Sign In

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) - Hoàng Sỹ Thành: “Công tác cán bộ phải đi trước một bước”

19/09/2015

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) - Hoàng Sỹ Thành: “Công tác cán bộ phải đi trước một bước”

Năm 2013 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng của hệ thống Thi hành án dân sự: 20 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án sang cơ quan Chính phủ, năm đầu tiên Thủ tướng quyết định công nhận Ngày truyền thống Thi hành án dân sự và cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác tư pháp, trong đó có công tác thi hành án dân sự. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Hoàng Sỹ Thành về một năm nhiều ý nghĩa đặc biệt này.

Năm 2013 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng của hệ thống Thi hành án dân sự: 20 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án sang cơ quan Chính phủ, năm đầu tiên Thủ tướng quyết định công nhận Ngày truyền thống Thi hành án dân sự và cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác tư pháp, trong đó có công tác thi hành án dân sự. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Hoàng Sỹ Thành về một năm nhiều ý nghĩa đặc biệt này.

Năm 2013 là năm có số việc thi hành xong và số tiền thu được cao nhất từ trước đến nay, nhưng so với chỉ tiêu Quốc hội giao vẫn chưa đạt, hẳn ông rất trăn trở, tâm tư?

Năm vừa qua là năm đầu tiên có Quốc hội có Nghị quyết về công tác tư pháp, trong đó có việc giao chỉ tiêu cụ thể cho Thi hành án dân sự với tỷ lệ trên 88% về việc, trên 77% giá trị. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác thi hành án dân sự nhưng cũng là thách thức với toàn hệ thống. Ý thức được điều này, ngay từ đầu năm Chính phủ đã có chương trình, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự, lãnh đạo Bộ Tư pháp, chúng tôi cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Kết quả cuối năm nhìn lại dù đã rất cố gắng nhưng chưa đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội giao, về việc mới sấp sỉ đạt 87% việc, về giá trị đạt gần 74%. Tuy nhiên, năm 2013 cũng là năm kết quả thi hành án xong đạt cao nhất từ trước đến, tăng 24,71% về việc và 180% về giá trị so với năm 2012. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII cũng đánh giá cao việc này. Tuy nhiên, việc không hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ Quốc hội giao là nỗi trăn trở không riêng cá nhân tôi mà của anh em cán bộ, công chức trong toàn hệ thống, của Ban Cán sự và Lãnh đạo Bộ. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, năm 2013, cả hệ thống Thi hành án dân sự đã nỗ lực rất lớn, phấn đấu hết sức để thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ mà Quốc hội và Bộ Tư pháp giao.

Nhiều ý kiến cho rằng để ra được một bản án đúng pháp luật đã khó, để bản án đó được thi hành trên thực tế còn khó hơn vì còn phụ thuộc vào điều kiện thi hành án của đương sự. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn như hiện nay, điều này có tác động trực tiếp đến công tác thi hành án?

Năm qua, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, tín dụng đổ bể nhiều, dẫn đến lượng án thụ lý mới tăng cao, tăng 19% về việc và gần 70% về giá trị so cùng kỳ. Bên cạnh đó, do công  tác phân loại án có chuyển biến mạnh, số việc có điều kiện thi hành cũng tăng cao, tăng 27,66% về việc và 194,58% về giá trị so với năm 2012. Đây là việc từ xưa đến nay chưa từng có.

Đúng là kinh tế suy giảm tác động trực tiếp đến thi hành án vì khó khăn ảnh hưởng đời sống một bộ phận người dân trong xã hội trong đó có đối tượng phải thi hành án. Họ không có tài sản thì không thể thi hành án được. Cũng do kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản trầm lắng, giao dịch thực tế ít, chưa kể tâm lý người dân không muốn mua tài sản thi hành án nên có một lượng tài sản là bất động sản có giá trị lớn, có điều kiện thi hành mà các cơ quan Thi hành án dân sự đã kê biên, bán đấu giá, hạ giá thậm chí 10-15 lần không  bán được. Số này chiếm gần 10 ngàn việc, tương đương gần 9 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, còn 50 ngàn việc với khoảng 700 tỷ tiền thu cho ngân sách nhà nước mặc dù cơ quan Thi hành án dân sự đã dày công xác minh, theo dõi liên tục nhiều năm vẫn không có điều kiện thi hành. Hiện số này đang chờ cơ chế xử lý khi sửa đổi Luật Thi hành án dân sự tới đây.

Nói đến nguyên nhân khách quan không thể không kể đến những nguyên nhân chủ quan. Trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự, đội ngũ cán bộ công chức đâu đó chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, chưa quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành chưa thực sự tốt.

Ngoài những yếu tố tự thân, công tác thi hành án dân sự thành hay bại còn nhờ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương?

Tôi phải khẳng định ngay rằng Thi hành án dân sự không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan, nhất là của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và lực lượng Công an. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, sau khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đã tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Năm 2013 Tổng cục đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ gặp gỡ với  Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 10 tỉnh mà công tác thi hành án còn khó khăn nhân Hội nghị Trung ương 7. Tại cuộc gặp này Ban cán sự Đảng báo cáo về tình hình công tác thi hành án dân sự trên địa bàn các tỉnh này, đồng thời, cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh bàn biện pháp tháo gỡ cho công tác thi hành án dân sự, nhất là công tác tổ chức cán bộ. Cho đến nay 10 tỉnh đó đã có những chuyển biến nhất định.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ đạo các Thứ trưởng, Tổng cục khi đi công tác tại các địa phương, phải dành thời gian để làm việc với cấp uỷ, chính quyền, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tại các địa phương đó để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho công tác thi hành án dân sự, nhất là với những địa phương có những vấn đề nổi cộm trong công tác thi hành án dân sự.

Để tăng cường sự phối hợp gắn kết giữa các bộ, ngành Trung ương trong công tác thi hành án dân sự, tháng 10/2013 vừa qua dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Tư pháp cũng đã ký kết quy chế phối hợp trong thi hành án dân sự với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao,  04 Bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp đến và ký Quy chế. Hiện nay, Quy chế đang được các bộ, ngành chỉ đạo triển khai trên phạm vi toàn quốc và tôi tin rằng, khi được thực hiện, Quy chế sẽ cơ bản tháo gỡ những khó khăn cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác phối hợp.

Nhân dịp này, tôi cũng gửi lời cảm ơn cấp uỷ chính quyền các cấp, các ngành đã quan tâm, cộng tác, phối hợp và hỗ trợ các cơ quan Thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua.

Nhân nói đến sự phối hợp ở địa phương, tăng cường cho cơ sở là chủ trương được ngành Tư pháp thực hiện đã nhiều năm nay, nhưng với năm 2013 là năm có ý nghĩa đặc biệt, dường như chủ trương này cũng được chú trọng hơn đối với công tác thi hành án dân sự?

Ngay từ cuối năm 2012, Tổng cục đã tạm giao chỉ tiêu cho các cơ quan Thi hành án dân sự. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng đã quyết định giao chỉ tiêu cho Tổng cục Thi hành án dân sự và chỉ đạo Tổng cục giao chỉ tiêu cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương sớm hơn nhiều so với 2012. Năm qua cũng là năm mà sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, nhất là của cá nhân đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo Tổng cục trong công tác thi hành án dân sự quyết liệt, sát sao hơn. Chúng tôi cũng xác định Tổng cục phải là chỗ dựa cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trên tất cả lĩnh vực. Theo đó, đã tăng cường kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt tăng cường cho địa bàn còn khó khăn về cán bộ, về chuyên môn, chỉ đạo biệt phái chấp hành viên cho địa bàn có lượng án lớn, phức tạp.

Trong công tác chuyên môn nghiệp vụ Tổng cục cũng sát sao, kịp thời hơn trong chỉ đạo các vụ án lớn, phức tạp. Gần như định kỳ hàng tuần lãnh đạo Tổng cục đều nghe và cho ý kiến vào những vụ việc phức tạp, kéo dài. Nói chung, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, lãnh đạo Bộ và Tổng cục đều đề cao phương châm “Tất cả cho cơ sở, lấy cơ sở làm gốc”

Năm 2014, công tác cán bộ vẫn tiếp tục được xác định là khâu đột phá,  nhưng điều mà dư luận quan tâm hiện nay là siết chặt kỷ cương như thế nào để hạn chế thấp nhất tiêu cực trong Thi hành án dân sự, thưa ông?

Bên cạnh những kết quả về công tác tổ chức, cán bộ thì cũng phải thừa nhận công tác này chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, có vi phạm chưa được phát hiện xử lý kịp thời. Năm 2014 Tổng cục xác định cán bộ tiếp tục là khâu đột phá, phải đi trước một bước. Hiện nay, Tổng cục cũng đang chỉ đạo xây dựng Kế hoạch đổi mới về công tác tổ chức cán bộ. Cùng với việc hoàn thiện thể chế sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng. Tập trung thiết lập lại kỷ cương kỷ luật trong toàn hệ thống. Đây cũng chính là tinh thần mà đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đặc biệt lưu ý với hệ thống Thi hành án dân sự.

Một nét mới nữa là năm nay trong dịp tổng kết ngành, tổng kết 4 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (diễn ra vào ngày 26,27/12 tại Hà Nội), Tổng cục sẽ dành thời gian làm việc với 63 Cục trưởng để đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ về những gì đã làm được và đặc biệt là nhìn nhận đúng về những tồn tại, hạn chế, yếu kém, kể cả những vi phạm trong lĩnh vực thi hành án, từ đó chỉ rõ nguyên nhân và tìm giải pháp để siết lại kỷ cương, kỷ luật. Chúng tôi coi đây là một cuộc đối thoại thẳng thắn giữa những người làm công tác quản lý để tiếp tục xây dựng hệ thống Thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh, mang lại sự trưởng thành và phát triển bền vững cho công tác thi hành án dân sự.

Trân trọng cảm ơn Tổng Cục trưởng!

Thu Hằng 

Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: