Sign In

Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng

30/08/2019

Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng
Phải giao lại quà tặng cho bộ phận quản lý nếu không từ chối được
Ngày 01/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định pháp luật
- Không trực tiếp, gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc mà mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi mình quản lý.
- Nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; nếu không từ chối được phải giao lại quà cho bộ phận quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị mình để xử lý theo quy định.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về giải quyết xung đột lợi ích; về thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.
* Nội dung chính:
- Nghị định quy định chi tiết các Điều, khoản của Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14: Khoản 1 Điều 15, Điều 22, Điều 23, khoản 4 Điều 25, khoản 4 Điều 71, Điều 80, Điều 81 và Điều 94. 
 - Nghị định làm rõ các trường hợp được xác định là có xung đột lợi ích tại Luật phòng, chống tham nhũng. Cụ thể là khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người có chức vụ, quyền hạn thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp tại Điều 29 Nghị định 59 như sau:
1. Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;
2. Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
3. Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
4. Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác;
5. Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;
6. Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;
7. Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;
8. Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình;
9. Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.
Nghị định cũng ban hành kèm theo phụ lục danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi.
* Cơ quan ban hành: Chính phủ
* Ngày ban hành: 01/7/2019
* Ngày có hiệu lực: 15/8/2019
* Văn bản hết hiệu lực:
- Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách;
- Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng;
-  Nghị định số 102/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định thời hạn không kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ;
- Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về việc quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức;
- Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;
- Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
- Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách;
- Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức;
- Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

 

Các tin đã đưa ngày: