Sign In

Một số khó khăn, vướng mắc và bài học rút ra từ thực tiễn xác minh điều kiện thi hành án

05/06/2018

Xác minh điều kiện thi hành án là thủ tục rất quan trọng trong thi hành án dân sự đã được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự. Xác minh điều kiện thi hành án, đặc biệt là xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là hoạt động có tính chất quyết định đối với thành công của việc thi hành án dân sự.
Nhìn chung, pháp luật đã quy định khá cụ thể về xác minh điều kiện thi hành án và thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy các Chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự đã chú trọng tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, góp phần rất lớn cho việc tổ chức thi hành án dân sự hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay trong công tác xác minh điều kiện thi hành án vẫn những hạn chế, khó khăn, chưa phát huy hết được vị trí, vai trò của xác minh điều kiện. Việc xác minh đôi khi còn chưa nắm bắt hết được thông tin của người phải thi hành án, đặc biệt là các thông tin về tài sản, về thu nhập do trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ thi hành án tiến hành xác minh còn hạn chế, mặt khác một số cơ quan chức năng còn dè chừng trong việc cung cấp thông tin, số liệu cho cơ quan thi hành án dân sự.
Sau đây xin nêu một số khó khăn, vướng mắc và bài học rút ra từ thực tiễn hoạt động xác minh điều kiện thi hành án.
1. Về mặt cơ sở pháp lý, xác minh điều kiện thi hành án dân sự chưa có chế tài mạnh, phù hợp mang tính bắt buộc đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thâm quyên khi không cung cấp thông tin, xác nhận tài sản. Hiện nay quy định mức xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin nếu không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, trong thực tiễn để xử phạt hành vi này quả thực không dễ dàng bởi sẽ làm ảnh hướng đến mối quan hệ phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Vì vậy, việc cung cấp thông tin vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức, mức độ tự nguyện của cơ quan nắm giữ thông tin. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 sửa đổi theo hướng xác minh tài sản là quyền của người được thi hành án, chứ không phải nghĩa vụ của họ, mà trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Chấp hành viên, cơ qaun thi hành án dân sự. Quy định này một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành án nhưng nhiều trường hợp khó khăn cho Chấp hành viên. Các văn bản quy định xác minh điều kiện thi hành án còn tập trung nhiều ở việc quy định trình tự, thủ tục mà chưa có nhiều quy định cụ thể về nội dung xác minh. Khoản 1 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án... Chấp hành viên phải nêu rõ trong việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Quy định này có khó khăn khi xác minh nhất thiết trong mọi trường hợp Chấp hành viên phải gặp được người phải thi hành án mới lập được biên bản xác minh; mặt khác phải đợi chờ việc kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án từ người phải thi hành án nhiều khi như là một quy định mang tính hình thức. Vì thế, có thể cùng một vụ việc, đối với Chấp hành viên này thì người phải thi hành án hợp tác, cũng là vụ việc đó đối với Chấp hành viên khác, người phải thi hành án lại có thái độ chống đối.
Về mặt thực tiễn, khó khăn khi xác minh địa chỉ cư trú, nơi làm việc của các đối tượng phải thi hành án đã bỏ đi khỏi địa phương nhưng chưa chuyển hộ khẩu. Quá trình xác minh điều kiện thi hành án cho thấy rất nhiều trường hợp người phải thi hành án bỏ đi khỏi địa phương làm ăn, sinh sống lâu năm, nhưng hộ khẩu thường trú vẫn còn đăng ký tại địa phương, khi đi không khai báo tạm vắng nên quá trình xác minh hầu hết chính quyền địa phương đều không nắm được địa chỉ cụ thể nơi họ đang sinh sống và làm việc, do quản lý nhân khẩu còn chưa chặt chẽ. Đây là một khó khăn rất lớn đối với công tác xác minh điều kiện về nhân thân của người phải thi hành án, do không có thông tin của người phải thi hành án nên những vụ việc mà người phải thi hành án không có mặt tại địa phương phần lớn được phân loại việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, điều này đã làm tăng số lượng án tồn đọng mà không có biện pháp khắc phục, là nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ giải quyết của Chấp hành viên, đặc biệt ảnh hưởng đến tiêu chí giảm án tồn được giao cho đơn vị thi hành án dân sự.
Khó khăn trong hoạt động xác minh điều kiện về tài sản của người phải thi hành án. Một là, đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tại cơ quan chức năng. Thực tiễn khi xác minh các tài sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án tại cơ quan chức năng như: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án gặp phải không ít khó khăn như: Hồ sơ lưu trữ các tài liệu liên quan đến thông tin tài sản của người phải thi hành án trong quá trình bảo quản bị mất mát hoặc hư hỏng, tâm lý e ngại, thoái thác trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân khi cung cấp các thông tin tài sản đã gây khó khăn cho hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Việc xác minh người phải thi hành án là chủ sở hữu, sử dụng đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng là cơ sở pháp lý để Chấp hành viên căn cứ vào đó để ra các biện pháp giải quyết như áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế theo quy định phù hợp với từng vụ việc cụ thể. Xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là nghiệp vụ không thể thiếu trong hoạt động giải quyết án của Chấp hành viên, nhưng thực tiễn xung quanh vấn đề tài sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng còn rất nhiều bất cập do nhận thức và trình độ hiểu biết các quy định về tài sản đăng ký quyền sở hữu, sử dụng còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phụ trách lĩnh vực đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản trình độ chuyên môn còn hạn chế đã gây một số khó khăn nhất định trong công tác xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Quá trình xác minh điều kiện thi hành án có rất nhiều trường hợp người phải thi hành án có nhà ở, nhưng đất lại đứng tên bố mẹ người phải thi hành án, vì vậy việc xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án là việc rất khó thực hiện. Thực tế cho thấy đối với việc xác minh để xác định tài sản riêng của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để xử lý đảm bảo việc thi hành án đối với người phải thi hành án là vấn đề rất khó khăn. Hai là,đối với tài sản không có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tại cơ quan chức năng. Thực tế qua hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho thấy việc xác minh tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng là việc không đơn giản có nhiều trường hợp tại gia đình người phải thi hành án có tài sản không có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng họ đến trình bày là tài sản của người khác hoặc tài sản do người khác gửi, việc xác minh xem tài sản này có chính xác là của người phải thi hành án hay không thường rất khó, điều này đã tạo ra nhiều lúng túng cho Chấp hành viên trong hoạt động thi hành án và cũng là nguyên nhân dẫn đến các đơn thư khiếu kiện đối với cơ quan thi hành án dân sự.
Khó khăn trong hoạt động xác minh điều kiện về thu nhập của người phải thi hành án. Thu nhập là khoản tiền mà người phải thi hành án có được khi thực hiện một công việc nhất định, là khoản thu nhập đảm bảo cuộc sống cho người phải thi hành án và gia đình. Thu nhập nói chung có 02 loại: Thu nhập thường xuyên được hiểu là các khoản thu nhập phát sinh thường xuyên, có tính chất đều đặn và ổn định trong năm và có thể dự tính được, bao gồm: Các khoản thu nhập dưới các hình thức tiền lương, tiền công, tiền thù lao; các khoản thu nhập dưới hình thức là các khoản thường mang tính chất tiền lương, tiền công bằng tiền, bằng hiện vật từ các nguồn khác nhau của người lao động. Thu nhập không thường xuyên là các khoản thu nhập phát sinh theo từng lần, từng đợt riêng lẻ, không có tính chất đều đặn dưới mọi hình thức. Để xác định chính xác thu nhập của người phải thi hành án, đặc biệt là mức thu nhập đối với người phải thi hành án không có công ăn việc làm ổn định thường rất khó, người phải thi hành án thường giấu mức thu nhập của họ hoặc có cung cấp cũng đưa ra mức thu nhập rất thấp nhằm né tránh nghĩa vụ thi hành án. Do vậy đối với các đối tượng này phần lớn chỉ có thể ước tính thu nhập của người phải thi hành án bằng các thông số mang tính chất tương đối, không thể chính xác tuyệt đổi, riêng đối với khoản thu nhập từ hoạt động gửi tiết kiệm tại Ngân hàng việc xác minh cũng khó khăn do Ngân hàng có nguyên tắc về giữ bí mật thông tin đối với khách hàng. Có thể nói đây là khó khăn mà hoạt động xác minh thưởng gặp phải, ảnh hưởng đến việc xác định đối tượng phải thi hành án có điều kiện thi hành hay không.
Khó khăn trong hoạt động xác minh đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam. Thực tế quá trình xác minh điều kiện thi hành án có rất nhiều trường hợp người bhải thi hành án đang chấp hành án tại trại giam, nhưng gia đình và địa phương không có thông tin gì về trại giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành án.
Khó khăn trong việc phối hợp với chính quyền cơ sở, trước hết, nguồn cung cấp thông tin rất quan trọng là UBND và công an cấp xã, vì các thông tin liên quan đến người phải thi hành án cũng như thông tin về điều kiện thi hành án được cung cấp một cách đầy đủ, cụ thể ở nơi này. Hầu hết, trong các hồ sơ thi hành án, các thông tin mà Chấp hành viên có được trong hồ sơ thi hành án là do UBND, công an cấp xã cung cấp. Tuy nhiên, nhiều khi UBND cấp xã không chú trọng công tác này, xác nhận chưa chính xác. X xin nêu một ví dụ minh họa, theo nội dung Bản án số 72/DSST ngày 28/9/20l6 của Tòa án nhân dân quận B, thành phố H thì ông Lê Công V có địa chỉ thường trú tại phường A, quận B, thành phố H có nghĩa vụ phải trả cho Ngân hàng T số tiền là 19.123.487đồng, trong đó tiền gốc là 15.481.702 đồng và tiền lãi tính đến ngày 28/9/2016 là 3.641.785 đồng; ông Lê Công V còn phải có trách nhiệm thanh toán lãi phát sinh từ ngày 29/9/2016 cho đến khi trả hết nợ theo lãi suất quy định. Về án phí dân sự sơ thẩm ông Lê Công V chịu 1.142.000 đồng. Hoàn trả Ngân hàng T số tiền 1.142.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai số 001647 ngày 15/7/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận B, thành phố H. Ngày 05/11/2017, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận B đã ra Quyết định thi hành án chủ động số 193/QĐ-CCTHADS và Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 31/QĐ-CCTHADS theo đúng nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật nêu trên. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận B phân công Chấp hành viên trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc trên. Chấp hành viên phụ trách việc thi hành quyết định thi hành án đã tiến hành các thủ tục tống đạt và niêm yết quyết định thi hành án theo đúng quy định pháp luật. Hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng ông C không tự nguyện thi hành, Chấp hành viên giao cho Thư ký thi hành án dân sự tiến hành thủ tục xác minh điều kiện thi hành án của ông Lê Công V. Theo nội dung Biên bản về việc xác minh điều kiện thi hành án ngày 22/01/2017 có nội dung “ông Lê Công V hiện nay đang sinh sống cùng vợ là bà Trần Thị Hoa Tiêu và một người con trên nhà và đất của bố mẹ ruột ông V là ông Nguyễn Văn Độ và bà Phạm Thị An. Ông V không có nghề nghiệp, không có thu nhập gì, sống phụ thuộc vào gia đình. Tại địa phương, ông V không có bất kỳ tài sản gì để đảm bảo thi hành án. Chấp hành viên đã căn cứ vào biên bản xác minh điều kiện thi hành án mà Thư ký cung cấp đã đề xuất Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận B ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với 02 Quyết định thi hành án đo. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận B kiểm tra hồ sơ và nhận thấy kết quả xác minh còn thiếu chính xác và chưa đầy đủ nên đã yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh lại. Kết quả xác minh ngày 30/01/2017, với sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A, quận B, công chức địa chính, công chức Tư pháp - Hộ tịch thì thấy hiện nay ông Lê Công V cùng bố mẹ ruột là ông Nguyên Văn Độ và bà Phạm Thị An, cùng vợ và con có đăng ký thường trú và đang sinh sống tại địa chỉ tại phường A, quận B, thành phố H. Ông Lê Công V đã được Ủy ban nhân dân quận B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đối với thửa đất số 07, tờ bản đồ số 02, diện tích 52m2 tại phường A, quận B, thành phố H. Hiện tài sản trên không có tranh chấp gì. Ngoài tài sản trên ở địa phương ông Lê Công V không đứng tên bất kỳ một tài sản gì khác. Chấp hành viên cùng chính quyền địa phương tiến hành xác minh thực tế tại thửa đất tổ 07, tờ bản đồ số 02, diện tích 52m2 tại tại phường A, quận B, thành phố H có 01 ngôi nhà cấp 4 có diện tích khoảng 48 m2. ông Lê Công V cùng bố mẹ, vợ và một con đang sinh sống trên thửa đất này. Ông Lê Công V không có nghề nghiệp, không có thu nhập gì. Nguồn thu nhập của gia đình sống chủ yếu bằng việc làm thuê của vợ ông V tại một khu công nghiệp trên địa bàn quận B. Ngoài đồ dùng sinh hoạt phục vụ cuộc sống tối thiểu hàng này, ông Lê Công V không có bất kỳ tài sản gì khác có giá trị để đảm bảo thi hành án. Qua trao đổi với chính quyền địa phương, Chấp hành viên được biết về nội dung biên bản xác minh ngày 22/01/2017 là do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường không để ý đến nội dung biên bản xác minh mà Thư ký thi hành án đã viết sẵn có xác nhận của công chức Tư pháp - Hộ tịch nên ông ký xác nhận vào, thực tế thì chính quyền địa phương cũng không trực tiếp đến gia đình ông Lê Công V để tiến hành xác minh. Khắc phục tình trạng không đúng của việc xác minh điều kiện thi hành án, ngày 02/02/2017, Chấp hành viên đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án về việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của Ông Lê Công V tại phường A, quận B, thành phố H. Việc xác minh trực tiếp và đưa ra kết quả chính xác đã giúp Chấp hành viên có những định hướng chính xác trong hoạt động giải quyết hồ sơ thi hành án, tiến hành kê biên, cưỡng chế tài sản của ông Lê Công V để đảm bảo việc thi hành án.
2. Thông qua bất cập từ pháp luật và thực tiễn rút ra một số vấn đề về xác minh điều kiện thi hành án được rút ra như sau:
- Thứ nhất, trước khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên phải kiểm tra các điều kiện xác minh chủ động hay theo yêu cầu để tính toán chi phí xác minh phù hợp. Chấp hành viên phải khai thác triệt để các thông tin có được trước khi tiến hành xác minh thông qua việc phân tích bản án, các văn bản kèm theo đơn yêu cầu thi hành án và qua thông tin cung cấp của nguời được thi hành án. Để xác minh một nội dung, một sự kiện hay một vấn đề nào đó, Chấp hành viên cần phải tìm kiếm các thông tin. Việc thi hành án có thành công hay không và thành công ở mức độ nào phụ thuộc một phần vào khả năng tìm kiếm thông tin của Chấp hành viên. Chấp hành viên và Thư ký thi hành án dân sự được Chấp hành viên thụ lý hồ sơ phân công thực hiện việc xác minh phải thực hiện đúng các nguyên tắc khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án đó là trực tiếp xác minh và xác minh phải kịp thời, chính xác và đầy đủ. Biên bản xác minh điều kiện thi hành án phải sử dụng mẫu biên bản xác minh do Bộ Tư pháp ban hành; ghi đầy đủ các tiêu mục trên biên bản có sẵn như thời gian, địa điểm, thành phần, chức danh của các thành phần tham gia. Phải gạch chéo những phần còn trống trong biên bản; chọn lọc các thông tin do người cung cấp trao đổi, cách viết phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp với các quy định pháp luật về thi hành án, nội dung xác minh phải làm rõ những vấn đề đã xác định trong kế hoạch, biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham gia và có đóng dấu; không tẩy xóa, không được viết lan man hoặc những việc không liên quan đến nội dung cần xác minh điều kiện thi hành án.
 - Thứ hai, quá trình xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên cần lập kế hoạch xác minh, từ đó, xác định cụ thể các nội dung cần xác minh, đối tượng xác minh, đối tượng để cung cấp thông tin, thời gian, địa điểm tiến hành xác minh và phải chuẩn bị tốt tâm lý, các loại biểu mẫu, phương tiện cần thiết cho việc xác minh. Trên cơ sở các thông tin khai thác được, Chấp hành viên lập kế hoạch xác minh, Chấp hành viên có thể soạn thảo thành văn bản hoàn chỉnh, hoặc có thể dưới dạng các gạch đầu dòng hoặc dưới dạng các định hình những công việc cần thực hiện. Việc lập kế hoạch xác minh đối với Chấp hành viên thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, đây là quá trình tự rèn luyện để nâng cao năng lực chuyên môn, thông qua quá trình tác nghiệp với hồ sơ tự mình rút ra kinh nghiệm để lần sau thực hiện tốt hơn. Kế hoạch xác minh phải được xây dựng trên cơ sở mục đích của lần xác minh đó. Sau khi có kết quả xác minh, Chấp hành viên đối chiếu với kế hoạch, nhiệm vụ xác minh đã đặt ra trước đó để rút kinh nghiệm. Việc lập kế hoạch xác minh đảm bảo thực hiện mục đích của quá trình giải quyết hồ sơ, xác minh diễn ra thuận lợi, hiệu quả, đúng pháp luật; tạo chủ động, khoa học trong việc giải quyết việc thi hành án của Chấp hành viên và sự phối hợp của các cơ quan, cá nhân liên quan trong công tác xác minh thi hành án. Khi xác minh được thông tin, Chấp hành viên phải phân tích và có suy luận logic đối với thông tin đó để phán đoán được những thông tin tiếp theo cần bổ sung để có được kết quả xác minh đáp ứng quá trình giải quyết thi hành án.
Quá trình xác minh, Chấp hành viên hoặc giao cho Thư ký thi hành án dân sự phải trực tiếp tiến hành xác minh để đảm bảo tính khách quan của kết quả xác minh, khi giao cho thư ký giúp việc phải có sự kiểm tra lại; khi xác minh phải đảm bảo chặt chẽ và đầy đủ các thông tin, đáp ứng đúng mục đích xác minh để giải quyết việc thi hành án, tránh tình trạng xác minh sơ sài, ảnh hưởng đến kết quả xác minh và kết quả giải quyết thi hành án.
Trên cơ sở những thông tin đã xác minh, Chấp hành viên phải tổng hợp và kiểm tra tính xác thực của thông tin, nếu cần đưa ra trao đổi, bàn bạc với các đồng nghiệp khác để tìm hướng giải quyết thi hành án thích hợp trên cơ sở kết quả thông tin đã tổng hợp.
- Thứ tư, Chấp hành viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn về xác minh điều kiện thi hành án để áp dụng trên thực tế, đảm bảo cho việc xác minh có kết quả và sử dụng được kết quả xác minh trong quá trình giải quyết thi hành án, hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Xác minh điều kiện thi hành án là một nghiệp vụ của Chấp hành viên trong việc tìm kiếm các thông tin phục vụ công tác giải quyết việc thi hành án. Tiến trình xác minh đòi hỏi Chấp hành viên phải vận dụng rất nhiều kỹ năng để có thể nắm bắt được thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Từ đó, Chấp hành viên mới có được kết quả xác minh đáp ứng được mục đích, yêu cầu phục vụ cho công tác tổ chức thi hành án của mình. Thông qua xác minh, Chấp hành viên sẽ mạnh dạn tiến hành các bước giải quyết tiếp theo trong quá trình tổ chức thi hành quyết định thi hành án. Kết quả xác minh đầy đủ, Chấp hành viên sẽ nhanh chóng và thuận lợi để giải quyết thi hành án, nếu xác minh sơ sài, không chặt chẽ, Chấp hành viên sẽ khó khăn trong việc tìm ra hướng giải quyết việc thi hành án, dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án, người phải thi hành án dễ chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, thậm chí có trường hợp người phải thi hành án tẩu tán tài sản mà không bị phát hiện, nếu bị khiếu nại sẽ phải bồi thường.
- Thứ năm, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho Chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự. Thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu về xác minh điều kiện thi hành án cho Chấp hành viên và Thư ký thi hành án. Điều này, có ảnh hưởng quan trọng, quyết định đến hiệu quả xác minh trong thi hành án dân sự. Bản thân Chấp hành viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn về xác minh điều kiện thi hành án để ứng dụng trên thực tế, đảm bảo cho việc xác minh có kết quả và sử dụng kết quả xác minh trong quá trình giải quyết thi hành án, hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
- Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thi hành án dân sự, tập trung kiểm tra đối với các đơn vị có lượng án phải thi hành lớn. Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự chỉ đạo Lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ, các Chấp hành viên kiểm tra, tự kiểm tra hồ sơ thi hành án để kịp thời khắc phục thiếu sót, tránh để xảy ra vi phạm, báo cáo Lãnh đạo đơn vị về tiến độ và kết quả tổ chức thi hành án định kỳ hàng tháng, hàng quý. Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự cần nâng cao trách nhiệm sự, tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Các Chi cục cần báo cáo Cục Thi hành án dân sự và Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự để có cơ chế phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Công an trong công tác phối hợp xác minh điều kiện thi hành án, chủ động, tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát, Công an. Công tác kiểm tra có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước đối với hệ thống thi hành án dân sự. Thông qua công tác kiểm tra, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đánh giá được thực chất kết quả thi hành án. Trên cơ sở đánh giá kết quả thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Tổng cục Thi hành án dân sự dự báo, giao chỉ tiêu thi hành án dân sự phù hợp và để xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án của Hệ thống được chính xác.
- Thứ bảy, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để nâng cao nhận thức và tác động trực tiếp đến ý thức của người phải thi hành, người phải thi hành án và tổ chức, cá nhân khác liên quan trong xác minh điều kiện thi hành án, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần đầy đủ, toàn diện về xác minh điều kiện thi hành án.
Trang Tuấn


Theo cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: