Sign In

Có cần đề nghị cơ quan đăng ký quyền sở hữu, đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin trước khi kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án?

23/03/2017

Điều 89 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký”.
Trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng quy định tại Điều 89 như trên áp dụng đối với bản án, quyết định về dân sự như chia thừa kế hoặc tranh chấp đất đai là phù hợp, còn đối với bản án, quyết định về thế chấp, bảo lãnh tài sản tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng thì Điều 111 Luật Thi hành án dân sự đã quy định: Trước khi kê biên quyền sử dụng đất, người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất phải nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án. Như vậy, trước khi kê biên, cơ quan thi hành án dân sự đã giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi đó lại phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trả lời thông tin như vậy không phù hợp.
Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là có cần thiết phải đề nghị cơ quan đăng ký quyền sở hữu, đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin trước khi kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án, nhất là đối với tài sản đã thế chấp, bảo lãnh tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng?
Về vấn đề này, qua nghiên cứu, tác giả có ý kiến trao đổi như sau:
Trong quá trình tổ chức thi hành án trên thực tế, cơ quan thi hành án dân sự trước hết tôn trọng quyền tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án, đồng thời tiến hành vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện và thỏa thuận thi hành án. Tuy nhiên, không phải lúc nào người phải thi hành án cũng tự nguyện thi hành án, nhiều trường hợp họ có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành án, buộc cơ quan thi hành án phải tổ chức cưỡng chế thi hành án theo quy định. Theo đó, Luật Thi hành án dân sự quy định 06 biện pháp cưỡng chế, trong đó, “Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ” là một biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự.
Biện pháp kê biên, xử lý tài sản chỉ áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành án trả tiền, xác minh có tài sản, kể cả tài sản đang thế chấp đủ điều kiện theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự. Đây là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các biện pháp cưỡng chế mà cơ quan thi hành án áp dụng. Trong số các vụ việc nêu trên, tài sản của người phải thi hành án bị kê biên, xử lý chủ yếu là bất động sản.
Có thể nói, việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án chính là việc cơ quan thi hành án dân sự tước đi quyền tự định đoạt đối với tài sản của chủ sở hữu, sử dụng tài sản. Do đó, bên cạnh việc đảm bảo quyền và lợi ích của người được thi hành án theo phán quyết của Tòa án thì cũng phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án đối với tài sản bị kê biên, xử lý nên trình tự thủ tục kê biên, xử lý tài sản được quy định hết sức chặt chẽ qua nhiều giai đoạn từ trước khi tiến hành kê biên, tổ chức kê biên, sau khi kê biên, định giá tài sản, bán đấu giá tài sản và giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Để các thủ tục sau khi kê biên được đảm bảo thì trước khi kê biên, cần thiết phải thực hiện việc xác minh đầy đủ, chặt chẽ, trong đó có việc đề nghị cơ quan đăng ký quyền sở hữu, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin về tài sản kê biên, điều đó được chứng minh trên cơ sở các lý do cơ bản sau đây:
Thứ nhất, việc yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin giúp Chấp hành viên lựa chọn đúng tài sản kê biên. Mặc dù tài sản của người phải thi hành án được cung cấp là tài sản thế chấp, bảo lãnh cho khoản vay tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng nhưng có thể vào thời điểm xác minh để kê biên thì người vay đã nộp tiền để giải chấp và đã xóa thế chấp hoặc cùng một tài sản đó đã thế chấp, bảo lãnh tại nhiều nơi khác nhau.... Việc có được thông tin từ cơ quan đăng ký sẽ giúp Chấp hành viên lựa chọn và xác định đúng tài sản kê biên đảm bảo thi hành án.
Ví dụ: Theo Bản án số 85/2015/DS-ST của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh B thì bà Nguyễn Thị C phải trả cho ông Trần Văn D số tiền 800 triệu đồng và tiền lãi suất do chậm thi hành án. Bà C không tự nguyện thi hành. Chấp hành viên xác minh cho thấy bà C có: tài sản là 01 xe ô tô hiệu Hon đa, ước tính khoảng 500 triệu đồng, 01 tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở hiện cả gia đình gồm 05 người trong gia đình bà C đang sử dụng, diện tích khoảng 400m2, ước tính giá trị khoảng 4 tỷ đồng; 01 tài sản là quyền sử dụng đất 100m2 đứng tên bà C và theo cung cấp của bà C thì tài sản này bà đang thế chấp Ngân hàng để vay số tiền 1 tỷ đồng.
Nếu căn cứ vào những thông tin tài sản trên thì Chấp hành viên sẽ xác minh để kê biên phần tài sản của bà C trong khối tài sản chung là quyền sử dụng đất 400m2 là phù hợp vì xét về nguyên tắc tương ứng theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì kê biên chiếc xe ô tô là không phù hợp hoặc theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp thì xác minh giá trị tài sản 100m2 có giá khoảng 1 tỷ đồng, không lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm nên nếu kê biên cũng không phù hợp.
Tuy nhiên, khi Chấp hành viên đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin về các thửa đất trên đã được biết: tài sản là quyền sử dụng đất 100m2 đứng tên bà C đã được xóa thế chấp. Do đó, trong trường hợp này, Chấp hành viên hoàn toàn có thể lựa chọn kê biên ngay tài sản đứng tên bà C, tránh trường hợp phải xác định tài sản của bà C trong khối tài sản chung rất phức tạp và mất nhiều thời gian để tiến hành kê biên tài sản.
Điều đó chứng minh để thực hiện đúng, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, tránh việc Chấp hành viên lựa chọn tài sản của người phải thi hành án để kê biên không phù hợp, kéo dài thời gian và dẫn đến vụ việc phức tạp thì trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên phải yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký.
Thứ hai, về nguyên tắc, cơ quan thi hành án chỉ được quyền kê biên tài sản của người phải thi hành án để đảm bảo các nghĩa vụ thi hành án của họ theo bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan thi hành án không thể kê biên tài sản của người khác để đảm bảo các nghĩa vụ của người phải thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định. Do đó, khi được giao giải quyết hồ sơ thi hành án đối với nghĩa vụ trả tiền, bên cạnh việc vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên cần tiến hành xác minh tài sản của người phải thi hành án để kê biên đúng đối tượng thi hành án. Có thể qua các nguồn thông tin khác nhau như qua người được thi hành án, qua cán bộ thôn, xóm, Ủy ban nhân dân xã, phường nơi người phải thi hành án sinh sống, cư trú, Chấp hành viên nắm bắt được thông tin về tài sản là tài sản gì, ai đang quản lý, sử dụng... Tuy nhiên, đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì để có thông tin chính xác, Chấp hành viên cần đề nghị cơ quan đăng ký quyền sở hữu, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp, từ đó sẽ tránh được trường hợp cơ quan thi hành án thực hiện việc kê biên tài sản không phải của người phải thi hành án, mà đó có thể là tài sản chung của hộ gia đình hoặc của công ty mà người phải thi hành án là thành viên.
Ví dụ: Theo quyết định của Bản án số 277/2008/DS-PT của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, bà B phải trả cho ông E số tiền 4 tỷ 900 triệu đồng và tiền lãi suất do chậm thi hành án.  Để thi hành án, ngày 22/6/2015, Chấp hành viên ban hành Quyết định số 13/QĐ-CTHADS cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản và thực hiện việc kê biên vào ngày 30/6/2015. Tài sản kê biên gồm quyền sử dụng đất thuộc các thửa: thửa số 190, tờ bản đồ số 16, diện tích 237,7m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H02967 ngày 03/01/2006; thửa số 187, tờ bản đồ số 16, diện tích 202,3m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H04763 ngày 16/10/2007; thửa số 188, tờ bản đồ số 16, diện tích 324,9m2, giấy chứng nhận số H04292 ngày 22/01/2007 (cả 3 thửa đất trên đều do Ủy ban nhân dân huyện cấp cho hộ bà B); thửa số 92, tờ bản đồ số 16, diện tích 884,3m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T00277 ngày 27/01/2006 và công trình xây dựng nhà xưởng trên đất có diện tích 987,68m2, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản số 0072 ngày 07/12/2016 do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp cho Công ty TNHH P (bà B là thành viên của công ty).
Như vậy, Chấp hành viên đã kê biên tài sản của hộ gia đình bà B và tài sản của Công ty P để thi hành án khoản phải thi hành án của cá nhân bà B là xác định không đúng tài sản của người phải thi hành án, không đúng đối tượng thi hành án. Trong trường hợp xác định tài sản như ví dụ trên, đối với tài sản chung của hộ gia đình thì phải căn cứ Điều 74 Luật Thi hành án dân sự để xác định, phân chia, xử lý tài sản chung trước khi kê biên tài sản đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bà B. Còn đối với trường hợp người phải thi hành án có cổ phần hoặc có vốn góp trong doanh nghiệp thì chỉ thực hiện việc kê biên phần tài sản tương ứng với cổ phần hoặc vốn góp của người phải thi hành án trong doanh nghiệp, chứ không thực hiện việc kê biên đối với doanh nghiệp.
Thứ ba, việc đề nghị cơ quan đăng ký quyền sở hữu, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm làm cơ sở để Chấp hành viên kiểm tra hiện trạng, so sánh hiện trạng với thông tin được cung cấp, tránh sai sót trong quá trình kê biên tài sản dẫn đến kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
Ví dụ: Để thi hành Bản án số 19/QĐST-KDTM ngày 07/10/2010 của Tòa án nhân dân thành phố H, Chấp hành viên đã ra Quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản số 15/QĐ-CTHA ngày 01/7/2014 cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tọa lạc tại số 02, đường số 9, khu BĐ. Ngày 05/7/2014, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản và đã tiến hành thủ tục định giá và bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đến ngày 13/8/2015, Viện kiểm sát nhân dân thành phố H có Quyết định kháng nghị hành vi tổ chức thi hành án dân sự trái pháp luật của Chấp hành viên và kháng nghị Biên bản kê biên tài sản ngày 01/7/2014; yêu cầu thu hồi, hủy bỏ biên bản kê biên tài sản ngày 01/7/2014 nêu trên. Qua kiểm tra hồ sơ thi hành án cho thấy: Trước khi kê biên, Chấp hành viên đã không yêu cầu Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (nay là Văn phòng đăng ký đất đai) cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký đối với nhà đất số 02, đường số 9, khu BĐ; đã tiến hành kê biên khi chưa có bản vẽ hiện trạng; biên bản kê biên không phản ánh rõ tình trạng tài sản kê biên; kê biên quyền sử dụng đất nhưng không ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất. Từ những phân tích trên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố H đã chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
Như vậy, bên cạnh việc phải đề nghị cơ quan đăng ký cung cấp thông tin thì Chấp hành viên trên cơ sở đó cần thiết phải xác minh kỹ hiện trạng tài sản, lập biên bản mô tả kỹ tình trạng tài sản kê biên, kể cả trong trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp mà bản án, quyết định của Tòa án tuyên xử lý để tránh tình trạng sau khi kê biên không tiến hành xử lý tài sản được hoặc bị Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị.
Từ các lý do cơ bản trên cho thấy, việc đề nghị cơ quan đăng ký quyền sở hữu, đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin trước khi kê biên tài sản đảm bảo thi hành án, kể cả tài sản đang thế chấp, bảo lãnh là cần thiết. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo quy định hiện hành gồm Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp tàu biển; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan nói trên.
Thủ tục đề nghị cung cấp thông tin hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm (Hiện nay Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 83) và yêu cầu cung cấp thông tin về quyền sử dụng đất quy định tại Thông tư 34/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai.
Nguyễn Nhàn - Vụ Nghiệp vụ 1


Theo cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: