Sign In

Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại

04/06/2015

“Thừa pháp lại đã thành công ở thành phố Hồ Chí Minh, hứa hẹn thành công ở Hà Nội và các tỉnh thực hiện thí điểm còn lại”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở TƯ khẳng định tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Hà Nội sáng ngày 04/12.
Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó trưởng ban thường trực BCĐ, đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh tòa án nhân dân tối cao, Phó Trưởng BCĐ. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ, Ban, Ngành có liên quan, một số UBND tỉnh, Thành phố và Trưởng các Văn phòng Thừa phát lại của các địa phương thực hiện thí điểm.
 
   

BCĐ thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở TƯ đã đánh giá tình hình, kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua; đồng thời trao đổi, thảo luận về phương hướng nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm này.
Thí điểm chế định Thừa phát lại là một giải pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó quy định việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại. Triển khai thực hiện, Bộ Tư pháp đã phối hợp chỉ đạo tổ chức thí điểm chế định này tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, việc thí điểm được tiếp tục đến 31/12/2015 và mở rộng trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Theo đó, 12 địa phương được lựa chọn để mở rộng thí điểm bao gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long
 
   

Tổng Cục trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp Hoàng Sỹ Thành cho biết, tính đến ngày 31/10/2014, thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội, chế định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 51 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập. Hoạt động các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khá tốt, với doanh thu đạt 63 tỷ 325 triệu 502 nghìn đồng. Trong đó, hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại ở Tp Hồ Chí Minh đã thu được kết quả rất tốt, đạt doanh thu 56 tỷ 712 triệu 825 nghìn đồng. Tại các địa phương mở rộng thí điểm, bước đầu cũng thu được kết quả nhất định. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.  
   

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại nhận định việc triển khai thí điểm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục ngay, đặc biệt về nhận thức của một số cơ quan, cán bộ, công chức, kể cả ở Trung ương về việc thí điểm chế định Thừa phát lại vẫn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu về việc thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Công tác triển khai còn chậm, công tác tuyên truyền cả ở Trung ương và địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu nên hiểu biết của người dân và xã hội về Thừa phát lại còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại.
 
   

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng BCĐ thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Tư pháp cần tập trung thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến về Thừa phát lại nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc triển khai thực hiện thí điểm cũng như hiểu biết và tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này. Trong quản lý nhà nước về Thừa phát lại, tập trung quyết liệt vào việc chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Thừa phát lại, Thư ký và nâng cao năng lực quản lý, điều hành Văn phòng của các Thừa phát lại. Cần tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các Văn phòng Thừa phát lại, giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý hoạt động Thừa phát lại, giữa các địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại, kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm để kiến nghị, kháng nghị hoặc yêu cầu Văn phòng thực hiện rút kinh nghiệm và khắc phục.
 


Theo Trang moj.gov.vn

Các tin đã đưa ngày: