡng chế thi hành án.
     Việc phải tiến hành cưỡng chế là biện pháp cuối cùng, (cực chẳng đã) ngoài ý muốn của cơ quan thi hành án dân sự. Nếu cơ quan thi hành án động viên, giáo dục thuyết phục nhiều lần nhưng người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, cố tình lẩn tránh, trây ỳ thì buộc cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức cưỡng chế. Việc cưỡng chế là một biện pháp cưỡng bức của Nhà nước nhằm tôn trọng và giữ nghiêm pháp chế. Nhưng nếu một cơ quan thi hành án phải tổ chức nhiều vụ việc cưỡng chế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh phí hoạt động của cơ quan thi hành án, trong khi đó, kinh phí hiện tại còn rất hạn hẹp. Ngược lại, nếu vì lí do kinh phí mà chậm cưỡng chế thi hành án thì đương sự sẽ khiếu nại, thậm chí nhiều người còn hiểu sai về Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự, họ cho rằng Chấp hành viên nhũng nhiễu, gây phiền hà cho đương sự.
     Để giải quyết những khó khăn vướng mắc kinh phí trong việc tổ chức cưỡng chế trong thi hành án dân sự. Tổng cục Thi hành án dân sự hàng năm cũng đã cấp một khoản dự trù kinh phí cưỡng chế cho các  đơn vị, tuy nhiên với số kinh phí dự trù cưỡng chế như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị. Đơn cử như toàn Hệ thống thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh hàng năm được Tổng cục Thi hành án tạm cấp 1 tỷ 200 triệu đồng. Toàn tỉnh có 15 đơn vị, nếu phân bổ cho các đơn vị thì mỗi đơn vị được khoảng trên 120 triệu đồng. Chỉ tính riêng một vụ việc phải tổ chức cưỡng chế cũng chi phí lên tới bốn, năm mươi triệu đồng, những vụ án lớn thì kinh phí cưỡng chế càng lớn. Nếu một đơn vị phải tổ chức cưỡng chế 2 đến 3 vụ là không còn kinh phí cưỡng chế.
      Đến nay, việc đi tìm lời giải cho bài toán về kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự thật nan giải. Thiết nghĩ, các cơ quan thi hành án dân sự do Chính phủ quản lí, nằm trong hệ thống chính quyền từ tỉnh đến huyện. Để phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, vì vậy hàng năm UBND các cấp quản lí công tác thi hành án dân sự cần có khoản kinh phí chi cho công tác cưỡng chế thi hành án hoặc cho phép các cơ quan thi hành án dân sự được trích lại 10% trong tổng số tiền các cơ quan thi hành án thu được nộp vào ngân sách Nhà nước, trong khi kinh phí ngành còn quá hạn hẹp. Như vậy, phần nào giảm bớt được khó khăn về kinh phí cho công tác cưỡng chế thi hành án dân sự hiện nay./.            


Theo Hoàng Thảo Hà

Các tin đã đưa ngày: